Montag, 27. April 2015

VNCH với Đồng Minh

Cuộc chiến tranh VN là một cuộc chiến tranh tốn kém nhất trong lịch sử của nhân loại, Hoa
kỳ đã viện trợ ồ ạt cho chính phủ VNCH cũng như gởi quân trực tiếp tham chiến, hoạch định và điều khiển các chiến lược chiến tranh. Tổng số kinh phí lên tới 686 tỷ Mỹ kim với khoảng 2,7 triệu người tham chiến trong các đơn vị của VNCH, Mỹ và Đồng Minh. Năm (5) nước Đồng Minh gởi quân sang VN tham chiến là Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Thái Lan và Phi luật Tân. Phía Hoa Kỳ đã có 58,220 người thiệt mạng, 305,000 người bị thương trong đó có 153,330 bị tàn phế vĩnh viễn. Quân Đồng Minh tử thương khoảng 6,000 người. QLVNCH có 316,000 người tử trận. Quân Cộng Sản có 800,000 chết, 300,000 người mất tích bị thương khoảng 600,000 người.
Lữ Đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ đến Đà Nẵng ngày 8 tháng 3/1965 là đơn vi bộ chiến của Mỹ đầu tiên tham chiến tại Nam VN. Vì nhu cầu của chiến trường, ngành Thông Dịch Viên (TDV) QLVNCH được thành lập với quân số khoảng 4,000 người. Các TDV đều là các thanh niên tình nguyện tuổi từ 18 đến 30, có học lực từ trung học đệ nhất cấp trở lên, tuy nhiên có một số (không nhỏ) TDV có bằng tú tài hay đại học, vì không muốn đi học các lớp sĩ quan, đã tham gia ngành TDV Quân Đội. 


Các ứng viên phải qua kỳ khám sức khỏe tổng quát do các bác sĩ quân y giám định, sau đó phải qua một cuộc thi Anh văn do Sĩ quan Việt Nam của Trương Sinh Ngữ Quân Đội và cố vấn Mỹ khảo hạch. Nếu thi đậu trên 80 điểm trở lên sẽ được mang cấp bậc và qui chế lương Trung sĩ Đồng Hóa tương đương với lương của 1 Chuẩn úy vì có bằng CC 1 Anh ngữ (phụ khoản chuyên môn 3). Sau đó các tân TDV được gởi sang trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung học căn bản quân sự 3 tuần (sau này 3 thán)g và về Trường Sinh Ngữ Quân Đội tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, Sài Gòn học Anh Văn các danh từ quân sự. Tùy theo khả năng Anh văn các TDV được chia vào các lớp Anh Ngữ khác nhau. 

Mỗi khóa học Anh Văn kéo dài khoảng 3 tháng. Tháng 5 năm 1968 tôi tốt nghiệp khóa 5/68 TDV, khóa này có tới 144 TDV ra trường được bổ xung về các đơn vị Mỹ, Đồng Minh, các toán cố vấn Tỉnh, Quận, các sư đoàn của VNCH trên 4 Vùng Chiến Thuật. Trong thời gian này Trung tá Phan thông Tràng là Chỉ Huy Trưởng, Đại Úy Gẫm là Sĩ Quan An Ninh Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Tùy theo số điểm thi ra trường các tân TDV theo thứ tự được chọn đơn vị mình thích. 

Nhóm chúng tôi gồm 10 TDV chọn về Tiểu Đoàn 6 Tâm lý Chiến HK. Bộ chỉ huy trú đóng tại thành phố Biên Hòa. Vì không có Sĩ quan Liên lạc, do đó chúng tôi về trình diện Đại Đội Tổng Hành Dinh Quân Đoàn III tại Biên Hòa để làm thủ tục quân bạ và sổ lương, sau đó Mỹ cho xe đến đón về đơn vị. Các đơn vị lớn của Hoa Kỳ như TQLC, các sư đoàn Bộ binh, Nhảy dù, Phi Luật Tân Úc, Đại Hàn, Tân tây Lan, Thái, đều có các Phòng Liên lạc cho TDV, do các sĩ quan VN biệt phái điều hành. 

Riêng các TDV chọn về đặt quyền xử dụng của Quân Đoàn I,II,III,IV sẽ về trình diện các Bộ chỉ huy Quân Đoàn tại Đà Nẵng, Pleiku, Biên Hòa, Cần Thơ, sau đó sẽ được bổ nhiệm về các toán MACV tỉnh, các toán cố vấn của các Sư Đoàn QLVNCH. 
Việt Nam Hóa Chiến Tranh (1968-1972) là chiến lược của Hoa Kỳ vào thời Tổng Thống Richard Nixson trong chiến tranh VN. Hoa Kỳ rút quân dần khỏi VN, gíúp VNCH xây dựng quân đội theo kiểu Mỹ với vũ khí tối tân và các cơ sở tiếp liệu chiến tranh mà quân đội Mỹ đã xử dụng. Hoa Kỳ giúp hỏa lực không quân tối đa cho QLVNCH trong các trận giao tranh với VC. 

Sau trận Mậu Thân 1968, quân VC bị thiệt hại nặng chưa phục hồi, đã hạn chế không mở những trận đánh lớn nhằm mục đích thúc đẩy việc rút quân của Mỹ, sự yên lặng của chiến trường đã tạo điều kiện dễ dàng cho Mỹ rút quân mà không gây ảnh hưởng xấu nào đối với dân chúng Hoa Kỳ. Ngày 31 tháng 8 năm 1969, 2 Lữ Đoàn của Sư Đoàn 9 Bộ binh là đơn vị Mỹ đầu tiên rời VN. Ngày 28 tháng 3 năm 1973, các đon vị Quân Cảnh và Quân Báo của MACV là những quân nhân Mỹ cuối cùng rời VN.

QLVNCH được trang bị hiện đại hơn tỏ ra tự tin và nắm quyền chủ động trên phần lớn chiến trường. Các lực lượng cơ động như Nhảy Dù, Biệt Động Quân, TQLC thường xuyên mở những cuộc hành quân đánh phá các căn cứ, hệ thống tiếp vận của VC. Các lực lượng lãnh thổ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh nội địa, bình định xây dựng nông thôn. 

Cuối năm 1972 quân số của QLVNCH tăng gần 1.050.000 người. Các đơn vị chủ lực được bổ xung thêm quân số, sư đoàn bộ binh có 12 tiểu đoàn, một trung đoàn có 4 tiểu đoàn. Các trại Biệt kích Quân (CIDG) do Mỹ thành lập đóng cửa được chuyển thành 37 tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng VNCH. 

Trong 3 năm, QLVNCH được trang bị thêm 700,000 súng tiểu liên M-16 hiện đại nhất của quân đội Mỹ, tăng thếm 1,300 khẩu pháo binh, 10,000 súng cối đủ loại, 30,000 súng phóng lựu M-79, 10,000 súng đại liên đủ loại. Thiết giáp tăng từ 1,037 năm 1968 lên tới 1879 chiếc năm 1972. Nhảy Dù và TQLC năm 1968 chỉ có 50 tiểu đoàn năm 1970 tăng lên tới 90 tiểu đoàn. Hải quân đến năm 1972 có 39,000 quân với 1,611 tàu đủ loại. Không Quân năm 1968 có 35,000 người, năm 1971 tăng lên tới 50,000 người với tổng cộng 1,500 phi cơ đủ loại chia thành 6 Sư Đoàn, 1 Phi đoàn Vận tải, 5 Phi đoàn Trực thăng, 3 Phi đoàn Khu trục, 1 Phi đoàn Phản lực.

Chương trình phát triển và bình định nông thôn được phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp. Năm 1968 có 2,192 các cuộc hành quân càn quét, năm 1970 tăng lên 23,758 vụ. VNCH dần dần kiểm soát hầu hết lãnh thổ. Ngoài ra, Chương Trình Phượng Hoàng do CIA Mỹ tài trợ đã tiêu diệt một số lớn cán bộ VC nằm vùng và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của VC tại địa phương.

Sau đây là lịch trình rút quân của của quân đội HK và Đồng Minh khỏi Miền Nam Việt Nam kể từ tháng 8 năm 1969 đến tháng 3 năm 1973:

- Sư Đoàn 9 Bộ Binh HK (9th Infantry Division): Quân số 16,153 người, đến VN ngày 18 tháng 12 năm 1966, hành quân vùng Long thành, Biên Hòa ,Đồng Tâm, Mỹ Tho cùng với các đơn vị Người Nhái Navy SEAL của Hải Quân HK, TQLC VNCH và Sư Đoàn 7 VNCH tại các vùng sình lầy vùng III và IV Chiến Thuật. Trong trận chiến Tết Mậu Thân, Sư Đoàn 9 hành quân tảo thanh VC tại các vùng ven đô Sài Gòn, sau đó dời BCH Sư Đoàn về Căn Cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Ngày 27 tháng 8 năm 1969 hai Lữ đoàn 1 và 2 rời VN. Lữ đoàn 3, Sư đoàn 9 rời VN ngày 1 tháng 11 năm 1970.

- Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 82 Nhảy Dù HK (3rd Brigade 82nd Airborne Division) quân số 3,659 người, gồm 3 tiểu đoàn: 1/505, 2/505 và 1/508, đến Chu Lai, VN ngày 16 tháng 2 năm 1968 không vận bằng 133 máy bay C-141 và 6 C-130, rời VN ngày 11 tháng 12 năm 1969. Hành quân vùng Chu Lai, Huế chung với Sư đoàn 101 Nhảy Dù HK, di chuyển về vùng III Chiến Thuật tháng 9 năm 1968 để bảo vệ thành Phố Sài Gòn chống VC tấn công và pháo kích các vùng ven đô Sàigon.

- Đoàn Dân sự vụ Phi Luật Tân (1st Philippine Civic Action Group,Vietnam) đến VN ngày 14 tháng 9 năm 1966 rời VN ngày 13 tháng 12 năm 1969. Quân số gồm khoảng 4 tiểu đoàn: 1 tiểu đoàn Bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn Công binh và 1 tiểu đoàn Quân y, hoạt động vùng Tây Ninh, căn cứ chính tại Trảng Lớn, quận Thanh Điền.

- Sư Đoàn 1 Bộ Binh HK (1st Infantry Division) quân số 17,339 người, gồm 3 Lữ đoàn 1, 2 và 3 đến VN ngày 2 tháng 10 năm 1965, rời VN ngày 15 tháng 4 năm 1970. Bộ Chỉ Huy đóng tại Biên Hòa, Dĩ An, Lai Khê, hành quân vùng Chiến Khu D, Bình Long và Phước Long.

- Lữ Đoàn 199 Khinh Binh HK (199th Light Infantry Brigade) quân số 4,215 người gồm 4 tiểu đoàn: 2/3, 3/7, 4/12 và 5/12, đến VN ngày 10 tháng 12 năm 1966 rời VN ngày 11 tháng 10 năm 1970. Bộ Chỉ Huy đóng tại Long Bình. Hành quân vùng Biên Hòa, Gia Rai, Long Khánh. Trong trận đánh Tết Mậu Thân, ngày 31 tháng 1 năm 1969 tiểu đoàn 3/7 được trực thăng vận về Saigon tảo thanh VC vùng Chợ Lớn.

- Sư Đoàn 25 Bộ Binh HK (25th Infantry Division) quân số 17,666 người gồm 3 lữ đoàn: 1,2 và 3, đến VN ngày 28 tháng 3 năm 1966, rời VN ngày 8 tháng 12 năm 1970. BCH Sư đoàn đóng tại Củ Chi tỉnh Hậu nghĩa, hành quân vùng Tây Ninh, Đức Hòa, Đức Huệ. Tháng 1 năm 1967 Sư Đoàn 25 tấn công vào Chiến Khu C và vùng Tam Giác Sắt của Quân Khu 4 VC tại tỉnh Tây Ninh. Tham dự các trận đánh chống VC trong trận Tết Mậu Thân và tháng 4 năm 1970 một số đơn vị của Sư đoàn 25 tấn công sang Cam Bốt tiêu diệt một số lớn căn cứ “hậu cần” của VC tại Miên.

 - Sư Đoàn 4 Bộ Binh Mỹ (4th Infantry Division) quân số 19,042 người gồm 3 lữ đoàn 1,2 và 3 đến VN ngày 25 tháng 9 năm 1966 rời VN ngày 7 tháng 12 năm 1970. Bộ Chỉ Huy đóng tại Pleiku, hành quân vùng Pleiku, Kontum. Từ ngày 14 tháng 9 năm 1966 đến ngày 24 tháng 11 năm 1966. Một số đơn vị của Sư đoàn phối hợp với Sư đoàn 25 Bộ Binh HK hành quân tấn công vào Chiến khu C của VC, tại tỉnh Tây Ninh. Tháng 6 năm 1970 Sư đoàn 4 tấn công vào các căn cứ “hậu cần” của VC tại Miên gần vùng 3 biên giới Việt-Miên-Lào.

- Trung Đoàn 11 Kỵ Binh HK (11th Armored Calvary Reg) quân số 4331 người đến VN ngày 7 tháng 9 năm 1966, rời VN tháng 2/1971. BCH đóng tại căn cứ Long Giao, cách thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh khoảng 6 cây số. Tham dự các cuộc hành quân Cedar Falls tại vùng Tam Giác Sắt, Junction City, Quick Silver, Operatin Fargo tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Long. Trong trận đánh Tết Mậu Thân Lữ Đoàn 11 có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Long Bình và Bộ chỉ huy Quân Đoàn III tại Biên Hòa. Từ ngày 26 tháng 3 năm 1970 đến cuối tháng 6 năm 1970 Lữ Đoàn 11 phối hợp với các đơn vị của Sư đoàn 1 Không Kỵ HK tấn công sang thị trấn Snoul, Cam Bốt theo ngã Quốc lộ 13, Lộc Ninh, tỉnh Bình Long.

- Thủy Quân Lục Chiến HK (III Marines Aphibious Forces) hoạt động vùng I Chiến Thuật VNCH gồm Sư Đoàn 3 TQLC, Sư Đoàn 1 TQLC và Không Đoàn 1, TQLC (1st Marines Aicraft Wing).

- Sư Đoàn 3 TQLC HK (3rd Marines Division) đến Đà Nẵng, VN ngày 6 tháng 5 năm 1965 rời VN ngày 30 tháng 11 năm 1969, là đơn vị bộ chiến HK đến VN đầu tiên gồm 3 trung đoàn 3,4 và 9. Tháng 10 năm 1967 BCH Sư Đoàn dời ra Đông Hà, Quảng Trị thành lập các căn cứ Carroll, Rockpine, Ca Lu, Khe Sanh. Sư đoàn 3 TQLC hành quân vùng giới tuyến, nhiều lần đụng độ với các đơn vị của Sư đoàn 320 và 324B của quân Bắc Việt. Ngày 14 tháng 11 năm 1967 Thiếu tướng Bruno Hochmuth, Tư lệnh Sư đoàn 3 TQLC, HK tử trận khi trực thăng của ông bị quân Bắc Việt bắn hạ gần Huế.

- Sư Đoàn 1 TQLC HK (1st Marines Division) đến Chu Lai, Quảng Ngãi, VN ngày 23 tháng 2 năm 1966, rời VN ngày 14 tháng 4 năm 1971, gồm 3 lữ đoàn: 1, 5 và 7 cộng thêm Lữ đoàn 26 và 27 của Sư đoàn 5 TQLC. Tháng 6 năm 1966 Sư đoàn 1 TQLC di chuyển về Quảng Trị, từ tháng 10 năm 1966 đến tháng 7 năm 1967 Sư đoàn 1 TQLC đã tham dự 44 cuộc hành quân tại vùng Quảng Trị. Tết Mậu Thân Sư đoàn 1 TQLC tham dự các trân đánh với quân VC tại thị xã Huế. Tháng 4 năm 1971 Sư đoàn 1 rút về HK trú đóng tại Camp Pendleton, miền Nam California và sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Camp Pendleton đã mở cửa cung cấp lương thực, chỗ ở tạm trú cho một số đông đồng bào tỵ nạn VN di tản sang Mỹ.

- Lữ Đoàn 9 Xung Kích TQLC HK (9th Amphibious Marines Brigade). Lợi dụng một số lớn đơn vị chiến đấu của Mỹ đã rút quân khỏi VN và muốn đo lường sức mạnh của QLNVCH trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, ngày 30 tháng 3 năm 1972 quân BV đã tràn qua vĩ tuyến 17 tấn công QLVNCH vùng Quảng Trị. Do đó lữ đoàn 9 TQLC, HK đang có mặt tại Đệ thất Hạm Đội Mỹ ngoài khơi VN được tái phối trí với quân số 5,200 người và 50 trực thăng chờ ngoài khơi nhưng chỉ có 893 TQLC Mỹ đã đổ bộ vào đất liền với nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các tòa Đại Sứ và phòng vệ các phi trường lớn như Đà Nẵng, Nha trang Biên Hòa. Ngày 31 tháng 7 năm 1972 các đơn vị TQLC này rút quân trở về Đệ Thất Hạm Đội Mỹ.

- Lực Lượng I Dã Chiến (I Field Forces, Vietnam) đến VN ngày 15 tháng 3 năm 1966, rời VN ngày 30 tháng 4 năm 1971. Có nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị Mỹ và cố vấn các dơn vị VNCH tại quân Khu II. Bộ Chỉ Huy đóng tại Nha Trang gồm các đơn vị: Tiểu Đoàn 8 Tâm Lý Chiến, Pháo Đội 1 Pháo Binh, Tiểu Đoàn 54 Truyền Tin, Đại đội 41 Dân sự Vụ, Đại đội 272 Quân Cảnh, Đại đội 297 Quân Vận, Đại đội 55 Quân Báo.

- Lực Lượng II Dã Chiến HK (II Field Forces, Vietnam) đến VN ngày 15 tháng 3 năm 1966, rời VN ngày 2 tháng 5 năm 1971. Có nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị Mỹ và cố vấn các đơn vị VNCH tại Quân Khu III. Bộ Chỉ Huy đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa gồm các đơn vị: Pháo Đội II Pháo Binh, Tiểu Đoàn 6 Tâm Lý Chiến, Tiểu đoàn 53 Truyền Tin, Đại đội 552 Quân Cảnh, Đại đội 9 vận tải, Đại đội 219 Quân báo.

- Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù, HK (173rd Airborne Brigade ) quân số 5,513 người đến VN ngày 7 tháng 5 năm 1965, rời VN ngày 25 tháng 8 năm 1971 gồm 4 tiểu đoàn: 1/503, 2/503, 3/503, 4/503 và tiểu đoàn 3/319 Pháo Binh. Từ tháng 5 năm 1965 đến tháng 10 năm 1967 hành quân tại vùng Biên Hòa, Bình Dương thuộc Quân Khu III trong các chiến dịch Junction City tại Chiến khu C và chiến dịch Attleboro. Tháng 11/67 di chuyển về Quân Khu II, hành quân vùng An Khê, Pleiku và tỉnh Bình Định.

- Lữ Đoàn 1, Sư Đoàn 5 Bộ Binh Cơ Giới HK (1st Brigade, 5th Infantry Division (Mecnanized ).Đến VN ngày 25 tháng 7/1968 rời VN ngày 27 tháng 8/1971 gồm; Tiểu đoàn 1/77 Xe tăng, Tiểu đoàn 1/11 Cơ giới, Tiểu đoàn 1/61 Cơ giới và Tiểu đoàn 5/4 Pháo binh 155 ly . Hoạt động vùng Khe Sanh, Đông Hà, Quảng Trị, tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 tháng 1 năm 1971.

- Liên Đoàn 4 Tâm lý Chiến HK (4th Psyops Group) đến VN ngày 01 tháng 12 năm 1967 rời VN ngày 01 tháng 10 năm 1971, gồm 4 tiểu đoàn: tiểu đoàn 6 TLC trú đóng tại thành phố Biên Hòa hoạt động tại vùng III Chiến Thuật. Tiểu đoàn 7 TLC, trú đóng tại Nha Trang hoạt động trong vùng II Chiến Thuật. Tiểu đoàn 8 TLC trú đóng tại Đà Nẵng, hoạt động tại vùng I Chiến Thuật. Tiểu đoàn 10 TLC trú đóng tại Cần Thơ hoạt động trong vùng IV Chiến Thuật. Liên đoàn 4 TLC có nhiệm vụ cung cấp các toán TLC cho các đơn vị Mỹ và Đồng Minh trên toàn 4 Vùng Chiến Thuật, phóng thanh Chiêu Hồi, rải truyền đơn bằng trực thăng, in các loại truyền đơn.

- Sư Đoàn 23 Bộ Binh HK (23rd Infantry, AMERICAL Division quân số 15,825 người gồm 3 Lữ đoàn: 11, 196 và 198. Đến VN ngày 25 tháng 9 năm 1967 rời VN ngày 29 tháng 11 năm 1971. Sư Đoàn AMERICAL hành quân vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi, BCH trú đóng tại căn cứ Chu Lai.

- Lực Lượng Đặc Biệt Quân Đội HK (U.S Army Special Forces) .Một số ít các Cố vấn LLĐB Mỹ đã có mặt tại VN từ 24 tháng 6 năm 1957 với mục đích huấn luyện các toán biệt kích VNCH tại Nha Trang và thành lập các trại Biệt Kích (Civilian Irregular Defense Group). Trại Biệt Kích Mỹ tại Ban Mê Thuộc là trại đầu tiên được thành lập trong năm 1961. Đã có 99 trại Biệt kích được thành lâp dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào nhằm mục đích thám sát, hành quân và tảo thanh các đơn vị Bắc Việt xâm nhập từ Bắc vào Nam theo ngã đường mòn HCM. Các trại Biệt kích do CIA và LLĐB Mỹ tổ chức và điều hành, tháng 10 năm 1964 chỉ có 951 lính LLĐB Mỹ và 19,000 lính CIDG địa phương tháng 10 năm 1969 số cố vấn Mỹ tăng 3581 người và khoảng 45.000 lính CIDG tổng số này bao gồm các lính CIDG tại các trại Biệt kích, các toán Thám sát cùa Quận, Tỉnh (Region Forces RF,PF và các tóan Xung kích Mobile Strike Forces). Đa số các lính CIDG địa phương đều là các sắc dân thiểu số như Bahna, Bru, Cham, Cua, Halang, Hre, Hroi, Jarai, Jeh, Katu, Khmer, Koho, Ma, Mèo, M'nong, Mường, Nùng, Raghei, Rengao, Rhade, Sedang, Steng và một số thanh niên VN. Các lính Biệt kích được CIA Mỹ trả lương, cung cấp ẩm thực, quân trang vũ khí tối tân hơn các đơn vị Bộ binh VNCH do đó khả năng chiến đấu của họ rất cao. Liên Đoàn 5 LLĐB HK đến VN ngày 1 tháng 10 năm 1964 rút quân khỏi VN ngày 3 tháng 11 năm 1971 và nắm quyền điều hành tổ chức các trại Biệt kích. Tháng 12 năm 1971 các trại Biệt kích đóng cửa chỉ giữ lại 39 căn cứ thành lập thành các Tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng do Quân Lực VNCH điều hành.

- Quân Đội Thái Lan: Trung Đoàn Mãng Xà (Royal Thai Army Regiment-Queen's Cobras ) đến VN ngày 19 tháng 9 năm 1967 rời VN ngày 15 tháng 8 năm 1968 hoạt động vùng Long Bình, Biên Hòa. Sư Đoàn Hắc Báo (Royal Thai Army Expeditionary Division- Black Panthers) đến VN ngày 25 tháng 7 năm 1968 rời VN ngày 2 tháng 3 năm 1972 gồm 3 lữ đoàn Bộ binh, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh và truyền tin. Bộ chỉ huy tại Saigon nhưng căn cứ chính tại Bearcat, Long Thành.

- Sư Đoàn 101 Nhảy Dù HK (101st Airborne Division) quân số 15,222 người, đến VN ngày 19 tháng 07 năm 1965 rời VN ngày 10 tháng 3 năm 1972, gồm 3 lữ đoàn với các tiểu đoàn Bộ binh: 3/187, 1/327, 2/327, 1/501, 1/502, 2/502, 1/506, 2/506, 3/506 cộng thêm 7 tiểu đoàn pháo và 4 tiểu đoàn trực thăng. Lữ đoàn 1 đến VN tháng 7 năm 1965 hành quân vùng Phú Yên, Kontum. Lữ đoàn 2 và 3 đến VN tháng 12 năm 1967 hành quân vùng III Chiến Thuật. Tháng 3 năm 1968 toàn bộ Sư Đoàn 101 Nhảy Dù di chuyển về vùng I Chiến Thuật, hành quân vùng Huế và Quảng Trị. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tòan bộ các tiểu đoàn trực thăng của Sư Đoàn 101 yểm trợ tực thăng vận cho các đơn vị của Sư Đoàn Bộ Binh VNCH tấn công sang Lào.

- Quân Đoàn XXIV (XXIV Corps). BCH đóng tại Phú Bài (1968), sau 1970 dời về Đà Nẵng. đến VN ngày 15 tháng 8 năm 1968 rời VN ngày 30 tháng 6 năm 1972. Chỉ huy các đơn vị HK tại Vùng I Chiến Thuật. Các đơn vị trực thuộc gồm: Pháo đội XXIV, Tiểu đoàn 7 TLC, Biệt đội 204 Quân Báo, Đại đội 29 Dân Sự Vụ, Đại đội A, 504 Quân Cảnh, Đại đội 108 Vận chuyển, Đại đội 62 Không Hành. 

- Sư Đoàn 1 Không Kỵ HK (1st Calvary Division) quân số 18,336 người đến VN ngày 11 tháng 9 năm 1965, rời VN ngày 26 tháng 6 năm 1972, gồm 3 lữ đoàn 1,2 và 3 với các tiểu đoàn bộ binh không kỵ như; 1/5, 2/5, 1/7, 2/7, 5/7,1/8, 2/8, 1/12, 2/12 cộng với 3 tiểu đoàn trực thăng và 6 tiểu đoàn pháo binh. Sư đoàn 1 KK là đơn vị chiến đấu cơ động hành quân khắp 4 Vùng CT.Từ tháng 9 năm 1965 đến tháng 1 năm 1966, BCH của Sư đoàn 1 KK trú đóng tại căn cứ Radcliff, An Khê, Pleiku. Từ ngày 14 tháng 11 năm 1965 đến ngày 18 tháng 11 năm 1965, Tiểu đoàn 1/7 KK với quân số 450 người bị 2000 quân chính qui BV thuộc Sư đoàn 304, Quân Khu 3 VC tấn công dữ dội tại LZ X-Ray vùng Ia Drang, không xa với trại Biệt Kích Pleime, cách thành phố Pleiku khoảng 35 cây số. Đây là trận chiến đầu tiên giữa quân Mỹ và quân chính qui BV tại Nam Việt Nam. Từ tháng 2 năm 66 đến tháng 1 năm 1968 Sư đoàn 1 KK hành quân vùng tỉnh Bình Định, phối hợp với Lực Lượng Nam Hàn và QLVNCH chống lại Sư đoàn 610 VC tại vùng này. Tháng 1 năm 1968 toàn bộ Sư đoàn 1 KK dời về Quân Khu I tham chiến trận Tết Mậu Thân tại Huế. 

Từ tháng 4 năm 1968 đến tháng 5 năm 1968 hành quân vùng Khe Sanh với các đơn vị TQLC Mỹ. Tháng 10 năm 1968 toàn bộ Sư đoàn 1 KK di chuyển về vùng III Chiến Thuật. BCH Sư đoàn đóng tại căn cứ Phước Vĩnh, tỉnh Bình Dương, hành quân các tỉnh Biên Hòa,Tây Ninh, Bình Long, Phước Long và Long Khánh. Ngoài ra một số đơn vị của Sư đoàn 1 KK tăng phái về vùng IV Chiên Thuật hành quân với các giang đoàn của Hải Quân HK trong các Chiến Dịch Thủy Không Vận (NAV-CAL Operations). 

Tháng 5 năm 1970 Sư đoàn 1 KK tấn công các căn cứ của VC tại Miên qua ngả Lộc Ninh và Phước Long và vào sâu trong đất Miên khoảng 30 cây số. Ngày 26 tháng 4 năm 1971 Lữ đoàn 1 và 2 rút quân về nước. Chỉ còn Lữ đoàn 3 ở lại trong Chiến dịch Garry Owen. Lữ Đoàn 3 gồm có các tiểu đoàn 2/5,1/7, 2/8,1/12 cộng thêm tiểu đoàn 229 trực thăng và 2 tiểu đoàn Pháo Binh. BCH Lữ đoàn đóng tại Biên Hòa, tiếp tục hành quân tại Quân Khu III và rút về Mỹ ngày 26 tháng 6 năm 1972.

 - Quân Đội Tân Tây Lan (New Zealand "V" Forces) cấp số 3890 người khoàng 2 tiểu đoàn, đến VN ngày 21 tháng 7/1965, rời VN ngày 2 tháng 6/1972. Hành quân vùng Phước Tuy.

- Quân Đội Úc (Australia Army Forces, Vietnam): Tháng 5 năm 1962 chính Phủ Úc gởi 30 quân nhân Úc sang VN với nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện. Ngày 31 tháng 1 năm 1973 quân đội Úc hoàn toàn rút khỏi VN. Trong suốt hơn 10 năm tham chiến tại VN đã có gần 60,000 quân nhân Úc thay phiên phục vụ tại VN với khoảng 9 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 2 trung đoàn thiết giáp cơ giới và nhiều đơn vị không, hải quân yểm trợ. Khác với quân đội Mỹ với sở trường yểm trợ phi pháo tối đa và tổ chức các cuộc hành quân lớn, quân đội Úc chuyên đánh du kích và phòng thủ, do đó số tổn thương ít hơn, chỉ có 521 quân nhân Úc tử trận, 3,128 bị thương và 6 mất tích. Quân Úc hành quân vùng Biên Hòa, Phước Tuy, căn cứ chính tại Núi Đất, tỉnh Phước Tuy còn Bộ Chỉ Huy chính tại Sài Gòn.

- Quân Đội Nam Hàn (Republic of Korean Force,Vietnam): đến VN ngày 29 tháng 9 năm 1965 rời VN ngày 17 tháng 3 năm 1973. Quân số khoảng 58,282 người, đã có 5,099 quân nhân Nam Hàn tử trận,11,232 bị thương, 4 mất tích. Quân Nam Hàn gồm các đơn vị: 

- Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn (Republic of Korean Capital Division, Tigers): đến VN ngày 29 tháng 9/1965, rời VN ngày 10 tháng năm 1973, quân số gồm 1 trung đoàn không kỵ, 2 trung đoàn bộ binh 4 tiểu đoàn pháo binh. Hành quân vùng tỉnh Bình Định. 

-Sư đoàn Bạch Mã Đại Hàn (Republic of Korean 9th Infantry Division, White Horses) với 3 trung đoàn bộ binh (28,29,30 ) và 4 tiểu đoàn pháo binh, đến VN ngày 27 tháng 9 năm 1966 rời VN ngày 16 tháng 3 năm 1973.

- Lữ Đoàn Thanh Long TQLC Đại Hàn (Republic of Korean 2nd Marines Corps Brigade- Blue Dragons), đến VN ngày 19 tháng 19 năm 1965 rời VN tháng 2 năm 1972 với 4 tiểu đoàn bộ binh (1,2,3 và 5 ) và 1 tiểu đoàn pháo binh.

- Liên Đoàn 525 Quân Báo, HK (525th Millitary Intelligence Group), đến VN ngày 28 tháng 11/1965, rời VN ngày 3 tháng 3 năm 1973, gồm 8 Tiểu đoàn Quân báo: Tiểu đoàn 1 (1st MI Bn, Provisional), đến Đà nẵng từ 20 tháng 11 năm 1967 đến tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 2 (2nd MI Bn, Provisional) đến Nha trang từ ngày 1 tháng 12 năm 1967, rời tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 3 (3rd MI Bn, Provisional) đến Biên Hòa từ ngày 1 tháng 12 năm 1967 rời tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 4 (4th MI Bn, Provisional) đến Cần Thơ từ ngày 1 tháng 12 năm 1967 rời tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 5 (5th MI Bn, Provisional) đến Sai Gòn từ ngày 1 tháng 12 năm 1967, rời tháng 2 năm 1972, Tiểu đoàn 6 (6th MI Bn, Provisional) Tân Sơn Nhứt, đến Saigon từ ngày 1 tháng 12 năm 1967, rời 15 tháng 1 năm 1969, Tiểu đoàn 1 Không ảnh (1st MI Bn Air Reconnaissance Support) đến Saigon ngày 23 tháng 12 năm 1965, rời 19 tháng 4 năm 1971 và Tiểu đoàn 519 (519th MI Bn Consolidated) Saigon từ ngày 23 tháng 10/1965 đến ngày 3 tháng 3 năm 1973. Tiểu đoàn 519 điều hành các Trung Tâm Quân Báo Hỗn Hợp Việt- Mỹ(Combined Intelligence Center,Vietnam), Thẩm vấn Hỗn hợp (Combined Millitary Interrogation Center, Vietnam) Tài liệu (Combined Document Exploitation Center, Vietnam), Quân dụng (Combined Material Exploitation Center, Vietnam).

- Lữ Đoàn 1 Không Vận HK (1st Aviation Brigade), đến VN tháng 4 năm 1965. Liên Đoàn 12 Không Vận (12th Aviation Group) với 4 tiểu đoàn 13, 14, 52 và 145 đến VN. Vì nhu cầu của chiến trường Lữ đoàn 1 Không Vận HK được thành lập ngày 25 tháng 3 năm 1966 với quân số khoảng 23,000 người gồm 641 máy bay cánh quạt đủ loại, 441 trực thăng võ trang Cobra, 311 CH-47, 635 OH-6A, 2202 trực thăng UH-1. Lữ đoàn 1 Không vận có nhiệm vụ cung cấp tất cả phương tiện di chuyển, tiếp tế bằng máy bay và trực thăng cho các đơn vị Mỹ và Đồng Minh trên khắp chiến trường Miền Nam Vietnam. Từ năm 1965-1966 BCH đóng tại Phi trường Tân Sơn Nhất, từ năm 1967-1972, BCH dời ra căn cứ Long Bình sau đó 1973 di chuyển lại Tân Sơn Nhất. Lữ đoàn 1 Không Vận có 7 Liên đoàn Không Vận như sau: Liên đoàn 11(11th Aviation Group) với 3 tiểu đoàn 227,228 và 229 biệt phái cho Sư đoàn 1 Không Kỵ HK đến VN tháng 8 năm 1965 rời VN ngày 14 tháng 3 năm 1973. Liên đoàn 12 (12th Aviation Group) trú đóng tại Tân Sơn Nhất phục vụ vùng III và IV Chiến Thuật đến VN ngày 28 tháng 8 năm 1965, rời VN ngày 16 tháng 3 năm 1973. Liên đoàn 16 (16th Aviation Group) hoạt động tại vùng I Chiến Thuật trú đóng tại Đà Nẵng, đến VN ngày 20 tháng 12 năm 1967, rời VN ngày 13 tháng 11 năm 1971. Liên đoàn 17 (17th Aviation Group) trú đóng tại Tuy Hòa, Nha Trang hành quân vùng II Chiến Thuật đến VN ngày 15 tháng 12 năm 1965, rời VN ngày 16 tháng 3 năm 1973.

Liên đoàn 160 (160th Aviation Group) trú đóng tại Biên Hòa và Phú Bài, đến VN 
ngày 1 tháng 7 năm 1968, biệt phái cho Sư đoàn 101 Nhảy Dù HK , ngày 25 tháng 6 năm 1969 Lữ đoàn 160 đổi tên thành Liên đoàn 101 (101st Aviation Group) hành quân tại Vùng I Chiến Thuật, rời VN ngày 18 tháng 1 năm 1972. Liên Đoàn 164 (164th Aviation Group) trú đóng tại Cần Thơ hành quân Vùng IV Chiến Thuật, đến VN ngày 20 tháng 12 năm 1967, rời VN ngày 14 tháng 3/1973. Liên Đoàn 165(165th Aviation Group) trú đóng tại căn cứ Long Bình đến VN ngày 17 tháng 2 năm 1969, rời VN ngày 30 tháng 1 năm 1972 hành quân vùng III Chiến Thuật.

- Lữ Đoàn 18 Quân cảnh HK (18th Military Police Brigade ), đến VN ngày 8 tháng 9 năm 1966, rời VN ngày 29 tháng 3 năm 1973, phục vụ khắp 4 vùng Chiến Thuật gồm các tiểu đòan Quân Cảnh: 8,16,89,92,93,95,97,504,716 và 720.

- Phái Bộ Viện Trợ Quân Sự ( MACV Military Assitance Command, VN)
Ngày 17 tháng 9 năm 1950 Phái Bộ Phái Bộ Viện Trợ HK tại Đông Dương (MAGG, Indochina) đến VN ngày 31 tháng 10 năm 1955. Ngày 1 tháng 11 năm 1955 Cơ Quan Military Assitance Advisor Group,Vietnam (MAAG,VN) được thành lập để cố vấn huấn luyện QLVNCH. Ngày 6 tháng 2 năm 1962 Cơ quan MACV chính thức được thành lập và được coi như Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ tại VN. Cơ Quan MACV trực tiếp điều hành các đơn vị Mỹ và Đồng Minh, U.S Naval Forces, Vietnam, Seven U.S Air Forces, các toán cố vấn tại các đơn vị tác chiến VNCH, các toán cố vấn Tỉnh, Quận trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam, Chương Trình Bình Định Phát Triển Nông Thôn (CORDS, Civil Operation and Rural Development Supports) và các toán MACV-SOG (các toán này có nhiệm vụ rải các toán biệt kích tại Bắc Việt, Lào, Cam bốt, đường mòn HCM. Giải cứu các tù binh Mỹ và các phi công Mỹ bị rớt máy bay. Thiết lập các đài phát thanh phản tuyên truyền). Cơ quan MACV rời VN ngày 29 tháng 3 năm 1973.

Cuối tháng 3 năm 1973, các đơn vị HK hoàn toàn rút khỏi VN, cơ quan DAO (Defense Attáche Office) trực thuộc Tòa Đại sứ HK được thành lập thay thế cơ quan MACV điều hành bởi 50 quân nhân HK, 1200 nhân viên dân sự HK và khoảng 16,000 nhân viên dân chính người Việt Nam. Cơ quan DAO chỉ có những văn phòng chính tại Đà Nẵng, Huế, Pleiku, Qui Nhơn, Nha trang, Biên Hòa, Cần Thơ. Do đó nhu cầu của ngành Thông dịch viên Quân đội không còn cần nữa, các TDV được thuyên chuyển về các đơn vị của QLVNCH. Đợt đầu vào khoảng cuối năm 1970, một số đông TDV được thuyên chuyển về Hải Quân QLVNCH, đa số được thăng cấp Thượng sĩ giữ chức vụ quản kho, tiếp liệu. Lần lượt các TDV được chuyển ngành về các ngành như: Truyền tin, Quân y,Quân cụ, Quân báo, Pháo binh và một số theo học các khóa Sĩ quan Trừ Bị. Một số ít TDV được biệt phái ngoại ngạch về Bộ Giáo Dục dạy học, Nha quan thuế, Quốc Gia Hành Chánh, Phủ Thủ Tướng, Phủ Tổng Thống, Cơ Quan DAO… Số tử vong của TDV rất thấp so sánh với các ngành khác theo thống kê chỉ trên dưới 100 người.

Sau 30 tháng 4 năm 1975 một số ít TDV may mắn được di tản, vượt biên hay đoàn tụ gia đình theo diện ODP nhưng còn một số lớn HSQ TDV vẫn còn kẹt tại VN. Họ không may mắn được chính phủ HK chấp nhận di dân sang Mỹ như các cựu nhân viên dân chính của cơ sở Mỹ.


Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen