Sonntag, 13. Juli 2014

Tỉnh Hậu Nghĩa :TRUNG LẬP trận đánh nhỏ trong chiến dịch lớn


Tỉnh Hậu Nghĩa   được thành lập theo sắc lệnh số 124/NV ngày 14/10/1963 của Tổng thống VNCH[1]
        (1). Tỉnh lỵ là Khiêm Cương đặt tại Bàu Trai và gồm có 4 quận là Củ Chi, Đức Hòa, Đức Huệ và Trảng Bàng với diện tích khoảng 1600 km2
        (2). Dân số gồm 176 148 người (theo thống kê năm 1965), xem Sơ đồ 1. Lý do thành lập tỉnh đã được vị tỉnh trưởng đầu tiên ghi lại như sau:

        (3). “Địch thường lợi dụng khai thác phần đất ranh giới ở quá xa giữa tỉnh này và tỉnh kế cận. Trong khi đối với chúng, địa bàn hoạt động của huyện ủy, tỉnh ủy vẫn giữ nguyên ranh giới của các địa phưong từ thời trước năm 1945.
Quận Trảng Bàng có những xã nằm tại phía đông, đông-nam như An Tịnh, Lộc Hưng, giáp với quận Củ Chi, tây-nam như An Hòa giáp với Đức Hòa mà tiểu khu Tây Ninh gặp trở ngại khi điều quân khoảng cách tương đối xa, vì kiểm soát không được chặt chẽ lắm, nên xe của tiểu khu Tây Ninh thỉnh thoảng bị giựt mìn ở Suối Sâu trên quốc lộ 1 cách tỉnh lỵ Tây Ninh 65 km. Quận Củ Chi có những địa danh Trung Lập, Lào Táo ở phía tây-bắc; Mũi Lớn, Thái Mỹ thì nằm dọc theo kinh Thầy Cai, giáp với quận Đức Hòa đầy sình lầy bưng lát là hành lang di chuyển thuận tiện của đối phương mà tiểu khu Bình Dương không thể kiểm soát được vì quá trắc trở. Quận Đức Hòa có những địa danh như Rạch Nhum, An Ninh, Lộc Giang nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, Đức Lập, Mỹ Hạnh, nằm dọc theo kinh Thầy Cai, Kinh Xáng, sình lầy bưng lát nằm tận phía đông-bắc của tiểu khu Long An, quận Đức Huệ nằm tận phía bắc, tây-bắc của tiểu khu Long An là phần đất bỏ ngõ”.
         Sau khi chiếm miền Nam, chính quyền CS cho giải tán tỉnh Hậu Nghĩa. Quận Trảng Bàng được sáp nhập vào tỉnh Tây Ninh. Quận Củ Chi thuộc thành phố HCM. Hai quận Đức Hòa và Đức Huệ trả về cho tỉnh Long An. Thị trấn Hậu Nghĩa trở thành huyện lỵ của huyện Đức Hòa, một trong 14 đơn vị hành chánh của tỉnh Long An mới, được thành lập từ tháng 2/1976 do sáp nhập 2 tỉnh Long An, Kiến Tường và một phần của tỉnh Hậu Nghĩa cũ. Những thông số về địa dư và dân số các quận của tỉnh Hậu Nghĩa (cũ) được cho trong Bảng 1 (4-5) :

BẢNG 1 : NHỮNG QUẬN (CŨ) CỦA TỈNH HẬU NGHĨA
THEO THỐNG KÊ NĂM 1997
QUẬN, HUYỆN
DIỆN TÍCH[km2]
DÂN SỐ
Đức Hòa
  441.8
188 500
Đức Huệ
  420.2
  62 300
Trảng Bàng
  334.5
134 300
Củ Chi
  426.7
261 800
TỔNG CỘNG
1623.2
646 900
        Năm 1802, Củ Chi là vùng đất thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An thời vua Gia Long. Năm 1832, vua Minh Mạng chuyển các trấn thành lục tỉnh. Trấn Phiên An trở thành tỉnh Phiên An. Sau khi dẹp yên loạn Lê Văn Khôi, tỉnh lại được đổi tên thành tỉnh Gia Định. Năm 1836, Củ Chi thuộc huyện Bình Dương của tỉnh Gia Định. Ngày 29/7/1957, chính phủ VNCH ra nghị định số 138/BNV/HC/NĐ ấn định các đơn vị hành chánh của tỉnh Gia Định. Tỉnh gồm có 6 quận, 4 quận cũ đã có từ thời Pháp là Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè và 2 quận mới là Tân Bình và Bình Chánh. Đến ngày 30/8, 3 tổng Long Tuy Thượng, Trung và Hạ của quận Hóc Môn được tách ra để thành lập quận Củ Chi đặt trực thuộc tỉnh Bình Dương. Năm 1963, phân nửa quận Củ Chi (206.8 km2) vẫn giữ tên cũ và thuộc tỉnh Hậu Nghĩa trong khi phân nửa còn lại (237.0 km2) là quận Phú Hòa của tỉnh Bình Dương. Trong giai đoạn sau cùng của chiến tranh, quận Củ Chi gồm có 7 xã là Tân Phú Trung, Tân Thông, Tân An Hội, Phước Hiệp, Phước Vĩnh Ninh, Thái Mỹ và Trung Lập (6).
        Sau hiệp định Genève 1954, VC thiết lập hệ thống hành chánh chìm song hành với hệ thống của chính phủ quốc gia. Sau đó, CS cho sáp nhập hai tỉnh Tây Ninh và Gia Định thành tỉnh Gia Định Ninh, thuộc phân liên khu miền Đông. Đầu năm 1960, Trung ương cục miền Nam cho sáp nhập tỉnh Gia Định vào đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Quận Hóc Môn được chia thành hai là Hóc Môn và Củ Chi. Quận Củ Chi trực thuộc đặc khu SG-GĐ. Tháng 5/1961, VC cho tái lập các quân khu. Phân liên khu miền Đông trở thành quân khu 7 gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Phước Thành, Biên Hòa và Bà Rịa. Quân khu SG-GĐ gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và 3 huyện Củ Chi, Phú Hòa, Dĩ An. Huyện Hóc Môn được sáp nhập với huyện Gò Vấp thành huyện Gò Môn. Cuối năm 1967, VC giải thể đặc khu SG-GĐ và quân khu 7 rồi chia lại thành 6 phân khu để chuẩn bị cho cuộc TCK tết Mậu Thân[2]. Lúc bấy giờ, Củ Chi và Trảng Bàng nằm trong địa bàn của phân khu 1 trong khi Đức Hòa và Đức Huệ thuộc phân khu 2 (7). Sau tết, Củ Chi bị QLVNCH và đồng minh càn quét mạnh nên VC gặp khó khăn về giao thông và liên lạc. Củ Chi do đó được chia thành Nam Chi và Bắc Chi vào tháng 8/1968. Năm 1972, Trung ương cục miền Nam sáp nhập hai phân khu 1 và 6 lại thành quân khu ủy SG-GĐ với 4 quận mới là Hóc Môn, Gò Vấp, Củ Chi và liên quận 2-4[3]. Sau khi hiệp định Paris được ký kết (tháng 1/1973), khu ủy và BTL đặc khu SG-GĐ xâm nhập trở lại Củ Chi. Ngày 13/1/1973, Nam Chi và Bắc Chi được sáp nhập trở lại thành huyện Củ Chi như trước. Hệ thống hành chánh chìm này được CS duy trì cho đến năm 1975.
        Về địa hình, xã Trung Lập chỉ cách Sài Gòn khoảng 35 km, cách Tây Ninh khoảng 64 km theo đường chim bay. Xã còn là ranh giới của vùng oanh kích tự do. Từ văn phòng hội đồng xã chỉ cần đi thêm khoảng 500 mét lên phía bắc là đến suối Bà Cả Bảy. Bên kia rạch (suối) là vùng oanh kích tự do. TL-7A là con đường thông dụng để đi vào xã và cũng là đường tiếp tế nhu yếu phẩm cho VC. Do đó việc đắp mô, gài mìn bẫy, phục kích trên khoảng đường này để tạo áp lực là điều thông thường. Trên phương diện chính trị, đây là vùng xôi đậu, nơi luôn luôn có sự tranh chấp nhân tâm giữa quốc gia và CS (6). Sau này tiểu khu Hậu Nghĩa đã cho thiết lập yếu điểm Trung Lập để cắt đứt nguồn tiếp tế cho mật khu Hố Bò (8).
        Sau năm 1975, hai quận Củ Chi và Phú Hòa được sáp nhập trở lại, gồm thị trấn Củ Chi và 20 xã, trở thành một huyện ngoại thành của thành phố HCM.
        Hậu Nghĩa thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mỗi năm gồm có 2 mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng chạp đến tháng 4 năm sau. Tỉnh nằm sâu trong đất liền nên ít chịu ảnh hưởng của giông bão. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27.4ºC. Một năm có khoảng 120 ngày mưa. Mỗi ngày trung bình có đến 6 giờ nắng. Vũ lượng trung bình hàng năm là 1800-2200 mm. Độ ẩm trung bình hàng năm là 70-80%. Mỗi năm có gió mùa tây-nam trong mùa mưa và gió bắc đông-bắc trong mùa khô. Gió mùa tây-nam thường là gió mạnh nhất trong năm.
        Trên phương diện giao thông đường bộ, quận Củ Chi có hai hệ thống lưu thông dọc và ngang. Đường dọc đầu tiên là QL-1 từ Sài Gòn qua Cầu Bông (quận Hóc Môn) lên đến Suối Sâu[4] cũng là ranh giới giữa 2 quận Củ Chi và Trảng Bàng, rồi chấm dứt tại Gò Dầu Hạ. QL-22 tiếp nối từ Gò Dầu theo hướng tây-bắc để đi Tây Ninh. Từ Tây Ninh nếu tiếp tục đi theo QL-22 sẽ đến Xa Mát rồi sang Kompong Chàm của Cao Miên; nếu rẽ trái sẽ đi sang Chí Phù và Xoài Riêng của Campuchia bằng LTL-13. Bây giờ đoạn QL-22 từ thị trấn Gò Dầu lên đến Xa Mát là QL-22B trong khi LTL-13 trở thành QL-22A. Đường dọc thứ nhì là tỉnh lộ 15 (bây giờ đoạn từ Hóc Môn ra dài khoảng một cây số là đường Trưng Nữ Vương, đoạn tiếp theo chạy đến Cầu Xáng có tên là đường Đỗ Văn Dậy[5]) chạy dọc theo sông Sài Gòn từ Hóc Môn qua ấp Nhà Việc lên ngả ba Tân Quy (vị trí này được ghi trên bản đồ hành quân cũ là Paris [6]), Bến Cỏ (chi khu Phú Hòa), Bến Đình[7], đi ngang qua đồn điền Solirène rồi thẳng lên Bến Dược [8]. Đoạn này của sông Sài Gòn là ranh giới giữa hai tỉnh Tây Ninh và Hậu Nghĩa. TL-15 cũng chấm dứt tại đây. Bên kia sông là Bến Súc, đỉnh phía tây của khu Tam Giác Sắt[9]. Ngoài ra còn có một con lộ đất (HL-237) từ Bố Heo của quận Trảng Bàng đi xuống Trung Hưng ra thẳng chợ Tân Phú Trung. Bề ngang hương lộ vừa đủ để hai xe bò tránh nhau khi đi ngược chiều. Con đường này đã hiện hữu khá lâu đời. Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, nước Cao Miên nhận thần phục Việt Nam và mỗi năm phải cử phái đoàn mang theo phẩm vật sang triều cống. Để đi ra Huế thì phái đoàn phải đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh, gọi là đường cống sứ, sau này trở thành QL-22 và đường cái quan (QL-1), bây giờ được gọi chung là QL-22 hay xa lộ xuyên Á. Con đường thứ nhì chỉ dùng để chuyển vận quân đội và quân dụng, hàng hóa tiếp tế được gọi là đường sứ. Dọc theo đường sứ này có nhiều trạm để thay đổi ngựa. Lộ trình huyết mạch giữa Gia Định và Nam Vang, quân đội Việt Nam đã nhiều lần sử dụng con đường này để hành quân tiếp cứu nước Cao Miên khi bị quân Xiêm xâm lược (9). Đường sứ chính là HL-237 hay TL-2 bây giờ, đi từ Gia Định, Hóc Môn qua ngả ba Thằng Tây, Tân Phú Trung, chạy ngang xã Trung Lập của quận Củ Chi, đi tiếp lên trảng Lông Công rồi qua ngả tư Bàu Đồn để đi lên Cầu Khởi, dài khoảng 100 km (10), xem Sơ đồ 2.
        Hệ thống giao thông ngang gồm hai tỉnh lộ 7A và 8A. TL-7A[10] từ chợ An Nhơn Tây ra Suối Cụt, giao tiếp với TL-10 rồi đi qua xã Thái Mỹ ra gặp QL-1 tại ngả tư Phước Hiệp, sau đó đi thẳng vào ngả tư Gò Nổi[11] trước khi đến xã Trung Lập. TL-8A dẫn từ Bàu Trai qua tỉnh lỵ Khiêm Cương. Sau khi ra khỏi tỉnh lỵ, tỉnh lộ chạy theo hướng đông-bắc, thẳng góc với kinh Thày Cai. Vượt qua kinh là đến Củ Chi, Đồng Dù, sau đó gặp QL-1 rồi TL-15, nối liền với thị xã Phú Cường (bây giờ là tx Thủ Dầu Một) của tỉnh Bình Dương (xem Hình 1-10).
         Củ Chi cũng có một hệ thống giao thông đường thủy khá thuận lợi. Sông Sài Gòn dài khoảng 54 km, là một phụ lưu của sông Đồng Nai, phát nguyên từ biên giới Việt-Miên, chảy theo hướng bắc nam, qua Tây Ninh, làm ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Hậu Nghĩa và Bình Dương, xuống Sài Gòn rồi đổ vào sông Đồng Nai ở Tân Thuận Đông. Trên sông có bến Phú Cường, nơi đặt căn cứ của một giang đoàn xung phong để bảo vệ thủy trình này. Quận Củ Chi còn có những con suối (rạch) như Thai Thai (Phú Mỹ Hưng), Hố Bò, rạch Kè, rạch Láng The, rạch Bà Phước, rạch Sơn. Ngoài ra còn có một hệ thống kinh đào mà lớn nhất là kinh Thày Cai dài khoảng 24 km ở phía tây-nam, sông Rạch Tra (rạch Cầu Bông) nối Tân Phú Trung với Bình Chánh, kinh Đức Lập ở Nhuận Đức - Trung Lập, kinh Xáng Cầu Hồ tại Tân Phú Trung - Phước Vĩnh An.
        Trên phương diện quân sự, VC có 5 đường xâm nhập từ Cao Miên đi vào lãnh thổ quân khu 3 của VNCH, được các giới chức tình báo Mỹ phân biệt như sau (11), xem Sơ đồ 3 :
  • Đường thứ 1 từ mật khu 707 trên biên giới Việt - Miên mang tên đường mòn X-Cache để chuyển tiếp tại mật khu 355 trước khi đi xuống khu tam giác sắt.
  • Đường thứ 2 có tên Mustang từ mật khu 353 đổ xuống trạm trung chuyển là mật khu 355 rồi đi dọc theo hành lang sông Sài Gòn để vào khu tam giác sắt.
  • Đường thứ 3 là hành lang sông Sài Gòn từ mật khu 352 cũng đi xuống mật khu 355 và chạy dọc theo sông Sài Gòn đến khu tam giác sắt.
  • Đường thứ 4 mang tên Serges Jungle từ mật khu 350 đi dọc theo sông Bé để xâm nhập vào thủ đô.
  • Đường thứ 5 phát xuất từ mật khu 351 và gồm có 2 nhánh. Nhánh đầu tiên được quân đội Mỹ gọi là đường Adams từ mật khu 351 theo hướng bắc nam đi thẳng xuống mật khu 359 ở thượng lưu sông Mã Đà. Nhánh thứ nhì là đường mòn Jolley đi dọc theo ranh giới giữa hai quân khu 2 và 3 của VNCH để vào chiến khu Đ[12].
         Hai đường xâm nhập 3 và 4 do sư đoàn 1 Kỵ binh Không vận Mỹ khám phá vào cuối năm 1968. Hai đường số 1 & 2 được tìm ra vào đầu năm 1969. Đường cuối cùng được phát giác vào cuối năm 1969. Con đường thứ 3 chính là hướng xâm nhập qua hai mật khu Hố Bò[13] và Tầm Lanh ở phía tây-bắc xã Trung Lập. Sau chiến tranh, tài liệu của CS xác nhận tất cả những đường xâm nhập này. Chỉ huy sở của cục hậu cần Miền, một đặt tại mật khu 350, một đóng gần Củ Chi. Trong khi đó, CHS của hậu cần quân khu 7 đặt tại mật khu 713 (12).
         Nói đến Củ Chi, có lẽ cần phải nhắc qua “huyền thoại về địa đạo” của VC. Hệ thống địa đạo đã hiện hữu ở miền đất này từ cuối năm 1946 trong kháng chiến chống Pháp (13), nhưng trong cuộc chiến tranh vừa qua đã được các tài liệu của CS phóng đại quá mức qua những ký giả ngoại quốc không thông hiểu về lịch sử chiến tranh Việt Nam (14) hay thân cộng (15). Chỉ riêng chiều dài tổng cộng 200 km (16) cũng đã được một sĩ quan VC về hồi chánh chứng minh là bịa đặt (17). Một quyển tiểu thuyết nổi tiếng của CS sau chiến tranh, trong khi đề cao vai trò của trung đội nữ du kích Củ Chi cũng phải thừa nhận rằng (18) : “Một ngày sống dưới địa đạo là một ngày gian khổ và căng thẳng nên chị em cảm thấy dài như hàng tháng sống trên mặt đất”.
        Thực tế là trong các cuộc hành quân tìm và diệt của quân đội Mỹ khi trực tiếp vào chiến đấu trên chiến trường miền Nam, công binh Mỹ đã thực hiện các chiến dịch khai hoang Rome Plow với các xe ủi đất Caterpillar (xem Hình 11) phá hủy gần như hoàn toàn hệ thống địa đạo (19-20). Một cán bộ cao cấp thuộc đặc khu SG-GĐ mô tả lại quang cảnh của vùng đất này sau chiến dịch khai hoang (21) :
“Lúc đó Củ Chi bị Mỹ, ngụy ủi trắng thành bình địa, đứng ở bờ sông Sài Gòn có thể nhìn thẳng ra tận đường 22 (đường từ Sài Gòn qua Củ Chi đi Tây Ninh) địa đạo, giao thông hào bị chặt khúc, không còn liên hoàn nữa. Liên lạc với nội đô cực kỳ khó khăn. Liên lạc không thông suốt kể như có tướng mà không có quân, sống chết của Khu ủy lúc đó là phải thông suốt với nội đô. Khu ủy phải tới chỗ nào mà liên lạc với nội đô thuận lợi nhất để chỉ đạo phong trào ở Sài Gòn - Gia Định. Do đó, dẫn tới một cuộc trường chinh đi qua gần như khắp các tỉnh miền Trung Nam bộ. Vấn đề thật không đơn giản, vừa hành quân vừa chiến đấu ác liệt vừa xây dựng hệ thống giao thông nối với nội đô. Căn cứ các địa phương càng ngày càng thu hẹp, pháo đủ loại của địch bắn giao điểm càng dễ tập trung, có lúc hầm của tôi ghim đầy mảnh đạn pháo. Gần như ngày nào, sáng ra trực thăng đầu láng cũng quần đi, quần lại để thám thính, đổ quân, càn quét, chúng tôi ăn vội vàng chuẩn bị chiến đấu cả ngày. Nó đánh bằng trực thăng, chúng ta không thể thoát ly địa hình vào ban ngày được chỉ còn có đánh. Đó là những năm ác liệt cuối 1969-1971”.
        Sau cùng thì BCH đặc khu SG-GĐ phải sống lưu vong, nghĩa là phải rời bỏ mật khu an toàn tại Củ Chi và di chuyển liên tục để trốn tránh những cuộc tảo thanh của QLVNCH (22) :
“Đến năm 1969, bộ phận cấp ủy phụ trách hồi đó (trước đây gọi là phân khu 6, sau này tăng cường thêm đồng chí Võ Văn Kiệt và tôi) đã không trụ nỗi ở Củ Chi. Nguyên do là vì các bàn đạp giao liên nội thành ở vùng ven căn cứ bị chà đi xát lại liên miên không ổn định, bị đứt liên lạc với cơ sở nội thành. Vì vậy chúng tôi buộc phải di chuyển đi nơi khác, hết Mỹ Tho qua Trà Vinh đến Bến Tre rồi quay về biên giới Campuchia, tìm nơi bảo đảm cho giao thông liên lạc với nội thành không bị gián đoạn. Sở dĩ phải di chuyển nhiều như vậy vì nếu không có sự lãnh đạo của cấp ủy, anh em hoạt động nội thành sẽ như rắn không đầu, không kịp thời phản ảnh tình hình và tiếp nhận chủ trương cũng như chỉ đạo của Khu ủy. Về phần chúng tôi không liên lạc được với anh em nội thành thì coi như 'thất nghiệp'”.
         Tài liệu quân sử của CS cũng xác nhận là từ giữa năm 1969, vùng “giải phóng” Củ Chi đã trở thành bình địa. Các đơn vị chủ lực và du kích phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động hoặc ém quân một cách vất vả, gian khổ trong các bụi rậm còn sót lại sau các chiến dịch khai hoang (23). Huyền thoại về địa đạo Củ Chi do đó không còn nữa và cũng không nằm trong phạm vi của bài viết này.
1. DIỄN TIẾN
1.1. Phân Bố Lực Lượng
1.1.1. QLVNCH
        Ngả tư Phước Hiệp[14] (N4/PH) là giao điểm giữa QL-1 và TL-7A, nằm giữa hai chi khu Trảng Bàng ở phía trên và Củ Chi ở phía dưới, từ hướng Sài Gòn lên. Hội đồng xã Phước Hiệp đặt tại đây (xem Hình 12).
        Từ N4/PH theo TL-7A đi về phía tây-nam là xã Thái Mỹ, giữa đường có một đồn cấp trung đội nghĩa quân. Tại ngay Thái Mỹ có đại đội 245(-) thuộc liên đội 20 ĐPQ trấn giữ. Một trung đội của đại đội này đóng tại Gò Gió ở phía nam.
        Theo QL-1 khi qua khỏi N4/PH có đồn Phước An do một tiểu đội NQ đóng giữ. Đi thêm khoảng 2 cây số có đồn Suối Sâu. Quân số đồn này thường thay đổi tùy theo tình hình địa phương. Có khi chỉ là một tiểu đội NQ hay một trung đội ĐPQ, lúc khác là nơi đóng quân của đại đội trinh sát thuộc sư đoàn 25 BB. Nếu đi dọc theo Suối Sâu lên phía bắc khoảng 1 cây số là đồn Vườn Trầu Nhỏ với 1 đại đội ĐPQ.
         Đoạn TL-7 từ N4/PH đi vào xã Trung Lập sẽ gặp hương lộ 237 tại ngả tư Gò Nổi (N4/GN) hay còn gọi là ngả tư Trung Lập. Đoạn đường dài khoảng 4 cây số này có hai đồn NQ là đồn Phước Hiệp và đồn thứ nhì nằm cách N4/PH khoảng 2 cây số.
        Từ N4/GN, nếu theo HL-237 đi về phía đông nam sẽ đến đồn Gia Bẹ (tiểu đội NQ), tiếp tục đi sẽ gặp cổng sau của BTL sư đoàn 25 BB[15]. Nếu đi ngược lên phía tây-bắc cũng có nhiều đồn nhỏ như Dân Hàn, Trung Hưng, v.v. Từ N4/GN đi về phía đông-bắc sẽ vào các ấp của xã Trung Lập là ấp Đồn, ấp Gò Nổi, ấp Lào Táo và ấp Trung Hòa. Hội đồng xã Trung Lập với 1 trung đội NQ được đặt ở cuối đường. Khu vực này có 3 đồn và một căn cứ : một đồn ngay tại N4/GN (tiểu đội NQ), phía bên phải là đồn ấp Đồn, nơi đặt BCH của đại đội ĐPQ và đại đội (-). Trung đội còn lại của đại đội này đóng tại đồn Gò Nổi. Trên phía bắc và đối diện với văn phòng hội đồng xã Trung Lập là trung tâm huấn luyện BĐQ Trung Hòa cũ. Trong căn cứ có một đại đội của sư đoàn 25 BB để bảo vệ hai đại bác 105 ly. Kế cận là một phi trường dã chiến đã bỏ hoang. Khu vực phía tây bao bọc bởi rừng cao su (xem Sơ đồ 4-5).
1.1.2. Việt Cộng
      Lực lượng của VC tham gia tấn công xã Trung Lập gồm tiểu đoàn 1 Quyết Thắng[16](TĐ1/QT), đại đội 7 Địa phương Củ Chi, trung đội an ninh huyện Củ Chi và du kích các xã lân cận (24).
        Kế hoạch tấn công gồm 3 mũi chính :
  • Đại đội 2 của TĐ1/QT, trung đội an ninh và du kích các xã An Nhơn Tây, An Nhơn Đông, Nhuận Đức, Trung Lập đánh từ hướng đông.
  • Hai đại đội 3, 4, đại đội 7 ĐP và du kích các xã Trung Lập Thượng, An Phú, Phú Mỹ Hưng tấn công xã Trung Lập từ hướng tây.
  • Đại đội 1 cùng với du kích hai xã Phước Thạnh và Phước Hiệp đào hầm hố gần ấp Đồn để phục kích viện binh từ N4/PH đi vào.
1.2. Trận Đánh
        16 giờ ngày 24/4/1972, các đơn vị của CS bắt đầu tiến sát mục tiêu. Tuy nhiên đến 19.30 giờ, mũi của đại đội 2 bị phát giác nên phải nổ súng. Khoảng 15 phút sau, hướng phía tây cũng bị lộ diện. VC bắn cầm chừng để đại đội 7 ĐP chuyển đội hình tấn công từ hướng tây-bắc xuống. Dĩ nhiên NDTV không thể chận đứng được nên VC vào chiếm ấp Trung Hòa.
        Một tài liệu mới hơn cũng của CS lại trình bày chi tiết cuộc tấn công khác đi. Theo đó, ba đại đội của TĐ1/QT đồng loạt tấn công từ hướng tây trong khi đại đội 7 Bắc Chi phục kích để ngăn chận viện binh. Trận đánh được mô tả lại như sau (21) :
“Ngày 25 tháng 5, chiến sự diễn ra dữ dội, lực lượng ta phải đương đầu 6 đại đội chủ lực và bảo an. Ở ấp Bàu Điều, địch điều thêm 3 đại đội bảo an và chủ lực, 2 chi đoàn thiết giáp, 1 trung đội công binh đến chi viện. Pháo Chà Rày, Đồng Dù bắn tới tấp yểm trợ cho quân địch phản kích và cho 10 lượt máy bay phản lực dội bom vào trận địa ta. Sau các đợt đánh phản kích ác liệt, đến chiều 25 tháng 5, các chiến sĩ Tiểu đoàn Quyết Thắng và du kích đã diệt 90 tên địch. Đêm 25 rạng 26 tháng 5, ta tấn công lần nữa vào đồn bảo an 132 ở Gò Nổi và 2 lô cốt trong ấp chiến lược Bàu Điều. Các đơn vị pháo binh Quân khu và địa phương bắn phá dữ dội vào các căn cứ Đồng Dù, Chà Rày, Trảng Bàng, Củ Chi”.
        Hai trận đánh có vẻ khác nhau nhưng lại xảy ra ở cùng một vị trí và thời điểm khiến người ta có thể ngờ vực tính xác thực. Chi tiết được tài liệu của CS ghi lại do đó có thể không đúng như sự thật nhưng diễn tiến phần nào đã được xác nhận bởi một sĩ quan của tiểu khu HN và cũng là người địa phương (25) :
“Trung Lập bị đánh đấm hoài[17], nhưng VC chưa một lần chiếm được từ khi có trung tâm huấn luyện Biệt Động Quân Trung Hòa, rồi Sư Đoàn 25, sau cùng bàn giao lại cho Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, chỉ có năm 1972, VC đột nhập được  năm ngày đêm mà chỉ đào công sự nằm được từ chợ Trung Hòa đến cổng ngoài nhà Năm Ngà, còn bên trong đồn có Sư Đoàn 5 và Nghĩa Quân văn phòng, văn phòng xã, hướng ngoài Lào Táo thì có Địa Phương Quân. Bị bom đạn rót xuống đầu, xung quanh bị xe tăng và các lực lượng bao vây nên chúng đành rút lui mang đi số người bị thương và chết”.
        Sáng sớm ngày 25/4, đại đội BB từ căn cứ Trung Hòa ra giải tỏa nhưng không thành công vì địch quân đã dùng nhà dân và nhất là chùa Cao Đài làm điểm tựa rồi từ đó tác xạ ra. Pháo binh và không quân không thể yểm trợ được vì dân chúng còn kẹt trong xã. 
        Một sĩ quan thuộc BCH hành quân của tiểu khu Hậu Nghĩa cho biết vì áp lực khá nặng trên toàn tỉnh lúc bấy giờ nên TK/HN yêu cầu sư đoàn 25 BB giúp giải tỏa. BTL sư đoàn 25 BB điều động một tiểu đoàn BB thuộc trung đoàn 50[18] cùng với một chi đoàn thiết quân vận M-113 tổ chức cuộc hành quân giải tỏa. Lúc 9 giờ sáng ngày 25/4, đoàn quân giải tỏa vượt tuyến xuất phát tại N4/PH theo TL-7A tiến vào khu vực hành quân. Khi QLVNCH tiến vào đến xã Trung Lập thì VC đã rút lui theo hướng rạch Sơn rồi vượt sông Sài Gòn khi đêm xuống, tiếp tục di chuyển về hướng rạch Bắp, không có giao tranh lớn.
        Dĩ nhiên chiến thuật tổng quát là sau khi giải tỏa áp lực địch thì thường phải tiếp tục truy kích[19]. Tiêu biểu là cuộc hành quân ngày 24/11/1963 của tiểu đoàn 2 TQLC, truy kích VC tại mật khu Hội Đồng Sầm. Sau trận đột kích trại LLĐB Hiệp Hòa thuộc quận Đức Huệ, cuộc hành quân truy kích bất ngờ và hiệu quả của TQLC đã gây thiệt hại nặng cho VC (26). Nhưng cũng khá thông thường trong chiến tranh VN, có nhiều trường hợp không có truy kích. Pháo binh hay không quân có thể được sử dụng để thay thế cho truy kích bằng bộ binh. Thí dụ như sau trận đánh Vĩnh Yên (tháng 1/1951), quân đội Pháp không truy kích Việt Minh[20]. Trận Trung Lập là một thí dụ nữa về giải tỏa áp lực địch không có truy kích. Cuối năm 1974, QLVNCH giải tỏa chi khu Hưng Long thuộc tỉnh Chương Thiện cũng không truy kích sư đoàn 4 tân lập của VC. Lý do dễ hiểu là không đủ quân số sau khi hành quân giải tỏa và địch quân đã trốn vào mật khu. Phía bắc Vĩnh Yên là rặng Tam Đảo. Sau trận Trung Lập, VC rút về mật khu Tam giác sắt. Chi khu Hưng Long ở kế cận rừng U Minh.
        Đức Trần Hưng Đạo đã dạy rằng sau khi đánh tan quân giặc thì có 5 trường hợp nên truy kích nhưng cũng có 6 trường hợp không nên đuổi theo. Trong đó, trường hợp thứ năm, khi gặp địa thế mà phía trước, bên trái, bên phải là núi hang, rừng rậm thì không nên truy kích địch (27).
 ĐỒ 5 : TRẬN TRUNG LẬP 24-25/4/1972 (Tỉ lệ 1/50 000)

2. HẬU QUẢ

        Tài liệu của CS cho rằng họ đã tiêu diệt được một đại đội ĐPQ, một trung đội của trung đoàn 50 thuộc sư đoàn 25 BB và không nói gì về thiệt hại của chính họ. Dĩ nhiên những con số này không thể kiểm chứng được. Một sĩ quan tình báo thuộc BCH/HQ của TK/HN cho biết cuộc hành quân giải tỏa không có chạm địch vì địch quân đã rút lui. VC phóng hỏa nhà dân để lợi dụng sự hỗn loạn trong khi rút lui.
        Xã Trung Lập gồm có nhiều ấp với dân chúng từ các ấp của các xã kém an ninh như Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức qui tụ về. Ban ngày dân chúng vẫn đi và về đất cũ để canh tác, do đó vẫn phải tiếp xúc với VC. Việc trở thành tai mắt hay có thân nhân theo CS là điều không tránh được. Một cựu sĩ quan thuộc tiểu khu Hậu Nghĩa cho rằng khoảng 90% dân Trung Hòa có thân nhân tập kết hay theo VC. Đôi khi còn ra ám hiệu an toàn cho VC đột nhập vào ấp.
        Trên phương diện quân sự, Trung Lập được CS chọn lựa làm mục tiêu vì nằm kế cận những mật khu như Tầm Lanh, Hố Bò; ngoài ra còn là nguồn cung cấp tin tức tình báo thuận lợi. Dựa vào những điều kiện này, VC có 3 đường để xâm nhập vào Trung Lập :
  • Từ Bình Dương qua ngả phía sau văn phòng hội đồng xã Trung Lập để vào ấp Đồn
  • Từ phía tây của ấp Lào Táo mới, trà trộn theo dân đi làm ruộng buổi chiều trở về nhà
  • Từ xóm Ràng phía tây-bắc xâm nhập vào khu rừng cao su.
        Mục đích chính trị là làm áp lực để dân chúng trở về làng xóm cũ. Tài liệu của CS sau chiến tranh đã xác nhận (21) :
“Ấp chiến lược Trung Hòa là một khu dồn dân lớn từ thời Ngô Đình Diệm với khoảng 500 gia đình. Sau Mậu Thân 1968, địch gom phần lớn dân 6 xã phía bắc Củ Chi với trên 1.400 gia đình - 7.500 người vào đây, hình thành một khu dồn dân có 4 ấp ... Khu ấp chiến lược Trung Hòa trở thành trọng điểm ở Củ Chi trong đợt 1 chiến dịch Nguyễn Huệ. Phân khu chủ trương phá banh ấp chiến lược, bung dân về vùng giải phóng ... Ngay từ ngày 24 tháng 4, khi quân ta vào phòng ngự trong Trung Hòa, nhân dân đã chôn dấu một phần lúa gạo, phần còn lại và tài sản chất lên xe bò, xe trâu, xe đạp, gồng gánh chạy ra khỏi ấp chiến lược. Cán bộ đoàn thể và du kích giúp đỡ tiếp sức cho đồng bào. Khi quân ta nổ súng, dân càng bung ra mạnh hơn. Địch không ngăn nổi hàng trăm hàng ngàn người từ các ấp Gò Nổi, Lào Táo bung ra khỏi khu vực Bàu Trâm, Tầm Lanh, Đồng Lớn, Sa Nhỏ, Xóm Trại (Phú Mỹ Hưng)”.
        Một cán bộ hành chánh quận Củ Chi đã ghi lại hậu quả sau trận đánh (6) :
“Sau lần chiến trận đó, một số dân Trung Lập bị cộng sản dụ dỗ di chuyển vào 'vùng trắng' cư ngụ. Sự việc này chỉ có lợi cho cộng sản (che dấu, liên lạc, tiếp tế ...), và số dân này lại lâm vào tình trạng hết sức nguy hiểm vì ở trong vùng oanh kích tự do. Với sự yểm trợ của tỉnh và tiểu khu Hậu Nghĩa, quận Củ Chi cho mở cuộc hành quân bình định và dân sự vụ nhằm yêu cầu những bà con nầy về lại xã Trung Lập sinh sống”.
        Nhìn chung đây là một trận đánh nhỏ. Tuy nhiên trận đánh nhỏ này lại nằm trong chiến dịch rộng lớn của mùa hè năm 1972. Do đó cần được nghiên cứu tương đối tỉ mỉ hơn trong bối cảnh của chiến dịch Nguyễn Huệ và nhất là phân tích trên cơ sở những hiểu biết về phương cách tác chiến[21]của quân đội CSBV.
3. NHẬN XÉT
3.1. Chiến Thuật   
3.1.1. Cường Tập & Kỳ Tập
        Tài liệu quân sử của CS khi phân tích trận đánh này đã cho rằng họ sử dụng chiến thuật tập kích với hiệu suất chiến đấu cao ! Những nghiên cứu của họ sau chiến tranh có lẽ cũng không rõ ràng nên nói một cách tổng quát là tập kích.
        Theo binh thư của CS thì tập kích là một hình thức tác chiến trong đó lợi dụng sơ hở của đối phương và các điều kiện có lợi khác, bất ngờ tấn công tiêu diệt địch. Phân loại một cách tổng quát, người ta có tập kích chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Về địa hình áp dụng, có tập kích trên bộ, đường không và đường thủy. Căn cứ trên cường độ có tập kích xung lực và tập kích hỏa lực.
1)  Tập kích xung lực là tấn công tiêu diệt địch ở trong công sự vững chắc, còn được gọi là công kiên. Những thí dụ tiêu biểu của công kiên chiến là chiến dịch Đồng Xoài (10/5-22/7/1965) hay chiến dịch Ba Gia (28/5-20/7/1965). Tập kích xung lực có thể diễn ra dưới nhiều hình thức (28-29) :
· Kỳ tập được tiến hành rất bí mật, bất ngờ, với lực lượng ít nhưng đạt hiệu suất chiến đấu cao.
· Cường tập được sử dụng một khi địch quân co lại, không dám tăng viện cho nhau hoặc khi cần thiết để nhổ một cứ điểm, một cụm cứ điểm để mở rộng địa bàn hoạt động, làm đảo lộn thế bố trí phòng ngự của đối phương. Lối đánh này chỉ sử dụng khi chưa chuẩn bị được để đánh kỳ tập hoặc chưa kết hợp được giữa kỳ tập và cường tập.
· Bôn tập là nhanh chóng cơ động lực lượng từ xa đến, bất ngờ tiến công tiêu diệt, phá hủy mục tiêu rồi rút lui ngay khiến đối phương không kịp đối phó.
2)  Tấn công tiêu diệt địch ở ngoài công sự vững chắc gồm có tập kích (đánh úp), phục kích, đánh gặp gở (tao ngộ chiến), truy kích, v.v. Thí dụ như chiến dịch An Lão (29/11-8/12/1964) hay chiến dịch Bình Giã (2/12/1964-3/1/1965).
        Như vậy trận đánh tại xã Trung Lập có thể được xem là một phối hợp giữa kỳ tập và cường tập mặc dù yếu tố bất ngờ đã bị đánh mất ngay từ lúc ban đầu. Chính tài liệu của VC cũng cho rằng các đường tiếp cận mục tiêu tương đối trống trải. Các mũi xâm nhập đã bị lực lượng an ninh xã phát giác ngay từ bên ngoài chu vi phòng thủ. Một sĩ quan của QLVNCH đã mô tả địa thế của chiến trường như sau (24): “Trung Lập là xã nằm giữa hai con suối: Suối Cầu Cả Bảy và Suối Cầu Vân Hàng[22], được đồng ruộng bao bọc chung quanh cho nên ban ngày VC khó đột nhập, chỉ đột nhập vô ấp ban đêm để lấy tin tức và thăm vợ con, lấy lương thực nên chúng bị bắt hoặc bị bắn chết”. Do đó việc xâm nhập bị phát giác rất sớm không là điều ngạc nhiên. Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao VC lại có thể đơn giản vi phạm nguyên tắc chủ yếu của kỳ tập khi hoạch định kế hoạch hành quân ?
        Để trả lời cho câu hỏi này thì đầu tiên phải đi ngược lại thời gian. Cuối năm 1971, Trung ương cục cho giải thể quân khu miền Đông và quân khu Sài Gòn - Gia Định để tổ chức lại thành 6 phân khu, tỉnh Hậu Nghĩa nằm trong địa bàn của cải tổ quân sự này. Quân khu 8 trở thành T2, quân khu 9 là T3, quân khu 6 là T6; hai quận Củ Chi và Trảng Bàng thuộc T1 trong khi Đức Hòa và Đức Huệ thuộc T2, v.v. (30). Mục đích của sự tái tổ chức này là giải thể một số đơn vị cấp khu, tỉnh để có đủ quân số bổ sung cho công tác đánh phá bình định. Thời điểm này, VC cho rằng kế hoạch bình định của chính phủ VNCH đang trên đà thất bại (31).
        Khoảng giữa tháng 2-3/1972, Trung ương cục và Quân ủy Miền tổ chức một hội nghị gồm 5 phần chính (CS gọi là nội dung lớn) trong đó phần 5 nêu phương hướng tập trung đánh phá bình định (30). Chỉ đạo từ hội nghị này đã đưa đến trận đánh tại xã Trung Lập. Sau chiến tranh, một cựu sĩ quan QLVNCH đã xác nhận tin tức này. Đầu năm 1972, tài liệu của VC bị tịch thu cho biết tỉnh ủy Tây Ninh chỉ thị cho các đơn vị VC lưu vong (trước đó phải rút chạy qua đất Miên do các cuộc hành quân tảo thanh của QLVNCH) phải trở lại địa bàn hoạt động cũ (32).
        Một BTL chiến dịch phía bắc Sài Gòn được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BTL Miền. Thành phần gồm Trần Văn Trà là tư lệnh chiến dịch, Trần Độ làm chính ủy, Trần Văn Phác là phó chính ủy, Lê Ngọc Hiền là TMT và Bùi Phùng là chủ nhiệm hậu cần (33).
        Ngày 6/6/1972, cơ chế phân khu được tổ chức trở lại thành quân khu (32). BTL đặc khu Sài Gòn - Gia Định gồm Trần Hải Phụng làm tư lệnh, Lê Thanh là chính ủy, Võ Văn Trí là chỉ huy phó và Nguyễn Đức Hùng là TMT. Đặc khu SG-GĐ có ám số là T4.
        Cần mở một dấu ngoặc ở đây để nói thêm về chiến thuật của CS. Thật ra các phương cách tác chiến vừa nêu trên chỉ là phiên dịch từ binh thuyết quân sự Tây phương, đặt căn bản trên cơ học Newton. Nếu xét quân địch là một khối lượng có quán tính thì để dịch chuyển khối lượng này (tấn công đối phương), các binh thuyết gia phương Tây áp dụng 4 loại véc-tơ lực trong cơ học (hay phương cách tác chiến trên chiến trường) (34) :
  • Tấn công chính diện (percussion) được phân thành hai cách. Đầu tiên là loại hình tấn công mạnh mẽ (attaque en force) sử dụng nguyên tắc khối lượng, tập trung tối đa lực lượng để tiêu diệt địch quân. CS dịch là cường tập. Loại hình tấn công thứ nhì (attaque dans la foulée) mà CS gọi là kỳ tập, sử dụng yếu tố bất ngờ với tốc độ tác chiến nhanh chóng là chủ yếu.
  • Thọc sâu hay thâm nhập (attaque en souplesse) là áp dụng tổng lực vào giữa khối lượng của vật thể (đánh vào đầu não chỉ huy của đối phương) bằng lối thọc sâu bao gồm nội công ngoại kích hay nói theo thông thường tại VN là sử dụng nội tuyến khi đánh đồn, căn cứ, phi trường và sau năm 1968 là lối đánh đặc công.
  • Phục kích (embuscade) trong đó phía bị phục kích trở thành lưu động. Vận tốc của phía phục kích biến mất (bằng 0 theo định nghĩa của cơ học) nên trở thành thụ động. Do đó, phục kích hay phản phục kích sẽ thành công tùy thuộc vào sự khác biệt của tốc độ phản ứng. Hình thức khá phổ thông mà VC thường sử dụng là công đồn đả (diệt) viện. Phục kích viện binh bằng đường bộ có từ thời Việt Minh đánh Pháp, phục kích đổ bộ đường không ra đời năm 1963 (trận Ấp Bắc) để đối phó với chiến thuật trực thăng vận [23].
        Dĩ nhiên là tùy theo điều kiện của chiến trường, quân đội CS có thể sử dụng phối hợp các lối đánh trên. Thí dụ bôn tập là lối đánh chính diện nhưng di chuyển từ xa đến và rút lui nhanh chóng sau khi giải quyết chiến trường đồng thời hóa giải sự can thiệp của không quân đối phương. Sau này khi được viện trợ những vũ khí mang vác, gọn nhẹ của khối CS, VC lại sử dụng chiến thuật pháo kích hay tập kích hỏa lực. Trận đánh áp dụng phương pháp tập kích hỏa lực đầu tiên là cuộc bao vây trại LLĐB Ben Het tại biệt khu 24 trong năm 1969[24]. Hoặc lối đánh đặc công chỉ là kỳ tập để thay thế cho khiếm khuyết về quân số khi bị thiệt hại nặng nề về nhân sự sau trận Mậu Thân 1968. Trong khi đó, tập kích địch ở ngoài công sự vững chắc có thể là kỳ tập hay kết hợp kỳ tập với cường tập (vu hồi). Phục kích có thể giấu quân tại chỗ (độn thổ, độn thủy) hay bôn tập, v.v.
        Một khi có đầy đủ quân số thì kế hoạch đánh phá bình định cứ tiến hành đồng khắp. Kết quả trực tiếp không là điều chủ yếu mà tình hình khẩn trương, mất ổn định khắp nơi mới là mục tiêu quan trọng. Điều này cũng giải thích cho lý do dễ dàng vi phạm yếu tố bất ngờ của kỳ tập cũng như sau đó rút lui mà không trụ lại để phục kích diệt viện như thông thường.
        Chỉ khoảng hai tháng sau, nhiều đơn vị của VC trở lại đe dọa Hậu Nghĩa rồi chiến trường mở rộng lên tận Tây Ninh, Xa Mát. Dĩ nhiên bản đồ của BCH/HQ các tiểu khu Hậu Nghĩa và Tây Ninh rồi đến các BTL sư đoàn 5, sư đoàn 25 và sau cùng là BTL quân đoàn III sẽ chi chít những vị trí bị VC tấn công dọc theo QL-1 và QL-22. Đây chính là mục đích của kế hoạch dương đông kích tây của họ. Chính xác hơn trong trường hợp này phải nói là dương tây kích đông vì tuyến phía đông (QL-13) từ Lộc Ninh về Sài Gòn không được BTL/QĐ III xem là quan trọng mặc dù tin tức tình báo cho biết có dấu vết chiến xa của CS. Các trận đánh phá bình định đã như hỏa mù với những biến cố lập đi, lập lại mà điển hình là trận đánh nhỏ tại Trung Lập[25]. Cái bẫy chính được CS giăng ra tại Lộc Ninh, An Lộc để từ đó đánh thẳng vào Sài Gòn nếu thời cơ cho phép.
        CS đã căn cứ vào những nhận định chủ quan để tung ra cuộc tổng tấn công năm 1972 (35) :
  • QLVNCH bị sa lầy trên chiến trường 3 nước Việt, Miên và Lào.
  • Kế hoạch bình định lãnh thổ của chính phủ VNCH không thành công.
  • Về mặt quân sự, quân chủ lực VNCH phải thay thế quân Mỹ rút lui, tinh thần bị sa sút. ĐPQ & NQ không đủ khả năng đương cự với quân đội CSBV. Hậu quả là kế hoạch bình định bổ túc phải kéo dài đến tháng 2/1971. Kế hoạch VNHCT bị thất bại.
  • Trên bình diện chính trị, chính phủ VNCH đẩy mạnh chính sách thông tin đại chúng để phá vỡ những tuyên truyền của CS.
  • Trên phương diện kinh tế, chính phủ áp dụng kế hoạch cơ giới hóa nông nghiệp như nhập cảng máy cày, mua phân bón; hữu sản hoá nông dân với chính sách người cày có ruộng nhằm mục đích nâng cao đời sống của đại đa số quần chúng, nhất là ở nông thôn. Những kế hoạch kinh tế này đã khiến VNCH trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của Mỹ và hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ.
        Mục đích chính của cuộc TCK như sẽ được tuần tự phân tích tiếp theo, là tiêu diệt các đại đơn vị của QLVNCH đồng thời phá vỡ kế hoạch bình định, chứng tỏ cho Mỹ thấy rằng kế hoạch VNHCT đã bị thất bại. Mục đích xa hơn là yểm trợ cho hòa đàm Paris để áp lực Mỹ rút quân. Dựa theo lý thuyết trọng tâm giữa đồng minh của Clausewitz hay sách lược phá vỡ liên minh của Tôn Tử, CS cho rằng đánh cho “Mỹ cút” thì ắt “ngụy sẽ nhào”.
        Bây giờ đến nhận xét của người bạn đồng minh sau cuộc TCK của CS năm 1972. Hy vọng từ đó người đọc sẽ rút ra được một kết luận về yếu tố quyết định trong giai đoạn cuối của chiến tranh mà không cần phải đọc hết toàn bài viết này.
        Đầu tiên là Đại tướng Abrams, lúc bấy giờ là Tư lệnh MACV, phát biểu trong một buổi họp thuyết trình cho Barry Sillito, Phụ tá bộ trưởng quốc phòng, phụ trách tiếp liệu ngày 5/5 /1972 (36) :
“Về câu hỏi liên quan đến B-52 và không yểm chiến thuật, theo quan điểm của riêng tôi thì chính phủ đã sụp đổ và đất nước này [VNCH] đã mất từ lâu, chúng ta cũng không còn ngồi đây nếu không có B-52 và không yểm chiến thuật. Không ai nghi ngờ gì nữa về điểm này”.
        Đến một sĩ quan cố vấn Mỹ tại An Lộc, đã viết (37) :
“Không lực và khả năng của cố vấn Mỹ trên bộ đồng nghĩa với sự khác biệt giữa chiến thắng và chiến bại. Để xác nhận một cách đầy đủ đóng góp này, người ta phải so sánh giữa hai biến cố năm 1972 và 1975 dưới tác động của quân đội miền Bắc VN sau khi Mỹ đã rời khỏi miền Nam. TCK lần sau không có cố vấn và không lực Mỹ cũng không còn”.
        Và cảm nghĩ của một chiến lược gia (38) :
“Không đúng khi nói rằng chiến thắng chỉ đơn thuần do không lực Mỹ. Tuy nhiên rất đúng khi cho rằng chiến thắng đã không đạt được nếu thiếu không quân”.
3.1.2. An Ninh Diện Địa
        Trận đánh chiếm ấp Trung Hòa thuộc xã Trung Lập còn cho thấy một trong những điểm mấu chốt của vấn đề an ninh lãnh thổ. Sau khi chiến tranh Đông Dương đã kết thúc khá lâu, một quyển sách nghiên cứu về an ninh diện địa của Pháp đã cho rằng phải cần lực lượng tương đương với một tiểu đoàn bộ binh để bảo vệ khoảng 500-800 km2 diện địa (39). Tỉnh Hậu Nghĩa có diện tích gấp đôi, như vậy trên lý thuyết chỉ cần khoảng 2-3 tiểu đoàn để thực hiện công tác bình định. Thực tế cho thấy công thức này không áp dụng được cho chiến tranh VN cận đại. Trận đánh chiếm ấp Trung Hòa là một thí dụ điển hình.
        Từ đầu năm 1971, tân TKT tiểu khu Hậu Nghĩa đã tuần tự hoán đổi địa bàn hoạt động của tất cả lực lượng địa phương. Nhiều đến nỗi ngày hôm nay, các sĩ quan ĐPQ không nhớ hết được đơn vị mình chỉ huy đã đóng ở những nơi nào trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên sự năng động trong lúc quân số không tăng cùng với tình hình tiểu khu trước khi có cuộc TCK năm 1972 của CS cho người ta nghĩ rằng mục đích chính là để cải tiến khả năng tác chiến, tránh nội tuyến và bảo vệ tuyến lưu thông huyết mạch từ Sài Gòn đi ngang qua tỉnh Hậu Nghĩa nhiều hơn. Riêng công tác bảo vệ QL-1 & QL-22 đã bắt đầu từ năm 1970 khi QLVNCH tổ chức hành quân vượt biên qua Campuchia. Lệnh của Trung tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh quân đoàn III cho hai chi khu Trảng Bàng và Củ Chi phải triệt để bảo vệ tuyến đường tiếp tế cho các đơn vị hành quân phía trước. Việc TKT tiểu khu Hậu Nghĩa tử nạn chỉ mấy ngày[26] trước khi VC chiếm ấp Trung Hòa xác nhận vị trí không quan trọng của địa phương này lúc bấy giờ hay nói một cách khác, là không thể nào bảo vệ mọi nơi cùng một lúc.
        Có lẽ đúng như vậy vì trong thiên về hư thực, Tôn Tử đã dạy rằng (40) :
Ta làm cho đối phương bộc lộ lực lượng mà ta thì như vô hình, như vậy ta có thể tập trung binh lực, còn địch thì phân tán lực lượng. Ta tập trung binh lực ở một nơi, địch phân tán lực lượng ở mười nơi, tức là ta dùng mười đánh một, như thế quân ta đông, quân địch ít, thế có lợi hẳn cho ta. Dùng nhiều quân đánh ít quân, tương quan giữa ta và địch cho thấy ta sẽ thắng. Nơi ta muốn tấn công, địch không thể biết, không biết thì ắt địch phải phòng bị nhiều nơi, đã phòng bị nhiều nơi, ắt ở nơi ta muốn đánh sẽ có ít quân địch. Cho nên địch giữ được mặt trước thì mặt sau yếu mỏng, giữ được bên trái thì bên phải sẽ yếu mỏng, giữ được bên phải thì bên trái sẽ yếu mỏng, phòng bị ở khắp nơi thì nơi nào cũng yếu mỏng. Binh lực yếu mỏng vì phải phòng bị khắp nơi, binh lực dồi dào là nhờ buộc địch phải phòng bị khắp chốn”.
        Để bảo vệ an ninh lãnh thổ, đồn bót và tháp canh được quân đội Pháp thiết lập có hệ thống hơn từ năm 1948 khi Tướng Pierre Boyer de Latour du Moulin làm Tư lệnh các lực lượng Pháp khu vực Nam Đông Dương (T.F.I.S.) để đối phó khi Việt Minh gia tăng các hoạt động quân sự. Tuy nhiên như các nghiên cứu sau chiến tranh Việt-Pháp đã xác nhận, chiến tranh đồn bót (la guerre des postes) là một vấn nạn của chiến tranh Đông Dương (41-43).
        Trong một hội nghị chuyên đề về chiến tranh Đông Dương, do Viện Nghiên cứu Lịch sử Quốc Phòng tổ chức trong hai ngày 30/11 và 1/12/1998, một sĩ quan bộ binh Pháp viết (44) :
“Trong vùng châu thổ Bắc Kỳ, Việt Minh có khoảng 37 000 cán binh, trong khi chúng tôi có tại đó 82 500 quân, đóng sau hàng rào kẽm gai của 920 đồn bót. Tất cả lực lượng như vậy để phụ trách an ninh cho 12 000 km2, diện tích rộng gần bằng tỉnh Gironde, trung bình chúng tôi có 7 quân nhân mỗi cây số vuông để phải đi tìm 3 Việt Minh ở giữa 700 dân địa phương. Điều này chứng tỏ một cách hiển nhiên rằng chiến thuật đóng đồn bót để bảo vệ an ninh diện địa là chuyện viễn vong”.
        Để kết luận rằng theo những nghiên cứu nghiêm túc về chiến tranh tại Đông Nam Á, tỉ lệ giữa lực lượng an ninh và quân phiến loạn phải đạt đến 10:1 mới có thể bình định được lãnh thổ (44). Một ký giả có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh Việt Nam còn cho rằng quân đội Pháp phải đạt đến tỉ lệ 11:1 mới có thể đàn áp được kháng chiến Algérie năm 1962 (45). Với  tỉ lệ này thì nếu VC xâm nhập vào Hậu Nghĩa chỉ khoảng 1 tiểu đoàn[27] (thí dụ như tại xã Trung Lập chỉ có tiểu đoàn (+) nhưng lại tung tin hù dọa lên cấp trung đoàn) thì lực lượng của tiểu khu HN phải đông gấp 10 lần hay nhiều hơn nữa mới có thể đối phó một cách hữu hiệu. Năm 1975, khi lực lượng ĐPQ của TK/HN cao nhất cũng chưa đạt được đến con số như vậy. Một sĩ quan Mỹ còn phân tích sự rút lui của quân đội Mỹ từ năm 1970, lấy mất yếu tố về yểm trợ hỏa lực và nguồn tiếp vận là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng diện địa của tiểu khu Hậu Nghĩa hoạt động kém hữu hiệu (46).Nói một cách khác là cho đến giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, bài toán an ninh lãnh thổ vẫn chưa có hay có muộn một lời giải hợp lý. Phân tích sự thiếu vắng hay chậm trễ của một giải pháp như vậy không nằm trong phạm vi của bài viết này.
        Dĩ nhiên những nguyên tắc chiến tranh nêu trên có tính cách tổng quát. Chiến tranh VN cận đại có những điểm đặc thù. VC luôn luôn điều nghiên rất kỹ lưỡng trước khi tập kích một đồn binh hay căn cứ của QLVNCH và sử dụng quân số đông gấp nhiều lần quân phòng thủ. Tuy nhiên hầu hết đều bị thất bại vì khác với chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp trước đó, nguời lính QLVNCH chiến đấu cho chính nghĩa và rất thiện chiến. Sau này khi lực lượng diện địa có các trung đội pháo binh, được trang bị các dụng cụ truyền tin tối tân và yểm trợ của các phi đoàn hỏa long thì việc công đồn càng thêm khó khăn. Trong hầu hết mọi trường hợp, VC chỉ có thể thành công khi tổ chức được nội tuyến mà thôi.
        Hai thí dụ tiêu biểu cho thấy những đặc điểm vừa đề cập khi chiến tranh bắt đầu gia tăng cường độ ác liệt :
  • Khuya ngày 25/7/1965, tiểu đoàn 506 và đại đội C.52 VC đồng loạt tấn công hai đồn Bà Tà và Tân Nhật thuộc quận Bình Chánh, tỉnh Gia Định. Mặc dù địch đã pháo kích quận lỵ để cả hai đồn đều không nhận được yểm trợ của pháo binh chi khu và hai sĩ quan trưởng đồn đều bị tử trận, VC với quân số gầp 10 lần lực lượng phòng thủ đã bị ĐPQ đẩy lui, mang theo 7 xuồng xác chết (47).
  • Ngày 2/10/1965, tiểu đoàn 514 VC với quân số khoảng 300, tấn công đồn Giồng Đình thuộc quận Tân Thành, tỉnh Gò Công chỉ do 24 nghĩa quân trấn giữ. Mặc dù 2/3 quân số trong đồn bị thương nhưng cuối cùng VC phải rút lui mang theo 6 ghe tam bản chở số cán binh bị thương vong (48).
        Tài liệu quân sử của CS không nói đến trận đánh đồn Giồng Đình khi đề cập đến khoảng thời gian này (49). Lịch sử tiểu đoàn 514 còn cho rằng tiểu đoàn đánh chiếm đồn cầu Láng Tượng tỉnh Tiền Giang ngày 4/10/1965. Ba ngày 1-3/10 được cho biết là thời gian dành để di chuyển (50).
        Một trong những chiến thắng âm thầm khác nữa của lực lượng diện địa QLVNCH (51) :
“Đồn Bờ Đập thuộc xã Hội Mỹ, quận Đất Đỏ do 1 trung đội thuộc Đại Đội 612 ĐPQ đảm trách, tối đi phục kích 2 tiểu đội, còn 1 tiểu đội ở nhà giữ đồn. Vợ lính cũng cắt gát 1 vọng vì thiếu quân số. Đêm đó (khoảng năm 1967), VC sử dụng 1 tiểu đoàn chính quy, có súng phun lửa, DKZ, B40 cộng thêm dân công ước độ vài trăm người tấn công biển người với cái đồn nhỏ chỉ độ 10 người lính với 15 bà vợ lính, 2 tiểu đội đi phục kích bên ngoài cũng không về tiếp ứng được, các bà vợ lính đã chiến đấu dũng cảm, con nít thì tiếp tế đạn, lựu đạn, họ đã cầm cự đến sáng Chi Khu mới đưa quân đến tiếp ứng kịp thời, sau đó thu gom xác VC chết chung quanh đồn gần 60 tên, mượn xe pulldozer ủi một cái hố chôn chung mấy tên “sinh bắc tử nam” nầy chung một hố có cấm bảng lớn ghi rõ ràng:'Mồ chôn Cộng Phỉ'”.
        Sau khi chiến tranh chấm dứt và trong khi bàn luận về các nỗ lực bình định của chính phủ, một sĩ quan cao cấp của QLVNCH đã phải thừa nhận rằng (52) :
“Trừ khi miền Nam VN thoát khỏi sự đe dọa về quân sự của CSBV, nếu không thì các nỗ lực bình định và kiến thiết đất nước chỉ là một tiến trình vô vọng”.
        Đã biết được nguyên nhân và động thái của những trận đánh nhỏ mà tiêu biểu là trận đánh tại Trung Lập về mặt chiến thuật; nên bước thêm bước kế tiếp, có lẽ khá mới lạ đối với các cấp chỉ huy của QLVNCH lúc bấy giờ, đó là nghệ thuật chiến dịch (NTCD).
3.2. Nghệ Thuật Chiến Dịch
        Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng thì NTCD đồng nghĩa với chiến dịch ! Cũng theo ông thì chiến dịch là một hệ thống các trận đánh có liên quan với nhau theo một kế hoạch và sự chỉ huy thống nhất, diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định nhằm đạt được một nhiệm vụ đã định (29). Định nghĩa chiến dịch thì đúng nhưng kết luận đồng nghĩa là sai. Nói NTCD (operational art) đồng nghĩa với chiến dịch (theatre of operation) thì cũng tương tự như khi cho rằng chiến thuật (tactics) đồng nghĩa với một khu chiến (combat zone), hay chiến lược (strategy) là chiến trường (theatre of war). Nếu lý thuyết không thông thì người ta có thể nghi ngờ mức độ hiệu quả trong thực hành.
        Xét trên phương diện NTCD, trận đánh tại Trung Lập đã thực hiện được mục đích đã đề ra, đánh phá bình định để hỗ trợ cho chiến dịch Nguyễn Huệ, nhằm chứng tỏ sự thất bại của kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh (VNHCT). Tuy nhiên tất cả các chiến dịch của CS trong mùa hè năm 1972 lại bị thất bại. Điều này khiến ít ai đánh giá đúng mức được rằng công thức : VNHCT = QLVNCH + hỏa lực Mỹ, sẽ mất cân bằng khi hỏa lực yểm trợ của Mỹ không còn nữa (xem Phụ Bản A).
3.3. Chiến Lược
        Trận đánh tại Trung Lập dĩ nhiên không có tính cách chiến lược vì trọng điểm của chiến dịch Nguyễn Huệ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 chỉ bao gồm địa phận của 4 tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long và Bình Dương. Tuy nhiên trận đánh lại nằm trong phong trào chống phá bình định để phối hợp và hỗ trợ cho chiến dịch, đã được phân tích ở phần trên.
        Cuối năm 1972, mặc dù tỉ số bình định được ghi nhận gia tăng cao nhất (58%) theo báo cáo Lượng giá ấp (Hamlet Evaluation System hay HES), Hậu Nghĩa vẫn là tỉnh duy nhất thuộc quân khu 3 nằm trong danh sách 10 tỉnh kém an ninh nhất của VNCH (53).
sau 1975, nhà cầm quyền CSVN đã xóa tên tỉnh Hậu Nghĩa, quận Trãng Bàng trở về tỉnh Tây Ninh. Quận Củ Chi thuộc Sài Gòn, Quận Đức Huệ thuộc tỉnh Đồng Tháp và Quận Đức Hòa, Đức Huệ trở về tỉnh Long An.
        Nguyễn Đức Phương
Lời Cảm Tạ
Tác giả chân thành cám ơn các cựu sĩ quan QLVNCH đã phục vụ tại tiểu khu Hậu Nghĩa, gồm Trung tá Bùi Văn Ngô, Thiếu tá Nguyễn Đình Đắc, Thiếu tá Trương Ngọc Ngà, Thiếu tá Mai Thế Nghĩa, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, Đại úy Vũ Bắc, Đại úy Nguyễn Tiến Đĩnh, Đại úy Quốc Khôi, Đại úy Trần Văn Quý và ông Bùi Đắc Danh, nguyên Phó quận Củ Chi đã giải thích và cung cấp những chi tiết liên quan. Lời cám ơn sau cùng nhưng không phải ít nhất, xin được kính gửi đến vị Tiểu khu trưởng cuối cùng của TK/HN và ông Chủ bút ĐS/HN đã khuyến khích, giúp đở để bài viết được bắt đầu và hoàn thành như ngày hôm nay. Những nhận xét là của riêng tác giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :
1.         Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua - Việc từng ngày (1945-1964), trang 364; nxb Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn, 1966.
2.         Huỳnh Văn Liêm & nhiều người khác, Sơ Lược Tiểu Sử Tỉnh Hậu Nghĩa, trang 19-21; Đặc San Hậu Nghĩa Xuân Kỷ Mão, 1999.
3.         Cựu Đại tá Sầm Tấn Phước, Đi Hiệp Hòa, trang 10-17; ĐS/HN Xuân Canh Thìn, 2000.
4.         Nguyễn Dược & Trung Hải, Sổ Tay Địa Danh Việt Nam, trang 123, 154 & 222; nxb Giáo Dục, Thành phố HCM, 1998.
5.         Lê Thông, Chủ biên, Địa Lí Các Tỉnh và Thành Phố Việt Nam, Tập Năm - Các Tỉnh, Thành Phố Cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, hai trang 109 & 375; nxb Giáo Dục, TP/HCM, 2004.
6.         Bùi Đắc Danh, Xã Trung Lập, trang 203-207; ĐS/HN Xuân Ất Dậu, 2005.
7.        Đặng Hữu Lộc, Chủ biên, Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (1944-1975), Tiểu chú 1, trang 563; nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2005.
8.         Vũ Bắc, Yếu Điểm Trung Lập. Tài liệu đã dẫn trên (6), trang 33-35.
9.         Nguyễn Thanh Lợi, Con Đường Thiên Lý; http:// vn.360plus.yahoo.com /ntloitw3 /article?mid=5, 9/2/2011.
10.       Huỳnh Minh, Tây Ninh Xưa, trang 42-43; nxb Thanh Niên tái bản, 2001.
11.       J D Coleman, Incursion - From America’s Choke Hold on the NVA Lifelife to the Sacking of  the Cambodian Sanctuaries, trang 13; St. Martin’s Paperback, New York, 1991.
12.       Thượng tá Trần Phấn Trấn, Chủ biên, Lịch Sử Quân Giới Nam Bộ Và Cực Nam Trung Bộ (1954-1975), Tổ Chức Bố Trí Hậu Cần Chiến Trường B2 Trước Chiến Dịch Hồ Chí Minh; nxb QĐND, Hà Nội, 1998.
13.       Võ Tấn Tạo & nhiều người khác, Địa Đạo Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An - Cái nôi của địa đạo Củ Chi (1947-1954), trang 57; nxb Trẻ, TP/HCM, 2003.
14.       T Mangold & J Penycate, The Tunnels of Cu Chi; Pan Books Ltd., London, 1985.
15.       W Burchett, At the Barricade; Quartet Books Ltd., London, 1980.
16.       Hồ Sĩ Thành, Địa Đạo Củ Chi 100 Câu Hỏi Đáp, trang 21; nxb Trẻ, TP/HCM, 2001.
17.       Xuân Vũ & Dương Đình Lôi, 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi, trang 3, Tập 1; nxb Trời Nam, Texas, 1991.
18.       Tô Phương, Mùa Hoa Ô Môi, trang 62; nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 1979.
19.       Trung tá Bùi Văn Ngô, Thiếu tá Trương Ngọc Ngà & Đại úy Lương Văn Việt, Chiến Dịch Rome-Plow và Cái Gọi Là Địa Đạo Củ Chi. Tài liệu đã dẫn trên (2), trang 79-84.
20.       Nguyễn Quốc Việt Hùng, Địa Đạo Củ Chi. Tài liệu đã dẫn trên, trang 95-96.
21.       Nguyễn Thị Ngọc Hải, Mai Chí Thọ Tướng Con Dân (Chuyện Đời Chuyện Người), trang 117-118; nxb Công An Nhân Dân, 2005.
22.       Mai Chí Thọ, Hồi Ức Mai Chí Thọ, Tập 2 Theo Bước Chân Lịch Sử, trang 170; nxb Trẻ, TP/HCM, 2001.
23.       Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Chủ biên, Lịch Sử Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Huyện Củ Chi 1945-2005, trang 194 & 223-224; nxb QĐND, Hà Nội, 2006.
24.       Thượng tá TS. Hồ Sơn Đài, Chủ biên, Những Trận Đánh của Lực Lượng Vũ Trang Quân Khu 7, Tập III (1969-1975), trang 276-281; nxb QĐND, Hà Nội, 2002.
25.       Phạm Văn Sum, Trung Lập Quê Tôi, trang 227-228; ĐS/HN Xuân Nhâm Ngọ, 2002.
26.       Tôn Thất Soạn, Hành Quân Mật Khu Hội Đồng Sầm, trang 56-61; ĐS/HN Xuân Tân Tỵ, 2001.
27.       Trần Hưng Đạo, Binh Thư Yếu Lược, trang 386; nxb Quê Mẹ, Paris, 1988.
28.       Đại tá Bùi Vinh Phương & Đại tá Nguyễn Văn Luận, Từ Điển Bách Khoa Quân Sự Việt Nam, trang 912-913; nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
29.       Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chiến Tranh Nhân Dân Quốc Phòng Toàn Dân, trang 147-178, Tập Hai; nxb QĐND, Hà Nội, 1979.
30.       Đại tá Trần Phấn Chấn, Chủ biên, Lịch Sử Công Tác Đảng, Công Tác Chính Trị Lực Lượng Vũ Trang Quân Khu 7 (1945-2000), Tập II (1954-1975), trang 289 & 292; nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
31.       Đại tá TS. Hồ Sơn Đài & nhiều người khác, 60 Năm Lực Lượng Vũ Trang Quân Khu 7 (1945-2005), trang 144; nxb QĐND, Hà Nội, 2002.
32.       Điện thoại viễn liên với cựu Trung tá Bùi Văn Ngô ngày 21/9/2010.
33.       Đại tá Trần Phấn Chấn, Chủ biên, Công Tác Đảng, Công Tác Chính Trị Lực Lượng Võ Trang Quân Khu 7 (1945-2000), Tập II, Quyển 2 (1965-1975), trang 398-399; nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
34.       Général M Yakovleff, Tactique Théorique, trang 421-440, ấn bản thứ nhì; Editions Economica, Paris, 2009.
35.       Thượng tá, TS. Hồ Khang, Chủ biên, Lịch Sử Kháng Chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập VI; nxb QĐND, Hà Nội, 2002.
36.       L Sorley, Chủ biên, Vietnam Chronicles - The Abrams Tapes 1968-1972, trang 833; Texas Tech University Press, Texas, 2004.
37.       Lieutenant Colonel J H Willbanks, Thiet Giap! The Battle of An Loc, April 1972, trang 70; U.S. Army Command and General Staff College, Fort Leavenworth, Kansas, 1993.
38.       Sir Robert Thompson, Peace Is Not At Hand, trang 110; Chatto & Windus, London, 1974.
39.       Marie-Catherine Villatoux, La Défense En Surface (1945-1962) - Le contrôle terri-torial dans la pensée stratégique francaise d'après-guerre, trang 39; Service historique de la Défense, 2009.
40.       Sun Tzu, The Art of War, trang 98; S B Griffith dịch và viết lời giới thiệu, Oxford University Press, New York, 1963.
41.       Général Y Gras, Histoire De La Guerre D'Indochine, trang 226-230; Editions Denoel, France, 1992.
42.       L Bodard, La guerre d'Indochine - I - L'Enlisement, trang 59-72; Editions Grasset & Fasquelle, Paris, 1997.
43.       E Deroo & P Vallaud, Indochine Francaise 1856-1956 - Guerres, Mythes Et Passions, trang 106-109; nxb Perrin, Paris, 2003.
44.       Lieutenant-colonel H Tourret, L'Évolution de la Tactique du Corps Expéditionaire Francais en Extrême-Orient, trang 173-187; L'Armée Francaise dans la Guerre d'Indochine (1946-1954) : adaptation ou inadaptation ?, Éditions Complexe, 2000.
45.       Last Reflections on a War - Bernard B. Fall's Last Comments on Vietnam, trang 221; Stackpole Books, 2000.
46.       Second Lieutenant J Gaugstad, No Simple Solution - Regional Force Operations in Hau Nghia, Vietnam, trang 32-44; Military Review, số tháng 7-8 năm 2010.  
47.       Dzoãn Bình, Phóng Sự Chiến Trường 1 - Những Trận Đánh Ác Liệt Trong Mùa Mưa 1965, Trận Đánh Đồn Địa Phương Quân Bà Tà, trang 113-116; nxb Bình Minh Mới, Sài Gòn, 1965.
48.       “Hãy Bắn Lên Đầu Tôi” đó là tiếng gọi của các Nghĩa quân đồn Giồng Đình khi bị Việt Cộng tấn công. Tài liệu đã dẫn trên, trang 117-124.
49.       Thượng tá Nguyễn Trung Trực, Lịch Sử Kháng Chiến Quân Dân Tiền Giang (1940-1975), trang 341; nxb QĐND, Hà Nội, 2008.
50.       Nguyễn Xuân An, Tiểu Đoàn Địa Phương 514 Tỉnh Mỹ Tho (1959-1968), trang 147; nxb QĐND, Hà Nội, 2003.
51.       Long Điền, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của QLVNCH; http:// batkhuat.net /tl-dpq-ng-qlvnch.htm, 25/12/2010.
52.       Brigadier General Tran Dinh Tho, Pacification, trang 131; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1980.
53.       R A Hunt, Pacification - The American Struggle for Vietnam’s Hearts amd Minds,    trang 261-262; Westview Press, 1995.

[1] Một vài tài liệu sau chiến tranh cho rằng tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập ngày 15/10/1963 (Cựu Đại tá Sầm Tấn Phước, Đi Hiệp Hòa, trang 15; Đặc San Hậu Nghĩa Xuân Canh Thìn, 2000), theo sắc lệnh số 120/SL/CP của Tổng thống Ngô Đình Diệm (Nguyễn Bình Tiền, Đức Hòa Quê Hương Mến Yêu. Tài liệu đã dẫn trước, trang 60 & Vũ Hữu Trường, Kỷ Niệm 40 Năm (1963-2003) Thành Lập Tỉnh Hậu Nghĩa, trang 70-73; ĐS/HN Xuân Quý Mùi, 2003). Không rõ những tài liệu này lấy nguồn từ đâu; riêng tài liệu mà tác giả sử dụng ở đây là của ông Đoàn Thêm (1915-2005). Ông là một luật gia phục vụ tại văn phòng của tổng thống phủ trong suốt thời đệ nhất cộng hòa nên tài liệu của ông được biết là trích từ công báo VNCH.
[2] Ám danh của VC lúc bấy giờ là kế hoạch X.
[3] Quận 2 được chính phủ VNCH thành lập ngày 29/2/1959. Quận gồm các phường Cầu Kho, cầu Ông Lãnh, Huyện Sĩ, các đường Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Cảnh Chân, Bùi Viện và chợ Bến Thành. Hiện nay quận 2 là một quận nội thành của thành phố HCM, được tái lập ngày 6/1/1997 với 11 phường, gồm các xã An Phú, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi của quận Thủ Đức cũ. Diện tích tổng cộng là 50 km2. Dân số gồm 145 981 người (theo thống kê năm 2009).
Quận 4 gồm khu vực Khánh Hội, Vĩnh Hội, Cây Bàng, Xóm Chiếu và cù lao Nguyễn Kiệu. Quận có 15 phường với diện tích tổng cộng là 4.2 km. Dân số gồm 179 640 người (theo thống kê năm 2009).
[4] Một cuộc phục kích của Việt Minh đã xảy ra tại đây ngày 8/11/1945, đánh dấu tiếng súng đầu tiên của xã An Tịnh thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trong kháng chiến chống Pháp (Đức Lân, Tiếng Súng Suối Sâu, trang 288-296; Trần Bạch Đằng, Chủ biên, Mùa Thu Rồi, Ngày Hăm Ba, Tập Hai, Phần Thứ Ba, Độc Lập hay là Chết; nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1996). Hai tài liệu địa phương có lẽ xác nhận thời điểm của biến cố này (Hồ Hoa Nguyên, Trảng Bàng, với những kỷ niệm, trang 26; ĐS/HN Xuân Tân Tỵ, 2001 & Nguyễn Văn, Ba Đời Chạy Giặc, trang 140; ĐS/HN Xuân Ất Dậu, 2005). Trong chiến tranh quốc cộng tiếp theo sau đó và trước khi tiểu khu Hậu Nghĩa được thành lập, quân xa của tiểu khu Tây Ninh thường bị VC giật mìn trên đoạn đường này (Cựu Đại tá Sầm Tấn Phước, Đi Hiệp Hòa, trang 14; Đặc San Hậu Nghĩa Xuân Canh Thìn, 2000). J P Vann, người sĩ quan cố vấn Mỹ nổi tiếng với những lời chỉ trích QLVNCH trong trận Ấp Bắc năm 1963; trở lại VN trong chức vụ trưởng toán nhân viên của cơ quan USOM tỉnh Hậu Nghĩa, đã bị VC phục kích nhưng thoát nạn khi vừa qua khỏi cầu Suối Sâu ngày 22/6/1965 (N Sheehan, A Bright Shining Lie - John Paul Vann and America in Vietnam, trang 529-530; nxb Jonathan Cape Ltd., London, 1989). Cầu Suối Sâu có kiến trúc xi-măng cốt sắt tương tự như cầu Trưởng Chừa. Trong những năm 1965-68, cầu bị đặt mìn nổ sập nhiều lần nên sau đó được thay thế bằng một cống lớn (Giáo sư Nguyễn Ngọc An, Tiểu Sử Làng An Tịnh, trang 76-91; ĐS/HN Xuân Quý Mùi, 2003).
[5] Đỗ Văn Dậy hay Năm Dậy, quê xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Năm 1936, ông được kết nạp vào đảng CSĐD và được giao phụ trách đoàn Thanh Niên Phản Đế. Đỗ Văn Dậy đang là ủy viên quận ủy Hóc Môn của Việt Minh, bị bắn chết khi tấn công đồn Hóc Môn ngày 23/11/1940.
[6] Phan Nhật Nam, Dấu Binh Lửa 1963-1973, trang 37. Tác giả tái bản, Texas, 1995. Bây giờ là ngả tư Tân Quy, giao tuyến giữa TL-8 (Củ Chi đi thị xã Thủ Dầu Một) và TL-15 (Hóc Môn đi Phú Hòa Đông).
[7] Nơi có khu “địa đạo” dành cho du khách thăm viếng bây giờ. Trong chiến tranh là nơi đặt căn cứ huyện ủy huyện Củ Chi. Nay thuộc ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
[8] Khu "địa đạo" thứ nhì. Trong chiến tranh là nơi đặt căn cứ của khu ủy và quân khu SG-GĐ. Nay thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
[9] Tên do báo chí Mỹ đặt ra để chỉ một vị trí dày đặc quân CS trong chiến tranh Triều Tiên. Trong chiến tranh VN, tên được dùng lại để chỉ khu vực hình tam giác rộng khoảng 50 km2; giới hạn bởi ba đỉnh là Bến Cát, Bến Súc và nơi giao lưu giữa hai sông Sài Gòn và Thị Tính. Như vậy một phần của quận Củ Chi nằm trong tam giác này.
[10] Trên đoạn TL-7A này, Douglas K Ramsay, một viên chức thuộc bộ ngoại giao Mỹ, làm cố vấn của Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) tại tỉnh Hậu Nghĩa đã bị VC bắt khi ông đang mang thực phẩm đến cho dân chúng tị nạn tại xã Trung Lập ngày 17/1/1966 (http:// www.taskforceomegainc.org /r600 .html, 24/7/2010 & N Sheehan, A Bright Shining Lie - John Paul Vann and America in Vietnam, trang 559-560; nxb Jonathan Cape Ltd., London, 1989). Có thể xem thêm chi tiết trong 2 bài viết : Tôn Thất Soạn, Đôi Dòng Tản Mạn về Tỉnh Nhà, trang 25-28; ĐS/HN Xuân Kỷ Mão, 1999 & Nguyễn Minh Nguyệt, Nhớ Về Hậu Nghĩa, trang 26-28; ĐS/HN Xuân Đinh Hợi, 2007.
[11] Bây giờ là ngả tư Xóm Mới, giao điểm giữa hai đường Nguyễn Thị Rành và TL-2; nhưng từ đây không đi xuống ngả tư Phước Hiệp được nữa mà phải theo đường Nguyễn Thị Rành trở ngược xuống gặp QL-22 tại Bàu Tre (ngả ba đi địa đạo Củ Chi). Nguyễn Thị Rành (1900-1979) cư ngụ tại ấp Trúc Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, là VC nằm vùng và đã từng bị lực lượng an ninh VNCH bắt giữ. Năm 1978, NT Rành được nhà nước CS phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
[12] Bao gồm vùng rừng núi ở phía nam Trung Phần và đông Nam Phần. Được hình thành từ năm 1948 trong kháng chiến chống Pháp, chiến khu Đ lúc bấy giờ chỉ gồm có 5 xã là Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường An và Lạc An thuộc quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa rồi dần dần mở rộng lên phía bắc và đông-bắc. Nơi đặt khu ủy khu 7 của VM. Trong chiến tranh quốc cộng, Ban Quân sự Miền đã chọn làm nơi đặt cơ quan trong thời gian đầu (VC thường gọi là khu A). Ngày 23/1/1959, chính phủ VNCH ra sắc lệnh số S.L.25/NV để thành lập tỉnh Phước Thành gồm các phần đất tách ra từ 4 tỉnh Bình Dương, Long Khánh, Biên Hòa và Phước Long. Tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh. Đến giữa năm 1961, khu 31 chiến thuật gồm hai tỉnh Phước Long và Phước Thành được thành lập để đối phó với sự lớn mạnh của chiến khu Đ. Xứ ủy Nam Bộ cũng vừa được đổi tên thành Trung ương cục miền Nam. Ngày 18/9 /1961, VC tấn công tràn ngập tỉnh lỵ Phước Thành, Tỉnh trưởng Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn và Phó Tỉnh trưởng Nguyễn Thành Tiết đều bị tử thương (Đoàn Thêm, Hai Mươi Năm Qua Việc từng ngày (1945-1964), trang 246 & 304; nxb Nam-Chi Tùng-Thư, Sài Gòn, 1966). Tài liệu của CS lại cho rằng trận tấn công xảy ra ngày 17/9 và chỉ có tỉnh trưởng bị chết. Phó Tỉnh trưởng bị bắt (Nguyễn Văn Chí, Lê Đình Nhơn & Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Đông Nam Bộ, trang 72-81; Trần Bạch Đằng, Chủ biên, Chung Một Bóng Cờ (Về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam), nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1993). Cuối năm 1961, BCH Miền dời về khu B, tại Trảng Chiên ở phía bắc tỉnh Tây Ninh. Năm 1963, chính phủ VNCH cho thành lập biệt khu Phước Bình Thành gồm 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Phước Thành với BTL đặt tại Phước Bình để bao vây phong tỏa chiến khu. Sau đó, tỉnh Phước Thành bị giải thể theo sắc lệnh số 131-NV ngày 6/7/1965 của Thủ tướng VNCH. Tháng giêng năm 1973, BTL Miền chuyển căn cứ về sóc Tà Thiết, nằm cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 17 km về phía tây-nam. Tọa lạc ở đoạn cuối của đường mòn HCM và là nơi tiếp nhận các đơn vị, quân dụng và tiếp liệu từ Bắc xâm nhập vào Nam, chiến khu Đ vẫn tiếp tục được mở rộng với ranh giới phía tây là sông Bé, phía nam và đông là sông Đồng Nai, phía bắc là biên giới Việt Miên. Diện tích tổng cộng là 5 100 km2 (Hồ Sơn Đài, Chủ biên, Lịch Sử Chiến Khu Đ, trang 298; nxb Đồng Nai, 1997).
[13] Vùng này ngày xưa có nhiều bò rừng. Trong chiến tranh, Hố Bò là nơi đặt căn cứ của đặc khu Sài Gòn - Gia Định của VC. Ngày hôm nay, Hố Bò bao gồm địa phận các xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức và Trung Lập.
[14] Bây giờ Phước Hiệp là thị trấn Phước Thạnh.
[15] Nơi đặt BTL sư đoàn BB 9 của CS bây giờ.
[16] Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng được thành lập vào tháng giêng năm 1965 tại An Nhơn Tây. Tiểu đoàn 2 Gò Môn được thành lập không lâu sau đó (Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Chủ biên, Lịch Sử Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Huyện Củ Chi 1945-2005, trang 132 & 207; nxb QĐND, Hà Nội, 2006). Cuối năm 1967, hai tiểu đoàn này được tổ chức thành trung đoàn QT để chuẩn bị cho cuộc TCK tết Mậu Thân (Hồ Khang, Tết Mậu Thân 1968 Bước Ngoặt Lớn Của Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước, trang 109; nxb QĐND, Hà Nội, 2005). QLVNCH đã phát giác được khi trung đoàn này tấn công vào phía bắc Sài Gòn. Ngày 17/6/1968, Đại úy Phan Văn Xứng, Trung đoàn phó trung đoàn QT ra hàng tại Gia Định và cho biết quân số còn khoảng 230 cán binh nhưng chỉ 120 người còn khả năng tác chiến, số còn lại đều bị thương (Trung tá Phạm Văn Sơn, Chủ biên, Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968, trang 169; Khối Quân Sử Phòng 5 Bộ TTM/QLVNCH ấn hành, Sài Gòn, tháng 8/1968). Sau đó, người ta không còn nghe đến tên của trung đoàn QT nữa. Đầu năm 1970, chỉ có TĐ1/QT tái xuất hiện tại Củ Chi. Cuối năm 1972, TĐ2/QT được thành lập nhưng chỉ một thời gian ngắn thì hai tiểu đoàn này được sáp nhập lại thành một (Đại tá TS. Hồ Sơn Đài & nhiều người khác, 60 Năm Lực Lượng Vũ Trang Quân Khu 7 (1945-2005), trang 148; nxb QĐND, Hà Nội, 2002).
Đến giữa tháng 4/1975, đơn vị cấp trung đoàn mới được thành lập trở lại tại địa phương. Đó là trung đoàn 1 Gia Định với thành phần là TĐ1/QT và tiểu đoàn Gia Định 4 Đặc công. Thành ủy SG-GĐ cho rút các cán binh thuộc bộ đội địa phương để thành lập thêm trung đoàn 2 Gia Định. Thành đội SG-GĐ chỉ huy 2 trung đoàn 1, 2 GĐ và 5 tiểu đoàn biệt lập để tham dự chiến dịch HCM. Trung đoàn 1 GĐ có nhiệm vụ tấn công Tân Thới Thượng và các phân chi khu Xuân Thới Thượng, Tân Thới thuộc quận Hóc Môn. Trung đoàn 2 GĐ đánh các đồn chợ Tân Thạnh Đông, Thằng Mòi và chận các đơn vị của sư đoàn 25 BB lui binh (Hồ Sơn Đài & Trần Nam Tiến, 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định - Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh - Chiến Dịch Hồ Chí Minh, trang 142 & 168; nxb Tổng Hợp, TP. HCM, 2007). Như vậy, trung đoàn QT được xem như không còn nữa sau tết Mậu Thân năm 1968.
Ngày 30/4/1975, khi lực lượng của tiểu khu Hậu Nghĩa lui binh và được lệnh buông súng gần cầu An Hạ (N-V-N, Hậu Nghĩa Trước Giờ Bức Tử, trang 66; ĐS/HN Xuân Kỷ Mão, 1999) thì chính trung đoàn 1 GĐ là đơn vị ra tiếp nhận sự đầu hàng (Thượng tá, thạc sĩ Đinh Văn Thiên, Những Chiến Dịch có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong Đại Thắng Mùa Xuân 1975, trang 155; nxb QĐND, Hà Nội, 2010).
[17] Tài liệu của CS ghi lại trận đánh Trung Hưng - Ràng (xã Trung Lập) ngày 17/12/1946. Trong đó ba chi đội 6, 11 và 12 của Việt Minh chận đánh cuộc hành quân của bán lữ đoàn 13 Lê Dương (Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Chủ biên, Lịch Sử Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Huyện Củ Chi 1945-2005, trang 48-52; nxb QĐND, Hà Nội, 2006). Tài liệu về đội quân Lê Dương của Pháp cho biết bán lữ đoàn 13 LD (13e DBLE) đến Sài Gòn vào tháng 3/1946. Tiểu đoàn 1 phụ trách khu vực Thủ Đức và Lái Thiêu. Tiểu đoàn 2 đóng tại Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) phụ trách Đồng Tháp Mười. Tiểu đoàn 3 với BCH đặt tại Hốc Môn. Chỉ có ba trận đánh được ghi nhận trong thời gian này. Trận đầu tiên xảy ra khi Việt Minh tấn công đồn của tiểu đoàn 1/13 tại giồng Mật Cật ngày 19/6/1946. Không có tổn thất nào được ghi nhận. Trận thứ nhì cũng xảy ra trong tháng 6 tại Củ Chi. Đại úy Bazalaire, ĐĐT đại đội 9 thuộc tiểu đoàn 3 cùng với 18 binh sĩ Lê Dương bị giết, 10 người khác bị thương. Một cuộc đụng độ xảy ra bốn ngày sau trận đánh thứ nhì. Đại đội 2 tiêu diệt khoảng 100 cán binh Việt Minh và bắt được 80 tù binh tại bưng Vĩnh Lộc (bây giờ thuộc huyện Bình Chánh, thành phố HCM). Tình trạng mất an ninh được quân đội Pháp xác nhận. Các đoàn xe tiếp tế bị VM phục kích thường xuyên (P Dufour, La Legion en Indochine 1945-1955, trang 24-25; Editions Lavauzelle, Panazol, 2001). Đầu năm 1954, tiểu đoàn 62 BVN đã đụng độ với VC khi hành quân dọc theo TL-7A, đoạn từ xã Trung Lập đi ra sông Sài Gòn (sau này nằm trong vùng oanh kích tự do) và theo con đường mòn dài khoảng 6-7 cây số, từ TL-7A đi lên đồn điền Sinna (Tiểu đoàn phó, Trận Sa Nhỏ ... Ba Sòng ..., trang 206-212, ĐS/HN Xuân Bính Tuất, 2006). Ba Sòng nằm dọc theo đường mòn và cách TL-7A khoảng 3 cây số. Nếu đi thêm khoảng 4 cây số nữa, gần cuối đường mòn là đồn điền Sinna. Sa Nhỏ nằm ở phía đối diện, gần ngọn của rạch Cầu Cả Bảy.
[18] Tài liệu của CS cho rằng một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 50 vào giải tỏa xã Trung Lập nhưng tin tức tình báo của TK/HN cho biết đó là trung đoàn 49. Tuy nhiên có lẽ là trung đoàn 50 vì vào đầu tháng 4, chiến đoàn 49 của sư đoàn 25 BB đang đụng độ nặng với đơn vị C30B chung quanh Xa Mát. VC chiếm Xa Mát ngày 2/4/1972 nên trung đoàn 49 khó có thể được rút về hướng nam trong lúc này. Chỉ mấy tuần sau thì VC tấn công xã Trung Lập.
[19] Sau khi giải tỏa áp lực địch, người ta thường phải thực hiện một trong ba bước kế tiếp là xuyên thủng hay khai thác hoặc truy kích (Général M Yakovleff, Tactique Théorique, trang 462-467; ấn bản thứ nhì, Editions Economica, Paris, 2009 & Baron A H de Jomini, Art of War, trang 241; Lionel Laventhal Limited, London, 1992).
[20] Sau chiến tranh, việc không truy kích VM đã có nhiều ý kiến nhận xét với hai khuynh hướng trái ngược nhau. Trung tá Redon (người trong cuộc), Liên đoàn trưởng liên đoàn lưu động số 1 (GM1 hay còn được gọi là GMNA) cũng là CHT cuộc phản công tại Vĩnh Yên trong giai đoạn đầu, trong phúc trình sau trận đánh cho rằng vì khiếm khuyết của hệ thống chỉ huy cũng như chỉ huy của sĩ quan thâm niên hiện diện (ám chỉ Tướng Salan, được De Lattre phái ra trước) đã khiến ông không thể tập trung lực lượng để truy kích (Colonel Frédéric Guelton, La bataille de Vinh Yen (Janvier 1951), trang 48-59; guerre d'Algérie guerre d'Indochine, số 19, Mar/Avr/Mai, 2010). Sử gia Gras (người ngoại cuộc) cho rằng Tướng De Lattre e ngại VM sẽ tiếp tục tấn công Hà Nội, do đó không thể đưa quân Pháp đi xa trọng tâm để đuổi theo quân VM đã rút vào vùng rừng núi (Général Y Gras, Histoire De La Guerre D'Indochine, trang 382; Editions Denoel, France, 1992).
[21] CS gọi là thủ đoạn tiến công.
[22] Suối Gia Bẹ trên bản đồ hành quân.
[23] Chiến thuật trực thăng vận còn được biết dưới tên là bao vây thẳng đứng (vertical envelopment), để phân biệt với chiến thuật nhảy dù.
[24] Trung đoàn 66 CSBV bao vây và pháo kích trại LLĐB Ben Het từ ngày 23/2 đến ngày 3/3/1969. Sau đó sử dụng một tiểu đoàn BB và 10 thủy xa PT-76 tấn công trại. Với sự yểm trợ của các chiến xa M-48 của Mỹ, trại đẩy lui được cuộc tấn công. VC tiếp tục bao vây và pháo kích trại đến tháng 7 mới chấm dứt (S L Stanton, Green Berets at War, U.S. Army Special Forces in Southeast Asia 1956-1975, trang 257-258; Presidio Press, California, 1990). Phóng viên chiến trường của QLVNCH ghi nhận trại Ben Het đã bị 3 trung đoàn VC bao vây và pháo kích dữ dội từ ngày 14/4 đến 21/6/1969 với đủ loại đạn từ B-40, B-41 đến cối 82, 85, 120 và pháo 107, 122 ly (Đinh Quân, Tử Địa của Cộng Quân - Bộ mặt buôn Plei-Cần sau những ngày khói lửa, trang 8-14, số tháng 7 năm 1969; Nguyệt San 4 Phương của Lực Lượng Đặc Biệt và Biệt Kích Quân, Phòng Tâm lý chiến BTL/LLĐB ấn hành).
[25] Tháng 6/1972, VC trở lại đánh xã Trung Lập một lần nữa (E M Bergerud, The Dynamics of Defeat - The Vietnam War in Hau Nghia Province, trang 317; Westview Press, Inc., 1993). Tiểu đoàn 2/43 thuộc sư đoàn 18 BB do Thiếu tá Nguyễn Văn Thoại làm TĐT, đang đóng quân tại xã Trung Lập phải đánh mở vòng vây ra QL-1 vì nhận được lệnh lên giải tỏa quận lỵ Trị Tâm sắp bị VC chiếm. Tiểu đoàn bàn giao vùng trách nhiệm lại cho một đại đội ĐPQ (Điện thư của cựu Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế gửi cho tác giả ngày 20/8/2010).
[26] Trung tá Nguyễn Văn Thành bị trúng mìn tử trận tại Đức Hòa ngày 22/4/1972 theo tài liệu sau chiến tranh (Huỳnh Văn Liêm & nhiều người khác, Sơ Lược Tiểu Sử Tỉnh Hậu Nghĩa, trang 19-21; ĐS/HN Xuân Kỷ Mão, 1999). Phía Mỹ ghi nhận ông mất ngày 20/4 (E M Bergerud, The Dynamics of Defeat - The Vietnam War in Hau Nghia Province, trang 316; Westview Press, Inc., 1993).
[27] Một tài liệu sau chiến tranh cho biết khoảng giữa năm 1972, trung đoàn 271 Biệt lập là đơn vị VC hiện diện trong địa bàn hai huyện Đức Huệ và Trảng Bàng (Nguyễn Văn Ngọc, Hậu Nghĩa Sử Hùng Ca, trang 37-38; Đặc San Hậu Nghĩa Xuân Kỷ Mão, 1999). Phía Mỹ chi tiết hơn khi cho rằng trung đoàn 101 CSBV là đơn vị đã đánh chiếm ấp Trung Hòa (E M Bergerud, The Dynamics of Defeat - The Vietnam War in Hau Nghia Province, trang 317; Westview Press, Inc., 1993). Một tài liệu khác ghi nhận là kể từ mùa mưa năm 1972, 3 trung đoàn VC bị phát giác tại Hậu Nghĩa. Trung đoàn 55 thuộc sư đoàn 5 VC đã đụng độ với tiểu đoàn 326 ĐPQ tại Lâm Vồ thuộc chi khu Trảng Bàng. Trung đoàn E101 thuộc sư đoàn 9 VC bị thiệt hại nặng khi tập kích tiểu đoàn 327 ĐPQ cũng tại Trảng Bàng. Sau đó, trung đoàn E271 bị tiểu đoàn 305 và 329 ĐPQ, đại đội 2/328 và đại đội 773 trinh sát đẩy lui khi đột nhập vào lãnh thổ của chi khu Đức Huệ (Người Trảng Bàng, Nhớ Về Người Lính Địa Phương Quân, trang 196-199; ĐS/HN Xuân Canh Dần, 2010).
Tài liệu của CS xác nhận trung đoàn 16 được tăng phái cho phân khu 1 (bao gồm địa phận của hai quận Củ Chi và Trảng Bàng) từ năm 1968; được trả về cho BTL Miền từ ngày 13/1/1973 (Thượng tá Hồ Sĩ Thành, Chủ biên, Lịch Sử Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Huyện Củ Chi 1945-2005, trang 231; nxb QĐND, Hà Nội, 2006). Cũng tài liệu của CS cho biết trong cùng khoảng thời gian này, trung đoàn 271 thuộc BTL Miền có nhiệm vụ tấn công tỉnh Long An (bao gồm địa phận của hai quận Đức Hòa và Đức Huệ) trong đợt "Chồm lên" của chiến dịch Nguyễn Huệ (Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ biên, Tiểu Đoàn 1 Long An (1954-2000), trang 144-145; nxb QĐND, Hà Nội, 2003). Tuy nhiên, một sĩ quan cao cấp của CS trong khi mô tả lại chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 cho biết VC lập ra đơn vị lâm thời (chiến đoàn theo thuật ngữ của QLVNCH) C30B gồm 2 trung đoàn 24 và 271 cùng một số đơn vị yểm trợ có nhiệm vụ đánh nghi binh dọc theo QL-22 (Thượng tướng Hoàng Cầm, Chặng đường Mười Nghìn Ngày, trang 266; nxb QĐND, Hà Nội, 2001). Một sĩ quan CS khác, lúc bấy giờ là đại tá phó chính ủy Miền cũng xác nhận nhiệm vụ của hai đơn vị này dọc theo QL-22 (Trung tướng Lê Văn Tưởng, Con Đường Tôi Đã Chọn, trang 250; nxb QĐND, Hà Nội, 2006). Một nghiên cứu của Mỹ cho biết là trong năm 1972, ĐPQ & NQ của tỉnh Hậu Nghĩa đã gây thiệt hại nặng cho 3 trung đoàn VC nhưng không xác định được chỉ danh của các đơn vị này (Sử gia Bill Laurie, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 1968-1975, trang 69; Nguyễn Tiến Việt chuyển ngữ; Nguyệt San Chiến Sĩ Cộng Hòa, số ra mắt, tháng 7-2009).
Đầu năm 1973, tình báo của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng (DAO) phát giác trung đoàn 101 trong địa bàn ba tỉnh Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Bình Dương (Colonel W E Le Gro, Vietnam from Cease-Fire to Capitulation, trang 75; U.S. Government Printing Office, Washington, D.C., 1985). Một tài liệu sau chiến tranh mô tả trận đánh xảy ra vào tháng 4/1973 tại Lộc Giang thuộc chi khu Trảng Bàng và cho biết QLVNCH đã gây thiệt hại nặng cho trung đoàn 271 (Bùi Văn Ngô, Trương Văn Nhì, Nguyễn Đình Đắc & Trần Văn Khải, ĐPQ và NQ Hậu Nghĩa Tiêu Diệt Trung Đoàn 271 Biệt Lập, trang 168-172; ĐS/HN Xuân Kỷ Mão, 1999).
Phân tích những chi tiết trên, người ta có thể đoán được là VC đã thay đổi chỉ danh các đơn vị để đánh lạc hướng tình báo của QLVNCH và đồng minh, nhất là che dấu nguồn gốc của các đơn vị CSBV xâm nhập từ miền Bắc vào. Hai trung đoàn 55 và 101 mà tình báo Việt - Mỹ phát giác chính là 24 và 16 của CS. Chắc chắc không có đơn vị nào của sư đoàn 5 VC trên hướng này vì đang giữ nhiệm vụ tấn công Lộc Ninh trên QL-13. Cũng nên lưu ý là mặc dù đều nằm dưới sự điều động của BTL Miền nhưng trung đoàn 16 là đơn vị cơ hữu của sư đoàn BB 9. Trung đoàn này nguyên là trung đoàn 1012 của quân đội CSBV, xâm nhập vào chiến trường B2 năm 1966 (Thượng tá Trần Phấn Trấn, Chủ biên, Lịch Sử Quân Giới Nam Bộ Và Cực Nam Trung Bộ, trang 215; nxb QĐND, Hà Nội, 1998). Trong khi đó, hai trung đoàn 24 và 271 là những đơn vị biệt lập do Bộ TTL quân đội CSBV tăng cường cho miền Đông Nam Bộ trong năm 1972 (Đại tá TS. Hồ Sơn Đài & nhiều người khác, 60 Năm Lực Lượng Vũ Trang Quân Khu 7 (1945-2005), trang 145; nxb QĐND, Hà Nội, 2002). Hai trung đoàn này là lực lượng chủ lực Miền trong khi hai quân khu 7 và 8 lại có riêng những trung đoàn chủ lực của quân khu. Ngoài ra, do phân vùng hoạt động của VC cũng như để dễ dàng phối hợp cùng với bộ đội địa phương và sự hướng dẫn của du kích, một đơn vị cấp trung đoàn chỉ hoạt động hoặc trong hai quận Trảng Bàng - Củ Chi hoặc Đức Hòa - Đức Huệ, chứ không xé lẽ Đức Huệ và Trảng Bàng.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen