Montag, 1. Juni 2015

ORIANA FALLACI: CON NGƯỜI VÀ HUYỀN THOẠI

Santa L. Aricò
University of Mississippi
ORIANA FALLACI:
CON NGƯỜI VÀ HUYỀN THOẠI
***
Phần 1*
Kịch Bản Cho Một Cuốn Phim
Tại Đông Nam Á

Ngô Bắc dịch
***
Lời Người Dịch:
       Orianna Fallaci là một người đàn bà ngoại hạng không chỉ của nước Ý Đại Lợi trong thế kỷ thứ 20 và 21.  Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã trải rộng cùng với hầu hết các biến động quan trọng nhất của thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21, xảy ra trên toàn thế giới, chính yếu như một chứng nhân trong vai trò một ký giả, nhưng đồng thời cũng tham dự như một con người-văn chưong.
       Orianan Fallaci sinh ngày 29 Tháng Sáu, 1930 tại Florence, miền trung nước Ý, mất ngày 15 Tháng Chín, 2006.  TheoWikepedia, bà là một ký giả, tác giả, nhà phỏng vấn chính trị đã tham gia kháng chiến chống Phát Xít trong Thế Chiến II, và đã có một chức nghiệp ký giả lâu dài và thành công.  Fallaci đã nổi tiếng khắp thế giới nhờ sự tường thuật của bà về chiến tranh và cách mạng, và các cuộc phỏng vấn với nhiều nhà lãnh đạo thế giới trong các thập niên 1960, 1970, và 1980.
       Fallaci đã bắt đầu chức nghiệp ký giả của mình trong thời niên thiếu, trở thành một thông tín viên đặc biệt cho tờ báo Ý Đại Lợi Il mattino dell’Italia central trong năm 1946.  Từ năm 1967, Fallaci đã là một thông tín viên chiến tranh tại Việt nam, Cuộc Chiến Tranh Ấn Độ - Pakistan, tại Trung Đông và Nam Mỹ Châu.
       Trong nhiều năm của thập niên 1960, Fallaci là một thông tín viên đặc biệt cho tạp chí chính trị L’Europeo và đã viết cho một số nhật báo hàng đầu và tạp chí Epoca.  Trong vụ tàn sát Tlatelolco năm 1968, trước Olympics Mùa Hè 1968, Fallaci bị bắn ba lần, bị nắm tóc kéo xuống cầu thang, và để cho chết bởi các lực lượng Mexico.  Trong một bản tiểu sử của Fallaci, tờ The New Yorker đã mô tả sự ủng hộ trước đây của bà dành cho các sinh viên hoạt động “đã biến hóa thành một sự chán ghét người Mexico”.
       Vào đầu thập niên 1970, Fallaci có một mối tình với một trong các nhân vật mà bà phỏng vấn, Alexandros Panagoulis, kẻ đã từng là một khuôn mặt cô độc trong cuộc kháng cự của Hy Lạp chống chế độ độc tại năm 1967, đã từng bị bắt giữ, bị tra tấn nặng nề và bi giam cầm vì âm mưu ám sát bất thành cựu đại tá độc tài Georgios Papadopoulos.  Panagoulis bị chết trong năm 1976, dưới các tình huống gây nhiều tranh luận, trong một tai nạn trên đường đi.  Fallaci cho rằng Panagoulis đã bị ám sát bởi các tàn dư của nhóm quân phiệt Hy Lạp và quyển sách của Fallaci nhan đề Un Uomo (Một Người) được khởi hứng từ cuộc đời của ông này.
       Trong cuộc phỏng vấn năm 1972 của Fallaci với Henry Kissinger, Kissinger đã tuyên bố rằng Chiến Tranh Việt Nam đã là một “cuộc chiến tranh vô dụng” (useless war) và tự so sánh ông ta với “kẻ chăn bò (cowboy) dẫn dắt chuyến xe hỏa chở hàng bằng việc một mình cưỡi ngựa đi trước .  Kissinger sau này có viết rằng đó là “cuộc đàm thoại đơn độc tai hại nhất mà tôi từng có với bất kỳ thành viên nào của báo chí”.
       Với độc giả Việt Nam, ngoài các tác phẩm mang nhiều sinh hoạt đời thường trong không khí chiến tranh cùng các phóng sự chiến trường nóng bỏng, Fallaci là nữ ký giả duy nhất đã phỏng vấn các tác nhân chính trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ Thủ Tướng (Phó Tổng Thống) Nguyễn Cao Kỳ của miền Nam Việt Nam, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp của miền Bắc Việt Nam, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu  của miền Nam Việt Nam.
       Trong cuộc phỏng vấn năm 1979 với Ayatollah Khomeini, Fallaci đã nói với ông ta là một “kẻ bạo ngược” và đã tìm cách vén tấm màn che thân từ đầu đên chân (chador):
OF: Tôi vẫn phải hỏi ông nhiều điều.  Thí dụ, về tấm khăn che thân (chador), mà tôi bị buộc phải mặc để đến và phỏng vấn ông, và là điều ông áp đặt lên người phụ nữ Iran […] Tôi đang không chỉ nói đến trang phục mà nói về những gì mà nó đại diện, tôi muốn nói đến các phụ nữ Iran bị kỳ thị đã buộc phải chịu đựng sau khi có cuộc cách mạng.  Họ không thể theo học tại đại học cùng với đàn ông, họ không thể làm việc cùng với đàn ông, họ không thể bơi lội trong biển cả hay tại một hồ bơi với đàn ông.  Họ phải làm mọi việc một cách cách biệt, mang tấm khăn choàng chador.  Nhân tiện xin hỏi, làm sao ông có thể bơi lội được khi mang tấm khăn choàng thân “chador” này?
AK: Không có điều nào trong này liên can đến bà cả, phong tục của chúng tôi không liên quan đến bà.  Nếu bà không thích trang phục Hồi Giáo bà không bị bắt buộc phải mặc nó, bởi vì nó dành cho các phụ nữ trẻ và các phu nhân đáng kính.
OF: Ông rất tử tế về việc này, Imam, bởi ông nói với tôi điều đó, tôi sẽ tức thời tháo bỏ tấm vải thời trung cổ ngu xuẩn này. Như thế đó!
Khi hồi hưu, bà thường sống tại New York và tại một ngôi nhà bà làm chủ tại Tuscany.  Fallaci có diễn giảng tại các đại học như University of Chicago, Yale University, Harvard University, và Columbia University.
Sau biến cố ngày 11 Tháng 9, 2001, Fallaci đã viết ba quyển sách phê bình các kẻ Hồi Giáo cực đoan và Hồi Giáo nói chung, và trong cả văn bản lẫn các cuộc phỏng vấn, có cảnh cáo rằng Âu Châu đã quá khoan dung các kẻ theo đạo Hồi.  Quyển sách đầu tiên nhan đề The Rage and the Pride (nguyên thủy là một bài viết bốn trang trên tờ Corriere della Sera, nhật báo toàn quốc chính yếu tại Ý Đại Lợi).  Bà đã viết rằng “các đứa con của Allah sinh sôi như bầy chuột” và trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal năm 2005, bà có nói rằng Âu Châu (Europe) không còn là Âu Châu nữa mà đã trở thành Âu Ả Rập: Eurabia”.  Hai quyển The Rage and The Pride và The Force of Reason đều đã trở thành các quyển sách bán chạy hàng đầu.
Các tác phẩm của bà đã được phiên dịch trong 21 ngôn ngữ, kể cả tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Hòa Lan, Đức, Urdu, Hy Lạp, Thụy Điển, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Hebrew, Croatian, Persian, Slovenian, Đan Mạch, Bulgary …
*****

       Năm 1967, Fallaci hăng hái xin đi đến Việt Nam, khởi sự cho một cuộc phiêu lưu tám năm với tư cách một phóng viên chiến tranh.  Với trọn vẹn ý nghĩa của từ ngữ, sự sụp đổ đẫm máu tại Đông Nam Á đã là một khúc ngoặt. 1 Cô ta liều lĩnh đâm đầu vào hỏa ngục chiến tranh và sản xuất một loạt bài cho tờ Europeo, cũng như quyển sách đoạt giải thưởng nhan đề Niento cosi sia.  Fallaci đã là một trong số rất ít phụ nữ tường thuật cuộc xung đột, nhưng điều quan trọng hơn giống phái của cô lại là loại tường thuật tích cực mà cô đã hoàn thành.  Trong toàn thể sự tường thuật của cô từ Việt Nam, khát khao để tìm hiểu điều một người lính đã suy nghĩ và cảm nhận khi anh ta hạ sát địch thủ đã thúc đẩy sự can dự cá nhân của cô vào các cuộc xung đột, các cuộc tuần tra, và ngay cả một phi vụ thả bom đánh các vị trí của Việt Cộng.  Cùng lúc, tài năng của cô như một văn sĩ thấm nhập mọi dòng chữ đến nỗi nó lôi kéo các độc giả của cô vào việc sống lại một cách gián tiêp các biến cố.  Fallaci đã tiêm những trang sức văn chương của chủ nghĩa hiện thực xã hội vào nghiệp ký giả dấn thân của cô.  Sử dụng các kỹ thuật mạnh mẽ của sự miêu tả cụ thể và trực tiếp, cô đã mang Chiến Tranh Việt Nam vào cuộc sống và thu hồn khối độc giả, chăm chú đến mọi chi tiết trong cuộc phiêu lưu của cô.  Trên hết, Fallaci phóng viên chiến tranh đã duy trì khuynh hướng của mình để viết một cách cá nhân, và cô đã xuất hiện như nhân vật chính trong cả quyển sách lẫn trong các bài viết của cô. 
       Bắt đầu với sự cập bến Sàigòn hôm 18 Tháng Mười Một 1967, cô dựng lên cảnh trí chính thức đầu tiên bằng việc mô tả các quang cảnh thu hút sự chú ý của cô trên đường từ phi trường về khách sạn của cô.  Tại trạm đến của Tân Sơn Nhứt, cô làm cho các độc giả của mình nhận biết về tình trạng nguy hiểm.  “Các chiến đấu cơ phản lực, các phi cơ trực thăng với các khẩu súng máy hạng nặng, các to axe kéo chất đầy bom napalm, đứng xếp hàng với các binh sĩ mỹ trông không vui”. 2 Một khi vào thành phố, cô chia sẻ ngạc nhiên của mình về việc không nhìn thấy tức thời tác động trọn vẹn của chiến tranh.  “Đã có một sự hỗn độn gần như phóng đãng tại thành phố Sàigòn này trong Tháng Mười Một 1967 …Trông dường như một thời kỳ hậu chiến thì đúng hơn: các ngôi chợ đầy thức ăn, các cửa hàng nữ trang chất đầy vàng, các nhà hàng ăn mở cửa và tất cả đều rực rỡ ánh mặt trời”. 3 Thật nhiều kinh ngạc, cô nhận thấy mình trong bàu không khí yên tĩnh của một khách sạn tạo ra ấn tượng của một thành phố lãng quên cơn hấp hối của xứ sở.  “Ngay đến chiếc thang máy, điện thoại, chiếc quạt trên trần đang hoạt động, và người bồi bàn Việt Nam sẵn sàng đáp ứng bất kỳ dấu hiệu nào mà bạn có thể làm, và trên mặt bàn luôn luôn có một cái bát với dứa và xoài tươi”. Nhận xét kết luận của cô phóng chiếu hình ảnh của một tác giả bị buộc bước vào các sự xem xét có tính cách hiện sinh.  “Sự chết đã không xảy ra với bạn”. 4
       Fallaci – nữ anh hùng, kẻ phiêu lưu, thông tín viên, văn sĩ – tự đặt mình vào trận đánh đẫm máu nhất của chiến tranh tại Dak To và, xuyên qua tác phẩm của cô, khơi dậy sự  ngưỡng mộ vì sự can đảm và liều lĩnh của cô.  Các độc giả nhìn thấy cô trên được đưa đến địa điểm trận đánh.  Trong chiếc trực thăng, chỉ có chỗ cho bốn hành khách ngoài hai phi công và các xạ thủ súng máy.  Kết hợp sự mô tả với ý kiến bình luận, cô kể lại nỗi sợ hãi của một trong các bạn đồng hành của cô – một nhà bình luận truyền hình – và sử dụng sự run rẩy co quắp của ông ta để làm dễ dàng cho một sự chuyển tiếp đến cảm thức cá biệt (personism) đầu tiên vượt lên trên tình hình của cô.
Tôi cảm thấy xấu hổ đến nỗi tôi đột nhiên trở thành một con người khác – trầm tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo.  Trong khi anh ta đang rên rỉ, tôi nhoài mình ra khỏi chiếc trực thăng và lạnh lùng ngắm nhìn các ngọn đồi bên tay trái, cuộn khói đen từ quả bom xăng napalm thả xuống bởi người Mỹ trên đầu quân Bắc Việt … Tôi đã không lo lắng một chút nào bởi việc phi cơ chúng tôi bay xuống giữa đó. 5
       Trong suốt sự trình bày về đêm đầu tiên của cô tại Dak To, Fallaci nhấn mạnh đến sự hiện diện của cô trong một trận tấn công bằng súng cối buộc cô phải tìm nơi an toàn tại một trong các căn hầm trên Đồi 1383.  Mặc dù đó là một trận pháo kích nhẹ kéo dài một tiếng đồng hồ, cô vẫn có đủ thời gian để phát triển hình ảnh của một nữ ký giả nép mình tại một nơi trú náu, song đang làm công việc của cô như một phóng viên chiến tranh.  Cô lắng nghe một toán lính nói chuyện về việc né tránh quân dịch và đảm nhận vai trò của kẻ giải bày các duyên cớ đê tiện.  Cuộc đàm thoại của họ chiếu rọi ánh sáng mới vào tư cách của nhiều chiến sĩ, cũng như các thái độ thực sự của họ đối với cuộc xung đột.
“Mày xem, nó có nói với tao nó phải săn sóc cho mẹ nó và vì thế nó đã tìm cách ở lại Los Angeles và bản thân nó đi xây một cái hồ tắm”.
       “Ừ, thằng Jack còn khôn lanh hơn nữa”.
       “Nó đã làm cái gì?”
“Nó đã bắt đầu uống rượu và đã nốc đến thành một kẻ bị loét bao tử, vì thế họ đã gạt nó xuống bởi vì chứng đau bao tử”.
       “ Mình đi chỉ điểm mấy thằng mắc bệnh loét bao tử đi!”
       Theo một trong các binh sĩ đó, bạn anh ta, Howard, đã là một kẻ tinh ma nhất để giành được sự hoãn dịch.
“Khi họ hỏi anh ta là anh ta có thích con gái không, anh ta nói: “Hẳn là không rồi, mọi người đều biết tôi ưa con trai hơn”.
       “Anh ta là người đồng tính luyến ái hả?
“Dĩ nhiên là không.  Bộ mày khùng rồi sao? Nhưng nếu mày nói mày là một kẻ đồng tính luyến ái, họ sẽ loại mày ra ngay, mày không biết hay sao?”
       “Không, ngu thật.  Giả sử tao nói thế bây giờ thì sao?
“Quá trễ, thằng đần.  Mày phải nghĩ về việc đó sớm hơn.  Tao cũng không nghĩ như thế sớm hơn”.        
       Một khi trở lại Sàigòn, Fallaci đã có cơ hội để bày tỏ thái độ cảm tình của cô đối với Việt Cộng.  Cô phỏng vấn hai tù binh địch, khai triển các cá tính của họ trong các sự đối thoại tự do, và phóng chiếu khung tư tưởng của cô ra phía trước.  Thái độ thân Việt Cộng hiển hiện của cô cũng nổi lên vào các lúc khác trong quyển sách.  Nguyễn Văn Sâm [?], kẻ khủng bố đã phá tung nhà hàng Mỹ Cảnh, nhắc nhở cô về một Edoardo Fallaci hai mươi năm trước đó, khi anh ấy ngồi trong một phòng nhà giam của Phát Xít.  Sự trình bày của cô về sự thảo luận của họ, kéo dài từ giữa đêm cho đến hai giờ sáng, nhấn mạnh đến tính con người  và tính anh hùng của anh ta khi anh ta phải chịu đựng sự tra tấn tàn nhẫn bởi tay của cảnh sát Nam Việt Nam.  Khi cô ta sau cùng nói đến việc giết hại của anh ta đối với quá nhiều người, anh ta chuyển tội lỗi sang phía Mỹ.  “Tôi cảm thấy, ừ, tôi nghĩ tôi cảm thấy cùng cách mà một người lính Mỹ phải cảm thấy khi anh tthả các trái bom của mình xuống một ngôi làng vô phương tự vệ.  Sự khác biệt là anh ta bay đi và không nhìn thấy những gì anh ta đã làm.  Còn tôi thì nhìn thấy điều đó”. 7 Tù nhân thứ nhì, một thiếu nữ, Huỳnh Thị An [?], kiêu hãnh từ chối không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, vẫn còn dâng hiến trọn vẹn cho chính nghĩa cách mạng, và phóng chiếu một nhân cách cam chịu, phảng phất như một Đức Mẹ Đồng Trinh (Madonna).
       Khuynh hướng của cô hay lãnh mạng hóa phe đối lập với sự hiện diện của Mỹ cũng xuất hiện khi cô công bố các trích đoạn từ một quyển nhật ký của một binh sĩ Việt Cộng vô danh.  Các đoạn tuyển chọn nhấn mạnh đến nỗi đau khổ của sự chia lìa người yêu, nhiều giọt lệ đã tuôn trào trong sự buồn thảm, các sự đề cập đến sự độc ác của Mỹ, và các sự thống khổ gây ra bởi phe đế quốc chủ nghĩa Mỹ.  Trong việc công bố các tư tưởng thầm kín của Lê Văn Minh [?], cô ta công khai bày tỏ sự ưa thích hơn của cô dành cho phe đối địch và lựa chọn việc khóc thương ít hơn nhiều cho các loại Larry và Johnny đến Việt Nam với thuốc bổ, khẩu phần và trang thiết bị tân tiến của họ.  Sự ấn hành thơ tình của Lê Văn Minh làm cho lý tưởng anh ta cao quý lên, do đó làm giảm bớt hình ảnh tích cực của các binh sĩ Mỹ. 9 Mặc dù nhiều bài viết về Việt Nam của Fallaci làm mất lòng quân đội Hoa Kỳ, cô ta vẫn có tự do hoàn toàn để ấn hành theo ý muốn của mình.  Nhà văn đã trọn vẹn tiến tới việc tán thưởng sự độc lập của cô trong một cuộc thăm viếng sau này đến Hà Nội, nơi các nhà chức trách Bắc Việt tìm cách kiểm soát mọi điều cô đã làm và đã viết.
       Trong Tháng Hai 1968, Fallaci đã đi thăm thành phố Huế, nơi một trận đánh man rợ đã gây một tổn thất ghê gớm về nhân mạng và đã phô bày sự tiến hóa trong thái độ thân Việt Cộng của cô.  Các suy tưởng của cô có khuynh hướng trở nên phổ quát hơn là đặc thù, và cô bày tỏ sự xấu hổ của mình với tư cách một thành viên của loài người.  “Đột nhiên tôi bị chiếm hữu bởi một nỗi lo sợ không phải là nỗi lo sợ bị chết.  Đó là nỗi lo sợ phải sống”. 10 Sau khi một trung úy Mỹ đã cứu cô khỏi một kẻ bắn sẻ, một cuộc đàm thoại tiếp theo trong đó quân nhân này gán nhãn hiệu cho cô là một ký giả cấp tiến đã gièm pha một cách không công bằng và tùy tiện người Mỹ và nghiêng về phe địch.  Ông ta vạch ra rằng ông, một người Mỹ, đã hạ sát để bảo vệ mạng sống của cô, bất luận cô có thích hay không, và rằng cô có tự do để rời đi mà không phải thắc mắc lương tâm gì cả.  Tuy nhiên, ông ta đang sống với sự hiểu biết rằng ông ta đã hạ sát một người nào đó và còn phải làm cùng việc đó nhiều hơn.  Fallaci tán thưởng luận cứ của ông ta và tra hỏi tính khách quan của chính cô trong việc phân tích các tốt và cái xấu.  “Trời ơi, thật khó khăn biết bao để phán đoán, khó khăn biết bao để nhìn thấy cái tốt và cái xấu nằm nơi đâu.  Lúc đó, liệu tôi đã sai lầm khi tôi chọn chỉ khóc thương cho Lê Văn Minh hay Tuyết Lan?  Tôi dường như đã đi vào một ngõ cụt”. 11  Cuộc đàm thoại độc đáo này cho thấy rằng Fallaci bắt đầu nghi ngờ các quan điểm của cô về những gì là phải và trái.
       Tường thuật Trận Đánh ở Huế, Fallaci trở nên bị áp đảo bởi con số cao khác thường trong sự tổn thất thường dân.  Trong ý kiến của cô, cả người Mỹ lẫn Việt Cộng, đều phải chịu trách nhiệm về việc gây ra quá nhiều cái chết.  Tuy nhiên, nét nổi bật trong lời bình luận của cô là sự kết án mạnh mẽ các lực lượng địch.  Bởi đây là lần đầu tiên, các ý kiến của cô về họ chứa đựng các hợp âm tiêu cực và chỉ trích trực tiếp.  “Chúng ta có thể cám ơn những người Mỹ và Việt Cộng. cùng người nam Việt Nam.  Thí dụ, sẽ khó khăn để quyết đoán là liệu các người Mỹ đã giết hại nhiều hơn bằng pháo binh, và súng máy, và bom xăng của họ hay Việt Cộng giết người nhiều hơn với sự hành quyết tập thể của họ”.Việt Cộng đã tức thời hành quyết các đám đông người dân, hạ sát bất kỳ ai từ chối không bắn vào một chiếc phi cơ trực thăng của Mỹ hay những kẻ từ chối không hợp tác trong bất kỳ cung cách nào.  Viết về các sự tàn sát, cô bày tỏ sự kinh hoàng của mình.  “Chúng tôi dường như đang nhìn thấy các đường mương của Mathausen, Dachau, và Ardeatine [các trại tập trung của Đức Quốc Xã hồi Thế Chiến II để tiêu diệt “các kẻ thù của nước Đức bằng nhiều hình thức như lao động quá mức, bỏ chết đói, các phòng hơi độc, v.v… Các người bị sát hại bao gồm các người dân Âu Châu thuộc đủ mọi quốc gia, và kể cả người Mỹ bị bắt giữ bởi Đức Quốc Xã.  Chú của người dịch].  Thế giới đã không thay đổi … con người cũng không thay đổi.  Bất kể màu da hay màu cờ của họ”. 12
       Tháng Năm 1968, trong cuộc Tổng Công Kích Thứ Nhì vào Sàigon, Việt Cộng đã hành quyết các ký giả bị bắt giữ và đã trợ lực đẩy mạnh hơn nữa sự tan vỡ ảo tưởng của cô.  Cô đã nhìn thấy các ảnh chụp và đã đến thăm viếng địa điểm hành quyết để tái dựng bi kịch.  Sự bị xúc phạm của cô bởi nhóm du kích bóp chết các cảm nghĩ tích cực mà cô đã biểu lộ trước đây.  Sự tiến hóa này trong thái độ của cô xuất hiện như một trong các khía cạnh quan trọng nhất của sự tường thuật của cô về cuộc chiến, cũng như trong quyển sách nhan đề Nothing and Amen.  Các thông tín viên đã làm việc khổ nhọc dưới ấn tượng rằng họ được miễn trừ khỏi các sự sát hại của địch quân.  “Việt Cộng chưa từng bắn các ký giả trước đây.  Chưa bao giờ, kể từ khi chiến tranh khởi sự tại Việt Nam.  Bất kỳ ai bị bắt đều được thả mà không tổn thương gì cả. “ 13 Tuy nhiên, các vụ hạ sát dã man Bruce Pigott, Ronald Laramy, Michael Birch, và John Cantwell đã là các hành vi của tính man rợ thuần túy.  Sư hành quyết kế đó Ignacio Ezcurra, một phóng viên trẻ tuổi người Á Căn Đình của tờ La Nacion mà Fallaci đã kết bạn, đã hoàn tất tiến trình giải trừ việc  lãng mạng hóa và phá tan bất kỳ thị kiến lý tưởng nào mà cô đã có về Việt Cộng như các chiến sĩ giành tự do.  Sự nhận thức của cô rằng họ còn cư xử như các súc vật được tóm tắt trong sự đáp ứng của cô trước tình hình.
Thật khó khăn và ngày càng khó khăn hơn nữa, để chấp nhận sự kiện rằng Việt Cộng có làm những điều như thế.  Nói cách khác, rằng họ không phải là các hiệp sĩ hiến thân cho công lý và tự do, như chúng ta đã tô vẽ họ cho đến nay.  Thất đáng buồn, và ngày càng đáng buồn hơn nữa, để thừa nhận rằng họ cũng giống như các kẻ khác – các con vật giống như các đối thủ của họ. 14
       Việc ngắm nhìn các sự tổn thất tại Huế và các bức ảnh của các đồng nghiệp bị sát hại của Fallaci đã là một phần trong kỹ thuật của cô để xây dựng cảnh trí một cách xác thực.  Bản thân cô đã nhìn thấy các ngôi mộ tập thể bị lấp đầy với các nạn nhân của Việt Cộng và các bức hình của các phóng viên bị giết chết.  Sự nhận thức rằng không phải mọi sự độc ác của Việt Cộng đều đã được chụp ảnh, trong khi các bức hình về sự tàn bạo thực hiện bởi người Mỹ hay Nam Việt Nam rõ ràng lúc nào cũng trồi mặt lên, đã mang lại cho cô một cái nhìn khách quan hơn. 15 Cô có thể nhìn cái chết của Ezcurra và các ký giả khác trong cùng khung cảnh của các sự hạ sát tàn bạo trên quá nhiều người dân vô tội khác.  Tuy nhiên, hình ảnh của Ezcurra với đôi tay bị trói, với một vế thương vì đạn ở phía sau đầu của anh ta, làm tiêu tan bất kỳ khái niệm triết lý trừu tượng nào mà cô có thể đã có.  “Trong trái tim tôi, năm thi thể đó đã quấy đảo tôi không khác gì thân xác của Martin Luther King đã làm lộn ngược các người da đen tại Hoa Thịnh Đốn, và thay vì đốt cháy các cửa hiệu trên Đường Mười Bốn, tôi sẽ đơn giản đốt cháy tình cảm và sự ngưỡng mộ của tôi đối với Việt Cộng.” 16
       Không lâu sau khi khám phá ra chân lý cá nhân của chính mình, Fallaci nhận được một quyển sách của Blaise Pascal, quyển Pensées(Các Tư Tưởng).  Các văn bản của triết gia người Pháp mang lại một vài cái nhìn quán triệt vào sự nhận thức rằng chân lý không phải luôn luôn rõ nét và có lẽ truyền đạt sự giải thích thỏa đáng nhất cho tình trạng hỗn loạn của các sự vụ trên thế giới, cùng như cho sự vô nhân đạo của con người với con người.  Theo Pascal, các anh hùng thường có thể lừa dối chúng ta, trong khi các đối tượng của sự khinh miệt đột nhiên trở nên quyến rũ.  Kiến thức và sự cảm thông rằng các lý tưởng của chân lý và sự giả trá trộn lẫn vào nhau trong các tình trạng thực tế làm thay đổi các quan điểm có tính chất tuyệt đối chủ nghĩa của Fallaci về điều đúng và điều sai.  “Mọi vật có phần nào thực và phần nào giả, và phải lẫn trái trộn lẫn vào nhau và những kẻ bạn từng kính trọng làm bạn thất vọng, và những kẻ bạn khinh bỉ có thể làm bạn cảm động”. 17 Điều tin tưởng của Pascal rằng mỗi con người chứa đựng cả thiên thần lẫn súc vật đi vào trọng tâm của vấn đề và đã thành công trong việc làm tư tưởng của Fallaci được nhẹ nhõm.  “Pascal đã làm thay đổi sâu xa chủ nghĩa tuyệt đối của tôi, sự mù quáng của tôi”. 18
       Trong những ngày và những tuần tại Sàigòn, Fallaci, đi theo khuôn mẫu của các tác giả văn chương khác cũng làm việc như các ký giả, lượm lặt chất liệu cho các bài viết của cô trên cơ cấu của cuộc sinh hoạt tại thủ đô.  Trung thành với khuôn mẫu của cô về sự can dự tích cực, cô đã bước vào thế giới khép kín của các nhà sư Phật Giáo, viết về lịch sử phức tạp của phong trào phản đối của họ, và thuật câu chuyện về nữ giáo viên trẻ tuổi Huỳnh Thị Mai, kẻ đã tự thiêu đến chết trên sân của chùa Từ Nghiêm [? trong nguyên bản ghi Từ Nguyên, chú của người dịch].  Cô đã phỏng vấn sư bà chức sắc, Thích Như Huệ [?], người chỉ huy sáu nghìn ni cô và chỉ một mình bà [có quyền] cho phép chính thức họ được tự thiêu. 19 
       Fallaci đan kết các sự quan sát của cô lại với nhau và dệt thành một tấm thảm vẫn còn được lập chứng một cách đắn đo trong khi cùng lúc tự đặt mình vào giữa cuộc sống hàng ngày.  Tuyển tập các giai thoại cho tờ Europeo giống như các truyện ngắn, với Fallaci là nhân vật chính.  “Cuộc Hành Quyết” đặt tiêu điểm vào các nỗ lực ngoại giao để cứu vớt các người Mỹ bị Việt Cộng đe dọa giết nhằm trả thù cho việc dẫn ba người trong họ ra trước toán bắn tử tù.  “Các Đứa Trẻ của Sàigòn” phác họa sự đối diện của Fallaci với ba đứa trẻ ngủ trên vỉa hè khi cô ta làm một cuộc tản bộ muộn màng trong một buổi tối.  “Người Xa Lạ” miêu tả cá tính không thể thấu hiểu được của một vị bác sĩ điềm đạm, Bác Sĩ Khán [?], người đã nói với Fallaci rằng ông ta không còn hiểu được các từ ngữ hòa bình và tự do, như được dùng bởi Sartre và Pascal. Truyện “Cô Đái Điếm” bao gồm một cuộc đối thoại với một cô gái làng chơi tại một quán rượu; các quan điểm của cô về các bệnh truyền nhiễm mang đến bởi người Mỹ, các lời mua dâm đưa ra với chính người phỏng vấn, và sự rút lui mau lẹ của Fallaci.  “Viên Chức Mỹ” tóm tắt sự tức giận của một nhân viên ngoại giao sau khi mời hai người Bắc Việt đến tòa đại sứ Mỹ như một màn mở đầu cho các sự thương thảo và sau đó nhìn thấy các viên chức Nam Việt Nam bắt giữ họ, hay biết rằng hành động này sẽ tự động loại bỏ mọi sự thương thảo tương lai. 20
       Sau bốn mươi ngày ở Sàigòn, Fallaci đã chuẩn bị cho cuộc ra đi lần thứ nhất của cô trong Tháng Hai 1968, và mặc dù cô sẽ quay trở lại đúng lúc có Cuộc Tổng Công Kích Sàigòn lần Thứ Nhì, vào thời điểm mà cô đã cảm thấy phạm tội như một kẻ đào ngũ.  Xứ sở và thành phố đã tạo ra phép tiên đối với cô: các chết và sự phá hủy bao quanh khiến cho cuộc sống thật sôi động biết bao.  Trong các câu văn đầy tính hiện sinh, cô viết nhiệt thành về các tình bạn mới tạo lập và sự vui hưởng của cô các điều thật bình thường trong đời sống chẳng hạn như thức ăn, các tiếng động ồn ào của thành phố và đám đông dân chúng.  Cô yêu và ngưỡng mộ tính huyền diệu của sự sinh sản và tán thưởng cuộc sống của chính cô.
       Sau khi đến New York, cô nhận được một điện tín từ chủ biên của cô để chuẩn bị một bài viết về các phản ứng của người Mỹ trên tin tức và các sự tường thuật truyền hình từ Việt Nam.  Một ít nhà trí thức chẳng hạn như Bác Sĩ Benjamin Spock đã phản đối và đi vào tù nhưng, nói chung, Fallaci đã khám phá ra một sự thiếu hiểu biết khổng lồ về Chiến Tranh Việt Nam, cũng như sự lãnh đạm đáng nbục nhã, và ghi chép nhiều nhận xét này trong quyển sách của cô.  Ăn tối tại một nhà hàng Ý Đại Lợi trên Phố 56, cô nói chuyện với người chủ, kẻ cảm thấy kinh khiếp khi nghe các tin tức về cuộc chiến tranh.  Con trai của ông ta làm việc tại Bộ Quốc Phòng đang học tiếng Việt Nam và chờ lệnh để đi sang Việt Nam.  Tại bàn ăn của Fallaci, ông so sánh sự đánh mất đế quốc của người Anh với sự vô khả năng của người Mỹ để giành được chiến thắng và vướng vào một cuộc tranh luận dữ dội với một vài người ngồi bên cạnh ông ta.  Ngày sau đó, người thợ làm móng tay của cô muốn Tổng Thống Lyndon Johnson tuyên bố một sự đình chiến và mang tất cả các binh sĩ về nước.  Một tài xế xe taxi khăng khăng đòi quân đội hãy thả một trái bom nguyên tử lên trên tất cả “các khuôn mặt da vàng” đó, nhưng đã thay đổi đề tài sau khi cô vạch ra rằng ngay cả các người Mỹ cũng sẽ bị chết.  Khi viên dược sĩ của cô nghe được nơi chốn mà cô đã lưu ngụ trong hai tháng trước đó, ông hỏi là liệu cô ta có cảm thấy mình thích thú hay không. 21 Một cuộc tấn công chờ đợi từ lâu vào Sàigòn đã khởi sự vào thời điểm này và khơi dậy một phản ứng mau lẹ.
       Một khi Fallaci hay biết rằng cuộc công kích Tết đã khởi sự, cô muốn mọi người hiểu rõ ràng là không có quyền lực nào trên trái đất có thể giữ cô không trở lại Sàigòn.  Hôm Thứ Tư, 7 Tháng Hai 1968, cô đã quay trở lại thành phố bị bao vây qua ngả Bangkok trên một máy bay quân sự.  Phi cơ đã phải bay vòng quanh Phi Trường Tân Sơn Nhứt cho đến khi có một sự tạm lắng dịu trong trận đánh tại cổng phía đông nam.  Ngay khi xuống mặt đất, cô mau lẹ chạy vào nơi ẩn náu và đã phải chờ đợi các bộ phận hộ tống có vũ trang để tiến vào thủ đô.  Lính bắn sẻ Việt Cộng dàn hàng dọc theo con đường dẫn xuống khu vực trung tâm, vốn đã trở nên không thể nhận biết được.  Tình trạng giới nghiêm bắt đầu từ hai giờ trưa; các chủ cửa hiệu khóa chặt các cửa sổ; chỉ có các chiếc xe bọc sắt là di chuyển trên các đường phố; các chiến đấu cơ và phi cơ trực thăng bay lượn trên không.  Tiền tuyến đột nhiên xuất hiện ngay trong chính thành phố.  Ngay cả các ký giả phải tuân theo lệnh giới nghiêm vào lúc 7 giờ tối.  Fallaci suýt bị bắn tại một công trường bị vây quanh bằng dây kẽm gai khi cô ta không thể tìm thấy lối ra.  Cô đã tự cứu mình bằng việc hô to lên rằng cô là một ký giả.  Các lính gác đã sẵn bắn các phát súng cảnh cáo.  Bởi vì tình trạng giới nghiêm cũng áp dụng cho các nhà hàng ăn, Fallaci đã dùng các khẩu phần quân đội tại văn phòng Pháp Tấn Xã bên cạnh khách sạn nhỏ của cô, vốn đã không còn thực phẩm.  Mọi người trong thành phố đều cảm thấy sự thống khổ của trạng thái bị tước đoạt.  “Tôi đã quên mất đâu là ý nghĩa của việc bị đói”. 22 
       Trong quyển sách của cô, Fallaci dựng lại Trận Đánh Đầu Tiên vào Sàigòn với rất nhiều chi tiết và các sự chính xác và giải thích làm sao Việt Cộng đã xâm nhập thành công vào thành phố hôm 29 và 30 Tháng Một.  Bản thân trận đánh chỉ kéo dài hai mươi bốn tiếng đồng hồ.  Họ đã đến từ vùng thôn quê, đã chuyển lậu các vũ khí của họ vào trong thành phố với các chiếc xe đẩy, và rồi trong dịp các lễ lạc mừng Năm Mới, đã bắt đầu cuộc tấn công của họ.  Đeo băng đỏ trên cánh tay trái, họ đã di chuyển chậm chạp đến các mục tiêu của họ: tòa đại sứ Mỹ, đài phát thanh, dinh chính phủ, các đồn cảnh sát, các kho chứa chất nổ, và các doanh trại quân đội.  Không ai nhận ra được một cuộc tấn công đang tiến hành, và cần đến hai tiếng đồng hồ để nhận ra rằng cuộc tấn kích vào tòa đại sứ không phải là một biến cố biệt lập.  Tại trung tâm thành phố, giới trung lưu đã từ chối không chịu trợ giúp bất kỳ kẻ xâm nhập nào, các kẻ tự nhận thấy bị buộc phải rút lui về các vùng phụ cận nghèo khổ tại Gia Định, Chợ Lớn và Phú Thọ Hòa. 23 Vào ngày Thứ Sáu, 9 Tháng Hai, Fallaci đến thăm các khu vực này và so sánh sự phá hủy của chúng với tình trạng của Berlin sau Thế Chiến II.  Tại Chợ Lớn, cô nhận thấy trận đánh còn đang khốc liệt và hai ký giả Mỹ, là các người bị thương mười phút trước khi cô ta đên nơi.  Cô nhìn thấy binh sĩ chính phủ hành quyết sáu lính trẻ VC thuộc lứa tuổi từ mười bốn đến mười tám.  Vào ngày Chủ Nhật, 11 Tháng Hai, cô ngồi trên một chiếc phi cơ trực thăng bay trên vùng Chợ Lớn và tường thuật rằng vùng phụ cận này, cùng với một phần tư của Sàigòn, không còn hiện hữu nữa.  Tướng Nguyễn Ngọc Loan, phụ trách việc phòng thủ của thành phố, đã lựa chọn việc san bằng các khu vực rộng lớn với các quả bom đốt cháy (incendiary bombs) để hủy diệt các quân địch. Bất kể một sự chiến thắng rõ ràng, các tin đồn khởi sự được loan truyền rằng một cuộc tấn công thứ nhì sẽ xảy ra trong vòng mười lăm ngày.
       Tại Sàigòn, Fallaci bắt đầu cảm nhận được các ảnh hưởng của sự chết vô hạn định và cần phải rời bỏ trong một thời gian.  Tuy thế, cô đã lợi dụng thời gian lưu ngụ tại thủ đô để có được một cái hẹn với ông Nguyễn Cao Kỳ, Thủ Tướng [đúng ra phải là Phó Tổng Thống, chức vụ chính thức của ông Kỳ khi đó, chú của người dịch] Nam Việt Nam.  Cuộc phỏng vấn sáu tiếng đồng hồ diễn ra tại một biệt thự trên đường Công Lý.  Cuộc phỏng vấn bao trùm tiếng tăm của ông như một tay ăn chơi (playboy), lòng thương yêu của ông đối với người vợ thứ nhì, và sự chỉ trích nặng nề của ông đối với các chính trị gia của chính đất nước ông.  Ông Nguyễn [Cao Kỳ] bác bỏ các động lực vị tha của Hoa Kỳ như là sự ích kỷ thuần túy kinh tế và trả lời tin đồn rằng một vài người nào đó trong chính quyền của chính ông đã sẵn lập kế hoạch ám sát ông.  Sự lạnh lùng và không thể xuyên phá nổi của ông tạo ấn tượng nơi Fallaci.  “Ông là một người Việt Nam giống như nhiều ngừoi khác, không cao không thấp, không mạnh không yếu, về chỉ khác về mặt thể hình với các người khác bởi hàng râu mép đen nổi bật trên khuôn mặt màu hổ phách sậm”.  Cô nhìn ông ta không có gì hấp dẫn, buồn bã, và cao ngạo; tia nhìn của ông thì trực tiếp nhưng cùng lúc ảm đạm và u sầu.  Tuy nhiên, những gì ông phát biểu làm cô lưu ý lớn lao và đã tạo một ấn tượng sâu xa.  Từ phía bên chiến lũy của mình, chỉ có riêng ông Nguyễn [Cao Kỳ] dám thú nhận rằng ông thuộc vào một chế độ vô quyền lực, không có hiệu năng, và tham nhũng.  “Tôi là kẻ duy nhất nói rằng người Mỹ ở đây không phải là để bảo vệ chúng tôi mà nhằm bảo vệ các quyền lợi riêng của họ và thiết lập một chính sách thực dân mới”. 24
       Fallaci đã rời xứ sở này để làm một loạt các sự tường trình từ Hồng Kông.  Sự trình bày thơ mộng của cô về vẻ đẹp của thành phố, cũng như vẻ lịch sự được lập chứng của nó, đi trước một sự phân tích về mối đe dọa của cộng sản từ láng giềng Trung Quốc và sự dọa nạt luôn luôn hiện diện của nó trong đầu óc người dân. 25 Vào ngày 4 Tháng Tư 1968, co đã bay sang Memphis, tiểu bang Tennessee, khi một kẻ ám sát đã bắn chết ông Martin Luther King Jr.  Ba mươi sáu giờ sau vụ ám sát, cô đã dừng chân tại Atlanta để dự đám tang của ông King tại Nhà Thờ Tin Lành Ebenezer Baptist Church và sau đó bay đi Washington, D. C. mà với mười nghìn lính tuần cảnh, trông giống như một thành phố bị bao vây.  Đi dạo quanh đến hai giờ sáng cùng với một nhiếp ảnh gia da đen và một ký giả người Armenia, cô so sánh khung cảnh với Việt Nam khi các lính canh gác chặn họ lại trên các đường phố hoang vắng giống như các đường phố của Chợ Lớn và Gia Định trong tình trạng giới nghiêm vào dịp công kích Tết [Mậu Thân].  Cô cũng bình luận về những người da đen kiêu ngạo ra sao đối với các người da trắng tìm cách giúp đỡ họ. 26
       Fallaci đã rời khỏi Hoa Kỳ, du hành sang Ấn Độ, di chuyển giữa New Delhi, Banaras, Punjab, và Kashmir; và đã điều tra về Thiền Sư Maharishi Mahesh và các lời giảng dạy của ông về phép Thiền Định Siêu Việt (Transcendental mediation), cũng như khả năng bị cáo giác của Shanti Baba để sản xuất các đồ vật từ hư không xuyên qua sức mạnh của tư tưởng.  Trong cả hai trường hợp, cô đã nghi ngờ về tính chân thực của họ và đã kết luận rằng họ là các lang băm tham lam.  Trong suốt cuộc nghiên cứu, việc quá chăm chú đến các tin đồn về một cuộc tấn công của Việt Cộng sắp xẩy ra khiến cô đã không thẩm định đến phong cảnh và tình người của một xứ sở luôn luôn hấp dẫn đối với cô.  “Ở bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc đời tôi, chắc chắn tôi sẽ thả mình vui thú bởi cảnh tượng của một con voi được trang điểm bằng các tấm thảm và hoa, hay một người đàn bà bước đi trong tấm sari, giữ cân bằng một chiếc bình bằng đồng đẹp đẽ trên đầu của mình, hay của một thần nhân (holy man) cầu nguyện bên giòng sông Hằng khi bàu trời đỏ rực trong một buổi hoàng hôn nóng bỏng”. 27 Chắc chắn cô có thể suy nghiệm về sự nghèo đói tuyệt vọng và sự nhẫn nhục của một dân tộc không nổi loạn hay đấu tranh.  Tuy nhiên, tin tức về một cuộc tấn công mới vào Sàigòn đã đánh thức cô khỏi một trạng thái hôn mê.
       Fallaci bất ngờ hay biết về biến cố từ máy phát thanh duy nhất tại một cộng đông người Tây Tạng tại chân rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, gần Dharmshala trong vùng Kashmir.  Cô đi đến đó để phỏng vấn vị nguyên là Phật Sống, Đức Dalai Lama.  Sự thông thái của ông, cũng như sự thanh tịnh của các nhà sư của ông, gây ấn tượng với cô đến nỗi cô tự hỏi là liệu việc rút mình ra khỏi thế giới, các trận đánh của nó, bạo động của nó và mọi trách nhiệm, có phải là con đường hay nhất để đi theo hay không.  Mọi việc dường như trôi chảy một cách hòa hợp và an bình.  Các khu rừng thì êm đềm; chỉ một làn gió nhẹ làm xào xạc các chiếc lá; các đỉnh núi nhọn hoắt của rặng Hy Mã Lạp Sơn hiện ra một cách tực rỡ như các ống hơi của đàn ống.  “Nỗi lo sợ đã không có ý nghĩa tại đây, và từ ngữ ‘Thượng Đế (Phật)’  có thể có một ý nghĩa”.28 Rảo bước tại một sân làng, nơi chiếc xe của cô đang đậu, cô nghe thấy một chương trình phát thanh học đường bằng Anh ngữ về sự thành lập một chính phủ mới của Ấn Độ, khả tính của các cuộc hòa đàm tại Paris và sau đó cuộc tấn công ồ ạt của Việt Cộng khắp Nam Việt Nam.  “Quân du kích đã tấn công với hỏa tiễn và súng cối tại nhiều địa điểm khác nhau trong thủ đô kể cả Phi Trường Tân Sơn Nhứt, và hơn một trăm hai mươi lăm địa điểm khác bao gồm các tỉnh lỵ và các căn cứ của Mỹ”. 29 Bất kể một sự thăm viếng đã sắp xếp để đến Hardwar, một thành phố linh thiêng của tín đồ Ấn Độ Giáo vào ngày 6 Tháng Năm 1968, Fallaci ra lệnh tài xế của cô quay trở về New Delhi để bắt kịp chuyến bay 3 giờ sáng sang Sàigòn.  Cô một lần nữa đến xứ sở bị chiến tranh tàn phá, tiếp tục cuộc nghiên cứu chua chát của cô như một thông tín viên và nhận thức rằng thật là điều bất khả để lấy con người thế vào chỗ của Thượng Đế.
       Chiều hướng của Oriana Fallaci về vai trò của cô như một thông tín viên cho phép các ý kiến, các tư tưởng, và các sự giao kết thẩm thấu các dự án một cách sâu rộng đến nỗi các công trình tường thuật của cô được so sánh với nhiệt tâm tích cực của các nhà truyền giáo.  Các bài viết của cô về chiến tranh tại Việt Nam, cũng như quyển Nothing and Amen, hiện ra như các thí dụ cổ điển của cung cách thông tin tích cực.  Bản chất cá nhân trong các bài viết của cô đi ngược lại các khái niệm quy ước hơn về tính khách quan và cho phép các thiên kiến.  Sự chống đối tổng quát của cô đối với các cuộc chiến tranh và sự biến hóa trong các cảm nhận thân Việt Cộng của cô, cùng với sự cam kết mà với nó cô ôm ghì lấy công việc, xuất hiện như các đặc điểm nổi bật hẳn lên trong quyển sách của cô.  Cô đã trải qua gần một năm tại chỗ trong các năm 1967 và 1968, phỏng vấn các con người giao chiến trong các tình trạng nguy hiểm và suýt mất mạng của cô tại Huế, và sẽ tiếp tục thăm viếng xứ sở ở nhiều thời khoảng khác nhau trong bảy năm kế tiếp.
       Fallaci là một phần tử của một thế hệ tích cực trong các thập niên 1960 và 1970 và giống như các ký giả văn chương như John McPhee, Tom Wolfe, Joan Didion, Richard Rhodes, và Jane Kramer, cô kêu gọi sự chú ý đến tiếng nói riêng của cô.  Cô chủ ý nhồi nhét tính chất, động lực, và thái độ vào trong tác phẩm phi giả tưởng của cô.   Norman Sims chỉ cho thấy rằng các phóng viên thông thường và một số nhà văn viết truyện giả tưởng chỉ trích khảo hướng mới của nghề báo chí.  Họ chĩa sự không chấp thuận của họ vào loại ký giả văn chương mà Fallaci ở trong đó.  “Loại này hào nhoáng, vị kỷ, và vi phạm các quy tắc của ký giả báo chí về tính khách quan”. 30 Trong trường hợp của Fallaci, cô hiểu được sự khác biệt giữa sự kiện và sự ngụy tạo nhưng không chấp nhận các sự phân biệt truyền thống giữa văn chương và nghề viết báo.  Lời bình luận của Tracy Kidder tóm tắt một sự biện hộ của khảo hướng được thực hành bởi các thông tín viên như Fallaci.  “Một số người có một khái niệm rất khách quan về nghề viết báo là gì.  Đó là một ý tưởng khử trùng (antiseptic), ý tưởng rằng bạn không thể nào đưa ra một chuỗi các sự kiện trong một cung cách đáng chú ý mà không làm chúng bị dơ bẩn.  Điều đó cực kỳ phi lý”. 31 Các khuynh hướng của Fallaci thì khác xa với kiểu theo máy móc.   Các sự phô bày của cô tượng trưng văn xuôi phi giả tưởng sử dụng các nguồn lực của giả tưởng và điều đó đẩy việc viết lách vào trong lãnh vực nghệ thuật.  Cô nâng cao chiến tranh tại Việt Nam thành việc trước tác chân lý tưởng tượng – một loại sáng tạo như giả tưởng.  Cùng lúc, các bài viết và các quyển sách của cô sắm vai cho cô trong một kịch bản phim truyện Đông Nam Á như một ngôi sao đắm mình vào trong các sự nguy hiểm tinh thần và thể chất, luôn luôn sẵn sàng phát ngôn chống lại chiến tranh và được lắng nghe. 
       Sự thành công trong nước và quốc tế của Fallaci khơi dậy trong cô ý thức về sức mạnh của ngòi bút của cô và hình ảnh cá nhân của cô.  Cô trở  thành kiểu/loại Fallaci đặc thù: la Fallaci, một ký giả mà sự mạnh dạn khẳng quyết đòi hỏi sự kiểm soát tuyệt đối trên các tình huống và con người.  Sự bùng nổ của thái độ này tạo ra sự bộc phá trọn vẹn hồi Tháng Ba 1969 khi cô du hành đến Hà Nội để phỏng vấn một tù binh chiến tranh người Mỹ (POW: prisoner of war) và để hoàn tất sự tường trình trực tiếp đầu tiên về Bắc Việt Nam bởi một ký giả Ý Đại Lợi.  Mặc dù cô chưa bao giờ tán thành chủ nghĩa cộng sản, cô vẫn nhận được một chiếu khán không khó khăn từ Bắc Việt, phía biết rằng cô đã biểu lộ các cảm nghĩ chống lại Mỹ trong các tác phẩm của cô về chiến tranh tại Việt Nam và rằng cô, trong một lúc, đã nhìn Việt Cộng như các kháng chiến quân anh hùng.  Trong nhật ký về cuộc lưu ngụ mười hai ngày của mình, Fallaci không chỉ giải thích rằng cô đã xâm nhập vào xứ sở này xuyên qua Căm Bốt cùng với một phái đoàn phụ nữ Mác-xít Ý Đại Lợi, mà còn tự phác họa như một ký giả sắc sảo sẽ không bao giờ cho phép cộng sản sử dụng cô như một công cụ để quảng bá các mục đích chính trị của họ. 32 Ngay khi đến nơi, cô nhận thức được thực tế của sự kiểm duyệt.  “Tôi đã sẵn hiểu, trong thực tế, rằng nơi đây tôi sẽ không có thể hoạt động như tại Sàigòn, với quyền tự do đi lại mà các người Mỹ cho phép bạn ngay cả khi bạn nói xấu về họ”. 33
       Cuộc phỏng vấn của cô với một nữ anh hùng trẻ tuổi Việt Cộng còn một chân đã tăng cường hơn nữa ấn tượng của cô về một xã hội bị nhồi sọ bởi tuyên truyền.  Hai lính gác lắng nghe sự trao đổi, ghi chép một cách tỉ mỉ, khi cô gái giải thích làm sao mà cô đã hạ sát các người Mỹ đầu tiên của cô và cô cảm thấy sung sướng vô cùng khi họ bị tan xác.  Kế đến cô tuyên bố rằng các người Mỹ đã cắt đứt cái chân của cô ba năm sáu đó.  “Tôi là một nạn nhân của các hành vi độc ác của Mỹ”. 34 Tất cả các kẻ theo dõi Fallaci đã gật đầu trong một cung cách mãn nguyện.  Tuy nhiên, họ đã giương lông mày lên khi sự tra hỏi của Fallaci phá hỏng trò chơi của họ, và cô làm cho cô gái phải thú nhận rằng một nhóm nhỏ lính Nam Việt Nam đã tra tấn cô và sau đó cắt cụt một chân của cô bé. 
       Sự từ chối của Fallaci không chịu khuất phục trước các sự kiềm chế của cộng sản và vẫn nằm trong các ranh giới của các viên chức được biểu trưng trong tất cả các cuộc phỏng vấn của cô tại Bắc Việt Nam.  Trong lúc đang ở đó, Fallaci bất ngờ nhận được tin rằng Tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định tiếp kiến cô, cùng với ba phụ nữ Mác-xít thuộc phái đoàn Ý Đại Lợi.  Vị anh hùng quân đội nổi tiếng, kẻ đã đánh bại người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, đã sẵn viết một quyển sách nhan đề People’s War; People’s Army (Chiến Tranh Nhân Dân; Quân Đội Nhân Dân), vốn bán chạy tại Hoa Kỳ.  Được xem là một chiến lược gia khôn ngoan, ông hiếm khi gặp gỡ các người khách nhưng tuy thế đã đón chào nhóm nhỏ vào một buổi tối Thứ Bẩy với điều kiện họ không được dùng các máy thu âm.  Trong khi trình bày, ông Võ [Nguyên Giáp] đã bỏ rơi sự cảnh giác khi ông thú nhận rằng Bắc Việt Nam đã tổn thất nửa triệu nhân mạng, tự tách rời khỏi Việt Cộng, nhìn nhận rằng các cuộc hòa đàm tại Paris sẽ không bao giờ giải quyết được bất kỳ điều gì, và chỉ cho thấy rằng chỉ có các sự vận dụng quân sự mới giải quyết được chiến tranh.  Ông nhắc lại rằng người Mỹ sẵn hay biết họ sẽ không bao giờ chiến thắng, rằng chính quyền Sàigòn ngày càng suy yếu hơn, và rằng Hoa Kỳ sẽ sớm đối diện với Điện Biên Phủ của chính họ.
      Sau buổi họp với họ Võ, bốn người phụ nữ mau chóng trở về khách sạn của họ, tập hợp, và tái dựng cuộc phỏng vấn trong khi nó còn tinh nguyên trong đầu óc của họ.  May mắn, bốn người phụ nữ tuân theo bản năng chuyên nghiệp của mình: họ Võ sớm rút lại một số ý kiến và đưa cho Fallaci một bản văn chính thức, mà ông nhấn mạnh cô hãy dùng cho sự công bố và chứa đựng ít các lời tuyên bố nguyên thủy của ông ta.  Fallaci tuân hành và chuyển trình nó cho chủ biên của cô, nhưng cô cũng bao gồm cả cuộc phỏng vấn nguyên thủy, đích thực dài bốn mươi lăm phút.  Chính cô phát biểu một cách khẳng định trong bài viết rằng họ sẽ chỉ tán thưởng các bài viết phù hợp với các mục đích ý thức hệ của họ.  Bắc Việt không bao giờ tha thứ Fallaci về sự nhận định độc lập của cô và về việc dám hành sử sức mạnh của tư tưởng phê bình.  Họ đã yêu mến cô trước đây trong năm 1968 khi có tán dương Việt Cộng, làm phương hại đến người Mỹ nhưng dễ dàng quên đi lời tán tụng của cô về các du kích quân khi cô đã chỉ trích các sự yếu kém và sai lầm của Bắc Việt.  Các sự sỉ nhục và tố cáo làm việc cho CIA (Cơ Quan Tình Báo Trung Ương của Hoa Kỳ) nối tiếp ngay sau khi có sự xuất hiện các bài báo của cô về xứ sở của họ.  Cuộc phỏng vấn họ Võ, lan tràn như trận bão lửa điên cuồng quanh thế giới và còn bay đến tận bàn giấy của Henry Kissinger, sẽ cung cấp sự giới thiệu cần thiết cho một cuộc phỏng vấn tương lai với chính khách Mỹ này. 35
       Lúc sắp chấm dứt cuộc lưu trú, Fallaci đã phỏng vấn một tù binh chiến tranh người Mỹ và tự nhận công về việc tranh thủ được sự phóng thích anh ta.  Cô mô tả Trung Úy Hải Quân Robert Franchot Frishman là còn trẻ, rất cao, gầy, xanh xao, và trông hiền dịu.  Anh ta bước vào phòng họp mặc quần màu xám thùng thình và một chiếc áo len màu xanh bên ngoài chiếc áo tù sọc ngang dọc như bàn cờ.  Anh ta khom lưng khi bước đi giống như một người già và đỡ cánh tay phải bị thương bằng cánh tay trái của anh ta.  Sau khi chớp mắt như thể ánh sáng yếu ớt làm anh ta bối rối, anh hành động như thể hân hạnh được gặp cô.  Không được nói chuyện với bất cứ ai trong một năm rưỡi gây tổn hại.  Các dân làng bắn rơi máy bay anh ta hôm 24 Tháng Mười 1967 và sau khi bắt giữ anh, đã muốn giết chết anh.  Theo bài báo của Fallaci, Frsihman tuyên bố rằng họ có quyền đó vì anh đã hủy diệt nhà cửa của họ.  Thôt ra lời thú nhận sau cùng của tội lỗi cá nhân, anh ta liếc nhìn viên chức kế bên gần như để chứng thực rằng người đó đã thông hiểu.  Đón nhận một cách háo hức một điếu thuốc lá, anh ta một lần nữa nhìn người giám thị và bổ túc rằng anh không muốn làm kẻ bất lịch sự.  “Tôi muốn nói rằng thuốc lá Việt Nam thì rất tốt, vĩ đại, ngoại hạng.  Tôi thực sự rất thích nó, thực như vậy”. 36 Lịch trình hàng ngày của anh ta bao gồm việc thức dậy lúc năm giờ rưỡi và hai bữa cơm ngon mỗi ngày.  Vào khoảnh khắc anh ám chỉ sự đối xử tệ hại, như được chứng thực bởi dáng vẻ hốc hác của anh ta, viên giám thị Việt Nam mạnh mẽ bước về phía trước và tức thời làm câm lặng người tù binh.
       Theo Fallaci, Frsihman đồng ý rằng chiến tranh thì khủng khiếp, rằng người Mỹ không hiểu biết về sự xấu xa của nó bởi vì sự giao tranh xảy ra cách xa họ, rằng người Mỹ là quân xâm lược chống lại Miền Bắc, và rằng không lý luận nào biện minh được cho hành động này.  Cô tường thuật rằng các kế hoạch tương lai của anh ta là rời khỏi quân ngũ, trở lại một trường đại học để học chính trị học từ một quan điểm mới, và mừng cuộc hồi hương của anh ta với Fallaci tại nhà hàng Mamma Leone.  Anh ta giờ đây tin tưởng nơi sự cần thiết của một giải pháp chính trị cho chiến tranh và tính chính đáng tuyệt đối của phong trào phản đối tại Hoa Kỳ.  Khi hết giờ, anh mau chóng trao cho Fallaci địa chỉ người vợ của anh với lời nhắn nhủ rằng người vợ đừng xem anh ta là kẻ tàn phá bất kể sự thương tích nơi cánh tay của anh.  Khi anh ta rời căn phòng, cô cảm thấy bị xúc động bởi sự lo âu, sợ sệt, và sự khuất phục hiển nhiên trước sự tẩy não của địch quân.
       Trong Tháng Tám 1969, một tháng sau cuộc phóng phi thuyền lên mặt trăng đầu tiên, Robert F. Frishman được phóng thích bởi chính quyền Hà Nội và về lại Hoa kỳ.  Cuộc phỏng vấn của cô vang dội khắp báo chí quốc tế trên nhiều tờ báo ngoại quốc, cũng như trên tạp chíLook của Mỹ, và còn lôi cuốn cả sự chú ý của Bộ Ngoại Giao, đã công bố một bản tin tuyên bố rằng Frishman đã nói chuyện với một ký giả Ý Đại Lợi sau một thời kỳ cô lập lâu dài.  Cuộc gặp mặt này có thể tạo trọng lượng trong quyết định trả tự do cho anh ta.  Fallaci trước đó đã phê bình cách thức chính quyền Cộng Sản đối xử các tù nhân và chỉ cho thấy sự thiếu hụt ghê gớm sức mạnh thể chất của Frishman.  Vì thế, cô không biểu lộ sự ngạc nhiên khi nghe thấy về sự phóng thích anh ta, hiểu biết rằng các giới chức thẩm quyền Hà Nội đã khôn khéo biết bao khi sử dụng các biến cố để tạo ra các ấn tượng thuận lợi cho duyên cớ của họ.  Theo Fallaci, họ tính toán để phản ứng lại sự chỉ trích của cô về guông máy tuyên truyền của họ và để tạo ra ấn tượng về thiện chí trong các cuộc hòa đàm tại Paris. 37
       Cô tuyên xác rằng, khi Frishman quay trở về New York hôm 7 Tháng Tám, Bộ Ngoại Giao đã làm mọi điều trong quyền hạn của nó để khước từ sự quảng bá có lợi cho Hà Nội.  Tuy thế, báo chí đã đưa ra các câu chuyện sớm sủa về sự trở về của Frishman và hàng tá các ký giả, thông tín viên, nhiếp ảnh viên, và đoàn quay phim truyền hình đã tràn ngập khăp nơi tại Phi Trường Quốc Tế Kennedy.  Ngay sau khi anh ta đến nơi, các thượng cấp của viên phi công trẻ tuổi đã phân cách anh ta tại Bệnh Viện Hải Quân Bethesda để chữa trị y khoa và, vào ngày 2 Tháng Chín, cho phép một cuộc họp báo bất ngờ trong đó Fallaci hay bất kỳ ai khác của tờ Europeo đã không được mời tham dự.  Theo Fallaci, cấp chỉ huy hải quân rõ ràng chủ ý giúp cho Frishman né tránh các câu hỏi mà cô sẽ nêu lên và rằng anh ta sẽ ưa thích không phải trả lời.  Cô có nhận được một bản sao chụp của bản văn, đã mạnh mẽ phản đối giọng điệu và nội dung của nó, và tuyên bố rằng 95 phần trăm bản văn trực tiếp đến từ guồng máy tuyên truyền của Ngũ Giác Đài.  Sau khi Frsihman bắt đầu một cuộc du hành nhiều nơi để ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ, Fallaci tuyên bố một cách giận dữ rằng anh ta tự mâu thuẫn.  Những gì anh ta đã không nói với cô trong cuộc phỏng vấn tại Hà Nội đột nhiên trở thành vấn đề chủ yếu trong các bài diễn văn của anh ta.  Cô đã viết một lá thư ngỏ trong đó cô phản đối những gì cô xem là sự dối trá của anh ta. 38
       Bới việc tảng lờ cô và từ chối khen ngợi cô một cách công khai như là nguyên do chính yếu cho sự phóng thích anh ta, Frsihman trong thực chất đã cản trở sự sản xuất trọn vẹn một hình ảnh của Fallaci – người giải thoát, xuyên qua sức mạnh của ngòi bút của cô, kẻ ảnh hưởng đến các chính quyền độc đoán để trả tự do cho các tù binh.  Hậu quả, cô phải dạy cho Frsihman một bài học và tuôn ra cơn thịnh nộ tràn đầy sự giận dữ của cô trên anh ta trong phần đầu đầy xúc cảm của bức thư ngỏ.  Cô so sánh anh ta với Huỳnh Thi An [?], thiếu nữ Việt Nam mà cô đã phỏng vấn trước đây tại Sàigòn, và tuyên bố rằng sự chịu đựng, niềm kiêu hãnh, và ngay cả thái độ khinh bỉ của cô bé sáng chói hơn hành vi của anh ta về mặt phẩm giá, tính can đảm, và lòng yêu nước.  “Có vẻ đối với tôi ông đã không hành động theo cùng cung cách trong cuộc gặp mặt mà chúng tôi đã có”.  Kế tiếp cô la mắng anh ta về việc nói rằng cô đã biểu lộ một sự thông cảm thành thật về tình trạng của anh ta song lại không tuyên bố rằng có thể Bắc Việt Nam đã trả tự do cho anh ta chính là một kết quả của sự quảng bá được phát sinh bởi bài viết của cô.  “Nhưng lòng biết ơn không phải là một trong các đức tính của ông”.  Cô còn quở trách anh ta về sự thay đổi thái độ của anh.  Tại nhà tù Hà Nội, anh ta đã đồng ý rằng chiến tranh thì khủng khiếp; sau khi trở về, anh ta nói ngược với các lời phát biểu của mình.  “Tôi nhìn thấy rằng ông một lần nữa yêu thích chiến tranh và mô tả một cách hân hoan nỗi vui mừng khi nghe được tiếng bom rơi trên Hà Nội và đau khổ rằng chúng không còn rơi xuống nữa.  Thưa Trung Úy, làm sao ông lại thay đổi một cách mau chóng đến thế”. 39 Sự ngạc nhiên lớn nhất của cô xảy ra không phải từ lời ca tụng của Frishman dành cho các cai tù của anh ta, bởi vì bất cứ ai với một chút thông minh sẽ nhìn thấy rằng họ đã buộc anh ta phải nói theo cách đó, nhưng từ lời tuyên bố của anh ta tại buổi họp báo rằng anh ta đã kháng cự vì sự kiêu hãnh.  “Thưa Ngài Trung Úy, ngài đã không kháng cự bất kỳ điều gì và không hề có sự hãnh diện nơi ngài”.  Cô còn bác bỏ lời tuyên bố của anh ta rằng anh và các kẻ khác đã nhờ cậy nơi sự chân thật của người Mỹ, vạch ra rằng anh ta đã không có làm điều đó một lần nào ngay dù cô đã mang lại cho anh ta nhiều cơ hội khác nhau để ra dấu hiệu hay phát biểu một cách thành thật.  “Thay vào đó tôi đã phải tháo gỡ tin tức và ấn tượng từ ông bằng chiếc kẹp thai nhi (forceps), cương quyết  kéo mạnh, toát mồ hôi, và ngắt đứt sự lập lại thường trực của ông về lòng quảng đại mà ông đã được đối xử”. 40
       Trong cuộc đối thoại nguyên thủy, Frishman có đưa ra lời hứa hẹn với Fallaci đi ăn tối tại nhà hàng Mamma Leone, nơi mà họ sẽ chào mừng sự quay về với tự do của anh ta.  Khi anh không giữ đúng hẹn, cô cảm thấy thất vọng nhưng sau đó lấy làm nhẹ nhõm, không còn mong muốn ngồi ăn hay uống với anh ta tại cùng một chiếc bàn.  “Tôi sẽ nói với ông tại sao.  Các anh hùng làm tôi say mê, nhưng không phải mọi người sinh ra là một anh hùng.  Tôi chỉ yêu cầu ông là một con người.  Và là một con người còn có nghĩa hãy nhìn vào mắt của các chứng nhân mà ông muốn tốt hơn là nên quên đi”.  Hiểu biết hoàn toàn rằng cô đã trở thành một cội nguồn gây phiền muộn, cô cũng tự trách mình:
Trong thực tế, tôi luôn luôn lấy làm bối rối: cho mọi người và ngay cả cho riêng tôi.  Nhũng gì tôi đã thuật lại về chiến tranh tại Việt Nam đã không được thoải mái cho người này hay người kia: sau sự tường thuật của tôi về Sàigòn, người Mỹ đã xem tôi là một người cộng sản và sau các sự tường trình của tôi về Hà Nội, phe cộng sản gọi tôi là một kẻ phản động phục vụ Hoa Thịnh Đốn.  Đó là định mệnh của bất kỳ kẻ nào suy nghĩ theo lương tâm của chính mình, và tôi chấp nhận điều đó với lòng hãnh diện. 41
       Lúc Fallaci đầu tiên nhìn thấy Frsihman lúc 5 giờ chiều ngày 7 Tháng Tám, 1969 tại Phi Trường Kennedy theo sau sự phóng thích của anh ta, cô đã quá vui mừng khi nhận ra anh ta.  Sau khi đã viết các bức thư khích lệ cho vợ anh ta, trình bày thận trọng về cánh tay bị thương tích của anh ta, và truyền đạt các lời nhắn từ cuộc gặp gỡ tại Hà Nội, cô ta phát triển một mối quyến luyến với người tù binh.  Khi cánh cửa máy bay mở ra tại New York, cô thay đổi thái độ của mình.  Chiếc cầu thang được đẩy tới và một sĩ quan hải quan bước xuống trong bộ đồng phục.  Đứng phía bên này hàng rào với các ký giả, Fallaci ngắm nhìn anh ta bước tới bục diễn đàn gân đó với điều cô mô tả như một cái nhìn khó chịu của sự cương quyết nhưng, không đếm xỉa đến điều đó, cô bắt đầu kêu to, “Frsihman! Frishman!”.  Tuy nhiên, anh ta không quay đầu hay nhìn nhận lời kêu gọi.  Vợ anh ta, đứng bên cạnh, thì thầm gì đó vào tai anh ta trong khi cô ta chỉ tay nhiều lần đên Fallaci.  Song anh ta tiếp tục nhìn về hướng ngược lại. Trong một cung cách không nhân nhượng điển hình của mình, Fallaci nhảy băng qua hàng rào và tìm cách kéo cánh tay anh ta và gọi tên anh ta trước khi nhiều cảnh sát kéo cô ra xa.  Dù thế, cô có đủ thì giờ để nói điều gì đó khi anh ta quay nhìn về hướng của cô.  “Frishman! Bộ anh không nhớ tôi sao? “Vâng, tôi có nhớ cô.  Chắc chắn nhớ chứ!” 42 Fallaci không bao giờ gặp lại anh ta.
       Kết luận của bức thư ngỏ nhắm vào ảnh hưởng của thượng cấp của Frishman.  “Họ bảo ông những gì phải làm và những gì phải nói”.  Trong đầu óc của Fallaci, họ đã tức thì nhồi sọ anh ta tại Căm Bốt và đã có thừa thời giờ để đưa ra các đề xướng, ngay cả việc khẳng quyết rằng anh ta hãy tránh xa khỏi cô, quan sát viên Tây Phương duy nhất gặp anh ta trong nhà tù.  Trong thực tế, danh tính của Fallaci đã được nêu lên lần đầu tiên tại Lào khi các ký giả hỏi là liệu những gì cô đã viết ra có đúng thực hay không và đã nghe thấy anh ta đưa ra một câu trả lời khẳng định.  Kế đó họ đã hỏi là liệu sự đối xử của Hà Nội có tốt như cô đã tường thuật hay không, và đã nhận được một sự đáp ứng kém nhiệt thành hơn: “Đầy đủ”.  Bất kể một cố gắng để chứng minh điều cô xem là hành vi không thể chấp nhận được của người tù binh, Fallaci quay trở lại các sự khiển trách của cô, phóng đại phạm vi của chúng để bao gồm cả quân đội Mỹ, và cám ơn Thượng Đế rằng một số người nào đó luôn luôn tìm cách bảo vệ các quyền thiêng liêng của sự thật.  “Ông Frsihman giờ đây có là một con người tự do hay không, hay ông đã di chuyển từ nhà tù ở Hà Nội đến một nhà tù tại Hoa Thịnh Đốn? Có lẽ sẽ khá thích thú để buộc phải thừa nhận rằng để phỏng vấn ông Frishman, người ta phải đi đến Hà Nội”. Trước khi kết luận, cô để ngỏ cánh cửa để đón nhận một sự bác bỏ.  “Tôi luôn luôn sung sướng sẽ sai lầm khi đó là một vấn đề để cứu vãn nhân phẩm của một con người”. 43
       Mặc dù chúng cung cấp một chứng từ độc đáo, hai bài viết của Fallaci về Robert Frishman cũng vạch ra các nhược điểm tiềm ẩn trong phong cách làm báo cá nhân hóa của cô.  Các Tù Binh Chiến Tranh tại Bắc Việt Nam được cho phép để phỏng vấn bởi các ký giả thân cộng sản từ Cuba, Albania, và các nước khác, nhưng họ bị cưỡng bách thực hiện các buổi diễn tập về những gì và cách thức họ được giả định sẽ truyền đạt.  Với sự kháng cự nhẹ nhàng nhất, họ phải chịu các hình thức bạo tàn của sự tra tấn.  Chính vì thế, so sánh các lời tuyên bố mà Frishman đưa ra sau cuộc phóng thích với những gì phát biểu trong khi còn trong tù xem ra khó có tính cách hữu ích hay chính đáng.  Trong thực tế, bản thân Frishman thú nhận rằng giọng điệu của anh đã thay đổi sau khi được phóng thích nhưng vạch ra rằng bạn chỉ có thể làm nhiều đến mức như thế, với một khẩu súng kề bên tai bạn.  Quan điểm của anh ta rằng các độc giả thông minh sẽ nhìn thấy một cách đứng đắn xuyên qua các sự tố cáo của Fallaci về sự không nhất quán và sẽ thông cảm sự câu thúc nhiều biết bao mà các phi công quân đội đã phải chịu đựng khi còn trong các nhà tù cộng sản. 44
       Về sự tuyên bố của Fallaci rằng cuộc phỏng vấn của cô có trọng lượng nặng nề trong việc giành đoạt sự tự do của anh ta, viện cựu tù nhân chiến tranh đã không thể nói là liệu điều đó có trợ lực vào đó hay không.  Bức ảnh chụp anh ta đã xuất hiện trên tờ Europeo và cho thấy anh ta bị sụt cân.  Bắc Việt Nam có thể đã phóng thích anh ta để chứng minh sự đối xử tử tế của họ đối với các tù binh.  Cho rằng anh ta không có thể đọc được ý nghĩ của các kẻ bắt giữ anh ta, Frishman đã nói về Fallaci mà không có sự chua chát.  Ngược lại, anh đã ca ngợi cuộc phỏng vấn của cô tại Hà Nội, xác nhận rằng cô đã đảm nhận sự kiểm soát tức thời, và cho hay rằng cô đã ứng xử như một cá nhân đằm thắm khi làm công việc của mình.  Qua sự truyền tin không chính thức, anh có hay biết rằng các cuộc phỏng vấn khác có diễn ra và các giới chức thẩm quyễn quyết liệt biết bao khi họ thuyết phục các người bị giam cầm phải đưa ra các câu trả lời cá biệt.  Anh đã vạch ra rằng Fallaci thì khác biệt.  Cô đã nhấn mạnh không có điều kiện tiên quyết hay các câu hỏi soạn trước, cuộc phỏng vấn sẽ cùng phải bình thường như thế.  Trong thực tế, các viên chức mau chóng cố gắng kết thúc cuộc phỏng vấn bằng việc nói rằng anh ta đã bị mệt mỏi.  Họ nhận thức rằng, bởi Fallaci sẽ không cho phép họ đẩy cô vào một chiều hướng cá biệt, cuộc đàm thoại đã không xảy ra như họ chủ định. 45
       Sau khi được phóng thích, Frishman đã đi sang Lào trong một ngày nơi anh đã gặp gỡ vị đại sứ Hoa Kỳ.  Trái với những gì Fallaci viết ra, Frishman cho rằng anh ta đã không tức thì bị khuất phục trước một cuộc điều trần căng thẳng để phản công lại sự tuyên truyền của Bắc Việt.  Anh nhấn mạnh rằng mục đích đầu tiên của ông là để chia sẻ tin tức về các tù binh khác và để trợ lực vào nỗ lực chiến tranh của Mỹ.  Nếu cuộc điều trần kéo dài, đó là bởi vì anh ta đã mong muốn nó diễn ra như thế và đã hy vọng rằng nó sẽ có giá trị.  Bất kể điều mà Fallaci có thể thích tin tưởng, việc đó không dính dáng gì đến cô.  Anh không hề nhận được chỉ thị né tránh người phụ nữ từ thành phố Florence để khỏi bị bối rối.  Sau khi được phóng thích, các viên chức đã không tẩy não anh để phát biểu theo một đường lối nào đó.  Anh đã tự do cung cấp tin tức tình báo và bắt kịp thời sự bằng việc đọc các bài viết trên các tạp chí và nhật báo, trong đó anh đã khám phá ra cuộc phỏng vấn của cô với anh ta tại Hà Nội. 46
      Fallaci đã bày tỏ sự tức giận khi Frishman đã không nhìn nhận cô tại New York.  Sự bộc phát lời chỉ trích của cô bắt đầu sau khi anh ta về đến phi trường Kennedy, khi cô mô tả một sĩ quan mặc đồng phục rời khỏi chiếc máy bay.  “Con aria saddisfatta, superb, arrogante.  Sbattei gli acchi, tratenni il fiato: era Lei” (Trông mãn nguyện, ngạo mạn, hãnh diện.  Tôi chớp mắt.  Tôi nín thở: ông đó sao). 47 Trong một cuộc đoàn tụ đau thương với gia đình và các bạn hữu, viên trung úy “vô ơn” đã có sự trơ tráo không dành thì giờ cho cô.  Bất kể các cuộc gặp gỡ đã sắp xếp lịch trình với tổng thống, bộ trưởng ngoại giao, và các viên chức cao cấp khác, anh mắc tội không ôm choàng lấy Fallaci, đặt định thời gian ăn tối tại nhà hàng Mamma Leone, và ghi nhớ món nợ của anh với cô, mãi mãi.  Frishman tuyên bố rằng, tại cuộc họp báo bất thần tại Bethesda, ban giao tế công cộng quân đội không đặt giới hạn nào trên anh ta.  Anh không ngăn cản sự hiện diện của cô hay có thì giờ để để ý đến sự vắng mặt của cô.  Trong khi Fallaci tranh luận rằng các viên chức hải quân từ chối không mời cô để tránh cho Frishman các câu hỏi mà cô có thể nêu lên, bản thân anh nói rõ rằng anh sè không có gì để phản đối sự hiện diện của cô. 48 Sau cùng điều hiểu biết chung rằng chính phủ Hà Nội đã cho phép Fallaci vào đất nước họ với cùng các lý do mà họ đã tiếp đón Jane Fonda.  Phần lớn người Mỹ có con ở Việt Nam sẽ phản ứng với sự đau lòng nếu chính phủ của họ chấp thuận sự quảng bá nhỏ bé nhất cho bất kỳ ai đã biểu lộ công khai cảm tình dành cho Việt Cộng.
       Bản thân Frishman thừa nhận một lý do khác nữa cho sự từ chối sau này một hẹn gặp với Fallaci.  Anh đã dành nhiều thì giờ cho gia đình, trải qua sự thử nghiệm y khoa lâu dài, và tình nguyện ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Mỹ.  Anh đã quan tâm đến các hoạt động này nhiều hơn việc gặp lại cô.  Cùng lúc, anh đã hay biết rằng cô đã có một tiếng tăm như một trong các nhà phỏng vấn hàng đầu của thế giới, rằng cô là một loại ký giả kiểu Chương Trình [Truyền Hình] 60 Minutes (60 phút) năng nổ, thường thu hái được điều cô muốn có bất kể việc gì xảy ra, rằng cô đã phỏng vấn người ta và sau đó chỉ trích họ; và các cuộc gặp gỡ của cô đã bắt đầu có vẻ như các cuộc trắc nghiệm sức mạnh. 49 Sự việc xảy ra như thể cô đã phải cưỡng bách đối tượng của cô – trong trường hợp này là một tù binh chiến tranh được phóng thích – đi đên việc nhìn cuộc đời phần lớn theo các điều kiện của cô.  Trung Úy Robert F. Frishman đơn giản hành xử một quyền cá nhân và từ chối không chịu quỳ gối trước cô ta.
       Ý kiên của Fallaci về việc mở ngỏ cho sự bác khước của Frishman nhằm cứu vớt phẩm giá của anh ta có tính cách xúc phạm.  Viên trung úy Hải Quân Hoa Kỳ đã cư xử với sự đứng đắn lớn lao qua việc tảng lờ các nhận xét châm biếm của cô.  Hơn nữa, anh không có nhu cầu phải chứng minh hô sơ quân đội can trường của anh với cô ký giả Ý Đại Lợi.  Bởi sự phục vụ xuất sắc như một phi công của Phi Đoàn Chiến Đấu 151, anh đã nhận được Bội Tinh Phi Hành Xuất Sắc (Distinguished Flying Cross), chín huy chương không quân, hay Huy Chương Tuyên Dương Hải Quân, và Chiến Thương Bội Tinh (Purple Heart).  Anh đã bay 128 phi vụ trên Bắc Việt Nam trong các năm 1966-67.  Sau khi hồi hương, anh được gửi đến bệnh viện hải quân tại San Diego, nơi anh đã trải qua các cuộc giải phẫu và điều trị cho các vết thương phải gánh chịu khi máy bay của anh bị bắn rơi. 50 Anh sau đó trở thành chủ tịch của Hội Quan Tâm Đến Các Tù Binh Chiến Tranh (Concern for Prisoners of War, Inc.), một tổ chức vô vị lợi tại California chuyên giành đoạt sự đối xử nhân đạo đối với các Tù Binh Chiến Tranh tại Đông Dương.  Các sự tố cáo của Fallaci về tác phong bất xứng là kẻ nam nhi đã phủ một tấm màn đen lên trên các giai thoại mặt khác thật sáng chói trong giai đoạn này trong chức nghiệp ký giả của cô./-                       
___
CHÚ THÍCH
1. Ba bài viết tích cực, tham gia, và cá nhân hóa của bà – tất cả trên tờ Europeo – về cách mạng Hung Gia Lợi chống lại Liên Bang Sô Viết đã hình dung trước dưới hình thức vỏ bọc (capsule form) các phần trước tác của bà từ Việt Nam; xem “Ho vissuto in Ungheria l’ultima note della libertà”, số 46 (11 Tháng Mười Một, 1956): 30-33; “L’Ungheria è straziata come Maria Takacs”, số 47 (18 Tháng Mười Một, 1956): 29-31; “Questo è il raconto di uno dei deportati”, số 49 (2 Tháng Mười Hai, 1956): 26-29.
2. Oriana Fallaci, Nothing and Amen, phiên dịch bởi Isabel Quigly (Garden City, Doubleday, 1972), 2.  Tất cả các phần trích dẫn rút từ bản dịch của Quigly; nhưng cũng xem Niente e così sia (Milan: Rizzoli Editore, 1969).  Bài viết đầu tiên về Việt Nam cho tờ Europeo là “Dio, non farmi morire”, số 2 (11 Tháng Một, 1968): 25-36.
3. Fallaci, Nothing and Amen, 1.
4. Cùng nơi dẫn trên, 3.
5. Cùng nơi dẫn trên, 11.
6. Cùng nơi dẫn trên, 14.
7. Cùng nơi dẫn trên, 56.
8. Hai cuộc phỏng vấn cũng được tìm thấy trong bài viết của Fallaci, “È un prigioniero Vietcong”, Europeo, số 3 (18 Tháng Một, 1968): 25-36.
9. Fallaci, Nothing and Amen, 142-47.
10. Cùng nơi dẫn trên, 171.
11. Cùng nơi dẫn trên, 176.
12. Cùng nơi dẫn trên, 168-69.
13. Cùng nơi dẫn trên, 112.
14. Cùng nơi dẫn trên, 232.
15. Muốn có thêm tin tức về các ký giả bị hạ sát, xem Oriana Fallaci, “Non vogliono la pace”, Europeo, số 21 (23 Tháng Năm, 1968): 34-41.
16. Fallaci, Nothing and Amen, 253.
17. Cùng nơi dẫn trên, 253-254.
18. Cùng nơi dẫn trên, 254.
19. Oriana Fallaci, “Ma come late a bruciarvi vive”, Europeo, số 4 (25 Tháng Một, 1968): 13.  Tin tức về các vụ tự thiêu của Phật tử cũng được tìm thấy trong quyển Nothing and Amen.
20. Các giai thoại trong bài viết của Fallkaci, “Le storie di Saigon”, Europeo, số 5, (1 Tháng Hai, 1968): 33-39.  Các giai thoại khác trong bài “AđioSaigon”, Europeo, số 6 (8 Tháng Hai, 1968): 26-31.
21. Fallaci, Nothing and Amen, 98.  Cũng xem Oriana Fallaci, “La rivoltella del generale Loan”, Europeo, số 7 (15 Tháng Hai, 1968): 8-121.
22. Oriana Fallaci, “Sono tornata a Saigon in fiamme”, Europeo, số 8 (22 Tháng Hai, 1968): 28.
23. Fallaci, Nothing and Amen, 103-7.  Cũng xem Fallaci, “Sono tornata a Saigon”, 28.
24. Fallaci, Nothing and Amen, các trang 200-201.  Cuộc phỏng vấn của bà xuất hiện lần đầu trong bài “Ho intervistato il dittatore del Vietnam”,Europeo, số 12 (21 Tháng Ba, 1968): 21-27.
25. Xem Fallaci, “Eccomi tra le guardie di Mao”, Europeo, số 13 (28 Tháng Ba, 1968): 29-35.; “Le storie di Hong Kong”, Europeo, số 14 (4 Tháng Tư, 1968): 29-35.
26. Fallaci, “Sono stata assalita dalla folla di Atlanta”, Europeo, số 16 (18 Tháng Tư, 1968): 38-41.
27. Fallaci, Nothing and Amen, 212.
28. Cùng nơi dẫn trên, 213.
29. Cùng nơi dẫn trên, 241.
30. Norman Sims, “The Literary Journalists”, trong The Literary Journalists, biên tập bởi Norman Sims (New York: Ballantine, 1984): 5.
31. Kidder được trích dẫn trong bài viết của Sims, “Literary Journalists”, 5.
32. Với tư cách một ký giả độc lập, Fallaci không bao giờ cúi đầu trước các mệnh lệnh ý thức hệ của phe Mác-xít và đã đưa ra các phán đoán độc lập dựa trên bằng chứng.  Ba ký giả kia là các kẻ theo Mác Xít.
33. Oriana Fallaci, “Oriana Fallaci nel Vietnam del Nord”, Europeo, số 13 (27 Tháng Ba, 1969): 20.
34. Cùng nơi dẫn trên, 25.  Bàu không khí của một quốc gia cảnh sát “anh lớn” cùng xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn của Fallaci với du kích quân mười lăm tuổi Hồ Thị Thu [?], linh mục Công Giáo, Cha Jean Baptiste, và Lưu Quý Kỳ, chủ biên một trong năm tờ báo ở Hà Nội, xem Fallaci, “Oriana Fallaci nel Vietnam del Nord”, 23-28.
35. Xem Oriana Fallaci, “Il Generale Giap mi riceve”, Europeo, số 14 (3 Tháng Tư 1969): 25-30, cũng như toàn bản văn cuộc phỏng vấn trong quyểnInterview with History, phiên dịch bởi John Shepley (New York: Liveright, 1976), 74-87; nguyên thủy được ấn hành với nhan đề Intervista con la storia(Milan: Rizzoli Editore, 1974).
36. Oriana Fallaci, “Prigionieri nel Vietnam”, Europeo, số 16 (17 Tháng Tư, 1969): 21.
37. Oriana Fallaci, “Liberato il prigioniero Americano”, Europeo, số 34 (21 Tháng Tám, 1969): 16-19.  Cũng xem Oriana Fallaci, “Il prigioniero si rifiuta di vedermi”, Europeo, số 41 (9 Tháng Mười, 1969): 26-31.
38. Bài viết thứ nhì của Fallaci về Frishman, “Il prigioniero si rifiuta” gồm chứa bức thư phản kháng.  Giữa bài viết thứ nhất, “Liberato” và bài viết thứ nhì, Fallaci đã viết một lịch sử theo chứng liệu về đời sống của Hồ Chí Minh.  “Storia di Ho Chi Minh”, Europeo, số 38 (18 Tháng Chín, 1969): 31-40.
39. Fallaci, “Il prigioniero si rifiuta”, 30.
40. Cùng nơi dẫn trên, 31.
41. Cùng nơi dẫn trên.   
42. Cùng nơi dẫn trên.
43. Cùng nơi dẫn trên.
44. Phỏng vấn bằng điện thoại với Frishman, 10 Tháng Sáu, 1994.
45. Cùng nơi dẫn trên.
46. Cùng nơi dẫn trên.
47. Fallaci, “Il prigioniero si rifiuta”, 31.
48. Phỏng vấn bằng điện thoại với Frishman, 10 Tháng Sáu, 1994.
49. Cùng nơi dẫn trên.
50. Tin tức về binh nghiệp của Frishman thu lượm được từ Phòng Thông Tin Hải Quân (Navy Office of Information), Trung Tâm Lịch Sử Hải Quân (Naval Historical Center) Trung Tâm Lịch Sử Hải Quân) tại Washington, D. C.

*****

Phần 2
Phân Cảnh Tại Tòa Bạch Ốc,
Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ *
(* tiểu đề do người dịch đặt)

       Kỹ thuật của Fallaci về việc đặt câu hỏi ứng khẩu cũng được đem ra sử dụng trong cuộc gặp gỡ của cô với Henry Kissinger tại Tòa Bạch Ốc.  Cô đã thừa nhận sự cần thiết của việc xâm nhập vào con người huyền bí của ông ta đến từ nguồn gốc của sự thành công chưa từng có như một đặc sứ có ảnh hưởng nhất của Chính Phủ Hoa Kỳ.  Sự vui lòng của ông ta để tiếp đón cô làm Fallaci ngạc nhiên; ông chỉ phát biều nhiều lần tại các cuộc họp báo và chưa bao giờ cho phép các cuộc phỏng vấn riêng tư với các ký giả.  Theo nhà chính khách, cuộc phỏng vấn của cô với Tướng Võ Nguyên Gíap của Bắc Việt tại Hà Nội hồi Tháng Hai 1969 đã tạo ấn tượng thuận lợi nơi ông và đã chứng tỏ là yếu tố quyết định.  Dù thế, ông đã sửa đổi sự đồng ý của ông bằng việc cho phép trước tiên một cuộc gặp gỡ sơ bộ trong đó Fallaci đã phải làm việc tối đa trong cuộc nói chuyện sao cho ông có thể quyết định là liệu có gặp cô lại hay không.  Cô đã bước vào văn phòng ông lần đầu tiên hôm 2 Tháng Mười Một 1972.  Ông tiến vào với vẻ mệt mỏi, miệng không cười, và chào cô: “Chào cô Fallaci vào buổi sáng nay”. 78 [số cước chú được giữ đúng như trong nguyên bản, chú của người dịch] Trong một phòng nghiên cứu chất đầy sách, các điện thoại, báo chí, các bức tranh trừu tượng, và các ảnh chụp của [Tổng Thống] Richard Nixon, ông dường như quên mất sự hiện diện của cô và, với chiếc lưng quay lại, bắt đầu đọc một bản đánh máy dài.  Bất kể sự lỗ mãng của ông, khoảng cách thời gian cho phép cô tìm hiểu về ông ta.  Theo Fallaci, ông ta không chỉ thấp, mập mạp, và không có vẻ quyến rũ chút nào mà còn căng thẳng, không an tâm trong bản thân, và mau chóng thiết lập một vẻ có thẩm quyền như một tấm khiên che chở.
       Sau khi giải đoán bản văn, cô viết, ông mời cô ngồi xuống và bắt đầu cuộc tra hỏi  của ông – giống y như một giáo sư khảo hạch một sinh viên không đáng tin cậy.   Các cung cách của ông làm Fallaci nhớ lại vị thày giáo dạy toán và vật lý của cô tại trường Liceo Gallileo Galilci, một người mà cô căm ghét bởi ông thích thú với việc gieo rắc nỗi sợ hãi qua việc trừng mắt nhìn sau cặp kính của ông ta.  Kissinger còn có cả cùng giọng nam trung (baritone), cùng âm phát từ yết hầu, và cùng cách nghiêng người về phía sau trong chiếc ghế bành của ông, chân bắt chéo trong khi các cúc của áo khoác ngoài của ông bị kéo căng bởi áp lực từ chiếc bụng của ông.  Các ký ức đầy ác mộng của thời đi học tràn ngập trong cô với sự kinh hãi.  “Trời ơi! Liệu tôi có biết câu trả lời hay không? Bởi nếu tôi không biết, ông ta sẽ đánh tôi rớt”.  Câu hỏi đầu tiên của ông là về Tướng Giáp: “Như tôi đã nói với cô, tôi chưa bao giờ chấp thuận các cuộc phỏng vấn cá nhân.  Lý do tại sao tôi sắp cứu xét khả năng chấp thuận cho cô một cuộc phỏng vấn là vì tôi đã đọc cuộc phỏng vấn của cô với ông Giáp.  Rất đáng lưu ý.  Ông Giáp giống như gì?” 79 Cô trả lời rằng ông ta thì vui vẻ, cao ngạo, và giống như một ngưyời Pháp hợm mình (snob) nhưng các sự tiên đoán của ông về các cuộc tổng công kích hôm Tết và Lễ Phục Sinh đã diễn ra chính xác như ông đã chỉ ra.  Theo ý kiến của cô, ông Giáp đã phân tích đúng về vị thế đang bị suy yếu của Mỹ, bởi vì Hoa Kỳ đã chấp nhậnh một bản hiệp định Paris làm phật lòng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.  Kissinger sau đó hỏi ý kiến của cô về tình hình tại Việt Nam như thể ông thành thật muốn biết và tra khảo cô về các chính khách nổi tiếng, nghệ thuật cai quản, và các hậu quả của sự ngừng bắn.  Ông sau cùng kết luận rằng cô vượt qua được cuộc khảo hạch và xứng đáng có một cuộc phỏng vấn thực sự.
       Vào ngày Thứ Bảy, 4 Tháng Mười Một, lúc mười giờ ba mươi, cô một lần nữa bước vào văn phòng tại Tòa Bạch Ốc cho điều mà cô đặt tên có lẽ là cuộc phỏng vấn tồi nhất và khó chịu nhất của cô.  Cứ mỗi mười phút, [Tổng Thống] Nixon gọi điện thoại cho Kissinger giống như một “đứa trẻ không thể tách xa khỏi mẹ nó”. 80 Sau đó, tại cao điểm của cuộc đàm thoại của họ, khi ông bắt đầu thảo luận về bản chất hay lảng tránh trong tính tình của ông, Nixon một lần nữa cắt ngang và đòi hỏi sự hiện diện của ông.  Kissinger nhẩy lên tuân phục và yêu cầu Fallaci chờ đợi; ông sẽ cố gắng dành cho cô thêm một ít thì giờ nữa.  Sau khi chờ đợi cho hai tiếng đồng hồ, viên phụ tá bối rối của ông đến và nói với cô rằng cả hai nhà lãnh đạo đã rời đi xuống California.
       Trong suốt thời gian gặp nhau vội vã,  Kissinger vẫn còn lẩn tránh và kín đáo về bản thân ông, trong khi cố gắng né tránh các vấn đề nhậy cảm cao độ liên hệ đến Việt Nam.  Do đó, Fallaci sử dụng mọi sự xảo quyệt của cô để khám phá các ý nghĩa thực của ông.  Tại một lúc trong cuộc đàm thoại, cô làm ông mất cảnh giác và đặt ông ta vào vị thế thất lợi, mang ra các bài diễn văn và các bản tin cắt dán trong đó Tổng Thống Nguyễn [Văn Thiệu] của Nam Việt Nam thách đố vị bộ trưởng ngoại giao Mỹ nói lên các lý do thực sự về sự bất đồng của họ trên một hiệp ước hòa bình với Bắc Việt, câu trả lời của Kissinger phản ảnh sự lúng túng của ông.  “Hãy để tôi xem xét nó …À! Không, tôi sẽ không trả lời ông ta.  Tôi sẽ không chú ý chút nào đến lời mời gọi này”. 81 Cô cũng dùng lối đặt câu hỏi quyết liệt: “Tiến Sĩ Kissingger, nếu tôi dí một khẩu súng lục vào đầu của ông và yêu cầu ông lựa chọn đi ăn tối với [Nguyễn Văn] Thiệu hay đi ăn tối với Lê Đức Thọ … ông sẽ chọn đi với ai?” 82 Cô tiếp tục tới tấp đưa ra các câu hỏi về Việt Nam với ông và bản hiệp định hòa bình đang chờ đợi với miền Bắc đến mức ông ta thực sự khẩn nài cô hãy đình chỉ đề tài này: (1) “Như thế là đủ rồi, tôi không muốn nói thêm bất kỳ điều gì về Việt Nam.  Tôi không thể tự cho phép mình làm như thế, vào thời điểm này.  Mọi lời tôi nói sẽ trở thành tin tức.  Vào cuối Tháng Mười Một, may ra có thể được …  Nghe đây, tại sao chúng ta lại không gặp lại vào cuối Tháng Mười Một?; (2) Tôi không thể trả lời câu hỏi đó”; (3) Tôi không thể, không thể … tôi không muốn trả lời câu hỏi dó”; (4) “Và đừng có bắt tôi nói về Việt Nam tí nào nữa, xin vui lòng”; (5) “Nhưng, thực sự đã nói đủ vào giờ này về Việt Nam”; (6) “Nhưng có phải chúng ta vẫn còn đang nói về Việt Nam hay không?”83
       Fallaci dò hỏi không ngừng lấy tin tức.  Một trong  những chiến thuật của cô liên quan đến việc đi từ tổng quát đến đặc thù.  Trước tiên, cô tra hỏi một các tổng quát những gì ông sẽ làm khi nhiệm kỳ trong chức vụ của ông chấm dứt.  Không nhận được một câu trả lời thỏa đáng, cô thay đổi đến một khả tính cụ thể, “Liêu ông sẽ quay về để giảng dạy tại Harvard hay không?” 84 Cao điểm của cuộc phỏng vấn xẩy ra khi cô trực giác được các điểm khả dĩ xâm kích của Kissinger và đặt các câu hỏi của cô theo đó.  Các sự tra hỏi của Fallaci phản ảnh sự tin tưởng của cô rằng nhược điểm của Kissinger là cái tôi (ego) to lớn của ông.  “Tiến Sĩ Kissignger, ông giải thích ra sao về tư thế minh tinh không thể tin được mà ông đang thụ hưởng, ông giải thích ra sao sự kiện rằng ông hầu như được ưa thích và nổi tiếng hơn một vị tổng thống?  Ông có lý thuyết nào về vấn đề này không?” 85 Vào lúc này, Kissinger đưa ra một lý do tâm lý cho sự thành công của ông như một nhà ngoại giao và thốt ra một sự phát biểu cao bồi (cowboy), điều trở thành một đề tài nóng bỏng trên báo chí Mỹ nhiều tháng sau đó.
       Điểm chính phát sinh từ sự kiện rằng tôi luôn luôn hành động một mình.  Người Mỹ ưa thích điều đó vô cùng.  Người Mỹ ưa thích các anh chăn bò (cowboys) dẫn dắt đoàn toa xe lửa bằng việc một mình cưỡi trên lưng con ngựa đi trước của anh ta, kẻ chăn bò luôn luôn cưỡi ngựa một mình vào thị trấn, làng mạc, với con ngựa của anh và không có gì khác.  Có thể còn không có cả một khẩu súng lục, bởi anh ta không bắn súng.  Anh ta hành động, tất cả như thế đó, qua việc có mặt đúng chỗ vào đúng lúc.  Tóm lại, một người Tây Phương.
       Cảm nhận được một cực điểm của vở kịch, Fallaci tóm tắt thực chất của sự tiết lộ của ông, lấy ngón tay chỉa vào đầu .  “Tôi nhìn thấy.  Ông nhìn thấy mình như một loại Henry Fonda, không vũ trang và sẵn sàng chiến đấu bằng nắm tay cho các lý tưởng chân thực.  Một mình, can đảm”. 86
       Thật đầy bất ngờ cho Fallaci, tư thế tự phác họa của ông như một anh hùng của Miền Tây Hoang Dã đã tạo ra một trận cuồng phong trong báo chí.  Các tin đồn đã khởi sự được loan truyền tại Hoa Thịnh Đốn rằng ông ta bị thất sủng đới với Nixon bởi việc quy kết các cuộc thành công ngoại giao của ông riêng nhờ vào các kỹ nằng cá nhân của ông.  Các phóng viên đã kết án sự tự phụ hay thiêu thận trọng trong các lời bình giải của ông.  Làm sao mà Henry Kissinger lại dám tuyên nhận mọi sự tưởng thưởng cho những gì ông đã làm trong tư cách sứ giả của Nixon?  Làm sao mà ông lại dám chuyển đổi Nixon sang đóng vai một khán giả? Vị tổng thống Hoa Kỳ ở đâu khi mà vị giáo sư tiến vào thị trấn để cai quản công việc?  Các tranh hí họa vẽ Kissinger mặc quần áo như một cao-bồi phóng ngựa đến một quán rượu hay đi giầy có đinh thúc ngựa và đội mũ rộng vành xuất hiện trên báo chí mọi nơi.  Không lâu sau đó, Kissinger đã thú nhận rằng việc đón tiếp Fallaci là điều ngu xuẩn nhất mà ông đã làm cho đên giờ, và kế đó tuyên bố rằng cô đã xuyên tác các lời bình giải của ông. 87 Sự chổi bỏ của ông buộc cô phải đe dọa sẽ công bố các băng ghi âm cuộc phỏng vấn.  Cô đã mạnh mẽ biện hộ cho sự tường thuật của cô về cuộc đàm thoại của họ trên tạp chí Time và Newsweek, trên đài truyền hình CBS và NBC, có nói rằng ông không phải là một người quân tử (gentleman) và rằng ông đã thiếu can đảm để nhìn nhận sự chính xác trong các lời phát biểu của chính mình.  Sau hai tháng của sự quảng bá sâu rộng, Fallaci không để chịu được việc nghe đến tên của Kissinger và ghét cay ghét đắng đến nỗi cô không nhận thức được rằng ông ta đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển hướng sự trách móc sang cho cô.  Cô thừa nhận một cách thẳng thắn rằng cô không có khả năng để cầu chúc ông ta vui sướng trong thời khoảng đó.  88
       Cuộc tấn công gây thương tổn nhất của Fallaci là trong một bức thư ngỏ năm 1975 trên tờ Europeo, trong đó cô gán nhãn hiệu cho Kissinger là một vị giáo sư nhỏ nhen, một kẻ tự phụ, khoe khoang, và phản động.  Theo cô, ông giống như một gã cao bồi chăn bò khoe khoang và kiêu ngạo, tin tưởng rằng việc phi ngựa nước đại đến các làng xã xa xôi của Trung Quốc, Moscow, Tel Aviv và Cairo sẽ giải quyết yên ổn các sự việc.  Không lâu trước khi có cuộc tàn sát năm 1973 tại Phi Trường Fiumicino của Rome bởi quân khủng bố Palestine, các kẻ ngưỡng mộ Kissinger từ truyền hình Ý Đại Lợi đã kêu gọi để mời cô đến phỏng vấn về nhà chính khách, có phát ngôn,
       “Thằng chó đẻ (son of a bitch) đó lại đã làm chuyện đó một lần nữa.
       “Hắn đã làm điều gì một lần nữa?”
       “Hòa Bình! Hòa Bình tại Trung Đông!”
       “Bằng phương cách nào tên chó đẻ đó sẽ tạo ra hòa bình tại Trung Đông?”
       “Hiệp định! Hiệp ước giữa Golda Meir và Sadat!”
       “Hiệp định nào?”
       “Ờ …một hiệp định thực sự chưa có.  Cuộc gặp gỡ! Cuộc gặp gỡ!” 89
       Fallaci đã trả lời rằng một sự thỏa thuận giữa Golda Meir và Anwar Sadat sẽ không có nghĩa hòa bình bởi vì nó sẽ không xảy ra cho đến khi nào vấn đề Palestine được giải quyết.  Cô sau cùng đồng ý sẽ chỉ chịu cho phỏng vấn nếu cô có thể phát biểu những ý nghĩ chân thực của cô về Kissinger.  Hai tiềng đồng hồ sau điện thoại lại reo lên một lần nữa và một giọng lạnh lùng hỏi những ý nghĩ đó là gì.  Sự khinh thị của cô phát sinh từ việc ông dối gạt người ta vào việc tin tưởng rằng ông đã hứa hẹn hòa bình giống y như trong trường hợp Việt Nam.  Cô bị hỏi,
       “Cô khẳng định rằng Kissinger thì ngu đần?”
“Ồ, đâu phải thế ! … Tôi có thể đoan chắc với ông rằng ông ta không ngu dốt gì cả.  Các kẻ ngu si là những người tin tưởng nơi ông ta”.
             Theo Fallaci, Kissinger sống trong quá khứ, không hiểu biết về hiện tại và không dự đoán được tương lai.  “Vì lý do này”, cô viết, “ông thất bại trong mọi công việc và các sự thành công của ông luôn luôn lóe sáng lên trong cái chảo: làn khói che mờ đôi mắt của các kẻ dại khờ”. 90
       Kissinger xem cuộc phỏng vấn như là một cuộc đàm thoại tại hại nhất mà ông từng chấp thuận với bất kỳ thành viên nào của giới báo chí và ngược với lời tuyên xác của Fallacvi rằng cuộc phỏng vấn của cô đã diễn ra như là một kết quả của cuộc phỏng vấn đã được công bố của cô với Tướng [Võ Nguyên] Giáp, thừa nhận rằng ông đã nói chuyện với cô từ tính chuộng hư danh.  “Cô đã phỏng vấn các nhân vật hàng đầu trên toàn thế giới.  Danh tiếng là điều khá tân kỳ với tôi để bị dẫn dụ rằng với việc gia nhập tôi sẽ được giữ lại trong miếu thờ vĩ nhân báo chí của cô ta”.  Ông đã không buồn đọc các bài phỏng vấn của cô, đã không dành cho mình cơ hội để khám phá sự moi móc ruột gan của cô đối với các nạn nhân khác, và do đó đã trả giá cho sự ngây thơ của ông.   Các trích dẫn được gán cho ông, “các lời phát biểu có tính chất bên lề được gom góp lại trong cái mà cô gọi là một cuộc đàm thoại”, đã là các sự biểu lộ vị kỷ nhất mà ông thốt ra trong toàn thể chức nghiệp công cộng của ông. 91
       Sự quảng bá phát sinh bởi các câu nói về cao-bồi chăn bò của ông làm lu mờ các nhận xét tán dương của ông về [Tổng Thống] Nixon.  Trong cuộc phỏng vấn được công bố, Kissinger ca ngợi tổng thống về sự can đảm của ông trong việc tuyển chọn như một viên cố vấn chính nguời mà ông đã không hay biết và cho việc gửi người đó đi Bắc Kinh.  Ông ca tụng sự tinh thông của Nixon trong các vấn đề đối ngoại và cho việc giúp cho các sự thành công ngoại giao của ông trở thành điều khả dĩ.  Điều làm buồn phiền Nixon là câu trích dẫn mà Kissinger cho rằng Fallaci đã gán vào miệng ông: “Người Mỹ thích cao bồi chăn bò … cưỡi ngựa một mình vào thị trấn, làng mạc, trên con ngựa của mình và không có thứ gì khác …” Tính chất đáng ngạc nhiên, lãng mạn này phù hợp với tôi một cách chính xác bởi đơn độc luôn luôn là một phần trong phong cách của tôi, hay, nếu cô thích, trong kỹ thuật của tôi”.  Kissinger bác bỏ rằng khung cảnh của sự phát biểu đã được trình bày một cách xác thực và rằng nó nói về bản thân ông.  Ông vẫn tin tưởng rằng ông là chủ điểm của một số sự biên tập lão luyện nhất và vạch ra rằng Fallaci đã nhất quyết từ chối không cung cấp các cuốn băng thu âm cho các ký giả khác.
       Fallaci cho là lố bịch bất kỳ sự so sánh nào với người phỏng vấn truyền hình cứng rắn Mike Wallace.  “Tôi là một nhà văn làm nghề ký giả.  Không có trường hợp nào bạn có thể so sánh tôi với một người hành nghề ký giả cho Truyền Hình”.  Cô từ chối nói rõ tên của Wallace., tuyên bố rằng cô sẽ không làm như thế ngay dù có bị đe dọa bởi cái chết. 93 Hai trang về cuộc phỏng vấn mà Kissinger bao gồm trong hồi ký của ông làm Fallaci tức giận.  Sau khi tờ Time ấn hành các trích đoạn, cô đã viết cho tờ báo một lá thơ nói rằng một vài người nào đó đã nghe cuộn băng thu âm – có nghĩa Mike Wallace. 94 Tờ Time sau đó nhận được một sự trả lời từ Mike Wallace trong đó ông nhìn nhận có nghe cuộc băng nhưng nói rằng nó bị nhiễu âm. 95 “Nhiều âm gì? Nếu ông ta muốn có được Kissinger trên chương trình 60-Minutes và làm một kẻ phục dịch của Kissinger, ông ta sẽ nói dối như vậy? Cuộc băng còn lâu mới lờ mờ.  Ông đã nghe nó khi ông phỏng vấn tôi cho chương trình 60-Minutes”.  Fallaci cũng phàn nàn một cách chua chát về sự quảng bá tấm ảnh chụp mà chương trình 60-Minutes đã công bố.  “”Nó trông như một bà già 123 tuổi; tôi không biết họ đã lấy được ở đâu bức hình xấu xí như thế”. 96 Fallaci kiểm soát cẩn thận các ảnh chụp được công bố trên các tờ báo Ý Đại Lợi và những tâm hình (mơn trớn) xuất hiện trên các bìa sách của cô.  Cô không thích các hìn ảnh trên truyền hình, có thể bởi chúng làm lộ các nếp nhăn của cô. ….
___
CHÚ THÍCH
78. “Henry Kissinger”, trong quyển Interview with History, phiên dịch bởi John Shepley (New York: Liveright, 1976), 20.  Cũng xem bản phỏng vấn nguyên thủy: “Kissinger rivela perchè non abbiamo ancora firmaco l’accordo sul Vietnam”, Europeo, số 46 (16 Tháng Mười Một, 1972): 36-43.
79. Fallaci, “Henry Kissinger”, 20-21.
80. Cùng nơi dẫn trên, 24.
81. Cùng nơi dẫn trên, 32.
82. Cùng nơi dẫn trên, 33.
83. Cùng nơi dẫn trên, 32-36.
84. Cùng nơi dẫn trên, 37.
85. Cùng nơi dẫn trên, 40.
86. Cùng nơi dẫn trên, 41.
87. Cùng nơi dẫn trên, 29.
88. Cùng nơi dẫn trên.
89. Oriana Fallaci, “Lettera a Kissinger dopo il suo fallimento”, Europeo, số 14 (3 Tháng Tư 1975): 32.
90. Cùng nơi dẫn trên, 32-33.
91. Henry Kissinger, White House Years (Boston: Little, Brown and Company, 1979), 1409-10.
92. Cùng nơi dẫn trên.
93. Scheer, “Playboy Interview”, 105.
94. Bức thư được thảo luận trong cuộc phỏng vấn của Scheer’s với Fallaci, 105.
95. Cùng nơi dẫn trên.
96. Cùng nơi dẫn trên.      
_____
Nguồn: Santo L. AricòOriana Fallaci: The Woman and The Myth, Chương 6: Movie Screen  in Southeast Asia, các trang 97-115; Phân Cảnh Tại Tòa Bạch Ốc, Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, các trang 150-155,  Carbondale and Edwardsville, IL.: Southern Illinois University Press, 1998.



NGUỒN: http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacOrianaFallaci.htm






Oriana in compagnia di François Pelou in Vietnam - Foto - Oriana Fallaci


Oriana Fallaci  und François Pelou in Vietnam






Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen