Samstag, 30. Mai 2015

Hà Nội: Nét duyên dáng của sự lộn xộn

... nín thở trong giao thông của Hà Nội. Ảnh: Spiegel1000 năm Hà Nội: Nét duyên dáng của sự lộn xộn
Chạy đua vượt chướng ngại vật với chậu hoa, xoong chảo, trẻ em và xe gắn máy là rào cản: du khách phải tập trung cao độ trong lúc đi mua sắm ở Hà Nội. Năm nay chắc sẽ còn lộn xộn hơn một ít – vì thủ đô Việt Nam kỷ niệm 1000 năm tồn tại.
Ngay đến những người đã quá quen thuộc với châu Á cũng đã có lần phải nín thở trong giao thông điên rồ của Hà Nội. Hằng trăm nghìn xe gắn máy đang chạy ở khắp mọi nơi trong thủ đô của Việt Nam, không phải lúc nào cũng theo đúng chiều giao thông và cũng thích chạy trên cả vỉa hè. Đặc biệt là các ngõ hẻm đầy thú vị của khu phố cổ không được kiến lập cho sự hối hả có động cơ này. Nhưng du khách đừng vì vậy mà bỏ lỡ một chuyến đi dạo lang thang. Những ai không lưỡng lự sẽ tự mở được đường đi bộ cho chính mình.

… nín thở trong giao thông của Hà Nội. Ảnh: Spiegel
Năm nay Hà Nội kỷ niệm 1000 năm tồn tại. Chính phủ tổ chức một lễ hội vĩ đại. Có thi đua tranh giải áp phích quảng cáo, tiểu luận về truyền thống văn hóa của giai cấp công nhân hay tem thư mà chủ đề của chúng là công cuộc xây dựng nền công nghiệp và sự phát triển của thủ đô. Thêm vào đó, 100 cái trống đồng được đúc. Chúng sẽ ngân vang lần đầu tiên trong buổi lễ kỷ niệm vào ngày 10/10/10. Đếm ngược đã bắt đầu – không chỉ trên tấm bảng nhiều màu chói mắt ngay giữa thành phố.
Theo truyền thuyết, năm 1010 vua Lý Thái Tổ đã đến sông Hồng để xây một thành phố mới. Vị vua nhìn thấy một con rồng đang bay lên từ dòng sông và đã đặt tên cho thành phố này là Thăng Long: con rồng đang bay lên. Một con bạch mã xuất hiện trước vị vua ở cạnh một khúc quanh của dòng sông, Hà Nội trong tiếng Việt. Nhà vua cho xây ở đấy một thành trì. Trong khi cái tên Hà Nội vẫn còn tồn tại thì ngôi thành ngày xưa đã biến mất từ lâu. Ngày nay, khu đất ấy được giới quân sự sử dụng. Nhưng con cháu của những người xây dựng và thợ thủ công từng định cư quanh ngôi thành vẫn còn ở trong các ngõ hẻm quanh co của khu phố cổ cho đến ngày hôm nay.
Mua sắm trong phố Hàng Giày và phố Tơ Lụa
Ở đó, một chuyến mạo hiểm ẩm thực và một ngày bình thường đầy hấp dẫn đang chờ đợi du khách. Phần lớn những sách hướng dẫn du lịch thì lại hướng khách tham quan Hà Nội tới viện bảo tàng và lăng của Hồ Chí Minh, người thành lập quốc gia, đến những ngôi chùa, thăm Văn Miếu hay vào Viện bảo tàng Quân đội.
Các ngõ hẻm quan trọng nhất đều có tên là “Hàng”, tức là hàng hóa. Tên của chúng hé lộ cho biết những gì đã được chào bán ở đây từ nhiều thế kỷ qua: Hàng Muối, Hàng Giày, Hàng Tơ Lụa. Con phố Dược Phẩm có tên Lãn Ông, được gọi theo tên của một nhà y học. Trong những cửa hàng mở rộng cửa có nhiều bao tải và chai lọ chứa quả mọng, vỏ cây, lá, quả, nấm, gỗ và thảo dược. Một người phụ nữ mời người tò mò vào trong cửa hàng và chỉ tay vào một bao tải chứa đầy những mảnh gỗ nhỏ. Có nhai thử mới biết rằng đấy là cam thảo, được dùng thí dụ như để gia thêm vào trong thuốc đắng.
Christian Order với tay cầm lấy một cái lọ đựng những quả màu đỏ. Người Hamburg chính cống này sống từ 6 năm nay ở Hà Nội và chào mời những chuyến tham quan thành phố tách xa khỏi những lối mòn của khách du lịch. Ông nói tiếng Việt và biết, thí dụ như cái gì đang ẩn dấu bên trong cái lọ có hàng chữ “Kỷ Tử”: củ khởi. “Chúng chứa nhiều vitamin và từ hàng trăm năm nay được xem là vị thuốc”, Oster giải thích, người cũng thề thốt rằng quả vải khô chính là thuốc trị đau đầu.
Rắn trợ giúp cho sinh lý
Trên một kệ cạnh tường cũng có nhiều chai rượu ngâm rắn và tắc kè. Thứ nước ấy được cho là có khả năng giúp cho sinh lý. Chính phủ và những người bảo vệ động vật hoang dã hiện đang đấu tranh chống lại điều mê tính này để bảo vệ nhiều loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Họ phạt nặng nhằm cố ngăn chận việc buôn bán những thứ như thế này. Thế nhưng vẫn chưa có thuốc trị tham nhũng và tiền hối lộ. Rùa sống dở chết dở vẫn còn được bày bán trên chợ, mặc dù người ta đã cấm ăn chúng.
Rượu ngâm tắc kè, thuốc hay mê tín? Ảnh: Spiegel
Rượu ngâm tắc kè, thuốc hay mê tín? Ảnh: Spiegel
Nằm phía sau ngõ dược phẩm là phố bán bánh kẹo. Bánh quy đắt tiền từ Đức, bánh bơ giòn của Scottland và bánh thượng hạng từ Pháp chất đầy trên các quầy hàng. “Người ta mua để bày trên bàn thờ tổ tiên”, Oster cho biết. “Đồ cúng càng đắt tiền bao nhiêu thì tổ tiên ở bên kia thế giới càng ấn tượng bấy nhiêu.” Và có lẽ láng giềng cũng thế, những người có thể cùng ăn bánh quy đắt tiền sau khi cúng bái xong.
Con phố thơm mùi của quả phỉ, đường thắng và những mùi hương khác. Một quầy nhét đầy hàng hóa chào mời cà phê Việt Nam. Nó được mang ra trong tách uống espresso, đậm và kèm theo một ít sữa đặc. Không thể so sánh được với những quán cà phê sang trọng có không khí thuộc địa Pháp ở đâu đấy trong thành phố. Nhưng quán cà phê ở đây mang nét quyến rũ hơn nhiều – và giá một ly cà phê chỉ là 40 cent.
Bánh trôi giá rẻ
Các ông chủ thuộc địa người Pháp cũng để lại dấu ấn trong ngôn ngữ. Từ phó mát có nguồn gốc từ fromage, bánh là ga tô, mượn từ tiếng Pháp gâteau. Có thể khám phá rất nhiều món ngon trong những con phố,  thí dụ như bánh trôi. Có một gia đình bánh loại bánh làm từ bột gạo có nhân vừng và dừa này ở một lối vào nhà đỗ xe không dễ thấy trong Hàng Giày, cũng chỉ có giá 40 cent. Khách hàng chen chúc nhau ở đây.
Bánh trôi giá rẻ
Bánh trôi giá rẻ
Một người phụ nữ trẻ bày bếp ga và một cái nồi to đùng để nấu súp cạnh một góc phố. Bao xung quanh bà là những cái tô với hành, sợi bánh, thịt gà và thịt bò. Cạnh đó có 2 cái bàn nhỏ với những cái ghế bé tí. Ai muốn mua một tô súp giá 80 cent thì cứ ngồi xuống. Một trong các quán súp lâu đời nhất của Hà Nội nằm trong Hàng Giày. Hương thơm của món ăn phảng phất trong những con phố và lôi kéo hằng trăm thực khách đến đây mỗi ngày.
Như một sự tương phản, dòng chữ “Free Internet, Fast Food” với màu sắc sặc sỡ trên một bức tường đang quảng cáo cho một quán rượu. Hiện đại cũng không dừng chân trước khu phố cổ 1000 năm tuổi. Nhưng vẫn còn đền Bạch Mã cổ xưa, ngôi đền của con ngựa trắng. Nó đang được trang hoàng bằng vàng và với màu sắc đậm đà cho lễ hội. Thế nhưng những gian hàng cổ xưa đang phải nhường chỗ cho quán rượu, nhà hàng, khách sạn và cửa hiệu.
Có vật lưu niệm cho du khách ở mỗi một góc đường: khăn quàng cổ bằng lụa, sơn mài hay nghệ thuật từ nhiều xí nghiệp. Christian Oster gọi đấy là nguyên tắc “Rembrandt với giá tính theo mét vuông”. “Người Việt hiểu từ copyright theo nghĩa đen: quyền được sao chép.” Và họ làm việc này khéo léo đến mức đáng ngạc nhiên – tại sao lại không, Oster nói: “Ngày xưa, được sao chép lại là một danh dự cho những bậc thầy.”
Ra đường để cãi nhau
Khu phố cổ có quá đông dân cư. 90.000 người sống trên một diện tích chỉ tròn 10 ha. Nhiều nhà có bề ngang chỉ 2 hay 3 m, nhưng bù vào đấy lại dài thậm thượt. Những căn nhà dài như đường hầm ấy thường tối tăm và ẩm mốc, thông khí có thể tốt hơn. Một vài nhà vệ sinh dành cho hơn 200 người không phải là chuyện hiếm. Nhiều phòng không có đến 1 cửa sổ. Thành phố đã tuyên bố phục hồi nhiều lần. Nhưng người dân ở đây kiên quyết từ chối không chịu tái định cư ở rìa thành phố. Vì thế mà thành phố vừa lắp nắp che cho những rãnh nước ở cạnh đường.
Hà Nội
Trong những ngõ hẻm của khu phố cổ, người ta cắt tóc, nấu nướng, ăn uống, rửa bát, buôn bán, học hành, lim dim ngủ và làm nhiều việc khác nữa. Thí dụ như âu yếm hay cãi nhau, vì trong những căn hộ chật chội không có chỗ cho những việc đấy.
Hồ Hoàn Kiếm và con đường đi dạo của nó vì thế là nơi được ưa thích của những người đang yêu nhau hay giận nhau. Băng ghế thường được những đôi đang ôm nhau chiếm giữ, những người trốn chạy sự chật chội trong nhà và những đôi mắt cảnh giác của họ hàng. Người cãi nhau thì lại thích bãi cỏ trống hơn và cũng có lúc dùng cả tay chân nữa. Đến một lúc nào đấy sẽ có một người nào đó đến giảng hòa.
Thợ giày, thợ khóa và thợ hớt tóc làm công việc của họ trên vỉa hè của khu phố cổ. Chuyến đi lang thang trên vỉa hè chật chội vẫn là một cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật với xoong nồi, cây cối, ghế ngồi, máy móc và trẻ con là rào cản. Thỉnh thoảng chỉ còn nước phải táo bạo nhảy một phát – thí dụ như để tránh miếng xương gà đã được gặm xong mà một người đàn ông già vừa quẳng qua vai.
Nhưng thường ít gặp người già trong phố. 70% người ở đây dưới 30 tuổi. “Người trẻ tuổi có 3 điều ưu tiên”, Oster nói: “tiền, giàu có và thịnh vượng.” Những ai đã đạt được – có hay không có sự giúp đỡ của bố mẹ – thích phóng trên một chiếc xe gắn máy hạng sang từ cửa hàng này qua cửa hàng khác.
Một thăm dò mới đây cho biết rằng tấm gương quan trọng nhất của người Việt trẻ tuổi chính là người thành lập Microsoft Bill Gates. Chính phủ thất kinh. Ngay lập tức, đài phát thanh nhà nước phải đưa ra một loạt chương trình: “Sống và làm việc theo gương Bác Hồ”. Không biết rằng loạt bài này có được nhiều thính giả hay không.
Christiane Oelrich
Phan Ba dịch theo Der Spiegel, Tháng Hai, 2010

Hà Nội tăng tốc

Alexander Smoltczyk
Phan Ba trích dịch từ chuyên san du lịch “Việt Nam” của nhà xuất bản Merian
Tất cả đều có thể, và tất cả đều đồng thời có thể trong thủ đô đang muốn mở hết tốc lực tiến về phía trước của Việt Nam. Say sưa với tương lai, thành phố này đang sống một cuộc sống hai mặt giữa Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Cộng sản, hip hop và Bác Hồ.
MERIAN VietnamChiến dịch bắt đầu trong Tết. Rồi họ lao đi, trong đêm khuya quanh hồ Tây. Đấy là 100 người, có lẽ là 120. Họ đã vuốt gel lên tóc và cẩn thận làm cho nó rối đi, ngồi hút thuốc trên những chiếc Honda của họ, ra vẻ chán chường, như thể họ đang la cà trên một băng ghế trong công viên chứ không phải đang ngồi trên yên của một chiếc xe được xoáy nòng đang rú lên ở tốc độ 90. Chân chống được gạt xuống, để lửa tóe lên khi vào đoạn đường cong. Họ chạy thành đoàn, gần sát với nhau, để không ai dám phanh lại, tất cả sẽ ngã xe. Họ chọn tuyến đường qua đại lộ Hùng Vương, nơi các quan chức cư ngụ, qua lăng, viện bảo tàng, các dinh chính phủ và biệt thự của quyền lực cũ. Họ lao quanh qua hồ như một bầy đoàn, như những kỵ sĩ của địa ngục, vài tuần một lần, lúc nào cũng vào lúc đêm khuya, và hầu như không ai trong số những James Dean này lại nhiều hơn 20 tuổi.
Hà Nội đang sống một cuộc sống hai mặt. Thành phố vẫn còn làm lễ kỷ niệm thần tượng của cuộc cách mạng, với Bác Hồ như hình nhân bằng sáp trong lăng, với Công viên Lênin và những nhà bất đồng chính kiến bị quản thúc tại gia. Và đồng thời thành phố đang bùng cháy trong cơn sốt của sự làm giàu, của thử nghiệm và của sự vô chính phủ. Trên tờ thực đơn của quán cà phê nghệ sỹ “Viet Art Center” có cocktail “B 52″. Cô bồi bàn trẻ tuổi chẳng hề biết rằng đất nước của cô đã từng bị những chiếc máy bay B-52 ném bom rải thảm.
Thời đấy đã lâu lắm rồi. “Vấn đề của các anh”, Thanh nói. Anh ấy để tóc xoắn thành lọn ở phía sau chiếc băng đô và mặc một chiếc áo len có mặt của một con quỷ đang cười. “Người nước ngoài các anh lúc nào cũng muốn nói về chiến tranh. B 52 chỉ là một loại cocktail. Điều đấy là bình thường đối với chúng tôi.” Thanh là người nhảy hip hop và là sếp của nhóm Big Toe. Ngồi bên cạnh anh là “Red”, một chàng trai 18 tuổi tóc vàng như Warhol, và “Turtle” mà chuyên môn của anh ấy là head spinning, quay trên đỉnh đầu cho đến khi mọi vật trước mắt nhòa đi. Một thanh niên ở Việt Nam trung bình có khoảng 600 tiết học Chủ nghĩa Mác-Lênin trong xương cốt. Đủ để không còn phải nghĩ về điều đấy trong phần còn lại của cuộc đời. “Hồ Chí Minh sống nhanh và hời hợt”, Turtle nói và có ý muốn nói Sài Gòn. “Ở Hà Nội, sự việc được xem xét nghiêm túc hơn.”
Cả hip hop. Ba người đã tự học nhảy qua những cuốn video made in China và đã sao chép lại một cách toàn hảo. Hôm nay là ngày trọng đại của họ. Họ băng qua đường đi đến “Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô”. Trong cái khối bằng đá hoa cương rẻ tiền và lạc quan theo chỉ thị này, Viện Goethe đã tụ họp những người nhảy hip hop người Đức, người Pháp và người Việt lại vào đêm nay: cho “Traffic”, một sự kiện khiêu vũ kết hợp các bài tập Thái Cực Quyền của người già ở hồ Hoàn Kiếm vào buổi sớm mai với những head spin, air freeze, hip roll và twirl của giới hip hop trẻ của Hà Nội. Vé đã bán hết sạch. 2500 khán giả sẽ đến xem và giới trẻ nhuộm tóc vàng, xoay tít, toàn cầu hóa từ trong ra ngoài, tự ăn mừng chính mình.
Nhà hát hà Nội
Nét đẹp của Đông Dương xưa cũ: nhà hát được xây theo gương mẫu từ Paris, ngày nay lại là một nơi chốn cho các sự kiệm văn hóa. Ảnh: Reuters
Năm 1883, người Pháp tuyên bố Hà Nội là thủ đô của Bắc Kỳ và sau đấy là trụ sở hành chính của toàn Đông Dương. Từ đấy, quyền lực ngự trị ở đây, ở cạnh “Vòng cung của con sông Đỏ”, vì Hà Nội có nghĩa là như thế. Các ông chủ thuộc địa đã xây dựng đại lộ, kênh đào, đường đi có trồng cây theo gương mẫu của nam tước Haussmann, và đặt vào thành phố một nhà hát và khách sạn sang trọng “Metropole”, để quên đi sự hoạt động kỳ lạ của khu phố cổ với 36 con phố ngành nghề của nó. Mê cung đô thị bằng nhà cửa đấy, với những căn nhà tối tăm, kéo dài ra phía sau có cho tới 90 mét, đã là trụ sở chính, lô cốt và cơ sở hoạt động của những chiến binh giải phóng. Qua nhiều thế kỷ, những quy định về thuế và phân chia thừa kế đã dẫn đến những mảnh đất có hình thù kỳ lạ, vì vậy mà những “căn nhà ống” này thường không rộng hơn một sải tay, giữ cân bằng cho một mái nhà bé tí ở tít phía trên.
Khu độc nhất vô nhị của 36 con phố hình thành trước đây một nghìn năm, để cung cấp cho hoàng cung. Nó hoạt động từ lúc đấy, không ngưng nghỉ, bận bịu, chật hẹp như thủa nào. Từ những con phố nghề của thợ bạc, thợ buồm, thợ nhuộm, thợ làm thúng đã trở thành những con phố của những người bán va li, may túi cho xe máy và bán đồ cho sư sãi. Có những cửa hàng chuyên bán hàng mộ đạo dành cho các cựu chiến binh tư tưởng với cờ đỏ và tượng Lenin. Trước đây nhiều năm, các con phố còn chưa được trải nhựa, bây giờ ở ngã tư có gắn đèn giao thông siêu hiện đại mà trên đó có thể nhìn thấy thời gian chờ đang được đếm ngược (có lẽ cũng vì vợ của một bộ trưởng sở hữu một công ty đèn giao thông).
Ngay bên cạnh phòng du lịch ở hồ Hoàn Kiếm, ở đấy, nơi đã từng có con rùa khổng lồ sống sâu dưới làm nước màu xanh ngọc, người ta chào bán va li ở lối vào một căn nhà ống. Hàng núi bản sao Trung Quốc của các thương hiệu va li nổi tiếng.
Thế nhưng nếu ai đó cúi đầu ép mình xuyên qua hàng hóa đang được bày bán bước vào bên trong, qua những cầu thang đã mục, qua tất cả những mùi của địa ngục trần gian, qua những bàn thờ có rượu vodka, thuốc lá, trái thanh long được bày ra trước đó để cúng tổ tiên, người đấy bất thình lình sẽ đứng trước một trong những chốn huyền diệu của Hà Nội, một quán cà phê sinh viên có tầm nhìn ra hồ, chật chội như nơi ẩn nấp của Việt Cộng, ồn ào, đầy khói, tràn đầy sự tin tưởng trẻ trung lạc quan vào tương lai. Và sống ở ngay giữa đấy, trong một cái lán, là bà của ông chủ quán.
Nội thành sống động của Hà Nội
Nội thành sống động của Hà Nội. Ảnh: Dinh Ngoc Truc
90.000 người sống trên ba kilômét vuông. Hành chính thành phố không biết họ phải làm gì với cái tổ hợp này, nửa nhà ổ chuột, nửa độc nhất vô nhị: Giật sập? Lấy lõi ra? Cứ để mặc nó phình ra? Một người bán đồ dùng cho chùa chào mời mõ, phất trần từ đuôi ngựa và những cái hộp số nhỏ có những bài kinh tụng cho mỗi một dịp. Phụ nữ đi nhún nhảy thoăng thoắt dưới chiếc đòn gánh nặng mang những cái giỏ đầy quít. Treo ở phía trên chúng là đống bùng nhùng không thể nào tháo gỡ ra được của hàng tá con cá vàng đang bơi trong những cái túi nylon.
Vô số xe gắn máy tràn ngập đường phố như những bầy thú, trượt vào nhau, cuộn lại với nhau trong khoảng khắc và rồi lại tự gỡ rối ra, một chuyển động hài hòa, cái ngay lập tức sụp đổ khi có ai đấy ngã xe. Thế rồi trở thành như chó sói. Vì khi chạy xe làm cho ai đấy ngã xuống thì phải mang người đó vào bệnh viện và trả tiền điều trị. Một đạo luật thúc đẩy người ta bỏ chạy sau khi gây ra tai nạn; nạn nhân đang chảy máu nằm lại đấy.
Không ai biết có bao nhiêu người sống ở Hà Nội. Họ đến từ “nhà quê” (ở Hà Nội thì đấy là một từ để mắng nhiếc), vì họ đã nghe rằng trong thủ đô, đạo luật đơn giản của đồng tiền đã thống trị trở lại. Đôi khi họ còn không biết đến nhà vệ sinh giật nước và cũng không biết đến xe gắn máy, tự bằng lòng với một góc nhỏ trong khu phố cổ, còng lưng làm việc vì một vài tờ đồng, bởi tất cả đều tốt hơn là ở nhà quê.
Giờ của những người làm công nhật và nông dân
Trước nửa đêm, những người phu và nông dân đứng đầy trên khoảng đất dưới chiếc cầu Long Biên to lớn, được thiết kế bởi văn phòng Gustave Eiffel. Hàng được dỡ xuống từ những chiếc xe tải chất đầy ắp, giỏ hàng được trải ra. Không ai ngủ. Người ta ngồi cạnh những cái bao đầy cà rốt, cân ớt, phân loại chanh, nhanh nhẹn, hấp tấp, như thể không phải là họ còn có cả một đêm mát lạnh. Xe đẩy tay chạy qua chạy lại, xuyên qua giao thông của xe buýt và xe gắm máy, ánh sáng vàng và ẩm ướt. Ai cũng vội vã – cứ như là người ta vì vậy mà có thể đi ngủ sớm hơn được. Ai cũng biết nhiệm vụ của mình. Họ ăn lấy sức cho đêm khuya, dùng thìa múc món xúp của những hàng quán bên đường, liếc mắt nhìn truyền hình đang chiếu kịch trong lúc đấy. Xúp sẽ là nguồn sưởi ấm duy nhất cho những giờ tới đây. Chợ này đã có ở đây từ hàng thế kỷ. Những người nông dân quen biết người mua hàng của họ. Họ biết rằng cho tới khi trời rạng sáng, những cái bó to, những cái giỏ mây sẽ trống không, bản thân họ thì lại rã rời vì mệt mõi. Tài xế ngủ trong phòng lái của họ. Những người khác không bao giờ ngủ; vào sáng sớm, họ đi làm một công việc khác.
Hà Nội có bốn, năm triệu người làm việc tự do, tư sản kiến và doanh nhân chân đất. Người ta sắp xếp xe lại trên lề đường, những người khác bán các đồng tiền mang lại may mắn, thu nhặt nhựa phế thải hay ngồi ở lề đường với một cái bơm hơi.
Di tích từ những thời đầu: đền Lý Quốc Sư từ thế kỷ 13. Ảnh: Corbis
Di tích từ những thời đầu: đền Lý Quốc Sư từ thế kỷ 13. Ảnh: Corbis
Ông Dung ngồi trong con phố thợ may giữa bốn cái máy may kêu rì rì của ông ấy. Không có thứ gì ở ông ấy hé lộ cho thấy sự giàu có của ông ấy. Ông Dung ngụy trang: “Khi người Cộng sản lại đến đây thì tôi sẽ nói: ‘I have nothing!’” Ông ấy cười rúc rích. “Cha tôi nói với tôi: Keep it like family! Không có xa xỉ, không có đâu …” Ông ấy lắc đầu, giơ ngón tay trỏ lên, “không đồng tiền nào đi vào ngân hàng cả. Keep dollar and go!” Tiền nằm một phần ở Thụy Sĩ, một phần khác bí mật chống lại những người Cộng sản trong nước, bằng cách nó chiếm lại từng mét vuông đất một đã bị lấy mất: ông thợ may muốn có nhiều tờ đồng như có thể, để mua lại từng gian phòng một của những ngôi nhà thuộc gia đình mà người ta đã tịch thu trước đây. Đó là cách ông ấy trả thù lịch sử – người thợ may đấy là một “Việt Đồng”.
“Tôi đã tiết kiệm tiền và mua lại tầng một!” Ông ấy tự học lấy tiếng Anh, khách hàng đã gửi cho ông một quyển sách. “Và tôi lúc nào cũng đóng thuế!” Ông ấy phun cái từ ấy ra như một chất đắng. “Rồi tôi mua tầng hai. Nhưng tôi không trả đồng nào cả.” Ông ấy sống trong Hà Nội, vì ông ấy có gia đình của mình ở đây và có thể tích hợp mọi người vào công việc kinh doanh của ông ấy như thế nào đó. Mặc dù trong Sài Gòn thì tốt hơn. Ở Hà Nội, tham nhũng là vấn đề – tất cả các nhân viên thuế quan, giám sát, kiểm tra đều đòi phần của họ: “Chúng tôi cần nhiều đảng phái. Không chỉ một, nếu không thì không có sự kiểm soát.” Ông Dung làm việc mười hai giờ mỗi ngày, ngày nào trong tuần ông cũng ngồi trong gian phòng may chật chội của mình trong khu phố cổ. Nhưng ông ấy hiểu về thế giới nhiều hơn là người nào đấy, người mà vẫn còn cho rằng mình đang có quyền lực.
Cạnh Thánh đường Saint Joseph không chỉ có những người bán dạo mà cả tủ kính với ví xách tay hàng hiệu. Ảnh: AP
Cạnh Thánh đường Saint Joseph không chỉ có những người bán dạo mà cả tủ kính với ví xách tay hàng hiệu. Ảnh: AP
Sài Gòn là thành phố công nghiệp, Hà Nội là thành phố của tiểu thương và thủ công. Ở chợ hàng Da, chợ nhiều màu sắc nhất của thành phố, sinh viên các trường nghệ thuật dùng bưu thiếp để sao lại mỗi một tác phẩm nghệ thuật Phương Tây theo ý muốn, từ Caravaggio cho tới Dalí, với chất lượng cho viện bảo tàng và với giá tròn 30 euro cho một mét vuông. Trong những năm vừa rồi, những người có đầu óc sáng tạo và những người đi tìm vận may từ châu Âu đã đến đây, bị thu hút bởi tiếng gọi của một thành phố đang say sưa với tương lai như Thượng Hải – nhưng là thành phố mà ở đấy người ta có thể đọc chữ được. Cạnh Thánh đường Saint-Joseph có những tủ kính với ví xách tay hàng hiệu và bàn ghế dân tộc đắt tiền. “Tinh thần đi tìm vàng đang thống trị trong Hà Nội”, nữ công dân Roma Valentina Bottari của “La Casa” nói, thiết kế của cô ấy từ Ý, nghệ thuật thủ công Bắc Việt Nam. “Nhưng có một ý tưởng hay vẫn còn chưa đủ. Người ta phải kiểm soát 100% tất cả, nếu không thì sẽ không thành công.” Nhà nước để yên cho cô. Cô không cảm nhận gì nhiều về Chủ nghĩa Cộng sản.
Người Pháp Laurent Severac với thiết bị chưng cất của ông ấy sản xuất tinh dầu dùng làm hương thơm và để chữa bệnh, cung cấp nước mắm và tinh dầu chanh cho đầu bếp trong “Metropole”. Madame Song Thu, từng sống lưu vong ở Paris và bây giờ đã trở về quê nhà, mang lại cho những đứa trẻ bụi đời một mái nhà, dạy cho chúng cung cách đối xử và nghệ thuật làm mứt kẹo và cho chúng làm việc trong cửa hàng bánh ngọt “Baguette & Chocolat” của mình trên đường Chả Cá. Christian Oster, nguyên là chủ nhà hàng ở vùng Rừng Đen [trong nước Đức] mời chào “Hanoi Kultour”, mời những người thích khám phá ngồi lên yên của chiếc xe gắn máy ông ấy, hiệu Ural, để cùng với họ vào những góc không dễ đến của khu phố cổ và thâm nhập vào những bí mật ẩm thực. Như ở ngõ Tạm Thương, một con hẻm tối đầy xe gắn máy chạy qua lại cạnh con đường chính Hàng Bông, có nem chua rán ngon nhất được mang ra trên lá chuối, thịt băm đã lên men được cuộn lại chấm với nước xốt. Người ta ngồi trên những cái ghế đẩu màu sặc sỡ của trẻ con, cách rất xa các quy định về vệ sinh của Liên minh châu Âu, uống trà xanh, thưởng thức mùi vị của rau húng, ngò tươi, húng tây. Thật ra thì người ta cấm nấu ăn trên lề đường. Thật ra thì thợ cắt tóc cũng chỉ được phép làm việc trong phòng kín. Nhưng quy định cũng giống như Chủ nghĩa Cộng sản. Chúng chẳng có hiệu lực gì cả, vì chúng phi lý.
Người lính mặt trận
Một trong những công dân mới, thành công nhất của Hà Nội là tiến sỹ Mai Huy Tan. Có thể dễ dàng nhận ra ngôi biệt thự nằm cạnh hồ Tây của ông ấy qua cái mái vòm lấy cảm hứng từ Thành đường Florence. Có rào sắt từ Versailles, lồng cầu thang theo lối kiến trúc nhà Hansa và trên mái vòm là “Chiến thắng của Galatea” của Raffael: “Chúng tôi không phải phát minh mới điều gì cả. Chỉ học tập và làm theo cho tốt thôi”, tiến sỹ Tan nói, cúi người chào và đưa tặng khách một quyển sách tự dịch có những bài ca Đức.
Tan đã ở ngoài mặt trận ba năm. Ông ấy biết B 52 không chỉ là một cocktail. Rồi ông ấy học đại học ở Halle an der Saale [Đức] về kinh tế kế hoạch, nhanh chóng nhận ra rằng trong Đảng không có chỗ cho những con người có đầu óc sáng tạo, và ông ấy vẫn còn có vị của chiếc xúc xích nướng Thüringen trên lưỡi. Hiện giờ, nhà máy “Đức Việt” của ông ấy nhét mỗi ngày 300 con heo vào trong ruột từ Trung Quốc và cung cấp xúc xích Thüringen cho các quán bia và nhà hàng ở Hà Nội, tất cả đều theo “Quy định Tinh khiết” của Đức và được kiểm nghiệm bởi TÜV Rheinland. “Công nhân và nông dân là nền tảng của chế độ. Không phải doanh nhân”, tiến sỹ Tan nói. “Doanh nhân chúng tôi vẫn còn được xem là tư bản. Vì thế mà giới trẻ cười nhạo Đảng. Điều đấy cũng không tốt.” Ông ấy nói ông có thể phát biểu tự do: “Tôi không phải là người chống chế độ. Tôi chỉ làm xúc xích thôi.”
Phong cách truyền thống vẫn còn tiếp tục trong những khu phố nào đó. Ảnh: Dinh Ngoc Truc
Phong cách truyền thống vẫn còn tiếp tục trong những khu phố nào đó. Ảnh: Dinh Ngoc Truc
Con đường của những người uốn thép, bán dụng cụ, của những người thợ hàn dẫn đến Từ Liêm ở phía Tây, ở đấy, nơi mà người ta có thể phỏng đoán tương lai của phần lớn các thành phố. Ở đây, Hà Nội mới đã mơ mình là Thượng Hải, với những đại lộ rộng lớn và những khu nhà ở toàn hảo đến mức phi thật. Ở ngay giữa đó có một quả địa cầu bằng hoa đang chào mừng dấu hiệu của kỷ nguyên mới: có chữ “WTO” ở trên đó. Lần tham gia thương mại thế giới của Việt Nam năm 2007 được ăn mừng ở Hà Nội như một cuộc cách mạng cuối cùng rồi cũng thành công. Thành phố đã dựng lên một Trung tâm Hội nghị Quốc gia với giá một phần tư tỉ dollar, theo dạng sóng do kiến trúc sư Meinhard von Gerkan từ Hamburg [Đức] thiết kế và cho tới nay đứng đấy tương đối trống rỗng.
Với số tiền mà công trình xây dựng này đã ngốn mất người ta có thể đẩy bật toàn bộ bệnh viện từ thời trung cổ y tế về đến thời hiện đại. Chính phủ đã quyết định khác đi. Người ta đã làm việc ba ca liên tục, không nghỉ và không có chủ nhật. Một công trình lao động siêng năng như dưới thời Pharaoh, để cho các lãnh tụ của vùng kinh tế Thái Bình Dương thấy thành phố này có thể làm được những gì. Vật khổng lồ đấy hoàn thành vào lúc Hội nghị Thượng đỉnh trong tháng 11 năm 2006, và khi Tổng thống Mỹ đứng để cho chụp hình trong chiếc áo dài truyền thống thì có những người nào đấy không còn biết rằng ai đã thắng hay thua trận chiến nào ở đây. Đấy là head spinning, chắc là hip hop Big Toe sẽ nói như thế.
Vào lúc đêm khuya hay đã về sáng, vị tướng già nằm trong ngôi biệt thự của ông ấy, đường Hoàng Diệu số 30. Huyền thoại bao quanh ông ấy cũng như quanh con rùa trong hồ Hoàn Kiếm, hồ của thanh kiếm được hoàn trả lại. Vị tướng được ướp trong vinh quang và danh dự, nhưng vẫn còn quá sống động cho một cái lăng. Đấy là tướng Giáp, người con trai của một nông dân trồng lúa và là thầy giáo làng, người đã đánh trận hủy diệt người Pháp ở Điện Biên Phủ với mưu lược của ông ấy. Người đã chỉ huy chiến dịch Tết chống Hoa Kỳ, hy sinh hàng chục nghìn người cho tự do và Chủ nghĩa Xã hội và cho tất cả những gì mà ngày hôm nay không còn đóng vai trò nào nữa cả. Người ta cho rằng ông ấy đã phê phán đường lối của Đảng, cảnh báo tham nhũng và những tiếng gọi của tư bản. Vì thế mà không ai được phép vào thăm ông ấy.
Quyền lực canh giữ các huyền thoại của nó, cũng như nó canh giữ Bác Hồ – ở bên kia trong ngôi mộ của ông ấy. Có thể Giáp sẽ bị kéo ra khỏi những giấc mộng của ông ấy, khi cháu chắt lao đi quanh con đường cạnh bờ hồ về đêm, cuồng nhiệt, không có lịch sử và có nhiều tương lai đến như thế ở phía trước, cho tới mức họ hy sinh cuộc sống của họ cho khoảng khắc.
Alexander Smoltczyk
Phan Ba dịch 

Sài Gòn quay cuồng không ngừng nghỉ

Gerhard Waldherr
Phan Ba dịch từ chuyên san du lịch “Việt Nam” của nhà xuất bản Merian
Hơn 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt ở Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh lại là Sài Gòn lung linh trong ánh sáng, quay cuồng không ngừng nghỉ.
Thỉnh thoảng, hắn nghĩ rằng lúc nào cũng là bảy giờ chiều và đã đến lúc uống một ly cocktail trên sân thượng của “Majestic”. Một làn gió nhẹ thổi lên từ sông Sài Gòn…
Đấy là giấc mơ của Thomas Fowler, người hùng trong quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene. Fowler, một phóng viên người Anh đã về già, yêu nét duyên dáng của một Sài Gòn thuộc địa và của một người con gái Việt Nam mang tên Phuong mà làn da của cô ấy thơm như mùi thuốc phiện và là người mà ông ấy cảm nhận như “tiếng reo của hơi nước trong ấm nấu trà, tiếng lách cách của một cái tách, một giờ nhất định của đêm khuya và lời hứa hẹn sự yên tịnh”.
Bây giờ là 19 giờ và đã đến lúc uống một ly cocktail. Những chiếc thuyền ngủ ở cạnh cảng, và hoàng hôn vẫn còn mang vẻ đẹp huyền ảo như Greene đã mô tả. Ngay cả khi tôi không ngắm nó từ “Majestic”, mà là từ quầy rượu “Saigon Saigon” trong tầng thứ chín của khách sạn Caravelle. Và mặc dù Sài Gòn từ lâu đã có tên là thành phố Hồ Chí Minh, Place Garnier ở phía dưới trước nhà hát được đổi tên thành Lam Sơn và Rue Catinat ở ngay đấy thành Đồng Khởi. Đèn quảng cáo đập vào mắt từ những tòa nhà cao tầng – Sanyo, Citibank, Vietnam Tourist. Cô ấy đến quầy rượu trong lúc ban nhạc Philippines chơi “Black Magic Woman” của Santana.
“Em có được phép ngồi xuống đây không?”
“Xin mời.”
“Làm gì đó?”
“Ghi lại cuộc sống về đêm.”
“Cuộc sống về đêm tốt, con gái đẹp.”
Nó bao giờ cũng có một cuộc sống về đêm tốt và những người con gái đẹp, thành phố này, cái thích được gọi là gái hạng sang của Việt Nam, người tình mà tất cả đều đã yêu – người Pháp, người Mỹ. Và mới đây là khách đến thăm từ khắp nơi trên thế giới. Ngày xưa, ngồi trên sân thượng của Caravelle là thông tín viên từ khắp nơi trên thế giới, nhìn vào những nòng súng lóe sáng lên trên đồng bằng sông Cửu Long và khoe khoang rằng đấy là cuộc chiến tranh duy nhất mà người ta có thể tường thuật nó từ chiếc ghế cạnh quầy rượu. Bây giờ ngồi ở cạnh quầy rượu là những doanh nhân giàu có, trước họ là những thức uống có tên “B 52″ hay “Good Morning Vietnam”.
Người phụ nữ trẻ gọi một “Miss Saigon” – brandy, curacao, nước thơm và cam. Một hoàng hôn trong một cái ly. Cô ấy tên là Hoa, không có mùi hương của thuốc phiện và tự ý đưa cho tôi một mảnh giấy chép tay ghi lại số điện thoại di động của cô ấy. Greene viết về những hình dáng gầy và đẹp, và về Phuong của ông ấy: “Mon enfant, ma soeur – làn da màu hổ phách. Sa douce langue natale.” Hoa tựa người ra phía trước, khoảng hở ngực màu hổ phách, cô ấy nhìn tôi từ đôi mắt đen láy. Ban nhạc chơi bài “With or Without You” của U2. Hoa nói: “Gọi em, em có thể làm cho anh hạnh phúc.”
Khi đêm về, đầu tiên có một nét óng ánh màu tím nằm trên sông nước và nhà cửa, rồi màn đêm ập lên thành phố. Không còn cảm thấy gì nữa từ cái nóng nực ẩm ướt của ban ngày mà tất cả đã chảy tan ra ở trong cái màn sương từ bụi và khói xe ấy. Rồi người dân bản xứ ngồi trước những quán ăn nhỏ trên lề đường. Rồi những người bán hàng nặng nề bước đi với những cái thúng trên cây đòn gánh của mình qua giao thông tan tầm.
Tuy vậy, sự yên tịnh còn lâu mới trở lại trong thành phố này, thành phố lúc nào cũng đã bận bịu hơn tất cả các thành phố khác của Việt Nam, cởi mở hơn với tất cả những người xa lạ, thích thử nghiệm hơn. Và thế là người ta đi đến quán karaoke sau buổi ăn tối, nơi họ hát những bài như “Vì yêu” hay “Không cần phải hứa đâu em”. Tình yêu. Ngoài ra thì người ta còn hát về cái gì nữa? Băng ghế công viên đầy những đôi; chuyển động và người tụ họp ở mỗi một góc đường, ánh đèn neon sáng rực trên các club và discotheque.
“Chúng tôi rất tự hào”, Pham Quang Minh nói, “tất cả đều tăng trưởng.” Người là sales manager của Sheraton thuật lại rằng Pepsico sắp sửa xây dựng mạng lưới của họ trong thành phố, Intel đã nâng đầu tư lên. Thị trường chứng khoán bùng nổ. Ngành xây dựng đang phát đạt. Đã có kế hoạch cho cây cầu qua sông Sài Gòn và cho một đường tàu điện ngầm. Việt Nam là con hổ tăng trưởng của châu Á. Tính toán của Pham: “Nhiều tiền hơn, nhiều cửa hàng hơn, nhiều nhà hàng hơn, nhiều quán rượu hơn, điều đấy có nghĩa là nhiều cuộc sống về đêm hơn.” Jermaine St. Omer, người trình diễn với ban nhạc Canada Saint’O trong club của Sheraton, nói rằng: “Họ thèm khát, họ muốn tiến lên phía trước. Họ muốn cuối cùng rồi cũng quên đi những khoảng thời gian không tốt, nhất là giới trẻ.”
Cũng như Pham, một người đàn ông nhỏ con, nhanh nhẹn trong bộ comlê kẻ sọc, người là hiện thân cho phân nửa dân số sinh ra sau 1975. Sau khi chiến tranh chấm dứt. “Chúng tôi bây giờ có nhiều khả năng hơn”, Pham nói, “có nhiều việc làm mới.” Thuộc trong đó là những người đi xe gắn máy, vẫy tay khắp nơi. Họ gọi dịch vụ của họ là Xe Ôm, và nếu ai đó tin tưởng họ, thì thỉnh thoảng sẽ lạc vào trong những quán rượu ồn ào đầy người Việt, được mời ăn sò ốc hay tôm cua nước ngọt và biết rằng cũng có Bia Ôm nữa. Tiếng Việt thích những diễn đạt hình tượng. Xe Ôm? Vì người ta ôm chặt nhau trên chiếc xe gắn máy. Bia Ôm? Ai uống với nhau sẽ kết bạn. Một, hai ba – zô!
Đi chơi bằng xe gắn máy với William
Lại là bảy giờ tối, trong “Qing Bar”. Bầu không khí thanh lịch. Rượu vang Ý, New Zealand, Chile. Tôi đọc trên thực đơn, rằng qing là một từ tiếng Hán và là một hình thức lịch sự để mời uống. Một người đàn ông nhợt nhạt, không còn trẻ nữa, bắt chuyện với tôi: “Anh đang làm gì đó?” William, doanh nhân từ Los Angeles, sống ở Sài Gòn sáu tháng trong một năm. “Sang đây với chúng tôi nào.” Ngồi ở bên đấy là một người Tây Ban Nha, một người Pháp, hai người phụ nữ làm việc cho một nhóm khách sạn Việt Nam. Khách quen. Họ không còn hoàn toàn tỉnh táo nữa, to tiếng, vui vẻ. Các cô bồi bàn người Việt ngao ngán cuối đầu và trợn tròn mắt lên.
Tất cả những cái đó làm sao mà hợp với đất nước này được, đất nước mà ngôn ngữ của nó là một tiếng hát mềm mại, một bản giao hưởng của những giọng nói nhỏ nhẹ và sắc thái mà trong đó cũng cùng những từ ấy có thể có một ý nghĩa hoàn toàn khác qua nhấn giọng? Nơi nhìn thẳng vào mắt và bắt tay thật chặt được cảm nhận như là sỗ sàng? Và, theo Greene: “Người ta có ấn tượng, rằng họ không bao giờ ăn mặc lôi thôi, không bao giờ nói một từ không ngay thẳng, không bao giờ là nạn nhân của một niềm say mê không chính đáng.” William không đọc Greene, anh ấy nói: “Ngày mai, chín giờ, tôi đến đón anh.”
Trời dễ chịu. William chờ trước khách sạn. Anh ấy mang xe gắn máy của anh ấy đến và đã ghi chú mười một trạm cho chuyến đi chơi cho đến tận cùng của đêm khuya. “Let’s go.” Vào trong cái lộn xộn đang bấm còi, kêu ầm ỉ đấy, cái mà trong đó tất cả mọi người đều lái xe theo ý họ muốn và người từ xa đến không nhận ra một hệ thống nào cả. William: “Họ gọi cách giết thời gian bằng cách lượn xe đây đó là ‘Đi vòng vòng’.” Các thắng cảnh của quận Nhất, vẫn còn là trái tim của Sài Gòn, lướt ngang qua: Nhà thờ. Bưu điện. Dinh Thống Nhất.
Mười lăm phút sau đó, chúng tôi ở trong quán “MTV”, nơi hàng trăm thiếu niên uống “smoothies” và xem bóng đá. Họ ăn mặc chải chuốt. Lacoste là thương hiệu đang thời thượng. Các cô gái lướt qua lại trong những chiếc áo váy chật cứng của họ. Máy truyền hình khắp nơi. Premier League, Boston Wanderers thi đấu với ai đấy. Chúng tôi bước lên cầu thang. “Napoli”, tối đẹp, thơ mộng. Trạm kế tiếp ở trong cùng tòa nhà, cùng tầng lầu: “Aqua”, trang trí trắng như tuyết, bể nuôi cá trong tường, nhiều người Việt trẻ. Họ trông giống như trẻ con và đứng loạng choạng trước những cái bàn với Hennessy-Cognac.
William không phải tên là William. Anh ấy nói, tôi phải hiểu điều đó. Anh có một người vợ Hàn Quốc và đứa con ba tuổi ở West Hollywood, sắp tới đây, anh ấy muốn mở một quán ăn Mexico tại Sài Gòn. “Đất nước này chín muồi cho taco với tequila rồi”, anh ấy nói, trong khi chúng tôi đi tiếp vào trong một club có tên là MGM. William nói: “Chúng tôi phải nhập quả tomatillo cho salsa bằng đường hàng không, họ không có chúng ở đây.” Cái mà họ có ở đây là tiền. Cả trên những cái bàn ở đây cũng đều có Hennessy ở khắp nơi; chai rẻ nhất có giá tính ra là 60 euro, chai đắt nhất 1200 euro. Xì gà nằm trong các hộp kính. Một bác sĩ ở đây thu nhập tròn 54 euro.
Đối với William, điều đấy nói chung là cũng hòa hợp được với nhau. Anh ấy nói giữa nhiều ly Whisky-Cola, rằng kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, đã có một kỷ nguyên mới bắt đầu trong quốc gia xã hội chủ nghĩa này. Cuộc sống về đêm của Sài Gòn cũng phản ánh điều đấy. “Đầu tư quốc tế đang chảy vào, nhiều phần trong đó thẩm thấu qua những kênh đen tối và rồi lại lộ diện về đêm.” Xã hội này, anh ấy nói, rên xiết dưới những quy định và thủ tục hình thức. “Nó cần một cái van xả.” Chúng tôi đứng trong một club có tên là “Gossip”. Ánh sáng laser bắn qua gian phòng. Ánh sáng nhấp nháy. Tiếng bass bị ngắt âm từ những cái loa. William vẫy tay gọi hai cô gái lại. Một cô tên là Trinh, cô kia cho xem ảnh mà cô ấy đã lưu lại trên chiếc điện thoại di động của mình. Chụp cô ấy. Lúc đang múa thoát y.
Chúng tôi muốn đi tiếp. William nở nụ cười California của anh ấy, nhận số điện thoại của cô gái với những tấm ảnh trần truồng, nhét tiền cho cô ấy. Anh ấy có sự tự tin của một người đàn ông phù hợp với mô tả của Greene về một tùy viên thương mại Hoa Kỳ: “… người có bạn bè vì sử dụng đúng loại khử mùi hôi nách”. Chúng tôi đếm thăm thêm ba quán nữa mà trong đó chật đến mức người ta dẫm lên chân của nhau. Ở đây cũng có các cô gái mà người ta học được từ họ những câu như Anh yêu em trước khi có thể nói “Xin chào”. Trạm cuối cùng là “Apocalypse Now”, huyền thoại. Đèn đỏ đã chiếu sáng ở đấy khi chính phủ vẫn còn suy nghĩ về việc mở cửa cho nền kinh tế, khi vẫn còn lâu mới có đổi mới. Đạo diễn của phim cùng tên, Francis Ford Coppola, nói rằng ông ấy đã quay lại việc Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam như thế nào: “Chúng tôi có nhiều tiền, nhiều vật liệu và  mặc dù vậy vẫn không kiểm soát được những gì xảy ra trong rừng rậm.”
Cái lộn xộn bây giờ trong “Apocalypse Now” chắc cũng trông giống như thế. Tất cả khách du lịch đến Sài Gòn chắc phải đang có mặt ở đây. Sàn nhảy đầy người. Người ta có cảm giác như đang ở trong đường hầm Củ Chi, nơi Việt Cộng đào lối dưới mặt đất, chỉ là trần nhà ở đây thì cao hơn thôi. Ồn ào như một trận bom. Người quản lý đến, nhưng không muốn nói chuyện. Lúc đó là 2 giờ 30, “We Will Rock You” vang ầm ỉ từ những cái loa. Hai cô gái từ “Gossip” cũng có ở đây. Đã đến lúc phải đi.
Con đường trước “Apocalypse” không một bóng người. Chỉ có một người phụ nữ già đạp xe ngang qua, khối hàng trên yên nhô lên khỏi chiếc nón lá của bà ấy. Cái xích xe đạp kêu lạch cạch. Một phóng viên đã về già muốn đi về nhà. Một giờ nhất định của đêm khuya và cuối cùng là hứa hẹn của sự yên tịnh.
Vào chiều tối ngày hôm sau tôi ngồi trên sân thượng của Majestic. Ở dưới là con sông, đen như hắc ín, ánh sáng đèn neon của các tấm bảng quảng cáo phản chiếu trên mặt nước. Những người bồi bàn nói thì thầm khi họ phục vụ các thức uống. Một đôi đã có tuổi đang khiêu vũ. Họ quay trong làn gió mềm mại, ấm áp. Và tôi lại nghĩ về Thomas Fowler. Greene để cho ông ấy nói: “Tôi không bao giờ muốn đi về nhà nữa.”
Gerhard Waldherr
Phan Ba dịch

Một dòng sông và chín con rồng

Bernd Schiller
Đồng ruộng ở Châu Đốc. Hình: WikipediaPhan Ba trích dịch từ “Mekong – Từ nóc nhà của thế giới cho tới vùng châu thổ của chín con rồng”
Trên đường từ Campuchia ra biển Đông. Ngay sau biên giới, đã ở Việt Nam, dòng sông rộng tỏa ra thành tám nhánh sông lớn, phân ra thành một mạng lưới dầy đặc của hàng trăm con sông nhỏ, được nối liền với nhau bởi hàng chục con kênh đào. Chúng ta đã tới vùng châu thổ sông Cửu Long, kết thúc vang dội của một chuyến du lịch dài qua Đông Nam Á. Tám nhánh sông tạo thành các huyết mạch của vùng châu thổ này, nhưng đối với người Việt thì đó là chín con rồng, đang canh giữ chén cơm của họ, vườn trái cây và vườn rau của họ, một thế giới lưỡng cư kỳ diệu, nuôi sống ba mươi triệu người, toàn bộ miền Nam Việt Nam.
Đồng ruộng ở Châu Đốc. Hình: Wikipedia
Chín con rồng? Tại sao là chín, khi cái phểu chỉ có tám nhánh thôi?
Cho tới tận cửa sông có nhiều nhánh của nó, sông Mekong vẫn là một thủy lộ huyền thoại. Trước khi tám nhánh sông chính này đổ ra biển, người Việt đã mang một con rồng ảo nhập vào với chúng, vì chín là con số may mắn của họ. Có lẽ họ chỉ muốn chọc giận láng giềng Trung Quốc của họ thôi, những kẻ thù truyền kiếp và không đội trời chung ở Trung Quốc mà đối với những người đó thì tám có nghĩa là hạnh phúc cao nhất, trong khi số chín là điều ngược lại thì nhiều hơn (ở Sài Gòn và Hà Nội – và nhất là ở Hongkong, Thượng Hải và Singapore – triệu phú người Trung Quốc mua bảng số xe có nhiều con số tám với những số tiền dollar năm hay sáu con số).
Cho tới trước đây hai trăm năm, chỉ có một ít người sinh sống trong mê cung lưỡng cư này, cái đã được xem là một địa ngục sốt rét. Vùng này ngày xưa thuộc người Khmer, vẫn còn có khoảng hai mươi ngàn người sống trong miền cực Nam của Việt Nam. Vẫn còn âm ỉ ở Campuchia là ý nghĩ, rằng vùng đất hiện nay đang hết sức thành công này “thật ra là thuộc chúng tôi”. Nhưng không còn có thể vượt qua chín con rồng và một đất nước mạnh với một ý thức quốc gia hết sức rõ nét được nữa.
Ngày nay, khoảng bảy mươi năm sau khi người Việt, được các ông chủ thuộc địa người Pháp tiếp tay, đã tạo dựng cánh đồng lúa lớn nhất thế giới từ một vùng đất bồi bị ô nhiễm, vẫn còn có khoảng mười bốn của gần mười bảy triệu người dân vùng châu thổ này sống nhờ vào nông nghiệp và đánh cá. Không có nơi nào trên cuộc hành trình của nó từ nóc nhà thế giới cho tới quê hương của chín con rồng mà dòng sông Mekong lại chào mời một cuộc sống căng tròn sức sống như ở đây, không nơi nào mà châu Á nhiệt đới lại tự phô bày mình ra với nhiều trải nghiệm tựa chừng rất quen thuộc như ở đây, nơi mà tất cả các tôn giáo của châu lục đến thăm viếng chúa trời và thần thánh của họ một cách hòa bình, cùng nhau và cạnh nhau, trong các đền, chùa, nhà thờ và thánh đường Hồi giáo.
Chúng ta quen thuộc với những cảnh quang đó, ngay cả khi chúng ta chưa từ tới vùng châu thổ, chưa từng tới Việt Nam: châu Á, lao động và tươi cười, châu Á giống như mỗi người chúng ta đã từng nhìn thấy trong những quyển sách ảnh, trong những quyển catalogue du lịch và phim tài liệu truyền hình. Ở đó là người phụ nữ mảnh khảnh, với chiếc mũ hình nón đặc trưng bằng rơm, đang cực nhọc chèo chống một con thuyền xuyên qua khu rừng đước. Ở đó là đoàn sà lan chạy bình bịch chậm rãi trên một nhánh sông. Ở đó là chiếc thuyền làm nơi ở và buôn bán, có người bà đang rửa rau, hai người phụ nữ trẻ đang chất bí lên thành một kim tự tháp, một người đàn ông già đang ngồi hút thuốc trên chiếc ghế mây và một đứa bé sơ sinh trên võng, được người chị của nó đu đưa ru ngủ.
Và ở đó, giống như dàn cảnh, là một nhóm thiếu nữ có hình dáng yêu kiều trong chiếc áo dài màu trắng đang đạp xe đến trường. Ở đó, trẻ con nằm trên lưng trâu, để cho chúng thong thả mang mình về nhà. Ở đó có những đứa bé chăn vịt, đứng ngập trong nước lợ cho tới hông, đang điều khiển một đàn vịt lớn trở về chuồng. Lá dừa óng ánh trong ánh sáng bình minh. Ba phụ nữ quý phái người Hoa chia sẻ cùng một chiếc xích lô, trên đường tới một đền thờ đầy huyền bí trong hang động, ở đâu đó ngoài Châu Đốc.
Làng bè Châu Đốc. Hình: Wikipdedia
Làng bè Châu Đốc. Hình: Wikipdedia
Nếu không từ Sài Gòn đến chỉ vì một chuyến đi chơi trong ngày thì phần lớn đều qua Châu Đốc đến vùng châu thổ. Nó không phải là thành phố lớn nhất, nhưng là thành phố đa dạng nhất trong vùng. Đa văn hóa theo kiểu Á châu: người Việt, Chàm, Khmer và Hoa chung sống hòa bình ở đây. Tàu lớn chở hàng, phà và thuyền tam bản ra vào cảng. Dòng sông rộng lớn đang có những hoạt động này diễn ra ở trên đó có tên là Hậu Giang, và là nhánh cực Tây của Mekong, con rồng thứ Tám. Biên giới ở sông Tiền cách đó chỉ ba mươi kilômét, bốn mươi lăm phút đường thủy.
Trên đảo Châu Giang, ở rìa thành phố, kinh Coran thống trị cuộc sống thường ngày. Người Chàm theo Hồi giáo sống ở đó, trồng lúa và hái dừa. Trong trang phục và truyền thống, những người Hồi giáo trên hòn đảo này, đàn ông đánh cá và phụ nữ dệt những tấm lụa có chất lượng cao, sống theo một truyền thống Malaysia-Indonesia. Đó là một cộng đồng Hồi giáo yêu hòa bình, trong cử chỉ và âm lượng thì dè dặt hơn người Việt cởi mở và hướng ngoại nhiều hơn.
Tất cả các đền chùa của các tôn giáo Á châu xưa cũ đều nằm trên hay quanh núi Sam, một ngọn núi thiêng, nhô lên cao hai trăm ba mươi mét từ những cánh đồng lúa tại Châu Đốc. Người ta cho rằng nó đã là một trung tâm hành hương ngay từ thời xa xưa, thời đó thờ phụng các thần Shiva và Vishnu của đạo Hindu. Ở chân núi Sam, ngôi miếu thờ rộng lớn, sặc sỡ nhiều màu sắc và mang nhiều tính Trung Quốc của nữ thần phồn thực Bà Chúa Xứ sẽ để cho người du khách kinh ngạc. Ở đây, trong vùng châu thổ, dòng sông Mekong không còn là dòng sông riêng của Đức Phật nữa.
Nhưng ở nơi mà Ngài được tôn thờ thì Ngài tự biểu lộ mình ra trong đặc trưng của trường phái Đại Thừa, trong hình ảnh của Đức Phật tươi cười, no đủ của tương lai, được gọi là Maitreya ở miền Bắc châu Á và ở đây trong miền Nam Việt Nam là Di Lặc. Trong các ngôi đền thờ Ngài, và phần lớn cũng có chỗ cho các thần thánh của đạo Lão và đạo Khổng, người ta nói chuyện với nhau, tung những mảnh gỗ hình bán nguyệt lên cao mà những con số của nó đưa ra thông tin về thành công hay thất bại, và đốt nhang. Đức Phật có bụng to này tỏa ra sự lạc quan phù hợp với người dân lạc quan, hân hoan hướng tới cuộc sống của vùng châu thổ.
“Đó thật sự … (vẫn) còn là … dòng sông Mekong. Một ngôi làng của những chiếc thuyền tam bản. Bắt đầu của vùng châu thổ. Chấm dứt dòng sông…” Marguerite Duras đã ghi lại ấn tượng đầu tiên của bà như thế. Trong các quyển sách của bà, người nữ thi sĩ vĩ đại đó của vùng nhiệt đới Đông Dương luôn mô tả lại bầu không khí uể oải, oi bức của thời thuộc địa. Ai muốn tìm theo dấu vết của bà thì phải tốn ít công sức, ví dụ như ở Sa Đéc, thành phố tươi đẹp nhiều hoa giữa hai nhánh sông. Hầu như không có ai ở đó còn biết ngôi trường mà mẹ bà đã lãnh đạo mười năm trời. Và còn ít hơn nữa là con số của những người dân địa phương biết ngôi nhà của chàng công tử gốc Hoa đó ở đâu, người làm mẫu cho “Người Tình”, nhân vật chính của quyển tiểu thuyết có lẽ là tự truyện mà bà đã nổi tiếng thế giới với nó nhiều thập niên sau khi rời vùng châu thổ.
Trong khi đó thì ngôi biệt thự tối tăm của người Hoa giàu có này nằm ngay cạnh sông Tiền, một nhánh lớn của sông Mekong. Có thể tới tham quan nó, cũng có thể là một bữa ăn tối với hậu cảnh nguyên thủy của quyển tiểu thuyết được chuyển thể phim ngay tại chỗ. Sa Đéc với bầu không khí vẫn còn yên tịnh cho tới nay của nó tạo điều kiện dễ dàng cho một cuộc hành trình trở về những năm ba mươi của thế kỷ trước. Ai lang thang qua các ngõ hẻm, nhìn vào các cửa hàng mua bán mang dấu ấn của người Hoa, và để cho dọn lên  món cá tươi và thịt nguội dưới ánh nến trong ngôi nhà của Người Tình, thì sau đó sẽ có thể thưởng thức được nhiều hơn nữa những ấn tượng của Marguerite Duras.
Nhà cổ của Người Tình - Huỳnh Thủy Lê. Hình: GEO.de
Nhà cổ của Người Tình – Huỳnh Thủy Lê. Hình: GEO.de
Vào thời của bà, dòng sông Mekong trong vùng châu thổ nóng bức, như bà viết, đã “gom lại tất cả những gì mà nó … gặp từ vùng rừng nguyên thủy của Campuchia. Nó mang đi cùng những gì đến với nó, nhà lá, rừng, cọp và trâu chết đuối … tất cả đều lơ lững trong dòng sông đầy sức mạnh này”. Nhưng nước của con sông này, cùng với lượng mưa hàng năm từ những đám mây mùa mưa, từ lâu cũng đã mang lại sự thịnh vượng, cũng hạnh phúc nữa, tới Việt Nam. Ngay cả con rồng thứ chín cũng không thể ngăn cản được, rằng vùng châu thổ này đã thích ứng với một thời kỳ mới và sẽ còn thay đổi nhiều hơn nữa.
Ví như mới đây con đường cao tốc từ Sài Gòn tới Trung Lương đã rút gắn đáng kể thời gian đi về vùng châu thổ, gắn kết vùng này chặt chẽ hơn nữa với thành phố lớn đó của Nam Việt Nam và sự phát triển hết sức nhanh chóng của nó. Những cây cầu mới, ví dụ như giữa Mỹ Tho, một thành phố cho tới ngày nay vẫn còn mang nhiều tính cách Pháp ở cạnh dòng sông cùng tên, và Bến Tre, thị trấn chính của vùng trồng dừa, đã làm cho sự tiếp cận tới những vùng đất đó dễ dàng hơn, những vùng mà cho tới nay chỉ có thể tới được bằng phà. Nhiều khu công nghiệp thành hình, làm thay đổi cấu trúc xã hội và tăng tốc sự đô thị hóa.
Cần Thơ, với gần một triệu rưỡi dân cư là thành phố lớn nhất của vùng châu thổ, thu hút cũng như Sài Gòn ngày càng nhiều người từ thôn quê. Nhiều nông dân không còn biết phải thuê người giúp thu hoạch vụ mùa từ đâu, vì giới trẻ tìm thấy việc làm được trả tiền tốt hơn ở Sài Gòn hay trong vùng châu thổ. Vận tải rau quả, trái cây và cá dịch chuyển từ thủy lộ lên đường bộ. Gỗ tốt để đóng tàu theo truyền thống bây giờ đã đắt tiền cho tới mức ngày càng có nhiều tàu thuyền được đóng bằng sắt thép. Cả diện tích trồng lúa cũng giảm xuống nữa, vì cần dùng chỗ cho nhà máy mới. Cùng với sự thâm nhập của fast food thì tiêu thụ gạo thế nào đi chăng nữa cũng đã giảm xuống ở các thành phố lớn.
Chợ nổi Cái Răng. Hình: Wikipedia
Chợ nổi Cái Răng. Hình: Wikipedia
Tuy vậy, những ngôi chợ nổi vẫn tiếp tục là nét đặc sắc của vùng châu thổ này thêm nhiều năm nữa, và tạo hạnh phúc cho các nhiếp ảnh gia. Cách Cần Thơ không xa, ở Cái Răng, nơi mua bán lớn nhất và nổi tiếng nhất trong số những nơi mua bán kỳ lạ cho các sản phẩm của vùng châu thổ, người ta vẫn trả giá, ăn uống trên sông nước, và len lỏi bằng thuyền đủ mọi kiểu qua cái nơi đông đúc đó, từ lúc mặt trời mọc cho tới giữa trưa, cũng như bao nhiêu lâu nay. Cá cũng nhảy múa vào mỗi buổi sáng cả ở Phong Điền, cũng trên Hậu Giang, hay ở Trà Ôn, một ngã tư sông, hay Phụng Hiệp nằm cách Cần Thơ xa hơn và vì vậy mà ít mang vẻ du lịch hơn. Cái mát lạnh của sáng sớm giữ cho hàng hóa được tươi, vì vậy mà những người phụ nữ nội trợ và lái buôn đã đến nơi đây ngay từ lúc sáu tới bảy giờ.
Ở đó, người ta hầu như không còn cảm nhận được tình trạng rời bỏ thôn quê và những thay đổi trong xã hội nữa. Có nhiều khả năng hơn là người ta sẽ cảm nhận được như Graham Green, người cách xa cái náo nhiệt thành phố lớn của Sài Gòn đã còn không thể tưởng tượng ra được, rằng “đã từng là bảy giờ tối, giờ uống cocktail trên sân thượng của ‘Majestic’ …” Ở đó, ở thành phố đang bùng nổ mà sau khi người cộng sản miền Bắc chiến thắng người Mỹ và miền Nam có tên là thành phố Hồ Chí Minh, là nơi phần lớn khách du lịch của thời chúng ta sẽ chấm dứt chuyến đi du lịch quanh huyền thoại Mekong.
Bernd Schiller
Phan Ba dịch

Khách sạn Continental: thang máy đi vào quá khứ

Bernd Schiller
Phan Ba trích dịch từ “Mekong – Từ nóc nhà của thế giới cho tới vùng châu thổ của chín con rồng”
Số 214 trong Continental thuộc về một căn phòng ở trong góc trên tầng hai, cũng được trang bị tương tự như bảy mươi chín gian phòng còn lại của khách sạn này. Người ta nhìn xuống Đồng Khởi, con đường nổi tiếng nhất của thành phố, xuống quảng trường Lam Sơn với ngôi nhà hát từ năm 1900 và nhìn xuống một hỗn độn giao thông mà tiếng ồn của nó đập vào mặt tiền của khách sạn cho tới tối khuya. Tức không phải là nơi yên tịnh như du khách thời nay hay tìm tới, và tuy vậy, gian phòng nhỏ có ban công đó thường được đặt trước nhiều tháng.
Khách sạn Continental 1965. Hình: Thomas W. Johnson
Khách sạn Continental 1965. Hình: Thomas W. Johnson
Đó là những người hoài cổ, du khách với cảm xúc cho lối sống và huyền thoại, những người muốn ít nhất là sống một lần trong gian phòng được trang bị bàn ghế hơi rườm rà này – xích đu, bàn viết nặng nề, gỗ gụ trên tường. Vì số 214 được xem như là một nơi để hành hương tới, nhất là trong số những người am hiểu và yêu thích văn học: Graham Greene đã viết phần lớn quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng ” của ông ở đây. Bây giờ, ở trước cửa ra vào khách sạn, nơi vào thời trước có một quán cà phê ngoài trời theo kiểu Paris xưa đã từng nổi tiếng vì loại bánh croissant ngon nhất thành phố, những đứa bé láu lỉnh đang bán các bản in lậu tác phẩm nổi tiếng thế giới của Greene, và thường thì chúng thiếu ít nhất là một phần ba.
Khi Continental trở thành khách sạn được ưa thích của giới phóng viên từ Mỹ và Phương Tây trong Chiến tranh Việt Nam thì nó đã là một huyền thoại từ hàng chục năm rồi. William Somerset Maugham, nhà kể chuyện vĩ đại người Anh, đã viết ở đây các câu chuyện hay nhất của ông về những thế giới xa xôi của châu Á và Nam Thái Bình Dương. Rabindranath Tagore, người Ấn nhận giải Nobel Văn học, đã là khách quen trong những năm ba mươi. Thời đó, Đồng Khởi còn có tên là Rue Catinat. Cho tới khi người Pháp rút đi, nó là con đường để đi dạo trong “Paris của Phương Đông”. Các bà và “Madame” đi phô diễn dưới những hàng cây. Vào cuối buổi sáng, họ uống ly cà phê sữa của mình trước Continental hay gặp nhau để uống trà vào buổi chiều trong Café Brodard, cách khách sạn vài bước chân, và trao đổi với nhau những tin đồn mới nhất, ở đây cũng như ở kia.
Độ khoảng năm 1925, Somerset Maugham đã so sánh Sài Gòn với một thành phố trung bình ở miền Nam nước Pháp, “quyến rũ, vô tư và vui vẻ”. Ở Continental (và ở Oriental tại Bangkok, nơi ông đau nặng cho tới mức bà chủ nhà sợ mất tiền nhà và đã yêu cầu trả tiền trước) ông đã viết một vài câu chuyện thuộc những chuyện hay nhất của ông về những thế giới xa xôi của châu Á và Nam Thái Bình Dương. Vào thời của ông, nằm trên Rue Catinat là những cửa hàng tốt nhất, những quán trà ngon nhất và tất cả các khách sạn sang trọng, những khách sạn mà ngày nay đang cố gắng kết nối lại với thời kỳ huyền thoại đó.
Lịch sử của Continental trải dài vào quá khứ cho tới năm 1878. Có cảm giác như nó thật cũ kỹ, xứng đáng với một khách sạn có độ tuổi này và của loại này: nội thất cũng như nhân sự. Những người khách du lịch hoài cổ thích thú, khi vẫn còn có một chiếc thang máy cũ bằng sắt theo kiểu Paris chạy lên các tầng trên và đồng thời cũng rung lạch cạch trở về quá khứ. Họ ngạc nhiên khi vẫn còn có concierge trên từng tầng, chào đón hết sức thân thiện nhưng không rõ nhiệm vụ của họ là gì. Khác với thời của Peter Scholl-Latour, người từ đây đánh điện nhiều bài phóng sự của mình về nhà, ngày nay không còn có người bồi bàn, người sếp tiếp tân nào mà còn đi lại “… với sự nhanh nhẹn được cường điệu, tựa như đóng kịch, có nhiệm vụ báo hiệu sự ân cần tột bậc”, như bậc lão thành trong số các phóng viên ở Việt Nam đã mô tả lại bầu không khí vào thời đó.
Khách sạn Continental 1968
Khách sạn Continental 1968
Còn lại là cái cầu thang mang vẻ oai vệ và cái sân trong xanh mát, một nơi an bình dưới những đóa hoa sứ. Ba cái cây to này, mang lại nét đặc trưng cho sân trong đó, được trồng năm 1880, hai năm sau ngày khách sạn khai trương. Trong những năm hai mươi và ba mươi cuồng nhiệt, khi đại hầu tước Nga và ca sĩ opera Pháp thuê phòng ở đây, một người Corse có tên là Mathieu Franchini đã điều hành khách sạn này. Tuy vậy, trong biên niên sử của Conti, như những người khách quen gọi khách sạn cho tới ngày nay, ông Mathieu được mô tả là “gangster”…
Cho tới trước đây chừng năm, sáu năm, khách du lịch Đông Dương kỳ cựu rất thích tìm lại không khí của ngày xưa trong Café Brodard, thật ra thì ngay từ thời xưa cũng đã hoài công rồi. Và sự suy tàn của huyền thoại này cũng đã được kết thúc một cách nhất quán với lần biến đổi thành chi nhánh của một chuỗi coffeeshop Úc. Các sophisticated traveller, loài tuyệt chủng của những người thưởng thức du lịch từ khắp thế giới, lại mất đi một mảnh nhỏ quê hương, bị thay thế bởi thế hệ laptop, những người không mang sách theo vào quán cà phê, mà chụp ảnh lẫn nhau không ngưng nghỉ với chiếc máy điện thoại di động và thường thì cũng chỉ gọi coffee to go trong những cái ly giấy.
Chỉ cách Conti vài phút đi bộ, theo hướng sông Sài Gòn, là Grand Hotel của 1930, ngôi nhà trọ kế tiếp từ thời Pháp. Trong các cổng đánh giá của Internet, khách cũng viết về ngôi nhà này, rằng ở đây họ đã tìm thấy được một thoáng của “nét quyến rũ từ những ngày đã qua”. Nhưng chỉ những ai ở trong một của chín gian phòng bên cánh nhà cũ (đã được sửa chữa) thì mới có thể đồng tình với lời nhận xét này. Năm mươi lăm phòng kia trong ngôi nhà cao tầng vô danh và cung cách phục vụ mà nhiều lắm chỉ có thể gọi là “thờ ơ” thì ngược lại đã khiến cho những người khách nào đó không còn thú vị nữa trong chuyến đi tìm về thời đã qua.
Giống như Continetal và Grand Hotel, khách sạn Majestic, khách sạn thuộc địa nổi tiếng nhất của thành phố, cũng được điều hành bởi Saigontourist. Cơ quan nhà nước này qua nhiều thập niên đã rất khó khăn với việc nhận ra tiềm năng trong lịch sử của khách sạn huyền thoại này. Những phản đối về mặt ý thức hệ cũng đứng chống lại việc tiếp thị theo hướng hoài cổ cả một thời gian dài. Ít ra thì phòng tiếp tân và lounge trong Majestic ngày nay thì cũng tương ứng với phong cách của thời kỳ đó, cái thời kỳ mà bây giờ lại được phép kỷ niệm như là thời kỳ hoàng kim của Sài Gòn. Năm 1925 người Việt gốc Hoa Hui Bon Hoa, được gọi là chú Hỏa, khai trương khách sạn Majestic ở góc đường Rue Catinat và Quai de Belgique, với tầm nhìn xuống sông Sài Gòn. Chẳng bao lâu sau đó, nó được xem là địa điểm số một, nơi hoàng tử xa lạ gặp tổng thống châu Âu.
Khách sạn Majestic 1975
Khách sạn Majestic 1975
Sau nhiều lần xây dựng lại và xây dựng mở rộng, Majestic gần xứng đáng với năm ngôi sao mà nó mang, như là khách sạn duy nhất trong số các khách sạn còn lại từ thời thuộc địa. Tuy vậy, khách sạn ở trên Rue Catinat này chưa từng bao giờ có thể bước vào Giải Hạng Nhất mà Raffles ở Singapore, Oriental ở Bangkok và cả Metropole ở Hà Nội ngày nay vẫn còn (hay lại) chơi ở trong đó. Nhưng từ lâu rồi, cả ở đó, trong ngôi nhà trọ cũ được Somerset Maugham ưa thích nhất, giá phòng cũng đã được tính toán hàng ngày bằng máy tính, và ở đó cũng hầu như không còn gentleman du lịch mặc comlê nhiệt đới ngồi trong phòng tiếp tân nữa.
Đặc trưng cho Sài Gòn, đặc trưng cho Việt Nam cũng là khách sạn Rex: trở thành huyền thoại qua lịch sử chiến tranh, ngày nay là một nơi được du khách từ khắp nơi trên thế giới tôn sùng và là nơi tiến hành lễ cưới được ưa thích nhất của người Việt và người Hoa, lòe loẹt và đang hết sức thịnh hành. Nó cũng thuộc Saigontourist và rất thích được nhắc tới và tiếp thị cùng với Majestic. Nhưng Rex đã là nhiều thứ, chỉ rằng nó chưa từng là một khách sạn thuộc địa. Con đường công danh của khách sạn kỳ lạ nhất trong số tất cả các khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bắt đầu như là xưởng sửa chữa ô tô trong khu phố Pháp ở Sài Gòn. Năm 1959, một vài tầng nhà văn phòng được xây lên trên cái xưởng sửa chữa ô tô đó. Rồi bắt đầu từ 1962, quân đội Mỹ cung cấp thông tin cho giới báo chí thế giới từ đây, vào mỗi buổi chiều và vẫn còn hết sức hăng hái và đầy lạc quan khi tất cả đã thất bại từ lâu rồi.
Mãi sau chiến tranh người Việt mới xây “ngôi nhà nói dối của Uncle Sam”, như không chỉ có họ mới gọi như vậy, thành khách sạn Rex. Đã từ lâu, thành lễ nghi cho cả người dân bản xứ lẫn du khách là việc lên sân thượng vào buổi chiều và ngồi vào một cái lồng bằng thạch cao hết sức lạ lùng và vì vậy mà cũng rất được ưa thích. Nhưng cả ở đây, cocktail thời thượng cũng đã thay thế cho Gin Tonic kinh điển từ lâu rồi. Và cái hàng hiên của Continental cũng chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người yêu châu Á và chiến đấu ở Việt Nam ngày xưa.
Thời đó, vào thời của chiến tranh và nói dối, như nhà báo và nhà văn người Mỹ Michael Herr mô tả trong quyển sách tuyệt vời “Dispatches” của ông, “…anh quẳng thân mình của anh lên một chiếc xe Jeep vào lúc chín hay mười giờ, chạy vài kilômét, quan sát một trận đánh trên đường phố, chạy qua chạy lại một chút và vào buổi chiều vẫn còn có thể lại ở trên hàng hiên của Continental.” Có ý muốn nói: trở về đúng lúc để uống Gin Tonic, Whisky, Sundowner của thời xưa.
Khách sạn Conti, Sài Gòn của ngày xưa, vâng: toàn bộ con sông Mekong trong dòng chảy dài của nó từ Himalaya cho tới vùng châu thổ, tất cả đều sống nhờ vào huyền thoại, cũng nhờ vào cả những lời nói dối nữa, nhưng trước hết là nhờ vào sự nuối tiếc và đi tìm về một quá khứ mà có thể là đã được tôn vinh có hơn nhiều một chút. Mặc dù vậy: phần lớn những người khách, tuy đến đây với những tưởng tượng nhất định ở trong đầu về vùng đất quyến rũ này, nhưng vẫn còn giữ được niềm đam mê của sự ngạc nhiên, sẽ tìm thấy được những cảnh sống động ở tại chỗ như là sự chứng nhận cho phần lớn của chính những sự tưởng tượng đó. Điều này không chỉ đúng cho các đất nước và con người ở Mekong, hy vọng nó vẫn còn là một trong những điều kỳ diệu của du lịch, mãi mãi và ở khắp mọi nơi.
Bernd Schiller
Phan Ba dịch

Chuyến tàu nhanh đi vào tương lai

Bernd Schiller
Phan Ba trích dịch từ “Vietnam – Ein Reiselesebuch” [“Việt Nam – Một tuyển tập truyện du lịch”]
 Còn ba giờ nữa, cho tới khi chuyến tàu đêm khởi hành về phương Nam. Thủ đô Hà Nội sôi sục như mọi đêm. Hàng ngàn người đẩy nhau qua những con ngõ sau giờ làm việc, khéo léo tránh né dòng dường như bất tận của những chiếc xe gắn máy, mô tô và ngày càng nhiều ô tô hơn. Nhiều người đi và chạy bộ vòng quanh lăng của Hồ Chí Minh, những người tập Thái Cực Quyền đang lợi dụng không khí nhẹ như tơ của buổi chiều muộn để luyện tập. Cảnh tượng giống như từ trong những phim châu Á cũ lấp lánh qua hoàng hôn ngắn ngủi:  Ở đó là những chiếc xe xích lô cuối cùng đang chen qua đám đông, cầm tay lái là những người đàn ông gầy gò với khuôn mặt có nhiều vết nhăn. Ở đó là những người đang gánh nặng, đang len lỏi qua luồn giao thông với những bước chân nhún nhảy, giữ cân bằng trên vai những cái thúng nặng bằng cây đòn gánh bằng tre. Nhiều người làm việc công nhật này đội mũ cối nàu xanh ô liu, phụ nữ trẻ tuổi hơn trên xe đạp thì lại đội nón lá, như chúng đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam qua những tấm ảnh trên đồng ruộng.
Người ta hay chen nhau đứng lại trước cửa hàng và xưởng làm, như  trong con ngõ của những người đẽo đá chẳng hạn, nơi các góa phụ và những thân nhân khác đang trông chừng tấm bia đá đang được hoàn thành một cách đầy nghệ thuật. Hay trước hàng trưng bày của tiệm bán nữ trang, có nhiều cửa hàng loại này cho tới mức đáng ngạc nhiên, trước những hàng ăn và những cửa hàng tạp phẩm. Nhìn lần đầu thì trông có vẻ như nguy hiểm chết người, khi đi qua đường trong những thành phố lớn của đất nước này; chỉ sau hai, ba ngày thì nó trở thành một thách thức về mặt thể thao. Cả trên những con đường dành cho người đi bộ cũng chỉ tiến lên được một cách chậm chạp, nhưng, dù nghe có vẻ mâu thuẫn cho tới đâu đi chăng nữa, đó là một sự đưa đẩy và chen chúc thong thả. Người ta tránh né giống như trên một ngã tư có nhiều giao thông: mỉm cười, nhảy múa, gần như là có nhịp điệu.
Gần tám giờ, trời tối đã hai giờ đồng hồ rồi. Con tàu “Thống Nhất” bắt đầu giật giật chuyển động. Bốn tới năm lần trong ngày, con tàu này nối kết thủ đô xưa cũ của văn hóa và chính trị với thủ đô mới của tiến bộ và kinh tế. Con tàu mất ba mươi tới bốn mươi tiếng để đi từ Hà Nội vào tới Sài Gòn – một khả năng lý tưởng để có một cái nhìn đầu tiên tới các phong cảnh khác nhau giữa Bắc và Nam, và tham quan các điểm du lịch ở cạnh tuyến đường sắt trong vài ngày, dành thời gian cho thành phố Huế của các hoàng đế ngày xưa, sau đó là Nha Trang, thành trì của du lịch, hay các bãi biển ở Phan Thiết. Từ đó, từ ga Mường Mán, chỉ còn bốn tiếng đồng hồ nữa là tới Sài Gòn. Nhưng chúng tôi đã quyết định dừng lại đầu tiên ở giữa đoạn đường, ở Huế: độ khoảng mười lăm tiếng đồng hồ, khoảng thời gian mà trong đó chúng tôi đã gặp rất nhiều người khác nhau, như chỉ có thể trong những chuyến đi dài trên tàu hỏa. Giường trong khoang bốn người của toa nằm đã được trải mới. Có hai người Pháp đang sắp xếp ở trên đầu chúng tôi, xoay ngang balô của họ để làm gối đầu. Một chai Merlot được chuyền đi và chẳng bao lâu sau đó là thêm một chai nữa, rượu vang do hai người đàn ông này mang theo. Chúng tôi chuyện trò với nhau chẳng bao lâu sau đó. Christian, vừa tròn bốn mươi, là thợ làm bánh pizza, Jean, gần sáu mươi, là nhân viên ngân hàng và đã bị đẩy đi về hưu sớm. Cả hai vừa mới ly dị xong, đã cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc ở Paris và muốn bắt đầu một cuộc sống mới ở đây, nơi lần khởi đầu có thể cảm nhận được ở khắp mọi nơi và đặc biệt là dọc theo bờ biển dài, có thể là khai trương một quán pizza ở Nha Trang hay cho thuê ô tô ở Sài Gòn – để xem thế nào.
Việt Nam vẫn còn là một đất nước cho những người tiên phong, cho những người muốn bắt đầu mới, cho những người mang theo sự táo bạo nhiều hơn là tiền bạc. Bầu không khí đi tìm vàng của những năm 1990 tuy là đã qua rồi, nhưng những người giúp các nước đang phát triển, những người đang ở tại chỗ của các ngân hàng nước ngoài và giai cấp mới của các doanh nhân trong nước vẫn còn nhìn thấy nhiều tiềm năng cho người Việt và cho những người như Christian và Jean. Giới trung lưu đang tăng lên, lối suy nghĩ tích cực, vốn có của đất nước này và người dân của nó, lan truyền đi.
Đoàn tàu thở hổn hển đi qua những khu phố ngoại ô Hà Nội. Không còn nhìn thấy gì nhiều ở ngoài kia nữa, chỉ còn một vài điểm sáng lập lòe đó đây, đèn đỏ ở những thanh chắn. Người soát vé cười vui vẻ quẳng vào khoang tàu vài tấm chăn. Chúng tôi sẽ cần tới chúng: chiếc quạt máy thổi khí lạnh như băng từ trên trần xuống suốt cả đêm, không thể chỉnh nó được, chỉ có thể tắt đi; nhưng rồi thì gian phòng chật hẹp sẽ đầy không khí nóng ngột ngạt ngay lập tức.
Hình ảnh của những ngày vừa qua chen nhau ra trước mắt. Ở đó là thế giới kỳ diệu của vịnh Hạ Long, với bao nhiêu là thuyền tam bản và tàu du lịch vẫn không mất đi tí nào nét quyết rũ của nó. Ở đó là những chiếc xe ngựa và xe bò trên những con đường nhỏ bụi bặm, và giao thông dày đặc trên con đường vào cảng container Hải Phòng. Ở đó là những cảnh tượng bình yên ở trên cạn trong vịnh Hạ Long với những tảng núi đá và núi đá vôi đã bị phong hóa, nhô lên cao từ những cánh đồng trồng lúa. Và ở đó là lần đi thăm gia đình nhà nông trong vùng đất đầm lầy màu mỡ của sông Hồng, kho lương thực của miền Bắc.
Duong Dinh Dang sống với năm người con của ông ở Kim Son. Ông trồng lúa và bắp ở đó, cũng nuôi vài con heo và gà. Chúng tôi được chào đón với trà xanh và một nụ cười, trong một gian phòng có đồ đạc hết sức đơn sơ, nơi thức ăn cho heo đang được nấu trên một bếp lửa cạnh tấm đệm ngủ. Cái máy truyền hình kiểu cũ từ Đông Đức, do một người láng giềng đã làm việc một vài năm ở Dresden mang về, đã hư từ lâu rồi; không có tiền để sửa chữa. Từ khi người vợ của ông Duong qua đời, người đàn ông già này hầu như không còn có thể làm xuể công việc trong nhà và ngoài đồng nữa. Tất cả những đứa con đều phải giúp việc, cả đứa cháu tám tuổi.
Sau bảy giờ một chút, toa tàu trở nên sống động, đoàn tàu ngừng lại ở đâu đó trên nhà ga tỉnh của Đồng Hới. Ở bên ngoài, một mặt trời mờ nhạt đang cố gắng xuyên thủng qua lớp mây sương mù bao phủ vùng đất như một tấm màng mỏng nứt rạn. Đã đến lúc vệ sinh buổi sáng: lau rửa như mèo ở một cái bồn dơ bẩn, súc miệng bằng nước khoáng mà rõ ràng là ai cũng đã mang theo. Một thằng bé đẩy một cái xe qua lối đi. Anh chàng bán cà phê đen, đậm đặc với giá rẻ. Bánh mì đã mềm được phát không mất tiền, cả những viên tàu hũ khô nữa.
Người ta không nhất định phải tham quan Đồng Hới. Nhưng trong tất cả sách Địa lý của học sinh Việt Nam thì nó đều xuất hiện: vì Đồng Hới nằm ở nơi hẹp nhất của đất nước này. Ở đây, nó thắt lại thành cái lưng ong, chưa tới năm mươi kilômét từ những ngọn núi của Lào ở phía Tây cho tới những bãi biển còn ban sơ ở phía Đông của thành phố. Nơi này đã phải chịu đựng nhiều trong chiến tranh, chỉ còn lại một cái cổng duy nhất từ một thành trì cũ, hầu như chẳng còn lại gì từ khu phố thuộc địa của người Pháp, chỉ còn cái tháp cụt đổ nát của một ngôi nhà thờ nhô lên khỏi khu phố mới xây buồn tẻ.
Ngồi cách chúng tôi vài khoang, trong cùng toa tàu, là Võ Quý, một người đàn ông tóc trắng, mang vẻ đáng kính. Ông ấy vui mừng khi chúng tôi tìm đến nói chuyện với ông. Người ta gọi ông là người cha đẻ của phong trào bảo vệ môi trường Việt Nam, ông thuật lại với một niềm hãnh diện có hơi rụt rè. Và rồi ông lôi từ trong túi ra một bài báo của Time Magazine ở Mỹ. Trong đó, tháng Mười Hai 2008, người ta đã xếp ông vào trong số ba mươi lăm người anh hùng của phong trào xanh trên khắp thế giới. Nhiều năm trời, đồng ruộng và rừng núi là những nơi phải chịu đựng Agent Orange. Bây giờ, ông Võ Quý, với tám mươi tuổi vẫn không hề trở nên yên lặng, lên án những ô nhiễm do sự kỳ diệu kinh tế được thả lỏng gây ra, ông khiển trách việc buôn bán lậu gỗ và thảo hoang hóa những cánh rừng ngày xưa.
Tuy là môi trường ở Việt Nam không bị phá hủy một cách không thương xót như ở Trung Quốc, người chống đối chế độ cộng sản không bị đàn áp một cách trắng trợn và tàn bạo như ở người anh không được ưa thích. Nhưng ở đây, đôi lúc các luật sư nhân quyền, người của các đảng dân chủ (bị cấm hoạt động), các nhà nghệ thuật phê phán và những người bất đồng chính kiến khác cũng bị kết án nhiều năm tù. Các vụ án này có tiếng vang ở Pháp nhiều hơn là ở Đức rất nhiều. Cả việc chỉ đạo nhà thờ, trước hết là nhà thờ Công giáo mà cho tới nay người ta vẫn còn không tha thứ cho sự trung thành của họ với Nam Việt Nam trong thời chiến, cũng chỉ được các nhà quan sát có nhiều quan tâm biết tới. Doanh nhân ngoại quốc ở tại chỗ vui mừng khi ngày càng có ít rào cản quan liêu được dựng lên cho họ, phần lớn khách du lịch hẳn sẽ cảm thấy là điều tất nhiên cũng như dễ chịu, khi được phép đi lại tự do và không có những tấn bi kịch tầm cỡ như Tây Tạng hay của lần nổi dậy của người Uyghur đè nặng lên lương tâm của họ.
Thăm ngắn toa hạng ba. Có mùi hôi nồng, một sự pha trộn mùi thật dễ nổ trong toa tàu đầy người: mùi tỏi, mùi mồ hôi chân, mùi tả lót đã đầy. Một vài người già không còn răng và nhiều gia đình trẻ đi lại với giá rẻ ở đây; vài người ngồi co chân lên các băng ghế, những người khác nằm ngang nằm dọc để ngủ, cả trên lối đi. Và rồi còn nhiều hành khách nữa đang ăn uống, chơi bài, nghe nhạc từ máy Walkman. Một cô gái cố gắng nói chuyện với chúng tôi bằng vài câu tiếng Anh. Cô mười chín tuổi, chúng tôi nghe được như vậy, và cha mẹ, người cha là công nhân xây dựng ở Hà Nội, người mẹ là đầu bếp, khó khăn lắm mới cho phép cô đi xa. Truyền thống vẫn còn quyết định phần lớn các phép tắc, cả ở giới trẻ đô thị. Ba phần tư người Việt có tuổi dưới ba mươi. Không một quốc gia châu Á nào trẻ hơn; giới trẻ này được che chắn và bảo vệ bởi gia đình và quy tắc, cho tới khi họ lập gia đình và nhiều khi còn đi xa hơn thế nữa.
Đoàn tàu tiếp tục lăn bánh về phương Nam, qua những ngôi nhà tre, trâu bò và đồng lúa, qua những cây cầu trông giống như vừa mới được tạm thời vá víu lại vào ngày hôm qua. Thật sự là phải sửa chữa một ngàn ba trăm cây cầu, hai mươi bảy đường hầm, một trăm năm mươi tám nhà ga và một ngàn ba trăm bảy mươi ghi đường sắt, trước khi con tàu “Thống Nhất” lần đầu tiên khởi hành đi trên chặn dường dài từ Hà Nội tới Sài Gòn vào ngày cuối cùng của năm 1976, một ngàn năm trăm kilômét trong khoảng bốn mươi lăm giờ đồng hồ. Và hố bom vẫn còn để lại dấu ấn trên cảnh quang qua nhiều đoạn dài.
Chúng tôi thăm Elisa và Erica ở toa kế, hạng nhì. Hai cô sinh viên người Ý đang đi du lịch khắp thế giới, chúng tôi đã gặp họ một lần trước đây vài ngày trong vịnh Hạ Long, đã trả ba mươi euro cho chuyến đi tới Huế. Họ ngủ ngồi cũng không tệ hơn chúng tôi trên những cái “giường” cứng của chúng tôi, những cái có giá đắt gấp đôi. Tiếp theo đó hai toa nữa, trong hạng “bình dân”, hành khách trong nước đang thưởng thức vào lúc sáng sớm thịt gà nguội lạnh, hàng núi cơm và trái cây tươi, những thứ mà họ đã mua ở nhà ga trước đó từ người bán. Và trong toa cuối cùng, lại là toa hạng nhất, có một người phụ nữ đang nhấp trà xanh của bà, tự giới thiệu mình là Minh Hạnh, một người thiết kế thời trang từ Sài Gòn.
Người phụ nữ xinh đẹp này qua lại giữa Việt Nam và châu Âu suốt cả năm, khai trương một chi nhánh ở Paris, thương lượng ở New York, xem một buổi biểu diễn thời trang hấp dẫn ở Tokio. Khách hàng của bà, fan của bà sống ở Đức, Tây Ban Nha hay Thụy Điển. Vì bà thường phải đi máy bay nhưng lại không thích làm điều đó, nên ở quê hương thì bà lại càng thích đi tàu lửa hơn. Đối với Minh Hạnh thì chiếc áo dài, chiếc áo váy cổ truyền và nữ tính tuyệt diệu của phụ nữ Việt Nam, là một niềm “hạnh phúc cổ”. Bà luôn thận trọng biến đổi nó, tìm kiếm và tìm thấy những mẫu hình mô tả mới mà không thật sự làm biến đổi tính thanh lịch dịu dàng của nó. Bà mua lụa ở Hà Nội trong những ngày vừa rồi, đã đi tham quan triển lãm tranh và hòa nhạc. Tuy bà không phải là không thích sống ở Sài Gòn hối hả, nơi chồng bà làm việc như là một phóng viên truyền hình nổi tiếng khắp nước, nơi cả hai người, thành viên của giới trung lưu cao cấp mới, có nhiều mối quen biết. Nhưng bà luôn vui mừng, ba tới bốn lần trong một năm, trước bầu không khí sáng tạo và gợi nhiều cảm hứng cho bà ở Hà Nội.
    Trong tàu đã trở nên yên lặng hơn, tiếng lách cách khiến cho người ta buồn ngủ. Thống Nhất, tên chuyến tàu nhanh của chúng tôi trong ngôn ngữ của đất nước này, băng ngang qua một con sông với vận tốc của người đi bộ. Đất trông như đất sét ở hai bên bờ sông có màu vàng nâu, lúa ở đây đã được gặt rồi. Tiếp theo đó một ít về phía Nam, những người nông đân đã bước đi trên đồng ruộng sình lầy của họ với cái cày ở sau con trâu, và nửa giờ sau đó, chúng tôi nhìn những người phụ nữ còng lưng cấy mạ: ba thời vụ ở tại một buổi sáng.
Bây giờ chúng tôi lăn qua vĩ tuyến 17, nổi tiếng vì vùng phi quân sự trước đây. Cây dừa và màu xanh óng ánh của những cánh đồng lúa không còn để cho nhận ra, rằng vài kilômét về phía Bắc là một trong những vùng đất phải chịu đựng nhiều nhất trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Hàng ngày, suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ và qua nhiều tháng trời, máy bay B-52 đã kéo những tấm thảm bom qua các ngôi làng nông dân và những vùng đất trồng của họ. Con người trốn xuống hầm và công sự, vào những cái hang động được phân chia hai mét vuông cho một gia đình. Ở đó, dưới ánh sáng nến, trẻ con được sinh ra đời và được dạy dỗ, thiếu niên được huấn luyện với vũ khí đã lỗi thời.
Vào buổi trưa, thức ăn được phân phát trên tàu: cơm âm ấm trong hộp styropor, rau cải, thịt gà, một vài sợi thịt bò. Bữa ăn trưa không mất tiền, nhưng chỉ được phân phát trong toa “hạng sang”, như Nguyễn, trưởng đội soát vé, gọi các toa tàu nằm và hạng nhất. Ông từ Huế, điểm đến trên đường di của chúng tôi. Chúng tôi muốn ở lại thành phố của những hoàng đế ngày xưa ba ngày, vì vậy mà chúng tôi rất vui khi có được những lời gợi ý của Nguyễn. Chúng tôi nhất định phải đi xích lô, tắc xi đạp, tới chợ ở bên kia sông. Chúng tôi sẽ tìm thấy tất cả màu sắc, mùi hương và âm thanh của đất nước này ở đó. Và chúng tôi phải đi thuyền nhỏ tới chùa Thiên Mụ, ngôi chùa đẹp nhất ở Huế, vào lúc thật sớm, trước khi đông đảo những đoàn khách du lịch tới đó. Từ một cái chuông thật to trong khuôn viên chùa, tiếng vang của nó xa cho tới hơn mười kilômét, chúng tôi có thể nhìn dọc theo dòng sông cho tới tận đồi núi của nước Lào láng giềng.
Nguyễn đội chiếc nón công vụ lên, chiếc tàu ken két hãm tốc độ. Những bảng quảng cáo to xuất hiện ở bên ngoài từ màu xanh của rừng nhiệt đới, Sony, Siemens và Toyota thông báo trước thành phố nửa triệu dân đang tăng trưởng rất nhanh ở cạnh dòng “sông của hương thơm”. Những khối nhà ở đẩy lùi nhà đơn sơ, người đi xe hai bánh kết lại thành đoàn, xe đủ loại dừng lại trước thanh chắn. Chúng tôi còn lăn qua chùa chiền và cây dừa vài trăm mét nữa. Rồi chiếc “tàu nhanh Thống Nhất” ngừng lại ở nhà ga Huế, mười lăm giờ hai mươi phút sau khi khởi hành từ Hà Nội.
Bernd Schiller, sinh năm 1943, phóng viên và biên tập viên của nhiều tạp chí và nhật báo lớn của Đức, đã đi qua tất cả các châu lục. Nhà báo sinh ở thành phố Hamburg này quan tâm nhiều nhất là đến những vùng đất ở giữa Bombay và Bali. Ông là tác giả của nhiều quyển sách, đặc biệt là về những điểm đến ở châu Á.

Sài Gòn – quyến rũ ngọt ngào của thời kỳ mới

Benno Kroll
Phan Ba trích dịch từ “ADAC Reisemagazin” (“Tạp chí du lịch ADAC”) số tháng 11/12 năm 2004
Thời xưa, con đường mua sắm của Sài Gòn có tên là Rue Catinat. Và Sài Gòn, đô thị của Nam Kỳ thuộc Pháp cho tới 1954, là “hòn ngọc của phương Đông”. Ngày nay, con đường dẫn từ ngôi Nhà thờ Đức Bà có hai chiếc tháp cho tới sông Sài Gòn có tên là đường Đồng Khởi (đường Nhân dân Nổi dậy). Và Sài Gòn, từ 1975 có chính quyền cộng sản, là thành phố Hồ Chí Minh. Và mặc dù Việt Nam thời đó đã bị tàn phá trong một cuộc chiến tranh kéo dài, bẩn thỉu, và mặc dù Rue Catinat đã là chặn đường trơ trẽn nhất của cuộc chiến (“con đĩ của Việt Nam”, lính Mỹ đã nhạo báng như vậy), nó bây giờ lại là cái “Petit Boulevard” [“Đại lộ Nhỏ”] mà Belle Epoque [Thời kỳ Tươi đẹp] đã tạo nên. Dưới hàng cây me luôn xanh tươi của nó có một đoàn xe gắn máy vô tận diễu hành vào mỗi cuối tuần, ngang qua những kiến trúc của thời Tân Nghệ thuật thuộc địa: những người cha mặc áo ủi phẳng phiu cầm tay lái, ở phía sau là những người mẹ trẻ, mang dép cao gót, giữa đó là một tới ba người con.
Rue Catinat
Rue Catinat
Trong những năm cuối cùng của thời Pháp cai trị, nhà văn người Anh Graham Greene đã sống ở cạnh con đường này, chính xác hơn: ông ngụ trong khách sạn Continental sang trọng. Ở đó, ông đã viết quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của ông mà nhân vật nữ trong đó là Phượng, một cô gái Việt: “mềm yếu và mỏng manh như một con chim”. Thời đó thường hay có tiếng nổ trên Rue Catinat, nó “có thể xuất phát từ ống xả của một chiếc ô tô hay từ một quả lựu đạn”, Greene viết như vậy.
Nhưng Fowler, người hùng của quyển tiểu thuyết, cũng là một người Anh năm mươi tuổi như người tạo ra ông, đã đánh mất mình trong Sài Gòn vui sống. Ông “không muốn mất hình ảnh các bóng dáng mặc quần lụa, duyên dáng đi lại dưới cái nóng nực ẩm ướt của buổi trưa”. Cả ngày nay vẫn còn có những người Âu nào đó mắc phải một sự phụ thuộc như vậy: có những người khách du lịch đã yêu Sài Gòn nóng nực, hôi hám, lộn xộn ngay từ cái nhìn đầu tiên và không biết tại sao. “Những bóng dáng” của Greene đã từng biến mất nhiều năm trời ra khỏi quang cảnh đường phố. Ngày nay họ lại xuất hiện ở đó: những cô gái yêu kiều trong chiếc áo dài. Chiếc áo váy quyến rũ được may, xẻ ở eo, phủ lên chiếc quần lụa dài tới mắt cá chân (chắc chắn là sự thể hiện đoan trang nhất của tính gợi cảm mà thế giới biết tới) mãi cho tới cuối những năm 1980 vẫn còn bị những người cộng sản cho là không đúng đắn về phương diện chính trị. Những bộ đồng phục kaki cũ, đã giãn phồng ra, là thời trang mà Đảng cho phép. Nhưng rồi khi Việt Nam mở cửa cho nước ngoài thì bộ y phục thoáng mát đó đã tái chiếm miền Nam nóng nực. Ngày nay, áo dài là một việc tất nhiên như ngày xưa: ở tiệc cưới, đám tang, cạnh bàn làm việc trong văn phòng hay – được gắn ngọc trai nhiều màu – trong các cửa hàng thời trang sang trọng, đắt tiền trên đường Đồng Khởi.
Cựu chiến binh của đạo quân thuộc địa Pháp, những người đến đây như là khách du lịch (những ông già gân guốc với dây băng huy chương của lính lê dương ở khuyết áo), có ánh mắt nhìn chăm chăm của déjà-vu, khi họ quay người lại nhìn Miss Saigon trên đại lộ nhiều bóng mát đã từng là của họ. Đối với những người đã về hưu của Grande Nation, không lần mất thuộc địa nào mà lại gây đau đớn thấy rõ như lần mất cái thành phố cảng ở Đông Nam Á này, cái thành phố mà nhờ nước Pháp nó mới có được sự nhận dạng riêng và đặc tính của nó. Vì khi nước Pháp thôn tính Sài Gòn năm 1859 thì nó không có gì nhiều hơn là một pháo đài và một nơi buôn bán tiều tụy dưới ánh nắng mặt trời.
Những người cộng sản Việt Nam khôn ngoan hơn và hẳn là cũng nhân đạo hơn Walter Ulbricht, con người Đức theo Stalin đó, người mà đã cho nổ tung Lâu đài Berlin. Họ không phá hủy các di tích xây dựng của một quyền thế mà họ đã bị tổn thất rất nhiều trong lúc chiến đấu chống lại nó, và cuối cùng cũng đã chiến thắng nó năm 1954. Họ khôi phục lại các biểu tượng của quyền lực thuộc địa trong màu vàng hoàng đế sáng rực: ngôi nhà hát kiểu Cổ điển, tòa thị chính Tân Gotic và – bên cạnh nhiều công trình xây dựng lộng lẫy khác – tòa nhà bưu điện Pháp được xây năm 1891 theo kiểu Tân Nghệ thuật, tòa nhà mà Gustave Eiffel, người xây chiếc tháp được gọi theo tên ông ở Paris, đã đặt một cái mái bằng thủy tinh và sắt lên trên đó.
Người dân Sài Gòn không để cho người ta nhận thấy một sự oán giận nào khi họ bước tới gặp các ông chủ thuộc địa trước đây của họ, dù có là người mang vác va li, doanh nhân hay cảnh sát biên phòng đi chăng nữa. Dẫu sao thì cũng chỉ có những người trên sáu mươi mới có một ký ức về thời thuộc địa, và chỉ ai hơn ba mươi tuổi thì mới trải qua cuộc Chiến tranh Việt Nam, cái có tên là “Cuộc chiến tranh chống Mỹ” trên tờ “Saigon Times”. Mạnh hơn những hình ảnh của kẻ thù và mạnh hơn văn chương sau giờ làm việc của những du kích quân ngày xưa là ý chí muốn sống của những người trẻ hơn, và khao khát hạnh phúc nóng bỏng của họ, cái đã tạo nên bầu không khí khởi đầu trong thành phố sáu hay tám triệu người này (không có con số chính xác).
Đường Tự Do 1961
Đường Tự Do 1961
Ngày nay, Sài Gòn là thiên đường của quốc gia. Không một thành phố Việt Nam nào khác mà lại đưa ra cho người dân của nó nhiều cơ hội tới như vậy: tiền lương ở đây cao gấp ba lần trung bình trên toàn quốc. Các nước của Thế giới thứ Nhất, trong số họ là tất cả các địch thủ chiến tranh ngày xưa (người Pháp, người Nhật, người Mỹ), đã đầu tư vào Sài Gòn và các vùng lân cận – từ cuối những năm 1990 là nhiều tỷ dollar Mỹ. Mới đây, du lịch Sài Gòn đã có thể ghi nhận một tăng trưởng là mười phần trăm. Với tăng trưởng kinh tế bảy phần trăm, nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá đã tự đặt mình lên hàng đầu của những nước châu Á, sau Trung Quốc. Nhưng động cơ của lần tăng trưởng này là cái thành phố hấp tấp, trông có vẻ như không lúc nào ngưng nghỉ, giống như một thành phố của những con kiến này, cái đang đào xới vùng đất bồi ở vùng châu thổ sông Cửu Long.
Hiện nay, quanh con đường Đồng Khởi đô thị quen thuộc đang có những kế hoạch xây dựng cố vượt quá tầng thứ ba mươi ba, tầng mà ngôi nhà chọc trời vừa mới đánh dấu là đỉnh điểm. Và khi ban đêm xích đạo bắt đầu sớm vào lúc khoảng mười tám giờ thì Sài Gòn cũng trở thành “thành phố của ánh sáng” giống như gương mẫu Paris của nó. Ở cạnh những bến tàu của sông Sài Gòn, những con tàu thủy có nhạc, được chiếu sáng cho tới tận ngọn, đang chờ khách nước ngoài của chúng. Quảng cáo bằng đèn neon, được dựng cao lên như một ngôi nhà, đang chiếu sáng từ ở bờ sông bên kia để trở thành những tín hiệu ánh sáng của toàn cầu hóa – sáng nhất là ngôi sao của Daimler-Benz.
Vẫn còn có cái nghèo ở Sài Gòn. Người nước ngoài vẫn còn có cảm giác bị nắm chặt ở tay áo trên đường Đồng Khởi hay trên những bậc thang vào chùa Phật giáo hay đền thờ của người Hoa. Nhưng ai có tình thương nhìn vào đôi mắt của một người ăn xin thì cũng thấy ánh phản chiếu của niềm hy vọng. Sài Gòn, vẫn còn là một nơi chốn của Thế giới thứ Ba, hân hoan trong sự lạc quan hơn tất cả các thành phố nhiệt đới có cùng một mức phát triển tương đương.
Khoảng một phần ba dân số sống “bất hợp pháp” trong thành phố, không có quyền cư trú. Đó là những sỹ quan, nhân viên nhà nước, người hưởng lợi, những người từng cộng tác với chính phủ Nam Việt Nam thân Mỹ trước đây. Sau chiến thắng của cộng sản, họ cùng gia đình bị đày vào trong các trại cải tạo và rồi lại trở về vào một lúc nào đó. Người ta dung tha cho họ, nhưng không cấp giấy phép hành nghề cho họ. Nhưng thành phố đầy những chợ không được cho phép trên đường phố. Trên những con đường rộng rãi để bốc dở hàng hóa ở phía sau ngôi nhà lồng tuyệt vời của chợ Bến Thành, ngôi chợ mà trong đó nhiều người khách của các khách sạn sang trọng nằm xung quanh đó trở thành người săn lùng hàng giá rẻ, có hàng chục người buôn bán bất hợp pháp ngồi đó với hàng hóa của họ trên lề đường. Một bà bán cam nói với tôi, bà sẽ bỏ chạy nếu như cảnh sát tới. Thế nhưng gương mặt nhăn nheo của bà, được che nắng bởi chiếc nón lá có màu vàng, không để cho tôi nhận thấy một sự hoảng sợ. Bà bình thản gắn lá xanh vào cuống những trái cam của bà, vì khách hàng không thích trái cây với lá héo. Việc mà cảnh sát không xuất hiện chắc hẳn là biến thể Sài Gòn của an sinh xã hội, vì thành phố không trợ cấp tài chính.
Cả những người buôn bán thú nhỏ ở cạnh kênh Bến Nghé hôi thối cũng không có giấy phép. Họ bán rắn, rùa, chó, chim. Con đường dọc theo kênh nằm ở rìa của quận Nhất, nhưng hầu như không có người. Ai tìm đến chợ này, người đó cần hồi phục khả năng sinh lý của mình (rắn), cần trợ tim (rùa), muốn làm sống dậy tình yêu thú vật (chó Nhật mảnh khảnh – đắt tiền) hay làm sống dậy khẩu vị đã được chiều chuộng quá mức của mình (chó Đức to béo – rẻ tiền). Tôi làm giống như một Phật tử có tội muốn giải hòa với trời: Với hai mươi ngàn đồng (một euro) tôi mua hai con chim hót bị bắt bằng keo dính và trả tự do cho chúng.
Ở phía bên kia của con kênh đào dơ bẩn, cũng như ở phía bên này kênh thuộc khu phố người Hoa Chợ Lớn, ở đó, nơi những con gà đá đã bị đô thị hóa gáy vang vào lúc gần năm giờ vào mỗi buổi sáng, nhưng cả ở bờ Đông của sông Sài Gòn, có những căn nhà bằng tôn không cửa sổ, đầy phân ở xung quanh, nhô lên khỏi làm nước đen từ những cây cọc xiêu vẹo. Những căn nhà của người nghèo này đã có từ thời Pháp, Graham Greene gọi những người ở trong đó là “cư dân đầm lầy”. Bây giờ, sống lây lất ở đó là những đứa con ghẻ của lịch sử Việt Nam – người từng hưởng lợi từ quân đội Mỹ, đã bị mất chỗ bám, và người vượt biên quay trở về.
Những người được nhắc tới sau đã rời bỏ Sài Gòn thành phố quê hương của họ sau chiến thắng của cộng sản trên những chiếc thuyền bé tí. Nhiều người đã chết trên biển Đông. Nhưng những người này thì tới nơi, ở Hongkong hay Singapore, nơi họ sống trong những trại tỵ nạn. Họ trở về sau nhiều năm. Họ đã chấp nhận nhiều thử thách khó khăn, chất vấn, cấm đoán, giám sát khủng bố, nhưng lại cảm ơn quê hương đã tái nhận họ. Trong bất kỳ một người Việt nào mà tôi trao đổi với họ, dù đó là một dân cư đầm lầy hay một ngôi sao điện ảnh, đều hiện lên một người yêu nước. Trong bất cứ một đất nước nào khác, tôi chưa từng bao giờ nghe được nhiều người nói một cách đáng tin tới như vậy: “Tôi yêu nước tôi.”
Từ đôi môi của cô Đỗ Hải Yến hai mươi tuổi, những lời nói của cô vừa mới chạm vào tôi như sự dịu dàng mỏng manh của một hơi thở, thì tuyên bố đó đến với tiếng chuông trang nghiêm. Trong một chuyển thể Hollywood của quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Greene, cô đã đóng vai cô gái Việt tên Phượng. Kể từ lúc đó, cô sống trong một căn hộ tiện nghi ở ngoại ô Sài Gòn, nơi mà cô tiếp tôi cho một cuộc phỏng vấn.
Công ty của nhà sản xuất người Mỹ Sydney Pollack là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên được phép quay phim ở Sài Gòn. Hollywood đã từng chuyển thể đề tài của Greene một lần, trong những năm 1950 và trong xưởng phim. Lúc đó, Phượng được một phụ nữ người Ý đóng, người đã không làm tròn được vai diễn này. Lần này thì hãng phim kêu gọi hàng ngàn phụ nữ Việt trẻ tuổi đến để tuyển lựa. Họ tìm thấy Hải Yến, một cô gái mười bảy tuổi, đã học bảy năm tại trường múa ở Hà Nội, và đã vào Sài Gòn cũng như nhiều người trẻ tuổi khác từ miền Bắc để tìm may mắn. Và cô đã “ngất ngây vì hạnh phúc”, cô nói với chúng tôi, khi cô đứng bên cạnh Michael Cain nổi tiếng trước máy quay.
Một cảnh trong phim "Người Mỹ trầm lặng"
Một cảnh trong phim “Người Mỹ trầm lặng”
Phim đó thể hiện sự can thiệp vào thời kỳ đầu của Hoa Kỳ vào số phận của nước Việt, thể hiện sự cố gắng của Mỹ, giữ vững những “colon” [thực dân] Pháp trên yên ngựa và bóp nghẹt cuộc chiến tranh giành độc lập của Hồ Chí Minh với những hành động bất minh. Tất nhiên là Bộ Văn hóa Việt Nam không phản đối kịch bản này.
Nhưng giấy phép quay phim cũng được cấp từ một lý do khác, được Pham Tu, phó ngành du lịch, nêu ra: “Tôi chợt nhận ra là bất cứ người khách du lịch nào cũng có quyển sách của Graham Greene trên tay, và tôi hiểu là văn học sẽ chắp cánh cho du lịch. Nhưng một phim truyện, tôi nghĩ như vậy, sẽ còn lôi cuốn nhiều khách du lịch vào đất nước của chúng tôi hơn là một quyển sách.”
Phim này, được quay với một sự cẩn trọng to lớn về lịch sử và diễn viên chính của nó đã được đề cử cho giải Oscar năm 2002, cũng hẳn là một hành động của lương tâm Mỹ. Mỗi một chuyến đi dạo qua quận Nhất sẽ nhắc cho những người làm phim từ Hoollywood nhớ lại những hành động tàn bạo trong chiến tranh. Vì xin ăn ở đó, trong thành phố của những người hy vọng, là những kẻ tuyệt vọng. Chúng còn là trẻ con, thiếu niên với những đôi chân gầy tới muốn xé nát trái tim mà các em không đi lại với chúng mà lại vắt lên cổ nhưng những cái chân vô dụng. Các em dùng tay đẩy mình tới chỗ khách du lịch, và họ ít khi quay người đi nơi khác. Những đứa bé này được sinh ra rất lâu sau chiến tranh, nhưng vẫn là nạn nhân của cuộc chiến. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em dị dạng được sinh ra đời, vì mẹ của các em thời đó đã hít phải chất độc màu da cam. Khác với các “colon”, quân đội Mỹ chỉ làm biến dạng cái thành phố mà họ đã nắm quyền ở đó nhiều năm trời – những công sự xấu xí bằng bê tông, những khu quân sự mang vẻ đe dọa và những người tàn tật sinh sau trong cái hào nhoáng của quận Nhất, cái thật ra là Sài Gòn và cả trong thành phố Hồ Chí Minh cũng còn có tên là như vậy.
Nhưng không có gì có thể lấy đi nét quyến rũ bí ẩn của thành phố mang đầy vận mạng đó, cái mà đặc biệt là nhiều người Âu đã không thể cưỡng lại được. Nữ nhà báo người Ý nổi tiếng Oriana Fallaci viết năm 1968: “Tôi thường cảm nhận được niềm ao ước nhức nhối, muốn trở lại Sài Gòn … Sài Gòn đâm vào trong cuộc sống của tôi như một con dao.”
Lực hút của Sài Gòn thật khó mà giải mã được. Nó là một sự mật thiết đô thị kỳ lạ, bao trùm lấy con người xa lạ khi đang đi dạo qua thành phố dưới những hàng cây bạch đàn cao gầy. Bất cứ ở đâu, trong quận Nhất hay trong quận Ba, khu biệt thự của giới thượng lưu Pháp, người đó biết rằng đang ở trong một thành phố xa lạ đối với mình, nhưng nó vẫn có vẻ quen thuộc đối với ông ấy. Cả trong quận Năm, Chợ Lớn cũ của người Hoa, khu phố mà những người cộng sản đã tẩy trừ thói xấu của thuốc phiện và của tình yêu được chào mời mua bán ra khỏi đó, trong khi những hàng chữ Hán vẫn còn ở trên các ngôi nhà, ngay ở đó, con người xa lạ vẫn có cảm giác được chấp nhận.
Cái gì quyến rũ tới như vậy? Tôi cho rằng đó là nét duyên dáng Âu-Á của Sài Gòn. Vì khác với ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, những thành phố mà một chính quyền điên cuồng hiện đại hóa đã lấy đi đặc tính của những khu phố cũ thơ mộng quanh co bằng cách giật sập phá bỏ, trong các khu phố của Sài Gòn thì cái xưa cũ được tân trang, và đó là nét thơ mộng thuộc địa Pháp. Vào cuối thế kỷ mười chín, cùng với phương án mặt bằng như bàn cờ của các quận, người Pháp cũng du nhập những cái ban công được rèn bằng sắt vào. Những cái ban công đó hiện giờ đã rỉ sét và xuống cấp nhiều cho tới mức hầu như chúng không thể chịu đựng sức nặng của con người được nữa, như hẳn là có thể mang những cây bonsai của sự kính yêu thiên nhiên Phật giáo.
Ở bên kia của nội thành được quy hoạch rộng rãi, trong những thế giới oi bức của giới bình dân, nhà ở thường không rộng hơn ban công của chúng, những cái ban công mà đã thượng lưu hóa tầng một chật chội thành tầng lầu đẹp. Hiện đại hóa ở Sài Gòn có nghĩa là: tiếp tục xây lên trời, chất tầng này lên tầng khác và thiết kế một sân thượng với mái che có kết cấu cột đỡ, cao lên khỏi láng giềng gần đất, có màu xanh tươi của rừng rậm mọc um tùm, chim hót trong những cái lồng rộng lớn và phơi khô quần của chủ nhà.
Tầng trệt bao giờ cũng là một quán ăn, một cửa hàng hay một gian xưởng. Ở đây có mùi mỡ heo, mùi sả và ớt, và mỡ nóng kêu lèo xèo trong những cái chảo. Đứng trước một sự bận rộn buôn bán không chừa bất cứ một lối vào nào, có những người khách du lịch Phương Tây thỉnh thoảng lại ngờ vực, rằng liệu Sài Gòn có thật sự là một thành phố cộng sản hay không. Vì nó không biểu hiện nó như vậy ở bất cứ nơi nào. Ngoại trừ một cây cờ đỏ ở cạnh ngôi nhà Đảng thì không có gì khiến cho người ta nhớ tới những người cầm quyền.
Cả những người “tốt nghiệp cải tạo” cũng dần có thể đứng vững lại được, ví dụ như ông Nhan. Thật khó mà có thể tưởng tượng được là phòng trưng bày mỹ thuật của ông hoạt động mà không có sự đồng ý của chính quyền, nó nằm trong tầm nhìn từ tòa đô chính. Ông Nhan nói hầu như không ngần ngại về tuổi trẻ của mình trong thời của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông học đại học về mỹ thuật ở Sài Gòn. Nói về thời gian sau đó rõ ràng là khó khăn đối với ông. Tôi chợt hiểu là câu hỏi tò mò của tôi về trại cải tạo đã phạm vào một điều không được phép nói tới. Cuối cùng, ông Nhan nói, và ông mỉm cười trong lúc đó: “Tôi không nhìn lại phía sau. Tôi nhìn tới trước.” Câu nói này, cái mà tôi thường nghe được còn nhiều hơn cả câu nói về tình yêu quê hương, là bài hát ca ngợi của Sài Gòn, tôi có thể nói như vậy.
Benno Kroll (1929 – 2004), con trai của một người Hoa và mẹ người Đức, cộng tác cho các tạp chí stern và GEO, ngoài những báo khác, và cũng là tác giả viết sách. Ông đã được trao tặng giải Egon Erwin Kisch.

Cưỡi ngựa vào Hà Nội (khoảng năm 1890)

Otto E. Ehlers
Phan Ba trích dịch từ “Im Sattel durch Indochina” [“Đi Qua Đông Dương trên yên ngựa”], tập 2.
Cuộc hành trình về Hà Nội của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do có một cơn giông nổi lên vào buổi chiều, thổi đi trước một đám bụi dầy cho tới mức chúng tôi hầu như không thể nhìn quá mười bước chân.
Cuối cùng, vào lúc bốn giờ, chúng tôi tới trước thành Hà Nội, cái có chu vi độ chừng mười kilômét, giống như thành Sơn Tây, được xây theo hệ thống Vauban vào cuối thế kỷ 17.
Hà Nội khoảng 1890 -1900
Hà Nội khoảng 1890 -1900
Sau khoảng nửa giờ, đường đi của chúng tôi dẫn qua những con lộ rộng rãi của thành phố người bản xứ, có nhà gỗ hay nhà gạch một hay hai tầng ở hai bên, trước khi chúng tôi tới con sông, nơi tôi hy vọng là sẽ tìm thấy chiếc thuyền buồm với hành lý. Thế nhưng tôi không phát hiện ra được nó trong số nhiều trăm chiếc thuyền đang thả neo nằm ở đó.
Vì vậy mà tôi cưỡi ngựa vào khu phố của người Âu, chủ yếu nằm xung quanh một cái hồ đẹp, “Petit Lac”, và được tiếp đón thân thiện trong Hotel du Lac đơn giản, nằm ở vị trí rất đẹp.
Sau khi làm sạch sơ y phục của mình, tôi ngồi vào một bàn của quán cà phê thuộc khách sạn, chiếm cả nửa con đường có lát mặt, châm một điếu thuốc lá và đóng vai một con người văn minh, tốt như có thể được. Ở Bắc Kỳ, người ta hẳn đã quen thuộc với những hình dạng giống Bassermann [diễn viên Albert Bassermann, 1867-1952] cho tới mức tôi, do tôi có cảm giác mình giống như một tên du thủ du thực, không hề gây sự chú ý nào cả.
Với thủ đô của Bắc Kỳ, tôi đã đạt tới điểm đến cuộc hành trình của tôi, tất cả mọi sự lo lắng, thiếu thốn, gian khổ và nguy hiểm đều nằm lại ở phía sau tôi, tôi không cần phải tiếp xúc với những người dắt la Vân Nam cứng đầu cứng cổ, chủ thuyền dơ dáy người An Nam, quân lính lười biếng và sỹ quan đánh hơi thấy gián điệp, không còn cần phải bực dọc bởi những cái gan gà vịt bị Vadiwal ỉm đi, không còn cần phải trả giá mua thực phẩm, thuê người dẫn đường và xuất hiện như là lang băm hay phù thủy. Tôi lại trở về trong luồng nước của cuộc sống văn minh  và bây giờ chỉ cần gọi to “garçon”, để cho mang tới tờ thực đơn và danh sách rượu vang và đưa ra sự lựa chọn của tôi. Thời gian lo âu thiếu thực phẩm đã qua rồi. Không thể phủ nhận được là sau một cuộc sống trong hoang dã bốn tháng rưỡi trời, nền văn minh châu Âu cũng có nét thu hút của nó.
Đầu tiên, tôi gọi nửa chai rượu sâm banh ướp đá và, nằm đó trong sự vô công rồi nghề ngọt ngào, thưởng thức phong cảnh của cái hồ nằm ở trước tôi với hòn đảo nhỏ được làm đẹp bằng một đền thờ, bực tức về một ngôi chùa bị làm xấu đi bởi một bức tượng của nền cộng hòa được đặt lên trên đó, từ những người chủ mới của đất nước này, những người mà ngoài ra thì có một thị hiếu rất tốt, và ngồi vào một chiếc xe tay vào lúc hoàng hôn, để cho một cu li nhanh nhẹn người An Nam kéo đi quanh hồ và qua các con đường chính của thành phố.
Trong khu phố người Âu, tất cả đều mang một dấu ấn đặc trưng của Pháp, những ngôi nhà có những tấm mành che nắng nhiều màu đã được thả xuống của chúng, cửa sổ bày hàng của các tiệm, nhà công sở theo kiểu Phục Hưng, nhưng trước hết là cà phê, nhà hàng và câu lạc bộ với những cái bàn bằng đá hoa cương được bài ra ở trên đường phố, những người phục vụ đi tha thẩn, trẻ bán báo và người bán diêm của chúng, với những người khách đang chơi domino hay chơi cờ của chúng. Hà Nội, một thành phố của tổng cộng khoảng một trăm năm mươi ngàn dân cư, có nhiều nhất là một ngàn người Âu, nhưng trong số đó thì có ít nhất là năm trăm người ngồi mỗi tối trên đường phố trước các nhà hàng, trong khi đại đa số phần còn lại chạy lên chạy xuống trên xe hay xe kéo, cho nên người ta mang ấn tượng là đang ở trong một khu phố lớn hơn rất nhiều của kiều dân Âu châu, so với con số mà Hà Nội thực có. Người ta cũng có khuynh hướng ước đoán quá cao con số người Hoa đang sống ở Hà Nội, vì đi đâu cũng gặp phải các thiên tử. Thật sự thì ở Hà Nội chỉ có từ một ngàn năm trăm tới hai ngàn người Hoa. Vượt trội hơn người An Nam rất nhiều về tính siêng năng, tư duy kinh doanh và tín đáng tin cậy, hầu như toàn bộ việc mua bán nhỏ các sản phẩm Phương Tây đều nằm trong tay của họ. Các công ty châu Âu ở Bắc Kỳ hết thảy đều dùng trung gian người Hoa để tiến hành các dịch vụ kinh doanh với người An Nam, và qua đó mà họ có được tốt hơn rất nhiều khi so với việc họ trực tiếp tiếp xúc với người An Nam.
Cả từ ở những phía khác, tôi cũng nhận được nhiều điều đáng yêu ở Hà Nội, người ta đã an tâm với “tên mật thám”, tiếp đón tôi một cách rất ân cần ở bất cứ nơi nào tôi gõ cửa, và báo chí của nước này dành cho tôi những bài báo đánh giá cao nhất.
Những ngày ở Hà Nội trôi qua rất dễ chịu với những cuộc thăm viếng, hội hè và những chuyến đi vào thành phố và vùng xung quanh.
"Petit Lac" 1930 - 1940
“Petit Lac” 1930 – 1940
Cách thành phố nửa giờ là Vườn Bách thảo rộng mười hécta, nơi người ta trồng trà, cacao, cà phê, bông vải và nhiều thứ khác trên những cánh đồng thử nghiệm. Khi những người làm vườn ở đây tạo được một phát triển vừa phải ở một số cây trồng dưới sự chăm sóc hết sức kỹ lưỡng, người ta thổi kèn quảng cáo ầm ỉ ngay lập tức, và trên tất cả các tờ báo Pháp đều  xuất hiện những bài viết dài cả cột về tương lai tuyệt vời của ngành trồng trà, cà phê hay cacao ở Bắc Kỳ. Vâng! Một vài chục bụi trà tăng trưởng tốt trong Vườn Bách thảo có lẽ đã đủ để cho Paris cân nhắc một cách nghiêm túc việc tăng thêm thuế quan lên trà của Trung Quốc hay Ấn Độ, vì lợi ích của sản phẩm trong thuộc địa riêng của mình.
Không buổi sáng nào mà tôi không đi thăm chợ trong nội thành và đi dạo vài giờ qua đường phố của khu người bản xứ, nhìn chung là cũng được giữ sạch sẽ như trong vài thành phố châu Âu. Toàn bộ đường phố đều có cống rãnh và đèn đường, được thiết kế rộng rãi và thoáng mát, và được gia cố. Ở đây, trong thời gian tương đối ngắn, người Pháp đã làm được việc mà họ có thể hãnh diện vì nó. Tất nhiên là nhiều trận hỏa hoạn đã giúp họ trong công việc điều chỉnh của họ, vì nhà lúc trước hầu như chỉ được xây bằng gỗ và lợp cỏ, nên chúng cháy như bùi nhùi. Hành chính thành phố của Pháp ngay từ đầu đã cấm xây lại nhà gỗ và chỉ cho phép dựng nhà gạch, cho nên khi tôi ở Hà Nội thì nhà gạch đã chiếm đa số rồi. Bây giờ thì chắc hầu như không còn tìm thấy được nhà gỗ nào ở nội thành nữa; vì cho tới cuối năm 1892 chúng cần phải nhường chỗ cho các công trình xây mới.
Cũng như ở tại phần lớn thành phố của Trung Quốc, mỗi một nghề, mỗi một ngành buôn bán ở Hà Nội cũng có một con đường đặc biệt của nó. Sống ở đây là những thợ giày, ở kia là thợ gốm, trên con đường thứ ba là những người buôn bán lụa, trên con đường thứ tư là những người làm nhạc cụ và cứ tiếp tục như thế. Ở chợ, tôi nhìn thấy rau cải và trái cây thượng hạng, rất nhiều loại cá nước mặn, tươi, khô hay được ướp muối, thịt heo, thịt bò, gia cầm và – chuột, được người An Nam xem là món ăn ngon và được bán với giá hai cent tức sáu Pfennig [xu] một con. Không thiếu sự khốn cùng đủ loại, không thiếu người ăn xin và người tàn tật, đó là điều dễ hiểu tại một thành phố Viễn Đông. Nói chung là có thể sống tạm được ở Hà Nội, thế nào đi nữa thì cũng tốt hơn những nơi chốn nào đó trong vùng nhiệt đới. Bắc Kỳ còn có mùa Đông của nó nữa, thỉnh thoảng lạnh cho tới mức người ta cũng phải sử dụng lò sưởi, thường là vật trang trí trong phòng, cho mục đích mà nó được luật lệ quy định, tức làm nơi đốt lửa. Tất nhiên là không có đóng băng ở xứ này, nhưng đôi lúc nhiệt kế cũng tụt xuống tới bảy độ dương, và điều này là đã đủ để cho người Âu, thỉnh thoảng bị thiêu đốt dưới bốn mươi  độ trong mùa Hè, có cảm giác mình như là người Eskimo, và trở nên vui vẻ với cuộc sống của mình như là một người như vậy.
Mới đây, người ta có ý tưởng dẫn nhập đường ống nước và ánh sáng điện vào Hà Nội. Cũng không có điều gì phản đối việc đầu, vì toàn bộ người dân thành phố sẽ hưởng lợi từ đó, khác với ánh sáng điện, nhất là khi vùng tỉnh, nơi mà người dân của nó chẳng được gì khi nhìn thấy thủ đô của họ được chiếu sáng bằng điện, phải đóng góp mười hai ngàn dollar hàng năm. Điều dễ hiểu là người ta không thích điều đó.
Otto E. Ehlers (1855-1895), người con trai của một kiến trúc sư tại Hamburg lúc đầu là một nhà nông ở vùng Holstein và là một chủ trại ở Pommern, trước khi ông gắn kết ý thích đi du lịch với tài viết văn của mình. Ông đi du lịch qua châu Phi, sau đó tới Ấn Độ, Himalaya, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nam Thái Bình Dương, phần lớn đều bằng một cách rất phiêu lưu mạo hiểm. Trong một chuyến thám hiểm vùng đất Đông Bắc của New-Guinea, lúc đó còn là đất của Hoàng đế [Đức] Wilhelm, ông bị những người phu khuân vác giết chết.

Vịnh Hạ Long (khoảng năm 1920)

Georg Wegener
Phan Ba trích dịch từ “Der Zaubermantel. Erinnerungen eines Weltreisenden” [“Chiếc áo choàng kỳ diệu. Hồi tưởng của một kẻ chu du thế giới”]
Tôi khởi hành từ sáng sớm ở Hải Phòng. Chiếc thuyền nhỏ của tôi phải mất tới năm tiếng đồng hồ mới đi qua được mạng lưới chằng chịt của những con kênh vùng châu thổ. Rồi chúng tôi ra tới biển và hướng tới đảo Cát Bà. Chúng tôi tiến tới càng gần thì nó vươn lên càng cao một cách hùng vĩ và tối tăm, nhìn giống như gắn liền với xung quanh; toàn bộ bức tường núi đá ở phía trước chúng tôi trông giống như một khối xanh đen khổng lồ duy nhất. Những khối mây nặng nề nằm chồng chất lên bề mặt của nó; những phần cao hơn biến mất đi bên trong chúng. Lúc tiến lại gần, chúng tôi nhìn thấy bức tường đá này nhô lên từ biển, gần như hay hoàn toàn thẳng đứng, cao gần hai trăm bộ. Tới bây giờ nó trông cũng còn có vẻ khép kín và cứng rắn, không để lộ ra một lối đi nào; giống như con thuyền của chúng tôi muốn đâm đầu xuyên qua bức tường đó. Mãi đến lúc chúng tôi tiến sát tới, kết cấu đó mới bắt đầu phân ra thành nhiều phần; giống như những cây cột cao của một cái cổng, các tảng núi đá tách ra ở cuối phía Tây của đảo Các Bà và tạo không gian cho một vài đường nước chật chội, giống như vịnh hẹp. Chúng tôi chìm vào một trong những con đường quanh co đó, và chẳng bao lâu sau, những bức tường ở phía sau chúng tôi đã đóng kín lại; chúng tôi lướt đi trên làn nước tối tăm yên lặng giữa những bức tường cao câm lặng, những cái chẳng bao lâu sau đó đã tiến tới gần sát nhau, cho tới mức người ta có thể  nghĩ rằng con thuyền nhỏ phải chạm vào chúng ở hai bên, nhưng lại nhanh chóng lùi ra ở bên trái và bên phải, và tạo thành những khúc uốn và góc cạnh giống như một cái vịnh nhỏ hay những cái ao có núi đá bọc xung quanh. Đá của những bức tường này là đá vôi màu xám bạc mà những tầng lớp đều đặn, thường nghiên khoảng bốn mươi lăm độ của nó lộ rõ ra ngoài. Thỉnh thoảng cũng có những lớp thẳng đứng, và rồi bị nước mưa, thấm vào giữa chúng từ trên xuống, phân tách và phong hóa một cách kỳ lạ, giống như một bức tường cũ đã đổ sập xuống. Bụi cây nhiệt đới thấp bám vào núi đá ở bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt là một loại cây yucca có lá hẹp. Ở khắp nơi, chân của những bức tường này, nơi chúng vừa nhô lên khỏi mặt nước, để lộ một đường lõm vào đều đặn, do nước xói mòn. Lúc triều lên, biển đạt tới cạnh trên của nó; rồi đường lõm đó biến mất. Lúc triều xuống, cạnh này nằm trên mực nước từ hai tới ba mét, và rồi tảng núi đá có hình dạng mặt tiền của một ngôi nhà thời Trung cổ mà tầng trên nhô ra khỏi tầng dưới. Ở những hình dạng nhỏ, đứng riêng một mình, thì có vẻ hết sức kỳ dị; chúng nhô lên cao với một cái chân gầy giống như một cái cuống nhỏ trên biển. Những đường lõm này có độ sâu khác nhau; có những nơi chúng tiếp tục rộng ra vào bên trong, như người ta có thể nhìn thấy được. Ở bên trên, các tảng núi đá này đã bị sự phong hóa ăn mòn thành những đường rãnh hết sức sắc bén và hoang dại mà ngay từ phía dưới người ta đã nhìn thấy rằng một chuyến đi dạo ở trên bề mặt của chúng chắc chắn phải là điều không thể.
Quần đảo Cát Bà. Hình: Wikipedia
Quần đảo Cát Bà. Hình: Wikipedia
Trong chuyến đi xuyên qua, tất cả dường như đều sống động một cách đầy bí ẩn, vì những hình dạng và phong cảnh liên tục dịch chuyển và biến đổi; không phong cảnh nào giống phong cảnh nào, khe hở và đường đi mở ra với nền xanh mờ ảo và rồi lại đóng lại, mũi đá nhọn đẩy mình ra phía trước hay lui lại phía sau, để tạo chỗ trống cho những hình dạng mới. Chúng tôi hay gặp những chiếc thuyền đánh cá nhỏ, trông kỳ lạ của người dân bản xứ, chèo lướt đi theo những bức tường thẳng đứng, xuất hiện hay lại biến mất sau những ngóc ngách. Có lúc, một thế giới núi đá hoang dại chồng chất lên trên những độ cao của các bức tường, biến mất vào trong những đám mây tối tăm; có lúc, vào cuối những hành lang dài, lướt nhanh qua giữa hậu cảnh núi non màu xanh và trở nên xanh, xuất hiện một cảnh mê hồn trận của núi đá trên những mặt nước rộng lớn có màu xanh ánh sáng, có những vách đá riêng lẻ với đường viền rõ nét nhô lên cao. Điều kỳ lạ nhất là không đâu có những tảng đá vụn rơi xuống bọc xung quanh chân của những bức tường thẳng đứng, như người ta phải nghĩ tới tại công việc làm của sự phong hóa cổ xưa, khi chúng tạo ra mê hồn trận này; phẳng phiu và trong sạch, các tảng núi đá nhô lên cao khỏi mặt nước ở khắp nơi giống như những bức tường của các dinh thự Venice, tựa như toàn bộ mê cung kỳ diệu này, trong hình dạng hiện nay, được thiên nhiên đặt xuống một lần là xong. Viên thuyền trưởng cũng không hề lo ngại có vách đá nằm dưới nước; ở đây không có những cái đó, mà khắp nơi có một lớp bùn mềm mại, đều đặn, tạo thành đáy của những con đường nước và mặt nước thường sâu chỉ vài mét. Cũng như biển mài mòn những đường lõm dài ở chân núi đá chỉ qua cách hòa tan hóa học đá vôi, dường như nó cũng làm tan tất cả các hòn đá đã rơi xuống.
Trong mê cung chen chúc nhau từ núi đá và đường nước, mắt nhìn của chúng tôi còn xa mới có thể nhận rõ được những đường nét chính trong sự sắp xếp của chúng, khi chúng bất chợt tách ra, và chúng tôi đi ra tới một diện tích nước rộng lớn trống trải. Đã xuyên qua vành đai đảo ở phía ngoài, nằm kế tiếp đảo Các Bà; nằm trước chúng tôi là Baie d’Along [Vịnh Hạ Long]. Một biển xanh đẹp tuyệt diệu, rộng khoảng mười kilômét, được giới hạn ở phía Bắc bởi những ngọn núi có hình dáng mềm mại của đất liền, tất cả các mặt còn lại được bao bọc bởi không biết bao nhiêu là nhóm đảo giống như những hòn đảo mà chúng tôi vừa mới bỏ lại ở phía sau. Trong sắc màu không khí ở phía xa xa, chúng lóng lánh trong màu xanh đậm và trông thật kỳ bí. Chúng cho thấy rằng mê cung núi đá mà chúng tôi vừa mới xuyên qua chỉ là một phần hết sức nhỏ, một sự bắt đầu khiêm nhường của thế giới kỳ diệu đang trải rộng ra ở đây.
Vịnh Hạ Long. Hình: Wikipedia
Vịnh Hạ Long. Hình: Wikipedia
Nó thật sự là một thế giới của thiên nhiên kỳ diệu. Trong ngày này và còn trọn hai ngày nữa, tôi đi ngang dọc qua nó trên chiếc du thuyền của tôi theo nhiều hướng khác nhau dưới sự dẫn dắt thông thạo và không biết mệt mỏi của viên thuyền trưởng của tôi, thả neo ở nơi ông khuyên tôi hay ở nơi mà sự kỳ lạ quyến rũ bản thân tôi, tìm tòi khắp những tảng núi đá của các hòn đảo, leo lên bề mặt của nó trên những con đường kỳ lạ nhất, chui qua hang động của chúng hay để cho những chiếc thuyền từ những hình dạng kỳ diệu đó lướt đi yên lặng trên nước trong sáng ngang qua tôi. “Đảo Kỳ diệu” hoàn toàn xứng đáng với tên của nó, vì nó che dấu trong lòng của nó một trong những hang động thạch nhũ tuyệt diệu nhất và đẹp nhất mà tôi đã từng nhìn thấy. Lối vào bị cây mọc che khuất nằm ở phía sau của một dãy đá tảng nhỏ hình bán nguyệt, ở độ khoảng một phần ba chiều cao của bức tường núi đá trên mặt nước biển, hầu như không thể nhận ra được từ xa. Nhưng bên trong nó vòm thành một ngôi nhà thờ tuyệt diệu bằng đá tinh khiết, xanh trắng mà trần của nó tựa như được chống đỡ bởi những cột nhũ thạch mảnh dẻ, thật to. Ánh sáng yên lặng màu xanh xanh bao trùm lên tất cả như một làn nước mát lạnh, nhúng nó vào trong một ánh chập chờn như trong truyện cổ tích. Ánh sáng đó thật kỳ diệu, khi người ta trở về từ những vực sâu tiếp vào trong lòng ngọn núi tối tăm hàng trăm mét nữa, những vực sâu mà chúng tôi đã cầm đuốc leo cho tới tận cùng của chúng. Ở bên trong hang động cao, sạch và khô này, trong ánh sáng đuốc, nhũ thạch hoang sơ, có một màu trắng kem được pha một ít sắc đỏ, phủ khắp lên trên các bức tường dưới dạng một thác nước đã đông lại hay thả xuống như những búi tóc phụ nữ đã hóa đá.
“Đảo Bất ngờ” cũng hoàn toàn có quyền mang tên của nó. Ở đây, sau một lối vào khó nhìn thấy tương tự và được bụi cây che phủ, cái mà chỉ có những người thông thạo mới tìm thấy, cũng có một cái hang động tương tự như vậy. Thế nhưng nó không mở rộng ra một lần một cho người khách tham quan mà người này đầu tiên là bước vào một gian ngoài nhỏ, tương đối không quan trọng. Nhưng rồi qua một khe hở tối tăm ở phía sau, chật hẹp và thấp cho tới mức hầu như không thể lọt qua được. Bất thình lình nó lại rộng ra, và bây giờ chúng tôi đứng trong một mái vòm thật sự khổng lồ, cái có lẽ không cao như gian ngoài của “Grotte des Merveilles”, nhưng rộng hơn rất nhiều. Ngày nay có một cây cột nhũ thạch đồ sộ duy nhất, thật to, giúp chống đỡ mái vòm. Nó rộng và phẳng một cách thật táo bạo, cho tới mức người ta hầu như không thể hiểu được là tại sao nó lại có thể đứng vững trước khi cây cột đó được tạo thành. Ánh sáng ban ngày cũng tràn ngập vào đây qua một lỗ trống, và tạo cho hang động này có một ánh lấp lánh màu xanh kỳ diệu. Ở đây, nó cũng tiếp tục kéo dài vào bên trong núi qua những kẽ hở. Tôi đi theo một kẽ hở như vậy vào trong sự tối tăm một lúc, cho tới khi có một ánh sáng lờ mờ ở xa báo hiệu một lối ra thứ nhì. Khe hở dẫn nghiên nghiên lên phía trên. Phải trèo lên cao trên những đoạn đường hết sức khó khăn, giống như ống khói. Cuối cùng, nó mở ra ở trên đầu tôi. Tôi leo ra ngoài và bây giờ lại ở trên mặt đất của hòn đảo. Hay chính xác hơn là ở trong một vòng đá núi giống như một cái phễu mà đáy của nó được tạo thành từ những đường rãnh sắc như dao và cứng như thép. Lòng chảo đầy bụi cây và dây leo mọc um tùm, vồng lên ở phía trên của nó là cái chuông xanh của bầu trời; một thế giới đơn độc kỳ lạ, yên lặng, tuyệt diệu.
George Wegener (1865-1939), nhà địa lý học và giáo sư tại trường Đại học Thương mại ở Berlin, Đức, hay tạm ngưng công việc giảng dạy của ông để khởi hành đi tới những thế giới xa lạ.  
  

Khí xuân Hà Nội

Tor Farovik
Phan Ba trích dịch từ “In Buddhas Gärten” [“Trong những vườn hoa của Đức Phật”]
Hà Nội là thành phố châu Á mà tôi yêu thích nhất. Tôi nghĩ điều này có liên quan tới nhiều việc nhỏ. Với tất cả những cái cửa sổ đó, những hàng lan can và ban công, với những ngõ hẻm chật hẹp và mái ngói rêu phong, những cái sân sau và không biết bao nhiêu là góc nhỏ có hoa hồng đủ mọi màu sắc đang nở rộ. Màu vàng ở đây có nhiều sắc đến mức tôi ngây ngất: vàng đất son, vàng lòng đỏ trứng, vàng mặt trời, vàng chanh, vàng mù tạc, vàng mật ong, vàng hổ phách, …
Hà Nội nằm cạnh bờ sông Hồng từ hơn một ngàn năm nay. Khi người Pháp xông lên đất liền vào năm 1882, họ nhìn thấy một thành phố thương mại với 120.000 người dân. Nhiều nhà là nhà sàn và quay mặt tiền xuống sông nước. Nằm ở phía sau đó là khu phố cổ tiêu biểu với nhà ở, phố mua bán, cửa hàng, dinh thự, đền thờ và tường thành của nó. “Rất đáng tiếc là Hà Nội không giống như ý thích của chúng tôi. Truyền bá văn minh cho sự lộn xộn này sẽ là một công việc cực nhọc”, một sĩ quan người Pháp tường thuật lại. Thủ đô tương lai của Đông Dương thuộc Pháp cần phải phản ánh tầm vóc to lớn của Pháp, “đẹp mắt” và mang lại cho người dân “một ấn tượng quyết định về thanh danh của quyền lực thuộc địa”. Và vì thế mà 36 phố phường của khu phố cổ được phép tiếp tục tồn tại.
Người Pháp đã biến mất, và xe ủi đất đang kêu ầm ầm ở rìa thành phố. Ít ra thì cũng có cái gì đó đang được tiến hành. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là nhiều thứ vẫn không bị động chạm đến. Chắc vì cho tới nay người ta đơn giản là không có tiền để làm mất đi vẻ đẹp của thành phố, cướp đi tính cá nhân của nó và làm cho nó trở thành một thành phố lớn xám xịt, vươn lên trởi cao và hiện đại. Đã xảy ra như thế với Bangkok, Singapore và Hongkong, rồi với Bắc Kinh và Thượng Hải thì như thế nào? Chẳng bao lâu nữa, quá khứ của những thành phố này cũng sẽ bị san phẳng. Nhưng Hà Nội xưa cũ vẫn tuyệt vọng bám chặt vào cuộc sống, và những người già quanh hồ Hoàn Kiếm trông giống như di tích của một thời đã biến mất. Trước lúc mặt trời mọc rất lâu, họ lê bước đi xuyên qua màn sương buổi sớm mai, có những người phải chống gậy, chậm chạp và ngần ngừ, như thể họ chưa từng bước một bước chân đi trước đó. Vài người nhìn trông giống như nhà thơ hay triết gia, với bộ râu dài, mắt kính tròn và ánh mắt xa xôi. Những người khác lại gân guốc và có chân vòng kiềng; ánh mắt của họ minh chứng cho một sự chịu đựng nhiều thập kỷ liển. Họ đã có tham gia trận đánh Điện Biên Phủ không? Họ có đào địa đạo Vịnh Mốc không? Họ có chuyên chở vũ kí và gạo trên con đường mòn Hồ Chí Minh không? Họ có phải là những người đã bắn rơi John McCain không?
Chỉ có một vài nước là phải chịu đựng nhiều hơn Việt Nam. 2000 năm mà trong đó chiến tranh nối tiếp chiến tranh, phần lớn chống Trung Quốc, sau này chống người Pháp và người Mỹ. Hàng triệu người đã bị giết chết, và dọc theo Quốc lộ 1, mạch máu chính của đất nước này, những ngôi mộ nằm kế tiếp nhau bất tận. Nhưng bây giờ hòa bình đã trở lại. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất nước đã thống nhất, khi những chiếc xe tăng của Bắc Việt Nam phá vỡ hàng rào của dinh Tổng Thống trong Sài Gòn, thủ đô của miền Nam. Vài phút sau đó, ngọn cờ đỏ đã tung bay trên nóc dinh, và trước khi cái ngày đó qua đi, người dân được thông báo rằng bắt đầu ngay từ bây giờ họ sống trong thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng cuộc sống cũng không phải là nhẹ nhàng cả trong hòa bình. Những người không chạy trốn phải dự tính trước với những biện pháp trừng phạt của chính quyền Cộng sản không nhân nhượng. Kinh tế tư nhân bị cấm, hàng triệu cửa hàng nhỏ phải đóng cửa. Cuộc sống trong Sài Gòn, một trong những thành phố sống động nhất ở châu Á, đã lụi tàn hầu như chỉ qua một đêm. Mãi đến năm 1986, sau nhiều năm đói ăn và nghèo nàn, Đảng mới tiến hành một bước ngoặc. Được gợi ý bởi Perestroika của Gorbachev, những người Cộng sản Việt Nam tung ra câu khẩu hiệu riêng của họ, đổi mới.
Hiện giờ, sự đổi mới đã kéo dài hai mươi năm và Việt Nam đang trải qua một mùa Xuân mới. Tăng trưởng kinh tế hiện nay là khoảng 8% và “Honda Dream” đã trở thành hiện thực cho hàng triệu người. Nó tạm thời vẫn còn lăn trên hai bánh, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ có thêm hai bánh. Hàng hóa đổ ra trên lề đường từ những lổ hỗng toang hoác trong những dãy nhà. Thời của những bát cơm chỉ đầy phân nữa đã qua rồi, và Nông Đức Mạnh, tổng bí thư của Đảng Cộng sản, tuyên bố rằng Việt Nam đang sắp sửa giải phóng mình ra khỏi thể chế của một nước đang phát triển: “Mục đích của chúng ta là rời bỏi câu lạc bộ của những nước đang phát triển cho tới năm 2010.”
Tất cả những điều đấy nghe có vẻ mang nhiều hứa hẹn. Nhưng những người già nói gì, những người đi dạo trong sương mù buổi sáng? Vài người trong số họ đã ngồi xuống những băng ghế đá quanh hồ Hoàn Kiếm và lặng lẽ nhìn xuống làn nước xanh rêu. Một người già với chiếc mũ bêrê màu xanh và mái tóc bạc dài bắt chuyện với tôi.
“Mời ông ngồi xuống đây! Vâng, cứ ngồi xuống! Ông là người Mỹ à?”
“Không, tôi đến từ Na Uy.”
“Na uy? Dầu và khí đốt!”
Ông ấy đưa danh thiếp của ông ấy cho tôi bằng cả hai tay, lịch sự và hình thức, như thể đấy là một món quà tặng cá nhân. Tôi đã gặp một giáo sư kinh tế về hưu.
“Dầu và khí đốt, dầu và khí đốt. Thời gian tốt đẹp cho Na Uy.”
“Tôi thấy ở đây cũng đang đi lên đấy chứ.”
“Vâng …”, ông ấy ngần ngừ trả lời. “Nhưng ngày xưa có lẽ đã tốt hơn.”
“Khi nào?”
“Trong thế kỷ mười sáu.”
“Trong thế kỷ mười sáu?”
Vào sáng ngày hôm sau, cũng ở băng ghế đó, cũng vào giờ đó. Ông giáo sư đến bằng xe đạp và đã mang theo một quyển sách có một bài thơ 500 năm tuổi. Nó tên là “Phụng thành xuân sắc” và là của Nguyễn Giản Thanh. Ông giáo sư ca ngợi nó hết lời và muốn đọc cho tôi nghe bằng tiếng Việt, rồi bằng tiếng Pháp.
Ngao từ chia cực
Phụng đã xây thành,
Sum một chốn y quan lễ nhạc,
Vầy một nơi văn vật thanh danh.
Trời đượm khí xuân, sắc tươi tốt khắp hòa thế giới,
Nước mừng thịnh trị, thế vững vàng chống cột thần kinh.
Bài thơ gồm nhiều đoạn mà cuối cùng chấm dứt bằng:
Con con cháu cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức.
“Thế kỷ mười sáu là thời kỳ rực rỡ của chúng tôi”, ông giáo sư nói, sau khi gập quyển sách lại.
Rồi ông ấy bắt đầu kể cho tôi nghe về triều Lê, kéo dài 360 năm, từ 1428 đến 1788. Lê Lợi, người thành lập triều đại này, dẫn đầu những nhóm kháng chiến Việt Nam, sau khi phần phía Bắc của đất nước bị một đạo quân Trung Quốc chiếm đóng. Vào thời này, triều Minh đang cai trị ở Trung Quốc, và vị hoàng đế xem đấy như là nhiệm vụ thiêng  liêng của ông ấy, khai hóa cho người Việt man rợ.
Cả một thời gian dài trông có vẻ như đạo quân xâm lược Trung Quốc sẽ chiến thắng, thế nhưng rồi có một điều kỳ diệu đã xảy ra: từ ở dưới cái hồ đang ở trước mặt của chúng tôi bất thình lình có một con rùa vàng nổi lên và giao cho Lê Lợi một thanh kiếm thần. Thanh kiếm này mang lại cho người Việt sức mạnh tới mức để họ có thể đuổi người Trung Quốc ra khỏi nước. Khi chiến tranh đã qua đi, vị hoàng đế bơi thuyền ra hồ với thanh kiếm. Con rùa lại nổi lên mặt nước, lấy thanh kiếm và biến mất dưới làm nước sâu. Một huyền thoại thật mạnh mẽ mà vị giáo sư đã mô tả nó sinh động giống như ông ấy đã nhìn thấy mọi việc bằng chính mắt mình.
“Hoàn Kiếm”, ông ấy giải thích cho tôi, có nghĩa là hồ của thanh kiếm được hoàn trả lại.” Sau một vài giây, ông ấy thêm vào đấy: “Tất nhiên, bây giờ thì chúng tôi sống không tệ, nhưng lẽ ra là còn có thể tốt hơn nhiều lắm.”
“Cần phải thay đổi điều gì?”
“Những người tài ở chỗ chúng tôi thì không có ảnh hưởng. Những người lính là để đánh trận, những người tài là để lãnh đạo đất nước. Ông có hiểu không?”
Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, các vị trí quan trọng thường được các anh hùng của cuộc cách mạng chiếm giữ. Nhưng họ không được đào tạo chuyên môn tốt, và phần lớn trong số họ chẳng hiểu biết gì về quản lý hay kinh tế cả. Vì thế mà các chính phủ đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. Những nghị quyết Đảng được nhất trí thông qua không hề quan tâm đến các quy tắc cơ bản về kinh tế, trong khi người dân phải thực hiện những điều kỳ diệu thật sự. Phần lớn giới tinh hoa được xem là không phù hợp chính trị và đã vào tù hay vào trại cải tạo.
Tor Farovik, sinh năm 1948 ở Leka, Na Uy, là tác giả, sử gia và nhà báo. Ông có trên 25 năm kinh nghiệm làm báo ở nước ngoài và ngoài những việc khác là thông tín viên nước ngoài cho Đài truyền hình Na Uy. Ông đã được tặng thưởng Giải Văn học Brage cho quyển Ấn Độ và ngàn gương mặt của đất nước này, năm 2003, một lần nữa ông được tặng giải thưởng này cho quyển du ký về Trung Quốc.
Đọc những bài khác về Việt Nam ở trang Quê hương Việt Nam
Nguồn :  https://phanba.wordpress.com/que-huong-viet-nam/

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen