Sonntag, 17. August 2014

TIẾNG NƯỚC TÔI

Đừng tự hào vì mình Nghèo mà học Giỏi, hãy tự hỏi sao mình Giỏi mà vẫn Nghèo.

1/.“Nước” - một từ đặc Việt
Lấy nơi sinh sống đặt tên cho lãnh địa dân tộc mình là lẽ thường tình. Nhiều nước có tên gọi gắn với “đất” (land). Scotland là “đất của những người nói tiếng Gaelic”, Phần Lan (Finland) là “đất của những người nói tiếng Finnic”, Hà Lan (Holland) là “vùng đất cây cối rậm rạp” và cũng là “những vùng đất thấp” (Netherlands), Ba Lan (Poland) là “đất của dân tộc Poles”. Nhưng người Việt dùng từ nước để chỉ lãnh thổ dân tộc: nước Việt Nam. Điều này gắn với huyền sử Việt, số con của bà Âu Cơ nửa lên núi, nửa xuống biển nên non nước, đất nước cũng là nước, là quốc gia.


Trong tiếng Việt, từ làng nước để chỉ những người cùng làng. Thú vị là từ làng cũng gắn với “những dải nước lớn”, vì người Việt cổ “quần cư quanh những dải nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là lang và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy được gọi là làng” (Nguyễn Kim Thản). Khi xâm lược nước ta, người Hán gọi dải nước rộng lớn, chạy dài suốt từ Yên Lãng, Đông Anh lên Từ Sơn... là Lãng Bạc. Theo mặt chữ, lãng là sóng, bạc là hồ nước lớn xung quanh có núi. Chữ lãng ở đây dùng để phiên âm từ láng mà người Việt Nam dùng để gọi dải nước này. Từ láng, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) có nghĩa là đầm, đìa. Hiện vẫn còn nhiều địa danh láng: làng Láng (ở Hà Nội, dưa La cà Láng), Láng Le, Láng Thé, Láng Cò, Láng Thờ (dưới đền Hùng)...

3 Nơi ở của người Việt gắn chặt với nguồn nước nên tổ tiên ta đã dùng từ nước (water) đặt tên cho đơn vị hành chính lớn nhất của mình, nước là quốc gia (state). Theo quy luật lấy con người làm trung tâm và lấy những sự vật gần gũi nhất quanh ta để đặt tên nhiều hiện tượng khác, từ nước được người Việt dùng theo nghĩa bóng rất nhiều, những cách dùng từ ngữ hiếm thấy ở những dân tộc khác.
Bắt đầu một ngày, mặt trời nhô lên khỏi biển được người Việt gọi là “mặt trời mọc” giống như cây mọc từ đất, hoa sen, hoa súng mọc từ nước, trong khi các dân tộc Anh, Nga, Pháp nói là “mặt trời đi lên” (to rise, podnimatsja, se lever). Chuyển từ ngày sang đêm, mặt trời buông xuống rồi biến mất, giống như khi ta lặn xuống nước không ai thấy nữa. Vậy là người Việt nói “mặt trời lặn”.
Trong tiếng Việt, từ nước có tính độc lập cao, nó kết hợp được với tính từ, động từ, danh từ theo những trật tự khác nhau. Hãy so sánh với tiếng Anh: tiếng Việt có 117 cụm từ trong đó có yếu tố nước, sông, trong số này có 97 cụm mà tiếng Anh lại diễn đạt bằng những từ khác chứ không phải là nước, sông (water, river), tuy tiếng Anh cũng có 19 cụm từ chứa water, river nhưng ở cách nói tương ứng trong tiếng Việt lại không dùng hai từ sông, nước(theo Nguyễn Thị Thanh Phượng). Chu Lai viết: “Chị hàng nước mang hàm giảng viên đại học... còn có nhã ý bán thêm mặt hàng mía đẫn để phục vụ riêng cho Lãm” (Phố). Hàng nước đâu chỉ có bán nước, còn bán cả kẹo bột, kẹo vừng, mấy gói thuốc lào, dăm bao thuốc lá. Người uống nước có thể mua thêm cút rượu nhắm suông kẹo lạc, kẹo vừng... Từnước đã thay cho nhiều mặt hàng ăn uống lặt vặt.

4 Các bạn thử xem có thể dùng những cụm từ chứa water để dịch những từ nước in nghiêng dưới đây được không?
Tức nước vỡ bờ, nước biểu trưng cho sức mạnh, cho năng lực. Từ đây có những cách nói: học hành như vậy chưa nước non gì đâu; nó thì nước gì, đến nước ấy là cùng; làm thế cũng chả nước mẹ gì (xin lỗi!)... Thay vì nói “ra tay, trổ tài” người ta cũng nói “ra nước”.
Nước thì có bề mặt phản chiếu, nên có thể dùng từ nước để chỉ những gì trên bề mặt có màu sắc: nước da trắng hồng, nước bóng, nước mạ, nước kền, nước sơn, màu chiếc xe đã xuống nước không còn như lúc mới.
Những con nước lên xuống, rồi một sông nước chảy đôi dòng, dẫn tới những tình huống mà con người phải xử trí hằng ngày, hoặc nói năng ngang bằng sổ thẳng hoặc theo nước đôi muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tình huống trong cuộc đời giống như tình thế trong cuộc cờ. Vậy nên nước còn dùng để nói về nước cờ, thế cờ“Cờ đang dở cuộc không còn nước” (Nguyễn Khuyến). Nhiều lúc dù có xoay xở hết nước vẫn không thoát khỏi nước bítrong cuộc cờ, cũng như trong cuộc đời nếu như không có những lời mách nước. Kẻđược nước, ở vị thế cao thì lấn nước, người kia mất nước, ở vị thế thấp đành chịu nước lép hoặc tính tới nước nói dối. Thậm chí nếu hết đường binh thì chỉ còn nước đầu hàng.Nước đời là vậy.
Dòng nước chảy gợi nên sự chuyển động khiến ta liên tưởng tới cách thức đi đứng, hành xử tìm ra đường đi nước bước trong công việc. Ngựa chạy được ví như nước chảy, có lúc đi nước kiệu, lúc lại phi nước đại. Về gần đích, vận động viên chạy nước rút. Cuối năm, nhà máy, xí nghiệp cũng mở cuộc đua nước rút hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch.
Mời các bạn suy ngẫm và dịch tiếp những từ “nước” dưới đây: nước chấm, nước dùng, nước lèo, nước cốt, nước hàng, nước màu, nước hoa, nước trái cây, sắc tới nước thuốc thứ hai, thêm thứ này vô sẽ mất nước, nước độc, bị sốt rét ngã nước, buôn bánnước bọt....
Ấy là chúng ta chưa nói về nghĩa bóng của từ nước trong thành ngữ, tục ngữ Việt.

2/.Nhân tết nói chuyện ăn

Ăn là câu chuyện của muôn thuở. Từ cổ chí kim, hỏi có ai không ăn mà sống được? Tết nhất hội hè, người ta thường hay tổ chức ăn uống linh đình. Đó cũng là chuyện đương nhiên.

tôi không có ý lạm bàn về chuyện ẩm thực (ẩm: uống, thực: ăn). Tôi muốn nhân đây để bàn về một vấn đề liên quan tới ngôn ngữ. Đó là ngữ nghĩa của tổ hợp từ ăn tết.
Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên) đã thống kê tới 159 tổ hợp có từ ăn đứng đầu. Dĩ nhiên các từ này phải có nghĩa xuất phát, nghĩa cơ bản của ăn, được giải thích là “tự cho vào cơ thể thức nuôi sống”. Ăn cơm, ăn cháo, ăn cám, ăn cỏ, ăn ráy, ăn khoai... là ăn các thức ăn cụ thể. Ăn sáng, ăn trưa, ăn tiệc, ăn cỗ, ăn sam... nói về việc ăn trong các thời điểm và nghi thức, kiểu cách khác nhau. Ăn bớt, ăn bẩn, ăn chặn, ăn cắp... là các lối “ăn” được coi là xấu, liên quan tới tư cách, phẩm chất của người ăn. Miếng ăn quá khẩu thành tàn (tục ngữ) mà!
Tuy nhiên, có một loạt tổ hợp ăn mà nghĩa chung của nó được thay đổi lệch sang thành tố sau. Ví dụ:
ăn chia: chia phần (giữa những người, những bên cùng tham gia một công việc nào đó). Tụi mình đã làm ăn với nhau trước hết ăn chia phải sòng phẳng; ăn cho đều kêu cho sòng (tục ngữ).
ăn chơi: chơi bời, tiêu khiển bằng các thú vui vật chất (và tinh thần). Tay ấy được coi là kẻ ăn chơi bậc nhất, sẵn sàng ném tiền qua cửa sổ.
ăn dỗ: dỗ dành, lừa phỉnh (để kiếm ăn). Rõ dơ! Người nom thế mà lại đi ăn dỗ trẻ con.
ăn mặc: mặc hay những vấn đề thuộc về trang phục nói chung. Hôm nay ngày kỵ, con nhớ ăn mặc sao cho chỉnh tề nhé!
ăn nhậu: nhậu nhẹt, chè chén. Chiều nào hội này cũng ăn nhậu với nhau đến khuya.
ăn tiêu: tiêu pha (trong đời sống). Nhà ấy kiếm ra tiền nhưng ăn tiêu dè sẻn lắm...
Ta thấy, với các tổ hợp “ăn + x”, lẽ ra ăn phải mang nghĩa trội nhưng qua quan sát, nghĩa chủ yếu lại rơi vào yếu tố đứng sau. Chẳng hạn: ăn chia: chia là chính, ăn chơi: chơi là chính, ăn mặc: mặc là chính...

Trở lại với từ ăn tết mà chúng ta đang bàn. Nói đến tết, mỗi người Việt Nam sẽ nghĩ ngay tới Tết Nguyên đán (hay còn gọi là tết ta) quen thuộc, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Làm như ba ngày mùa để đâu cho hết, ăn như ba ngày tết lấy gì mà ăn? Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết... (tục ngữ). Tết là dịp người ta chuẩn bị sắm sanh đồ ăn thức uống đủ đầy. Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà; Khôn ngoan tới cửa quan mới biết, giàu có ba mươi tết mới hay (tục ngữ).
Nhưng cao hơn cả là những hoạt động hướng về tổ tiên, nguồn cội. Tháng giêng ăn tết ở nhà. Dù ai đi đâu làm đâu, dẫu xa đến mấy vẫn lấy tết là một thời điểm cần phải hành hương về quê, đoàn tụ với người thân, xóm làng. Ở đó có hương hỏa, tổ tiên và quê hương nguồn cội của họ.
Ăn cơm mới, nói chuyện cũ (tục ngữ). Mỗi khi tết đến xuân về, những người già, người lớn tuổi thường nhân dịp con cháu quây quần để ôn cố tri tân. Coi đó là một dịp nhắc nhở và răn dạy các thế hệ hậu sinh. Và thế hệ hậu sinh hướng về các bậc cao niên sinh thành để đáp lễ, bằng các hành động, bằng sự tri ân (biếu tiền bạc, tặng quà cáp, báo cáo sự thành đạt...). Tết là dịp để mỗi người, mọi người tổng kết, nhìn lại và suy ngẫm về quá khứ và định hướng tương lai.
Rồi cũng nhân dịp tết, người ta thường tổ chức các lễ hội mừng xuân. Ai từng về vùng nông thôn xưa nhân dịp tết sẽ thấy rất nhiều đám đông tụ họp, ăn mặc đẹp nhiều màu sắc, vui chơi, nhảy múa trong tiếng nhạc và tiếng trống rộn ràng. Tháng giêng là tháng ăn chơi (tục ngữ) mà.
Như vậy, ăn tết hình như không chỉ có “ăn” và “ăn” chỉ là một phần nhỏ làm nên cái tết. Hương vị tết phải là những gì mang nét đẹp tinh thần, có ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng và đậm chất nhân văn truyền thống. Tết (với nghĩa rộng như trên đã nói) là thành tố chủ đạo làm nên tổ hợp từ ăn tết. Tết là thời điểm đặc biệt, và ý nghĩa của nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi người dân Việt Nam. Tết chẳng riêng ai, tết mọi nhà/Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên (tục ngữ).



Không biết có phải do hoàn cảnh thiếu ăn thiếu mặc từ xa xưa, mà người Á đông nói chung, người Việt nói riêng, đặc biệt quan tâm tới miếng ăn. Ăn không phải chỉ để sinh tồn, mà còn để hưởng thụ: Ăn đứng đầu tứ khoái. Ăn cho sướng miệng cái đã, mấy chuyện khác tính sau.
Ở đâu lúc nào, một mình hay nhiều mình, cũng thấy ăn. Thui thủi, trơ trọi ở nhà, lục lọi coi có cái gì ăn cho đỡ buồn. Ra đường, đi chơi hay lo việc, trước hay sau gì cũng phải kiếm cái gì dằn bụng. Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn khuya. Vì vậy, trong tiếng Việt có vô số động từ đôi đi chung với “ăn”. Điểm này không thấy có trong ngôn ngữ của các dân tộc khác.
Nhưng “ăn” nhiều khi lại không có nghĩa là “ăn”, mới lạ!
Tụ họp đình đám, lễ lạt giỗ tết, người mình nói “ăn cưới”, “ăn tết”, “ăn giỗ”, “ăn cúng”, “ăn đám ma”, … Từ “ăn” trong những nhóm chữ này rõ ràng là hành động đưa thực phẩm vào miệng, nhai rồi nuốt, không thoát đi đâu được. Giống như “ăn” trong “ăn khín”, “ăn chực”, cũng là “ăn”, nhưng hàm ý không mấy tốt, tới ăn không ai mời, hoặc có mời nhưng sau đó lại nhiếc móc sau lưng: “Cái thằng đó ưa tới nhà mình nhằm giờ cơm để ăn khín mà không biết mắc cỡ!” Nhưng “ăn chực” trong thành ngữ “ăn chực nằm chờ” lại ngụ ý: kiên nhẫn chờ được giải quyết một vấn đề gì đó. Có lẽ bắt nguồn từ xưa: mỗi khi dân chúng từ những nơi xa xôi có việc tới nhà quan ở chợ, ở tỉnh, ở kinh thành, thường đem theo đồ ăn thức uống để lót bụng, vì biết chắc thế nào cũng phải chờ đợi lâu lắc, lắm khi dăm ba ngày liên tiếp; ăn để chực chờ tới lượt được vô hầu quan lớn.
Phong cách ăn uống, nói năng giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong truyền thống phong tục, lễ giáo của người Việt. Con cái, đặc biệt là con gái (vì thời xưa không được tới trường), được cha mẹ dạy cho “học ăn, học nói, học gói, học mở”, coi như những chuẩn mực để xử thế và giao tiếp trong gia đình, họ hàng và ngoài xã hội. Nghĩ rộng, thấy bốn món “công, dung, ngôn, hạnh” được gói ghém gần như trọn vẹn trong đó. (Tới đây, người viết xin được mở dấu ngoặc, đặt dấu hỏi lớn về nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ “học gói, học mở” trong thành ngữ này. Tự điển Việt ngữ có vài cách giải thích khác nhau, không biết thực hư ra sao?). Vậy, “ăn” khi đi chung với “nói” được hiểu là đối đãi, cư xử. Nhưng khi cặp kè với “nhậu”, tuỳ theo cách nói, lại có nghĩa hoàn toàn khác: “Chuyện vợ chồng người ta không ăn nhậu gì tới mình, mình xía vô đâm ra mất lòng.” Ở đây, không biết vì nỗi niềm trắc trở gì mà “ăn nhậu” cương quyết chia tay, không còn luyến tiếc chút dư vị nào của “ăn uống, nhậu nhẹt” nữa, để cải trang, đổi lớp thành “dính líu, dính dáng”. Lạ, nhưng không lớn!
Chuyện lớn chỉ thực sự xảy ra, khi “ăn”… lỡ chung chạ với “nằm”. Mẹ quát con gái: “Hả, cái gì? Bộ đui hay sao mà mày ăn nằm với cái thằng trời đánh thánh đâm, lưu manh láu cá đó? Trời ơi là trời, con ơi là con!” Nhất định là phải có “ăn” vô đây thì “nằm” mới trọn nghĩa “tằng tịu” của nó, và được dùng để ám chỉ những trường hợp chung đụng xác thịt không chính thức. Vợ chồng với nhau, không ai (hoặc không nên) nói “ăn nằm”, mà nói “ăn ở”. Khi người vợ rưng rưng nước mắt trách cứ: “Vợ chồng mình ăn ở với nhau bảy mặt con, không còn tình cũng còn nghĩa, mình nỡ lòng nào ăn nằm với con ở. Bây giờ, nó chang bang một bụng, em biết ăn nói sao đây với con cái?” Nghe thương xót biết mấy! Và, “ăn nói” trong tình huống này, có thêm nghĩa “giải thích, làm sáng tỏ”, ở đây là lý do tại sao cái bụng chị ở không dưng càng ngày càng phình 1ớn một cách vô cùng khó hiểu.
Chuyển qua “ăn vụng”. Nghĩa đen ý nói “giải quyết cái đói một cách lén lút”: “Nhà tôi có tật ăn vụng ban đêm, khuya nào cũng thức dậy, xuống bếp lục cơm nguội.” Chuyện không sao cả. Nhưng tới lúc nàng nghiến răng trèo trẹo cảnh cáo: “Tôi nói cho anh biết, anh mà lén tôi đi ăn vụng, tôi biết được, đừng có trách tôi ác!” Và, tới khi bạn gái trề môi nhún mỏ rỉ tai nhau: “Ai kêu, ăn vụng không biết chùi mép, bị vợ đuổi ra khỏi nhà, đáng đời!”, thì chuyện đã… mọc trăng sao, đang tối thành sáng trưng; hành động “ăn vụng” trở mặt, chỉ còn độc nhất một nghĩa bóng: “Đã có gia đình, còn đi ngoại tình.”
Trực tiếp hay gián tiếp cùng nghĩa với “ăn”, trong tiếng Việt có “ăn xin”, “ăn mày”: “Xin” người khác để có miếng ăn, để sinh sống (chữ “mày” trong “ăn mày” ngụ ý gì, có dính dáng gì tới “mày ốc”, “mày ghẻ” hay không, người viết không rõ.) Không riêng gì ở Việt nam, mà khắp nơi trên thế giới, đều có người ăn mày. Thậm chí, như ở Việt nam, có cả làng sống bằng nghề ăn mày, từ đời cha tới đời con. “Ăn mày”, vì vậy, nghiễm nhiên trở thành cái nghề. Để rồi, từ “nghề” chuyển ra “nghiệp”, đâu mấy hồi. Sinh ra, vướng nghiệp “ăn mày”, cuộc đời hẳn nhiên rách, rách lắm. Đâu mấy ai nhờ đó mà “ăn nên làm ra”?
Ở Pháp, tin mạng có trang “Ăn mày văn chương”, nghe rất “ấn tượng”. Nhưng cá nhân tôi không thấu đáo hai chữ “ăn mày” ở đây hàm ý gì. Văn chương chữ nghĩa là tặng phẩm của ngôn ngữ dành cho tất cả chúng ta, nào phải sở hữu riêng ai để mình xin xỏ hay đem bố thí cho người khác!
Qua tới các động từ “ăn cắp”, “ăn trộm”, “ăn cướp” thì đột nhiên “ăn” không còn ý nghĩa là hành động giải quyết cái đói nữa (hay có, nhưng rất gián tiếp), mà: lấy của người khác làm của riêng.
Ca dao có câu:

Con ơi học lấy nghề cha,
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm.

Thì ra, không phải chỉ có nghề “ăn mày”, có cả nghề “ăn trộm” nữa kia. Và, cái nghề này hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn nhiều. “Ăn trộm” trúng mẻ, trời ạ, “thu nhập” ngang ngửa tới ba năm làm. Nghe bắt ham!
Dĩ nhiên, đã là nghề thì phải có trường ốc đào tạo, để học viên rành rẽ bài bản sáu câu mùi mẫn sau khi tốt nghiệp học đường “ăn xin”, và có chiến thuật tiến thoái gọn gàng, êm thắm, không để lại dấu vết khi thành tài “ăn trộm”. Theo học trường ốc ở đây, học viên không cần ghi danh, đóng lệ phí, cũng không nên hy vọng sẽ có ngày được… bảng vàng ghi tên. Tất cả mánh mung được “sư phụ” chỉ giáo cho “đệ tử”, và hẳn là… lén lút theo truyền thống dân gian truyền khẩu, cha truyền con nối. Vì vậy, không thấy lưu lại sách vở, tài liệu gì, để hậu bối đưa lên tin mạng cho người viết… tiện việc tra cứu.
Trong văn chương, nữ sĩ Trúc Giang tự thú trong hồi ký “Tình yêu nuôi tôi lớn”, đã “ăn cắp thì giờ của con, của chồng để viết truyện, để làm thơ”. Động từ “ăn cắp” được chị biểu tượng hoá, sử dụng ẩn dụ rất khéo, đọc nghe ái ngại, không biết rồi chị có… bị sao không, có bị chồng con thưa ra toà phạt vạ hay tù tội gì không?
Trong khi “ăn cắp” và “ăn trộm” mang nghĩa lén lút, lặng lẽ, lấm lét lấy “cắp” và lấy “trộm” của người khác làm của riêng, thì “ăn cướp” là dùng võ lực lấy công khai, nhiều khi sử dụng cả dao găm, súng đạn để tước đoạt cho bằng được.

Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Khổ cho dân mình quá! Nhưng không phải chỉ có khổ không đâu, cũng có trường hợp dân chúng nhờ cướp mà sướng. Thời xưa, ở Tây có anh hùng Robin Hood, ở Tàu có “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”. Rủi thay, chỉ sướng… ảo, vì các vị anh hùng thảo khấu nêu trên toàn là những nhân vật huyền thoại. Thời nay, tin mạng loan tin, ở Mỹ có anh quản lý ngân hàng “vừa bị tuyên án 41 tháng tù giam vì tội đã lấy tiền ở một số tài khoản của ‘người giàu’ bù vào tài khoản của ‘người nghèo’ tại ngân hàng nơi anh ta làm việc.” Khi bị phát giác, anh được các nhà tâm lý học chẩn bệnh, rằng anh mắc phải “hội chứng Robin Hood”. Dù vậy luật sư vẫn không cứu vãn cho anh được trắng án. Ấy, ngoài “hội chứng ăn cắp”, còn có thêm “hội chứng ăn cướp” nữa kia! Biết đâu chừng, dám có cả “hội chứng ăn chực, ăn khín” nữa, mà khoa tâm lý học chưa tìm ra!
Đàn bà, con gái khi không có gì ăn, tối tối ra đường ăn… sương, riết thành chuyên nghiệp: mang danh “gái ăn sương”, không được ai thương hại, mà còn bêu rếu. Thời đại bây giờ, đàn bà, con gái không còn độc quyền hành nghề này nữa, cả nam giới và, buồn thay, ngay cả thiếu niên nam nữ cũng nhảy vô cạnh tranh. Còn động từ “ăn đêm”, tôi nghĩ, không hẳn đồng nghĩa với “ăn sương”, mà gần với “ăn khuya” hơn. Ngoài ra, còn được dùng để chỉ “hành động đi kiếm mồi trong đêm tối” của muông thú, như trong bài đồng dao ru con:

Con cò mày đi ăn đêm,
đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…

Ỷ mạnh hoặc vai vế lớn, người miền Bắc nói “bắt nạt”, người miền Nam dùng động từ “ăn hiếp”, thường nghe trẻ con hài tội lẫn nhau: “Thưa cô, trò A ăn hiếp con, mượn con cục gôm, con đòi không chịu trả, còn kí đầu con nữa!”
Khi có kẻ thừa cơ “chôm” của, hoặc đợi anh hùng hảo hán ra tay trước, rồi hùa theo lấy, người Việt mình nói “ăn hôi”. “Ăn tàn” trong thành ngữ “theo đóm, ăn tàn” cũng có nghĩa tương tự như vậy: “Cái thằng đó là hạng người ‘theo đóm ăn tàn’, không hiểu sao mầy ăn ở với nó tới sáu mặt con!” Nghe hèn lắm. Còn “ăn mót” nghe lại thấy tội: “Vợ chồng nó chuyên môn ăn mót lúa của người ta mà sống”, và chẳng có gì đáng hãnh diện, vậy mà tục ngữ có câu:

Muốn ăn cơm ngon, lấy con nhà đi mót.
Muốn ăn canh ngọt, lấy con nhà bắt cua.

Câu đầu, tôi không biết phải hiểu sao cho đúng. Có lẽ ở đây không hẳn chỉ nói chuyện đi mót lúa đem về nấu cơm? Và cả hai câu hàm ý bóng gió, khuyên người đời nên biết chọn ý trung nhân cho đúng… tâm nguyện “ăn uống” chăng?
Còn “ăn” trong “ăn quịt” nguyên thuỷ hẳn có nguồn gốc “ăn xong, lỉnh mất, không trả tiền”. Về sau được dùng chung cho mọi trường hợp, khi tiền bạc không được thanh toán sòng phẳng. Hai bà chủ nợ khuyên nhủ nhau: “Chị coi chừng cái thằng cha X, bản mặt nó bảnh bao vậy chớ chuyên môn mượn tiền rồi ăn quịt.” Nhưng khi “ăn” cặp kè với “vạ”, ngộ nghĩnh thay, “ăn” bay mất nghĩa gốc. “Ăn vạ” là tiểu xảo thường thấy ở tâm lý lì lợm của trẻ con và… cầu thủ đá banh. Nhiều bà mẹ thường than phiền: “Thằng út nhà tôi, mỗi lần đòi gì không được là lăn ra ăn vạ, khóc lóc thảm thiết, thấy ghê lắm!” Hoặc: “Cầu thủ Y cố tình ăn vạ, thay vì được quả phạt đền, lại bị trọng tài phạt vạ thẻ vàng.” “Ăn” trong trường hợp này, có lẽ gián tiếp ngụ ý “cầu thắng, để đạt được mục đích” chăng?
Tương tự như trong chuyện bài bạc. Vợ chồng Năm Chuột sống bằng nghề “bài ba lá”. Ngày nào đi làm về, anh Năm cũng bị vợ vặn hỏi: “Bữa nay ăn thua sao rồi?” Không chạy đi đâu, “ăn” ở đây đồng nghĩa với “thắng”. Giống như trong thành ngữ “ăn thua đủ”, có nghĩa “so tài đọ sức cho tới lúc thắng thua minh bạch mới thôi”: “Tư Lùn là tay anh chị thuộc hạng dế ốc tiêu, vậy mà gan cùng mình, dám ăn thua đủ với dế cơm Hai Búa, không sợ sứt càng gãy gọng sao ta!” Hoặc trong “ăn gian”: Gian lận để thắng. Nhưng nhiều khi còn được sử dụng thay cho “gian dối”: “Cô hoa hậu ăn gian chiều cao, cao có 1 thước 55 thôi mà dám nói cao tới 1 thước 72. Thiệt, xạo hết ý!” Chuyện nhỏ. Còn có người “ăn gian” trí thức nữa kia! Hãy nghe chị em bạn gái tâm sự với nhau: “Chị lấy nó về làm chồng, mới biết nó là đứa ăn gian bằng cấp, đi du học Liên-xô chỉ được bằng phó tiến sĩ thôi, mà dám khoe mình là tiến sĩ, nghe có tức không?”
Có ai muốn dằn mặt, cảnh cáo kẻ khác, chỉ cần đeo vũ khí, đạn dược cho “ăn” là đủ: “Nói cho mầy biết, chớ có đụng vô con nhỏ đó, chồng nó cho mầy ăn dao tức thì!” Hoặc khi đi chung với những hành động không mấy nhẹ nhàng như “tát”, “đấm”, “đá”, v.v… thì “ăn” có nghĩa “nhận lãnh, lãnh lấy hậu quả” không mấy êm đẹp. “Con bé coi vậy mà dữ, tao chỉ mới khều mông một cái nhẹ hều, đã bị nó cho ăn tát.” Đối với trẻ con, ăn gì cũng thích, chỉ không hảo mấy món “ăn đòn”, “ăn roi”, “ăn chổi lông gà”, v.v… mà thôi.
Gặp trường hợp bà mai đưa ảnh cho anh chàng kiếm vợ coi mặt, thòng theo câu nói: “Tại con nhỏ chụp hình không ăn ảnh, chớ ngoài đời cổ ngó coi đẹp gái lắm, chú à!”; hoặc có ai đó chặc lưỡi xuýt xoa: “Cô đào X lúc nhỏ té thùng đinh, mặt rỗ như tổ ong, vậy mà phấn son lên sân khấu, ăn đèn dễ sợ!”; từ “ăn” mất bén nghĩa gốc, mà có nghĩa “thích hợp, hoà hợp” với kỹ thuật chụp ảnh, trong “ăn ảnh”, cũng như với ánh đèn sân khấu, trong “ăn đèn”.
Nghĩa cũng gần như vậy, người Việt nói “ăn nhịp”, thường được sử dụng khi đàn ca hát xướng, và “ăn khớp” để chỉ trường hợp nói năng, hành động sao cho hợp lý, không mâu thuẫn nhau. Anh dẫn em đi quán bia ôm, trước khi về nhà, dặn dò thằng em: “Má hỏi, mày nhớ nói là mình đi ăn sinh nhật cho ăn khớp, không thôi bả đánh cho nát đít!”… Cùng nghĩa như vậy, nhưng đi đôi với tiếng… nước ngoài, Việt ngữ có động từ “ăn rơ”, với “rơ” được phiên âm từ jeu (trò chơi, cuộc chơi) của tiếng Pháp mà ra. “Trời ơi, chị em nhà Williams chơi quần vợt đôi ăn rơ với nhau hết sức.” Lẽ đương nhiên, cách nói này chỉ bắt đầu thông dụng từ khi có mặt người Pháp, ở thành thị, cũng như trong giới có… ăn học.
Phần trên có nhắc tới động từ kép “ăn ở”, ngoài ý nghĩa “đời sống vợ chồng” còn hàm ý chỉ “cách xử thế, đối đãi” với nhau, như trong trường hợp vợ Năm Chuột than thở cùng chồng: “Lúc nào vợ chồng mình cũng ăn ở hiền lành, phước đức, mà sao nghèo hoài hổng biết!”, nhưng khi người mẹ xẳng giọng với anh con trai đã ngoài năm mươi mà vẫn còn độc thân: “Mầy cứ ăn ở keo kiết như vậy, có chó nó lấy mầy làm chồng.” Hoặc khi cô con gái lắc đầu nguây nguẩy: “Con không ưng anh ấy đâu, người gì mà ăn ở dơ dáy như heo!”, nghĩ kỹ, thấy ra “ăn ở” đổi nghĩa hoá thành “thói ăn nếp ở” hoàn toàn có tính cách cá nhân, không đụng chạm gì tới người khác.
Thành ngữ Việt nam có vô số câu liên quan tới “ăn”. “Ăn không”, tiếng miền Nam, cùng nghĩa với “ăn vã”, tiếng miền Bắc, ý nói, chỉ ăn món chính, không kèm theo cơm, cháo, v.v… Khi đi chung với “ngồi rồi”, thành “ăn không ngồi rồi”, có nghĩa “rỗi việc”, nhưng không mấy tốt, gần như “vô tích sự”: “Từ khi anh ấy bị muỗi voi chích tới giờ, suốt ngày ảnh ăn không ngồi rồi, bí rị một chỗ, thấy chán lắm!”
“Ăn xổi”, với trạng từ “xổi” (“qua loa, tàm tạm”, thí dụ: cà pháo muối xổi), thuần tiếng Bắc, đi chung với “ở thì” (“ở ngắn hạn, nhất thời, có giai đoạn”), thành “ăn xổi ở thì”: nghĩa đen ý nói kẻ nào ăn ở với ai đó một thời gian ngắn để trục lợi, nghĩa bóng ám chỉ hạng người chỉ biết lợi dụng, bạc tình bạc nghĩa. Truyện Kiều có đoạn, khi chàng Kim lơi lả buông lời ong bướm (ngôn ngữ hiện đại nói là “thả dê”) đòi… ăn nằm, nàng Kiều bèn thỏ thẻ xổ… Nho và thành ngữ cảnh giác:

Phải điều ăn xổi ở thì,
Tiết trăm năm, nỡ bỏ đi một ngày!

Rõ là nàng Kiều được Vương ông Vương bà dạy cho “học ăn, học nói, học gói, học mở” khéo thì thôi!
Khi đứng trơ trọi một mình, “ở” có nhiều nghĩa, và không phải chỉ giữ vai trò động từ: “Anh ở lại đây với em tối nay nghe! Ở một mình, em sợ ma quá hà!”, mà cũng có thể là giới từ chỉ định xuất xứ, vị trí: “Cô ấy ở quê mới lên, nên ưa đi chân không ở trong nhà.”
Khi “ở” kết bạn với “đậu”, có nghĩa “sống nhờ, sống cậy” vào người khác. Với “đợ”, hoặc với “người” thành “người ở”: “tới sống chung để giúp việc nhà có lãnh lương”. “Con nhỏ đó ở dưới quê lên Sài gòn ở đậu nhà bà con, chờ kiếm ra chỗ ở đợ.” Với “vậy”, theo tôi, có hai nghĩa: “ở vá”: độc thân, không lập gia đình” (có tự điển ghi thêm, “vá” cũng còn có nghĩa như “goá”). Hoặc, “ở goá: sau khi vợ hoặc chồng chết, không lấy người nào khác.” V.v… và v.v… Tựu trung, trong tất cả những trường hợp nêu trên, “ở” có nghĩa “hoàn cảnh gia đình”.
Ở trên có nhắc tới “ăn không”, với “ở” ta có “ở không”: rảnh rỗi, không làm gì cả. “Nhân lúc vợ ở cữ, thi sĩ ở không, bèn lấy giấy viết tí toáy làm thơ tình gởi đăng nhật trình.” Tới đây, ta có thêm “ở cữ”: hoàn cảnh, thời gian sau khi sinh nở, cần kiêng cữ.
Thời trước, thi sĩ trào phúng Tú Mỡ có làm bài thơ tựa đề: “Sư cô ở cữ”.
… Nhưng rồi một sáng mùa thu,
Người ta thấy vị ni cô sượng sùng.
Bụng đeo cái trống cà rùng,
Đến nhà thương để tìm phòng khai hoa …
“Ăn” với “ở”, tóm lại, thường đi đôi với nhau như hình với bóng, như đũa có đôi, như môi răng, miệng lưỡi đặc thù hương vị ngôn ngữ của người Việt. Người viết xin được kết thúc bài tiểu luận ở đây với câu ca dao “hậu hiện đại” tự biên tự chế:

Ăn có đũa, ở có đôi.
Bậu ơi, khéo giữ trọn đời có nhau.
  
3/.TIẾNG VIỆT NAM PHONG PHÚ HAY KHÓ HIỂU 
Từ ngữ tiếng Việt thể hiện ở:

Có nhiều tên gọi khác nhau cho cùng một sự vật, hiện tượng. Ví dụ: Khi nói về "sự chết", người ta có thể nói:

" Chết, mất, tạ thế, từ trần
Quá cố, rời cõi dương gian,về già
Mệnh chung, tuẫn tiết, băng hà
Viên tịch, an nghỉ, đi xa, qua đời
Tử, trăm tuổi, hai năm mươi
Tận số, tận thế, hết đời, quyên sinh
Từ giã cõi đời, bỏ mình
Bỏ mạng nằm xuống, hy sinh, thiệt đời
Hết đường sống, về chầu trời
Về nơi cực lạc, bỏ đời, qui tiên
Ra mả, xuống dưới cửu tuyền
Thiệt mạng, về với tổ tiên, xuống mồ
Đã khuất, yên giấc ngàn thu
chầu ông vải, xuống âm ty
về nơi chín suối , ra đi, tiêu đời
Tận mạng, hai tay buông xuôi
Khuất núi, khuất bóng, về nơi vĩnh hằng
chấm dứt cuộc đời, thác, băng
Xuống âm phủ, xuống suối vàng, tử thương
Xuống lỗ, về chầu diêm vương
Đã trút hơi thở cuối cùng, tử vong
tim ngừng đập, ra nghĩa trang
thu thần thị tịch , chuyểnsang Nam Tào " 

Đặc biệt, để chứng minh từ ngữ tiếng Việt phong phú, thì dẫn chứng rõ nhất là: hệ thống đại từ nhân xưng trong tiếng Việt

Xin kiểm ngôi thứ nhất số ít. Nói chuyện với mọi người, một người phụ nữ Việt sẽ tùy trường hợp, tương quan tuổi tác, liên hệ bà con, mức độ thân sơ, mà tự xưng bằng những nhân xưng đại từ khác nhau: 

-"Con", với ông bà, cha mẹ, những người bà con ngang vai với ông bà cha mẹ; với thầy cô giáo (ngày xưa); với những người già. 
-"Cháu", với ông bà, chú bác cô dì; với những người ngang tuổi với ông bà cha mẹ. 
-"Em", với anh chị; với những người hơn tuổi, hơn chức phận; với chồng, hoặc người đàn ông nào mà đương nhân muốn dùng tiếng xưng hô này để biểu lộ tình cảm; với thầy cô giáo (ngày nay). 
-"Chị", với các em; với những người mà đương sự coi là đáng em của mình. 
-"Cô", "dì", "bác", "thím" ... với các cháu theo tương quan họ hàng; với người nhỏ tuổi được đương sự coi như con cháu. "Mẹ", "má", "me" ... với các con. 
-"Tôi", với tất cả mọi người.
-"Tao", "ta", với một số người, khi đương sự không cần giữ lễ, hoặc muốn biểu lộ uy quyền, hoặc sự tức giận.

Nếu kể cho đủ, có lẽ cũng còn nữa. Nhưng đối lại từng ấy chữ, tiếng Pháp chỉ có chữ "Je", tiếng Anh chỉ có chữ "I".

Bây giờ, xin kiểm qua ngôi thứ hai số ít. Trong tương quan cha-con, mẹ-con, khi đối thoại, cha mẹ gọi con bằng "con" hoặc "mày". Cũng có đôi trường hợp, đối với người con đã có gia đình, có chức phận, người Bắc ngày trước kiểu cách gọi bằng "anh", bằng "chị". Đối lại, con gọi cha mẹ bằng rất nhiều tiếng: Cha, bố, ba, thầy, cậu, tía; mẹ, má, mợ, me, măng, bu, bầm, u ... Nói chuyện với một người trong vòng bà con, người ta sẽ gọi theo vai vế: Bác, chú, cậu, dượng, cô, dì, thím, bác gái; anh, chị, dượng nó, chú nó ... Nói chuyện với người ngoài, người ta xưng theo tuổi: Cụ, ông, bà, anh, chị, chú, mày ...

Thật là nhiều, thật là đa dạng, không thể kể hết. Nhưng đối lại, trừ một số tương quan thật gần (như gọi cha, gọi mẹ), tiếng Pháp chỉ dùng chữ "Vous", chữ "Tu"; tiếng Anh chỉ dùng chữ "You".

Căn cứ vào đây, nếu nói rằng tiếng của người là gọn, là đơn giản, thì cũng đúng. Nhưng nếu nói rằng tiếng của ta là phong phú, thì cũng không sai.

Cái phong phú và cái đơn giản chỉ khác nhau rõ rệt khi đem ra so sánh. Bình thường, nếu cõi ai nấy đứng, phần ai nấy lo, thì chẳng có việc gì phiền phức. Nhưng trong thực tế, khi hai cái gặp nhau, thì thế nào cũng có va chạm. Tôi còn nhớ trong một cuốn tiểu thuyết của Khái-Hưng (hình như cuốn Đẹp), có mẩu chuyện này: Hai người đàn ông, vốn là bạn thân của nhau, rồi người lập gia đình sớm gả con gái cho người kia. Sau ngày cưới, ông bố vợ bảo chàng rể (chỉ nhỏ hơn mấy tuổi) cứ việc "tutoyer" với mình như trước. Nhưng bà mẹ vợ không chịu. 

Trong tiếng Pháp, gọi người đối thoại là "tu", là "toi", thì tự nhiên thân mật. Nhưng người Việt học tiếng Pháp vẫn quen dịch "tu" và "toi" ra "mày", và "tutoyer" ra "mày tao mi tớ", thì bà mẹ vợ quen kiểu cách kia làm sao vui lòng chịu để cho chàng rể xưng hô với mình như vậy? Lại còn chuyện này: Người Tàu quen gọi người đối thoại là "nị". Người Việt học chữ Hán, đọc chữ này là "nễ" và dịch gọn sang tiếng Việt là "mày". Một thanh niên người Tàu gọi cha đẻ của mình là "nị" thì không sao, nhưng gọi ông cha vợ người Việt cũng bằng tiếng ấy, thì không chắc ông này vui lòng. 

Còn nặng hơn nữa, nếu chàng ta lại nghĩ "nhập gia tùy tục", đã làm rể gia đình người Việt thì cũng nên xưng hô bằng tiếng Việt, gọi cha vợ bằng "mày", thì vấn đề sẽ trở nên tồi tệ. Người Việt đã quen chuyện đối với mỗi người có một tiếng xưng đúng vai vế, không bao giờ thuận tai với tiếng "nị", tiếng "mày", chung cho mọi người. Không có một bà mẹ vợ người Việt nào không thấy chối tai khi được một chú rể người Tàu chào hỏi kiểu này: Nị ăn cơm chưa?
Nhìn chung đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất phong phú và đa dạng, nhiều lớp ý nghĩa trong từng văn cảnh khác nhau.

Từ vựng tiếng Việt qua các thời kì diễn biến của nó tăng lên mỗi ngày một nhiều. Đặc biệt, tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác.

Trong tiếng Việt có rất nhiều từ mượn có nguồn gốc từ tiếng Hán (từ Hán-Việt), tiếng Pháp, tiếng Anh,...

Nhiều nhất là tiếng Hán. Những từ chúng ta sử dụng hàng ngày, phần lớn có nguồn gốc Hán. Từ mùi (), buông (), múa (), muộn (), cởi (), khoe (), cho đến vị, phóng, vũ, vãn, giải, khoa ... cũng đều ít nhiều xuất xứ từ tiếng Hán.

Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Vậy nên ở Việt Nam tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông và cũng là ngoại ngữ được sử dụng rộng rãi. Nhờ đó, trong tiếng Việt đã xuất hiện nhiều từ mượn tiếng Anh như:

scandale (xì căng đan) *scag (xì ke)
contener (công tơ nơ) *charge (sạc)
TV (ti vi) *taxi (tắc xi)

Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp nên tiếng Pháp có điều kiện du nhập vào Việt Nam. Trong quá trình giao lưu văn hóa và ngôn ngữ đó người Việt đã vay mượn nhiều từ gốc Pháp để chỉ những khái niệm mà thường thì trong tiếng Việt không có. Phần lớn các từ đó đã bị thay đổi cả về cách đọc lẫn chữ viết để phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt, vốn là ngôn ngữ không biến hình. Các từ mượn tiếng Pháp được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như:

Ăn uống: Bière (bia), cacao (ca cao), café (cà phê), crème (kem), carotte (cà rốt),
alade (sa lát), cerise (sơ ri), fromage (pho mát), jambon (giăm bông), moutarde, (mù
tạc), saussisse (xúc xích), vin (vang)
Phong cách ăn mặc : maillot (may ô), slip (xi líp), chemise (sơ mi), veston (vét tông),
ilet (gi lê), blouse (bờ lu)...
Y dược: Acide (axít), corticoïde (corticoit), lipide (lipit), péniciline (pênixilin),vaccin
(vắc-xin), vitamine (vitamin),...
Nhạc họa: guitare (ghi ta) mandoline (măng đô lin) violon (vi ô lông)...
Kỹ thuật: auvent (ô văng), béton (bê tông) balcon (ban công), clé (cờ lê), molette (mỏ lết), étau (ê tô), tôle (tôn), tournevis (tuốt nơ vít) tube (típ)
Quân sự: Blockhaus (lô cốt) canon (ca nông), culasse (quy lát), garde corps (gác đờ
co), tank (tăng)
Khác: savon (xà phòng), cresson (cải xoong), essence (xăng), ...
Thêm một số ví dụ chứng minh tiếng Việt phong phú về từ ngữ:

Ca dao xưa có câu: Nửa đêm giờ tý canh ba/ Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi. Vui đùa thôi, nhưng là cái vui của sự giàu có tiếng nói. Câu lục sáu tiếng đều là chỉ một khoảnh khắc thời gian. Câu bát tám tiếng đều là chỉ một phái tính.
Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay, thầy nói vui: tiếng Việt có thể còn hạn chế về các từ chỉ những khái niệm trừu tượng, khái quát, nhưng lại rất giàu các sắc thái biểu hiện từ. Riêng một từ đen thôi, mắt đen gọi là mắt huyền, răng đen là răng hạt na, quần đen của phụ nữ là quần thâm, ngựa đen là ngựa ô, chó đen là chó mực, đũa đen là đũa mun. Đấy là chưa kể các sắc độ của màu sắc nữa, ví như cũng là “đen” nhưng có biết bao loại: đen nhánh, đen tuyền, đen kịt, đen thẫm, đen thui... Học trò nước ngoài nghe thế kêu trời, bảo học tiếng Việt khó, khó quá.

Mà khó là phải. Một dịch giả nước ngoài dịch hai câu thơ của Nguyễn Khuyến Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua thành ra Fine wine, but no good friends/ So I buy none though I have the money thì chỉ còn là xác chữ, bởi tất cả tinh thần cảm xúc của câu thơ và của tác giả nằm ở năm chữ “không” của tiếng Việt đã không tải được qua tiếng Anh.

Câu của Lenin “học, học nữa, học mãi”, có người buột miệng nói “học, học nữa, học miết”, đổi “mãi” thành “miết” ý nghĩa khác ngay, ý vị khác ngay, nghe rất thời sự. Mà câu đó người dịch nào đã khéo chuyển động từ 
учumься (học tập) được lặp lại ba lần trong bài viết của Lenin thành ba cấp độ khác nhau trong tiếng Việt.

Nhà văn Tô Hoài có một đoạn văn ngắn tả cảnh làng quê mùa đông với các sắc vàng khác nhau đọc lên thấy khoái mắt, khoái tai, khoái vị. Một đoạn văn đáng làm mẫu mực về tiếng Việt đẹp và giàu:

“Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy trời có vàng hơn thường khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng xẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xõa như những đuôi áo, vạt áo. 
Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vãy vãy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngần phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng dòn. Quanh đó, con gà con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác, cây lựu có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe dậu, lộ ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả, đượm một màu trù phú, đầm ấm lạ lùng”.

Nhà thơ Phạm Huy Thông (1916-1988) có dịch hai câu thơ của thi sĩ Anh Lord Byron thật tài tình trong tiếng Việt: Fare thee well! and if for ever/ Still for ever, fare thee well! - Xin chia tay! Và nếu là mãi mãi/ Thêm một lần, xin mãi mãi chia tay!
Hay như bài thơ Việt độc đáo, đọc xuôi ngược gì cũng được hết sau đây:

1) Đọc xuôi :
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài dậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười

2) Đọc ngược :
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc dậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3) Bỏ hai từ đầu ở mỗi câu, đọc xuôi :
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Dậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười

4) Bỏ hai từ cuối ở mỗi câu, đọc ngược :
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc dậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh Xuân cảnh mến ta

5) Bỏ ba từ đầu ở mỗi câu, đọc ngược :
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân

6) Bỏ ba từ cuối ở mỗi câu, đọc xuôi :
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài dậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai

7) Bỏ bốn từ đầu ở mỗi câu, đọc xuôi :
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cuời

8) Bỏ bốn từ cuối ở mỗi câu, đọc ngược :
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Dậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

4/.
Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Nam bộ là vùng sông nước, nhiều kênh rạch, nhiều loài cá tôm, phương tiện giao thông quan trọng là ghe xuồng nên rất nhiều câu ca dao nói tới sông nước, ghe xuồng và những sản vật sông nước.
 Với tư duy hồn nhiên và thích chơi chữ, người dân Nam bộ phát hiện những “mâu thuẫn” thú vị về tên gọi của nhiều đồ vật, sản vật, con vật và đặc biệt là loài cá:
Nước không chưn sao kêu nước đứngCá không giò sao gọi cá leo?Ghe không tay sao kêu ghe vạchBánh không cẳng sao gọi bánh bò?
Trong câu ca dao trên, các từ cá leo, ghe vạch, bánh bò là tên gọi. Leo, vạch, bò không phải là động từ mà là danh từ nhằm gọi tên. Đứng đúng là động từ nhưng đã được dùng chuyển nghĩa tạo ra ẩn dụ.


Cách dùng ẩn dụ cho từ đứng
Con trâu đứng ở bờ tre. Trúc xinh trúc mọc bờ ao/Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh (ca dao). Ðó là những cách dùng thông thường. Nhưng “trời đứng gió”, “mặt trời đứng bóng”, “Nước không chưn cớ sao nước đứng?” là những cách dùng ẩn dụ của từ đứng.
Người Việt có kiểu dùng ẩn dụ “đứng” cho những trạng thái hoạt động nào giống tính chất mà con người hoặc động vật đứng. Ði là chuyển động còn đứng là ngừng lại, không chuyển động nữa. Khi đang đi mà đứng lại, ấy là chúng ta không chuyển động nữa, về cơ bản coi như bất động. Những hiện tượng nào đang thay đổi mà chuyển sang trạng thái trong nhận thức của người Việt coi là bất động hoặc gần như bất động sẽ được xem là đứng. Ðó là những trạng thái đứng. Ðây là cách dùng ẩn dụ của từ đứng.
Chiếc đồng hồ đang chạy, hết pin nên đồng hồ đứng lại. Trời không gió, là gió không thổi. Chúng ta gọi là trời đứng gió. Lúa đang phát triển chuyển sang giai đoạn ngừng đẻ nhánh, thân và láđứng thẳng và đang chuẩn bị làm đòng, nhà nông gọi là lúa đứng cái. Mặt trời di chuyển, bóng các vật cũng chuyển động theo, tới lúc mặt trời ở ngay đỉnh đầu, bóng không di chuyển nữa. Lúc đó chúng ta nói mặt trời đã đứng bóng. Trong bài thơ Tiếng hát sông Hương, nhà thơ Tố Hữu đã dùng ẩn dụ “trăng đứng” theo cách này: “Trăng lên trăng đứng trăng tàn/Ðời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng”.
Khi còn trẻ, bề ngoài con người thay đổi rất nhanh. Tới một tuổi nào đó, một người không còn trẻ nhưng cũng chưa già, hình thức giai đoạn này hầu như không thay đổi nên được gọi là “một người đã đứng tuổi”. Một người khi số phận đã ổn định, không còn thay đổi nữa thì người đó được gọi là đã đứng số.
Tới đây, chúng ta giải thích được vì sao nói nước đứng. Con nước đang lên, tới đỉnh điểm thì dừng lại hoặc đang xuống tới hết mức thì dừng lại. Ðó là lúc nước đứng..

Câu chuyện về sự “bất động”
Quy tắc khái quát: Con người, loài vật khi đứng, ngủ, nằm im, nằm bẹp hay chết đều bất động. Có thể dùng những động từ này theo cách ẩn dụ cho những người, những vật, những đối tượng đang hoạt động mà chuyển sang trạng thái “bất động”, trong đó đáng chú ý là cách mở rộng nghĩa từ bất động thể xác sang bất động trong đời sống, hoạt động tinh thần. Ví dụ:
Những con tàu của Vinashin thành những đống sắt vụn nằm bẹp ở cảng.
Thành phố cần lao này suốt đêm không ngủ. Trời mùa đông, thị trấn heo hút miền núi này đi ngủ sớm. Thời buổi nhiễu nhương này, có trùm chăn ngủ kỹ cũng không yên. Ðoàn thanh niên tổng công ty này ngủ cả năm nay. Con quay quay tít, em bé reo lên “Con quay của tao đang ngủ kìa!”
Ðồng hồ chết là đồng hồ không chạy được nữa mà đứng lại. Chiếc xe đang đi bị chết máylà máy không nổ nữa, xe không chạy được nữa. Nếu mực nước trong hồ thủy điện xuống tới mức thấp nhất khiến không quay được tuôcbin nữa. Nhà máy thủy điện ngừng hoạt động coi như bị chết. Ấy vậy là nước trong hồ thủy điện đã xuống tới mực nước chết. Ngồi chết một chỗ là ngồi một chỗ bất động rất lâu. “Ông ấy rầu lắm, ngồi đâu là ngồi chết một chỗ”.
Khi nền kinh tế ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp khó bề hoạt động. Nhiều doanh nghiệp lách luật để tồn tại, nếu không sẽ phá sản tức là “chết”. Người ta nêu câu hỏi: “Lách” luật hay là “chết”?
Sống mà không hoạt động gì nữa coi như đã chết. Một nhà văn Pháp đã nói: “Trên bia mộ của nhiều người đáng lẽ phải chữa lại là chết lúc ba mươi tuổi, chôn lúc sáu mươi tuổi”.

5/.Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?

 Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh sử dụng hằng ngày mà nếu có người hỏi tại sao nói thế và nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay; chẳng hạn câu hỏi trên trong một bài ca dao (Nước không chưn sao kêu nước đứng? Cá không giò sao gọi cá leo? Ghe không tay sao kêu ghe vạch? Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?...).


Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ. Các từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối: dầu con rái => dầu rái, nấm tai mèo => nấm mèo...
Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữtươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói. Một thành ngữ tương tự: ngay như cây chò(một loại cây rừng thân rất thẳng) => ngay chò (ở Nam bộ biến âm thành ngay chừ). Cầu Kiệu ở TP.HCM được Trương Vĩnh Ký ghi là cầu Xóm Kiệu (tức là xóm chuyên trồng kiệu), như vậy chữ Xóm ban đầu đã bị giản lược.
Một từ khá phổ biến ở Nam bộ dùng để chỉ người phụ giúp tài xế lái xe đò trong công việc bán vé, thu tiền, khiêng xách hành lý là lơ xe. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp contrôleur, nghĩa là “người kiểm soát (vé)”. Như vậy, từ một âm tiết vô nghĩa - leur, người Việt biến thành một từ có nghĩa.
Ở miền Bắc, người ta thường dùng từ ngữ săm lốp để chỉ vỏ ruột xe đạp và xe gắn máy. Lốp thì người miền Nam cũng dùng và những người biết tiếng Pháp đều biết nó bắt nguồn từ enveloppe, nghĩa là “vỏ xe”. Còn săm ban đầu người miền Nam và nhất là những người không học tiếng Pháp không hiểu nghĩa. Từ săm bắt nguồn từ ngữchambre à air “ruột xe”.

3 Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy. Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.
Trong tiếng Việt trước đây có từ bầu (bạn), có biến âm là bồ tương tự như đậu xanh - đỗxanh, thi đậu - thi đỗ... Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên từ bồ bịch thứ hai (người yêu) ra đời. Chúng tôi gọi đây là hiện tượng mượn âm.
Một số trường hợp tương tự. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.
Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmer là Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.
Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine của Pháp đã được các trí thức VN khoác cho chiếc áo của Lữ Bố: Lã Phụng Tiên (họ Lữ cũng đọc Lã, Phụng Tiên là tự của Lữ Bố).
Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.

4 Người Nam bộ thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc làchoán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”. Ðây là hiện tượngbiến âm.
Ở các đô thị Nam bộ có loại xe chuyên chở đồ đạc phục vụ xã hội mang tên ba gác. Nhiều người biết tiếng Pháp cũng ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc Pháp của từ này là bagage, nghĩa là “hành lý”.

5 Bỏng trong từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:
Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan

Hai từ  và bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy nghĩa.

Nhiều từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng này: Việt + Việt: tìm kiếm, chờ đợi, yêu thương; Việt + Pháp: canh gác (gác xanh lơ (lơ
Biết được nguồn gốc và ý nghĩa của nhiều từ tiếng Việt, ngoài cảm giác thú vị, ta còn yêu thích tiếng mẹ đẻ hơn.

Tiếng Việt nhiều khi có đối nghịch ngay trong một từ ghép. Buồn cười. Ðã buồn sao còn cười. Tức cười. Ðã tức sao còn cười. Ấy thế, mấy chữ ấy đều chỉ một tâm trạng là muốn cười trước một điều gì đó, trước một ai đó.
Ngã một cái, bẩn sạch cả rồi. Bẩn sạch. Ðã bẩn thì sao còn sạch được. Sạch ở đây chắc ai cũng hiểu không phải là sạch sẽ. Sạch nhẵn, không còn một chút gì sót lại. Sạch nhẵn như chùi. Ngôn ngữ phương Nam vẫn dùng là sạch bách.

Phương ngữ Bắc bộ có từ ráo, tức là khô ráo. Nhưng ráo cũng có nghĩa là toàn bộ, là hết lượt. Hình như chữ ráo trọi của phương Nam cũng là như vậy. Hổng biết chi ráo trọi. Chẳng biết cái gì hết. Ðưa đẩy một tí để dẫn đến câu này: gặp mưa giữa đường, ướt ráo cả rồi. Ướt ráo. Ðã ướt lại còn ráo.

Cũng như vậy là câu: đò chìm, may không ai chết, sống tiệt. Ðã sống lại còn tiệt. Nhưng mà đấy là một cách nói ở nông thôn Bắc bộ, có nghĩa là tất cả đều còn sống. Yên tâm.

Nói sang chuyện thực phẩm, chữ và nghĩa nhiều khi cũng không khớp với nhau: gọi làbánh giò nhưng trong ấy không có giò, chỉ là nhân thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Bún chả thì đâu có phải là miếng chả miếng giò mà là thịt lợn nướng. Món chả cá cũng vậy, đâu phải là cá xay nhuyễn làm thành miếng chả rán, đó chỉ là cá hấp đem rán sơ trên chảo mỡ sùng sục, ăn với mắm tôm.

Lại có những khái niệm dường như bị đảo ngược: người đồng bằng Bắc bộ gọi xôi lúa, thành phần chủ yếu là ngô (bắp), rất ít nếp ít lúa trong ấy. Cùng lúc, khi người ta gọi xôi ngô thì trong ấy nếp nhiều hơn là ngô. Cứ nhớ là hai chữ này đảo ngược cho nhau, không bao giờ bị lẫn. Yên tâm.
  

6/.Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than

Còn đối với đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta, không những cụ đã sử dụng các thành ngữ, tục ngữ... một cách tài tình mà còn sáng tạo ra nhiều thành ngữ mới. Bên cạnh đó, nhiều từ trong tiếng Việt được mở rộng thêm nghĩa khi qua bàn tay cụ. Không thể thống kê hết những từ như vậy, chúng ta chỉ nêu một vài ví dụ để minh chứng điều đó.

Mới mẻ chữ “nỗi” của Nguyễn Du
Theo Từ điển tiếng Việt, chữ NỖI có hai ý. Thứ nhất là chỉ sự tình, sự thể không hay xảy ra, nói về mặt tác động đến tình cảm của con người như “nỗi bất công”, “nỗi oan ức”. Thứ hai là từ dùng để chỉ tâm trạng, tình cảm cụ thể (thường vào loại không được như ý muốn) mà con người phải trả qua, Ví dụ như “nỗi buồn, nỗi nhớ”...


"Nếu vậy, chính Nguyễn Du đã sáng tạo ba chữ “nỗi dọc đường” để nói chuyện tình tang ngoài vợ của các đấng nam nhi. Hiện đại biết chừng nào!“

Ðể xem đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng chữ NỖI như thế nào, trước hết thử điểm danh những câu thơ có chữ NỖI trong Truyện Kiều:
Câu 109: Nỗi niềm tưởng đến mà đau/Câu 178: Rộn đường gần với nỗi xa bời bời/Câu 221: Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi/Câu 246: Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây/Câu 535: Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng/Câu 537:Gót đầu mọi nỗi đinh ninh/Câu 538: Nỗi nhà tang tócnỗi mình xa xôi/Câu 777: Xiết bao kể nỗi thảm sầu/Câu 852: Phần căm nỗi kháchphần nhơ nỗi mình/Câu 987: Nỗi oanvỡ lở xa gần/Câu 1.015: Kề tai mấy nỗi nằn nì/Câu 1.082: Nỗi nhà báo đápnỗi thân lạc loài/Câu 1.208: Nỗi đêm khép mởnỗi ngày riêng chung/Câu 1.220: Nước đời lắm nỗilạ lùng khắt khe/Câu 1.250: Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân/Câu 1.251: Nỗi lòngđòi đoạn xa gần/Câu 1.318: Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang/Câu 1.444: Ðể nàng cho đến nỗi này vì tôi/Câu 1.464: Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong/Câu 1.527: Kể chi những nỗi dọc đường/Câu 1.528: Buồng trong này nỗi chủ trương ở nhà/Câu 1.635: Thân sao lắm nỗi bất bằng/Câu 1.790: Nỗi gần nào biết đường xa thế nào/Câu 1.870: Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng/Câu 1.888: Phải chi mình lại xót xa nỗi mình/Câu 1.904: Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời/Câu 1.943: Sụt sùi giở nỗi đoạn trường/Câu 2.000: Nỗi ông vật vãnỗi nàng thở than/Câu 2.006: Nghĩ mà thêm nỗi sởn gai rụng rời/Câu 2.069: Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mình/Câu 2.246: Ðường kia nỗi nọngổn ngang bời bời/Câu 2.739: Nỗi nàng tai nạn đã đầy/Câu 2.740: Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy càng thương/Câu 2.754: Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai/Câu 2.770:Càng ngao ngán nỗicàng ngơ ngẩn dường/Câu 2.776: Chàng ôi biết nỗi nước nàycho chưa?/Câu 2.782: Cực trăm ngàn nỗi, dặn ba bốn lần/Câu 2.799: Thấy chàng đaunỗi biệt ly/Câu 2.812: Ðể cho đến nỗi trôi hoa, giạt bèo/Câu 2.819: Nỗi thương nói chẳng hết lời/Câu 3.027: Nỗi mừng biết lấy gì cân/Câu 3.102: Ðã xong thân thế còn toan nỗi nào/Câu 3.140: Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao...
Có thể thống kê được 56 câu thơ trong Truyện Kiều có chữ “nỗi”. Trừ hai lần “nỗi” kết hợp với “niềm” để thành danh từ “nỗi niềm”, còn ở 54 câu còn lại, ta xem đại thi hào đã sử dụng chữ này như thế nào.
Như Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa ở trên cũng như theo thói quen thông thường của chúng ta, chữ “nỗi” thường được kết hợp với một tính từ để tạo thành danh từ như “nỗi đau”, “nỗi khổ”, “nỗi buồn”, “nỗi oan ức”, “nỗi bất công”... Trong Truyện Kiều, sự kết hợp này khá phổ biến, đó là “nỗi kinh hoàng”, “nỗi thảm sầu”, “nỗi oan”, “nỗi bất bình”, “nỗi bất bằng”, “nỗi biệt ly”... Bên cạnh đó là sự kết hợp khá quen thuộc với chúng ta hôm nay như “nỗi lòng”... Còn phần lớn trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng chữ “nỗi” thật mới mẻ, mới mẻ đến nỗi cho đến ngày nay, sau khi Truyện Kiềuđã được sáng tác trên 200 năm, chúng ta vẫn chưa mấy ai dám sử dụng chữ này như cụ.

“Nỗi dọc đường” của Thúc Sinh
Trước hết là chữ “nỗi” đứng độc lập, không kết hợp với một tính từ hay danh từ nào để có một ý nghĩa cụ thể, mà cụ dành phần đó cho người đọc suy nghĩ mà hiểu lấy. Ðó là “gót đầu mọi nỗi đinh ninh”, là khi chàng Kim nghe tin chú mất, tìm tới để than vãn với nàng Kiều. Tác giả không nói cụ thể Kim Trọng tâm sự những gì, mà chỉ dùng hai chữ “mọi nỗi”, chữ “nỗi” ở đây hàm ý những “chuyện” của nỗi lòng. Khi mụ Tú Bà khuyên giải nàng Kiều sau khi nàng toan tự tử ở lầu xanh, Nguyễn Du viết: “Kề tai mấy nỗi nằn nì” thì không ai hiểu đây là “nỗi nằn nì”, mà tác giả muốn nói mụ Tú ra vẻ nói thật lòng, đưa ra bao nhiêu chuyện để nằn nì, khuyên giải Thúy Kiều. Rồi “nước đời lắm nỗi lạ lùng khắt khe”, và “Cực trăm ngàn nỗi dặn ba bốn lần”... thì chữ “nỗi” cũng theo nghĩa “tổng quát” này.
Không biết thời cụ Nguyễn Du về trước đã ai đem kết hợp chữ “nỗi” với một đại từ nhân xưng như trong Truyện Kiều hay chưa, điều mà ngày nay chúng ta ít thấy trên thi đàn. Ðó là “nỗi nàng”, “nỗi chàng”, “nỗi ông”, “nỗi mình”... Cách dùng này hiệu quả và mới mẻ ngay cả thế kỷ 21 này.

Nguyễn Du mạnh dạn kết hợp chữ “nỗi” với một danh từ chỉ thời gian như “nỗi đêm”, “nỗi ngày” làm cho ý nghĩa chữ “nỗi” được mở rộng ra, gợi người đọc suy nghĩ, liên tưởng. Rồi “nỗi riêng”, “nỗi gần” và bao nhiêu “nỗi” khác nữa.
Trong Truyện Kiều có hai câu thơ tác giả dùng chữ “nỗi”, theo tôi, là “táo bạo” nhất:
Kể chi những nỗi dọc đường (1.527)/Buồng trong này nỗi chủ trương ở nhà (1.528)
Ðây là hai câu thơ chuyển đoạn từ việc nói Thúy Kiều để bắt đầu nói về Hoạn Thư. “Nỗi chủ trương ở nhà” là nói Thúc Sinh đã có người vợ chính thức ở nhà thì ai cũng hiểu, còn “nỗi dọc đường” là gì? Trong một chuyến đi công tác, ngồi trên xe có nhiều nhà thơ, khi nhắc hai câu thơ này thì nhiều người hiểu rằng “nỗi dọc đường” đây là nói chuyện đi đường của Thúc Sinh. Tôi lại không hiểu như thế. Nếu chỉ nói chuyện đi đường thì Nguyễn Du sẽ không dùng chữ “nỗi” mà dùng chữ “chuyện”: chuyện dọc đường. Trong Truyện Kiều, chữ “nỗi” thường ẩn chứa ý nghĩa sâu xa hơn là “chuyện”. Vậy “nỗi dọc đường” là gì? Theo tôi, “nỗi dọc đường” của Thúc Sinh chính là Thúy Kiều, dù có hôn nhân nhưng khác xa sự hôn nhân với Hoạn Thư. Câu chuyển đoạn này nói theo ý nghĩ của Thúc Sinh, coi Hoạn Thư là quan trọng. Như thế mới có sự cân xứng giữa “nỗi dọc đường” và “nỗi chủ trương ở nhà”. Nếu vậy, chính Nguyễn Du đã sáng tạo ba chữ “nỗi dọc đường” để nói chuyện tình tang ngoài vợ của các đấng nam nhi. Hiện đại biết chừng nào!
Bên cạnh chữ “nỗi” tôi đã trình bày, các bạn có thể khảo sát chữ “khuôn” và bao chữ khác trong Truyện Kiều để thấy Nguyễn Du - đại thi hào của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới - đã làm ngôn ngữ chúng ta giàu thêm biết bao!

7/.Triết lý tiếng Việt trong ”vào Nam ra Bắc”

Những câu hỏi này liên quan tới hiện tượng chuyển nghĩa rất thú vị của các từ ra, vào.
“Người xấu duyên lặn vào trong...”

Cách nói theo “điểm nhìn”
Có một ông ngồi trong phòng khách. Tiếng Việt và tiếng Anh có cách nói giống nhau về vị trí của người này so với phòng khách: “Ông ấy đang đợi ở phòng khách” và “He is waiting in the living room”.
Người Việt còn có cách nói theo điểm nhìn rất đặc sắc. Đó là lấy vị trí của mình so với vị trí của người đàn ông để nói. Đang ở trên lầu cao thì nói: “Ông ấy đang đợi dưới phòng khách”. Nếu ở dưới bếp thì nói: “Ông ấy đang đợi trên phòng khách”. Còn như đang ở trong buồng thì phải nói: “Ông ấy đang đợi ngoài phòng khách”. Và: “Ông ấy đang đợi trong phòng khách” là cách nói của những ai đang ở ngoài sân, ngoài vườn.

Ra, vào là những vận động định hướng trong không gian. Về ý nghĩa, chúng có liên hệ chặt chẽ với hai từ trỏ vị trí trong, ngoài: “Người xấu duyên lặn vào trong/Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”. (ca dao)
Từ thời xa xưa tổ tiên chúng ta nhận ra trong hang thì hẹp và ngoài hang thì rộng. Nói “đi ra ngoài hang, đi vào trong hang” rồi khái quát thành: đi ra là đi từ một không gian hẹp tới một không gian rộng hơn, như em bé từ bụng mẹ ra đời; còn đi vào là đi từ một không gian rộng tới một không gian hẹp hơn. Từ trong ứng với không gian hẹp, từ ngoài ứng với không gian rộng. Nhưng không gian nào rộng, không gian nào hẹp? Quan hệ trong - ngoài, hẹp - rộng chỉ là tương đối có trong tâm thức người Việt và được sắp xếp theo quy ước. Chẳng hạn: buồng hẹp hơn nhà, nhà hẹp hơn sân, sân hẹp hơn vườn, vườn hẹp hơn ngõ...
Vậy nên chỉ cần nghe “đi ra sân” là chúng ta biết ai đó từ buồng, từ bếp, từ nhà đi ra sân. Còn khi nghe “đi vào sân” là hiểu ngay ai đó từ vườn, từ ngõ... đi vào sân.

“Vào” nơi chưa biết - “ra” chỗ biết rồi
Hàng loạt nghĩa mới của hai từ ra, vào được hình thành liên quan đến nhận thức: a) Trong - ngoài là quan hệ hẹp - rộng, khép - mở, chúng tạo ra những quan hệ về thuộc tính, và b) Hướng chuyển động chuyển thành thuộc tính. Đi vào là đi tới nơi hẹp, nơi bị khép lại, còn đi ra là đi tới nơi rộng mở.
Quan hệ hẹp - rộng chuyển thành quan hệ kín - rõ. Mà kín là bí mật, là không thấy được. Ấy vậy nên, từ vào để chỉ những sự việc hoặc hành động bí mật, không thấy được: Đảng rút vào hoạt động bí mật, tên gian đã lẩn vào đám đông, vấn đề đi vào ngõ cụt. Từ ra để chỉ những sự việc hoặc hành động thấy được, công khai: tiến ra sân khấu, cầu thủ A đã được đưa ra sân thay thế cho cầu thủ B.
Chuyển động “ra” là chuyển động từ không gian khép sang không gian mở, là chuyển động theo hướng ly tâm như: dang tay ra, duỗi chân ra, mở gói ra, cởi áo ra, bàn ra, tháo ra, thuyền ra khơi xa... Khái quát lên là từ thu hẹp sang phát triển. Khái quát nữa là sự vật chuyển thuộc tính từ tiêu cực (âm) sang tích cực (dương). Điều này được thấy trong các lối nói trắng ra, béo ra, trẻ ra, khỏe ra, đẹp ra, tươi ra, đỏ đắn ra, xinh ra, tỉnh ra, ăn nên làm ra...
Ngược lại, từ vào dùng cho những hoạt động hướng tâm: co tay vào, nhìn thẳng vào sự thật, nhảy vào cuộc, nói vun vào, lãnh đạo cần gương mẫu để cho quần chúng còn nhìn vào...
Quan hệ không thấy được - thấy được chuyển thành quan hệ chưa biết - biết, phát hiện; giữ kín - bộc lộ. Từ ra để chỉ những gì ta biết, ta phát hiện: tìm ra đáp số; tìm ra thủ phạm; chỉ ra những chỗ sai; nhận ra người quen; nổ ra cuộc tranh luận. Từ ra còn trỏ những gì được bộc lộ: hiện ra, bày ra, làm rõ ra... Trong cờ tướng, “ra xe” là quân xe chuyển tới một vị trí mở (bộc lộ) rất rộng đường đi. Ý nghĩa “bộc lộ, phát hiện” của từ ra được xuất hiện trong hầu hết các quán ngữ, thành ngữ có từ ra: té ra, hóa ra, thì ra là, thế ra, ra bộ, ra mặt, ra tay, ra cái điều, ra đầu ra đũa, ra môn ra khoai... Từ vào để chỉ những gì chưa biết. Nói tên lửa bay lên vũ trụ vì vũ trụ là không gian cao trên đầu chúng ta; nhưng cũng nói tên lửa bay vào vũ trụ vì trước đây chúng ta hầu như chưa biết gì về vũ trụ. Chúng ta nói những sinh viên tốt nghiệp đại học và đi làm, nhưng chưa biết gì về cuộc sống, là những sinh viên mới vào đời.
Tới đây, chúng ta giải thích được lối nói ra Bắc vào Nam: Trong quá trình phát triển, dân tộc VN đi từ phía Bắc xuống phía Nam. Chúng ta sinh sống ở phía Bắc. Nơi ta sống là nơi ta biết. Đi tới phía Bắc trên đất nước ta là đi tới nơi ta biết nên mới nói ra Bắc. Ông cha ta đi khai khẩn, khám phá phía Nam là nơi chưa từng sinh sống nên chưa biết. Đi tới phía Nam là đi tới nơi ta chưa biết nên mới nói vào Nam. Mặt khác, tiến về phương Nam chủ yếu là tiến về nơi rừng núi rậm rạp cũng là chưa biết. Thế là hình thành lối nói “vào Nam ra Bắc”.

8/. Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt
 Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ. Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận sự mù mờ trong định nghĩa từ, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi, khiến cho văn bản kém tính chính xác. Đây là một bài chúng tôi sưu tầm, liệt kê các trường hợp sử dụng từ sai trong tiếng Việt hiện nay.

1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
KHẢ NĂNG. “Khả năng” là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng (capacité, capable) với khả dĩ (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
QUÁ TRÌNH. Quá là đã qua, trình là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”
HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt
ĐỘC LẬP Độc là riêng một mình, Lập là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.
PHONG KIẾN.封建 Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến địa 建地 (ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực; trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.

3.- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).
QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日.Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.
GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.
ĐỆ NHẬT THÁC. Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ đệ nhất (tiếng thêm nghĩa) trước chữ thác (tiếng chính), là theo văn phạm Hán Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có` tiếng Hán Việt nào có nghĩa thác nước. Thác theo tiếng Hán là bộc bố , nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.

4.- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.
X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?
BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phu, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.
Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!
NỮ NHÀ BÁO Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều nầy sao?
TRIỀU CƯỜNG. Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường khi người ta nói đến thủy triều trên song.. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là con nước lớn (haute marée). Triều cường thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là con nước đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói con nước lớn (danh từ) và con nước đang lên (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.
HẠT NHÂN. Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là hạch tâm. Hạch là cái hạt, tâm là cái lõi hay cái nhân bên trong . Hạch tâm là cái nhân của hạt. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán Việt vì cả 2 từ đều là Hán Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay nhân hạt, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi phản ứng hạt nhân, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: phản ứng nhân hạt mới đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng hạch tâm thì hay hơn nhiều. Từ nầy không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.
TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc có nghĩa là ăn cướp, đạo mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê. . . Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ đinh tặc để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. Đinh là một từ có gốc Hán Việt nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ tặc thì không ổn. Vả lại, nói đinh tặc là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là bọn ăn cướp đinh; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.
Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:
Lớp trưởng, phải sửa lại trưởng lớp,
Nhóm trưởng, phải sửa lại trưởng nhóm
Siêu rẻ, phải sửa lại rất rẻ
Siêu bền, phải sửa lại rất bên
Vi sóng, phải sửa lại vi ba hay sóng ngắn
Vân vân…

5.- Dùng từ vô nghĩa
Bệnh viện DA LIỄU. Lần đầu tiên, thấy bảng chữ nầy, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! Da là từ thuần Việt. Hoa liễu là từ Hán Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán Hoa liễu 花柳 có nghĩa là ổ điếm chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các hoa liễu. Dùng riêng chữ hoa liễu cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ hoa, chỉ còn chữ liễu thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ liễu thì có nghĩa là cây liễu. Bệnh viện da liễu tức là bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu !!!
ĐẠI TRÀ. Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng nầy”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu đại trà là gì. Đại là lớn, còn trà là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán Việt ra tra thì chẳng thấy chữ đại trà ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ trồng đại trà là trồng rộng rãi khắp nơi. Có lẽ ai đó nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa đó để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn, rồi sau đó những người khác bắt chước nói theo. Ngôn ngữ mà biến chuyển như thế thì cũng đáng buồn.
SỰ CỐ. Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.
HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?
ĐÔI CÔNG. Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ đôi công và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi đôi công nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. Đôi là một cặp (tiếng Nôm), công là tấn công (tiếng Hán Việt). Vậy đôi công là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế là sai; cũng như muốn làm giàu thì kiếm được thực sự nhiều tiền chức không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ mà gọi làm giàu được.
XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới dó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.

6.- Dùng sai nghĩa từ thuần Việt.
NGƯỠNG. Người ít học cũng biết ngưỡng là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, ngưỡng cửa là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. Ngưỡng có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mổi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải; nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 đô đến 35 độ. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.
KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.
TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chử tịch”

7.- Dùng từ thiếu chính xác
CHẤT LƯỢNG. Chất là cái khối chứa bên trong một vật (matière,) lượng là tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được (quantité). Vậy chất lượng hay khối lượng là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được ( masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vất là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dung từ chất lượng để chỉ cái tính tốt xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát nầy kém lắm, uống không ngon má cò có hại cho sức khỏe nữa”.
CẢM GIÁC. 感覺 Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.
THỐNG NHẤT. Thống nhất 統一 là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.
GIẢI PHÓNG . Giải phóng 解放 là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chi công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất. Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.
ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

8.- Từ vựng lộn xộn.
LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.
YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu cầu anh đi ngay”. Sau 75, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.
NGHIÊN CỨU SINH. Sinh là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống, còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống. Thí dụ học sinh là người đi học, giáo sinh là người đi dạy. Nguyên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung quốc” Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!
ẤN TƯỢNG. Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng 印象(impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn thượng là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ
THẦN TƯỢNG. 神像 Từ nầy có nghĩa là hình tượng cao quý như thần. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, thần tượng được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng đồng chí đó không?”
TRÊN. Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dự: “Cần phải báo cáo cho trên rõ” hay “trên bảo, dưới không nghe”.
LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.
LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”
Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.

9.- Cóp tiếng Tàu đang dùng.
LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.
TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.
Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.

10.- Đảo ngược từ kép làm sai nghĩa.
ĐIỂM YẾU Từ kép nầy gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là cái điểm không mạnh. Có người đem đảo ngược lại thành yếu điểm theo văn phạm Hán Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: điểm rất quan trọng.
THẤP ĐIỂM. Từ nầy thường được dùng sai một cách thực buồn cười. Cao là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: điểm cao và cao điểm cùng một nghĩa. Trong khi đó thấp lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm. Theo tiếng Nôm thì thấp có nghĩa là ở bên dưới, nhưng với tiếng Hán thi thấp có nghĩa là ẩm ướt.. Vì vậy, khi nói điểm thấp thì đó là chỗ ở dưới thấp, nhưng khi đảo lại thành thấp điểm thì có nghĩa là nơi ẩm ướt. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”

11.- Đảo tư kép bừa bãi và không cần thiết.
XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ….”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần thì có thể tạm chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.
Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: Nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái …..
Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.
Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.
Cứ cái đà nầy, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế nầy: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt”!!!

12.- Ghép từ bừa bãi.
KÍCH CẦU. Đó là nhóm từ “kich thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiên ở dưới sông. Cách ghép nấy nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.
GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phài một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không

13.- Dùng từ dao to búa lớn
CHIẾN. Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao thuần túy thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn luôn gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn. Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây ban nha và Bồ đào nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa, Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tân ban nha và Bồ đào nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là nội chiến. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.
CHIẾN ĐẤU. Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe thực đáng sợ.
NGÀI. Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn thù, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia. Bây giờ, chúng ta chơi với tư bản thì ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân. Nghe có vẻ nịnh bợ quá đi thôi.
THAM QUAN. 參觀 Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.
NGHIÊN CỨU SINH. Đi học thêm ở ngoại quốc, chuyện quá tầm thường, nhiều khi lợi dụng làm chuyện bậy bạ, lại tự tâng bốc mình là đi nghiên cứu.

14.- Dùng từ Hán Việt thay từ Nôm một cách kỳ cục.
KHẨN TRƯƠNG Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Uc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga nầy thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.
BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.

15.- Thay từ Hán Việt thông dụng bằng từ Nôm bất hợp lý.
MÁY BAY LÊN THẲNG. Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.
LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ. Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là Thủy quân lục chiến. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau 75 thì sửa lại là lính thủy đánh bộ cho có vẻ nôm na, dù thủy và bộ vẫn là tiếng Hán Việt. Có người bảo rằng cái gì của ta thì dùng tiếng Hán Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.

16.- Chưa có được những từ thỏa đáng cho khoa học và kỷ thuật hiện đại.
COMPUTER dịch là máy vi tính là không thỏa đáng. Máy vi tính có nghĩa là máy dùng làm những phép tính rất nhỏ. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỷ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.
INFORMATION TECHNOLOGIE dịch là tin học, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, tecgnologie là một kỷ thuật, dịch bằng một chữ học trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán Việt. Nhưng tin là tiếng Nôm còn tín mới là tiếng Hán Việt. *ON LINE, OFF LINE, dịch là trực tuyến và ngoại tuyến thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, on và off là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ trực và ngoại thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuất và ngôn ngữ.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen