Dienstag, 27. Oktober 2015

Dada là gì? Là tuyên ngôn lớn dưới một cái tên vô nghĩa



Bìa sách Anna Blume
Thế chiến thứ nhất, đúng với nghĩa đen của tên gọi, là cuộc chiến tranh đầu tiên có tầm vóc toàn cầu. Hệ quả của nó không chỉ là hàng triệu sinh mạng mà còn bao gồm sự xoay chuyển về tâm lý của cả một thế hệ. Ghê sợ, chán chường, thất vọng là trạng thái tâm lý chung của những con người phải trải qua nỗi đau chiến tranh. Con người đánh mất niềm tin vào mọi thứ; những giá trị đạo đức, trật tự xã hội, phẩm giá con người, tất thảy đều trở nên vô nghĩa. Dada nảy sinh từ đó.
Khởi đầu chỉ là một hòn sỏi rơi xuống mặt hồ ở Zurich, Dada trở thành những gợn sóng ở New York, Berlin, và khi tới Paris, Dada đã hóa thành một cơn sóng thần.
Dada nghĩa là gì?
Là một từ vô nghĩa.
Dada  là biểu tượng cho một phong trào mà mục tiêu cuối cùng chính là tự diệt vong.
Dada không chỉ đơn thuần là một trường phái, mà là sự phủ định lại mọi trường phái.
Dada là sự phản kháng lại tất cả những hệ tư tưởng trước đó (mà các Dadaist coi là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh), kể cả nghệ thuật. Có thể coi Dada là một dạng phản nghệ thuật và các Dadaist, ít nhất trong giai đoạn họ tham gia Dada, là những phản nghệ sĩ.

“Dada Cino,” Raoul Hausmann, 1920
Dada ra đời vào năm 1916, qua đời vào năm 1924. Tiếng hát thiên nga cuối cùng của Dada là vở kịch DADA in the open air của một trong những Dadaist hăng hái nhất, Tristan Tzara. Thành công của Dada đến nhanh bất chợt và lụi tàn cũng trong nháy mắt. Dada là những buổi triển lãm hoang dại, những bản tuyên ngôn rời rạc điên cuồng, những chiến dịch nhuốm màu bạo loạn, những thông điệp mang tính Cộng sản và chống chính phủ. Dada là tổng hòa của Futurism, Cubism, và Surrealism. Sự tồn tại của Dada gắn bó mật thiết với lịch sử – Dada là tiếng gào thét của nghệ thuật khi bị quẳng vào sự hỗn độn và khủng hoảng của chiến tranh. Cũng như Thế chiến thứ nhất mở ra một chương mới trong lịch sự nhân loại, Dada cũng là cánh cửa để nghệ thuật tiến vào giai đoạn Postmodernism (Hậu hiện đại.)
Tại sao Zurich, một thành phố vốn không nổi tiếng vì nghệ thuật, lại trở thành cái nôi của Dada? Lý do thật đơn giản: bởi trong thế chiến thứ nhất, Thụy Sĩ là một đất nước trung lập. Đất lành chim đậu, các nghệ sĩ hội tụ ở Zurich, trong đó có Hugo Ball, người thành lập ra Cabaret Voltaire – một hộp đêm dành cho những người cùng chí hướng. Những sự kiện được tổ chức tại Cabaret Voltaire, lúc đầu rời rạc, chính là những phát súng mở đầu cho Dada. Đương nhiên với hoàn cảnh đặc thù được thai nghén từ chiến tranh, Dada cũng hỗn loạn, bạo lực, nổi loạn. Những buổi trình diễn ở Cabaret Voltaire không ít lần biến thành một cuộc nổi loạn, khi chính khán giả lao lên sân khấu để tấn công nghệ sĩ.

Hugo Ball trình diễn ở Cabaret Voltaire, 1916
Các nghệ sĩ tham gia Cabaret Voltaire, bao gồm Hans Arp, Richard Huelsenbeck, Emmy Hennings cũng không giới hạn những hoạt động nghệ thuật của họ ở một lĩnh vực cụ thể nào. Đối với các Dadaist, giới hạn giữa các bộ môn nghệ thuật, bất kể là nhạc họa hay ca vũ đều cần bị phá bỏ. Đến khoảng 1917, Dada lăn bánh tới Berlin, New York; các hoạt động của Cabaret Voltaire đã nguội lạnh dần nhưng những họa sĩ có liên quan như Kandinsky, Paul Klee, de Chirico đều sẽ trở thành những gương mặt nổi bật của hội họa Hậu hiện đại. Cabaret Voltaire giờ đã được tu sửa và biến thành một bảo tàng.
Bất cần đến cùng, Richard Huelsenbeck và Hugo Ball lựa chọn bừa cho phong trào nghệ thuật mới một cái tên vô nghĩa từ cuốn từ điển Đức – Pháp. Dada là tiếng bập bẹ, lắp bắp, như những âm thanh được phát âm bởi một đứa trẻ mới tập nói. Trong tiếng Nga nó có nghĩa là ừ- ừ, còn trong tiếng Đức: đó-đó. 

“Kitchen knife,” (Con dao làm bếp), của Hannah Hoch, 1919
Khi chiến tranh kết thúc, vị trí của Thụy Sĩ như một nơi trú ẩn an toàn nhất cũng không còn quan trọng nữa. Các nghệ sĩ ở Zurich tản mát ra khắp châu Âu, nhưng tụ họp chủ yếu ở Paris và Berlin. Huelsenbeck thành lập báo Club Dada ở Berlin, cùng với Der Dada trở thành tiếng nói tiêu biểu cho Dada ở Berlin, một phong trào mang tính chính trị và châm biếm cao. Lý giải cho hiện tượng này, các nhà sử học cho rằng vị trí địa lý gần kề với mặt trận của nước Đức khiến cho phong trào Dada ở đây nặng về tuyên truyền, tuyên ngôn, hoạt động biểu tình, thay vì thiên về nghệ thuật như New York, nơi ở xa chiến tranh. Phong trào Dada ở Berlin cũng nổi bật vì sự gắn bó với công nghệ, đặc điểm tương đồng với phong trào Futurism. Dada ở Đức không chỉ gói gọn ở Berlin mà còn xuất hiện ở Cologne và Hanover.
Cũng như Zurich, New York là một nơi tụ họp của giới nghệ sĩ châu Âu trong thế chiến thứ nhất. Nhánh Dada New York được thành lập bởi Marcel Duchamp cùng sự gia nhập của Man Ray và Francis Picabia. Bộ ba này dẫn đầu phong trào nghệ thuật phản nghệ thuật, những hoạt động được tổ chức chủ yếu xung quanh gallery của nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz.

“Chân dung của các ông Cezanne, Renoire, và Rembrandt.” Khỉ nhồi bông, của Picabia, 1920
Cũng trong thời điểm này Marcel Duchamp bắt đầu một hướng đi nổi loạn – “readymades” – những vật dụng bình thường hàng ngày được nâng cấp lên thành nghệ thuật, đơn giản chỉ vì “ta bảo thế.” Tác phẩm nổi tiếng nhất của khuynh hướng này, cái bồn tiểu lộn ngược được “phong thánh” bằng chữ ký của Duchamp được coi là một trong những tác phẩm có tính cách mạng nhất của thế kỷ 20. Lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật, một tư tưởng phản loạn được đưa ra: cái gì cũng có thể biến thành nghệ thuật, tất cả nằm trong ý tưởng và cách nhìn nhận của nghệ sĩ và người xem. Trong tất cả Dadaist, có lẽ Marcel Duchamp là người đi xa nhất trong việc chứng minh Dada chỉ có một quy tắc duy nhất: không theo một quy tắc nào.

“Fountain,” (Đài phun nước) của Marcel Duchamp, 1917


Duchamp cải trang thành Rrose Selavy – một nhân cách thứ hai. Ảnh chụp bởi Man Ray
Khoảng 1921, nhiều Dadaist trụ cột như Duchamp, Man Ray, Tristan Tzara, Max Ernst đã di cư sang Paris. Tại Paris, các Apollinaire, Breton, Max Jacob vốn đã không xa lạ gì với những người anh em đồng điệu và sự gia nhập của hai nhóm nhanh chóng đem đến một cơn sóng các buổi trình diễn, các bản tuyên ngôn mới, và không ít tác phẩm báo chí. Là kinh đô của nghệ thuật trình diễn, Dada tại Paris khoác vào một phong vị mới, nặng tính kịch nghệ. Nhưng đừng bị sự vô nghĩa, dường như càn quấy của Dada đánh lừa – tất cả các Dadaist đều coi trọng công việc của họ đến mức nghiêm túc gần như ám ảnh. Đối với các Dadaist, nghệ thuật không nhất thiết phải là một vật đẹp đẽ được bảo tồn trong bảo tàng qua nhiều thế kỷ. Nghệ thuật, đúng hơn là một ý tưởng, còn tác phẩm chỉ đơn thuần là phương tiện truyền tải ý tưởng đó. Tác phẩm có thể bị phá hủy, chà đạp, tan biến, lãng quên, nhưng ý tưởng là cái tồn tại mãi. Nhưng rốt cuộc có một thời điểm Dada đã trở nên phức tạp đến mức Dada không còn sức bao trùm bản thân Dada. Như một cây có quá nhiều cành, Dada đã sụp đổ chính bởi sức nặng của nó. Khi Breton rời khỏi Dada để lập ra Surrealism, nhiều Dadaist nối gót Breton và Dada rã đám.

“Bạn bè tụ tập”, có mặt các Dadaist, bao gồm cả hai…người chết Dostoyevsky và Raphael, của Max Ernst, 1922
Tóm lại, Dada là một chuỗi những sự phản kháng và đối nghịch lại truyền thống. Là một phong trào nghiêm túc cả về mặt nghệ thuật lẫn chính trị, ấy vậy mà Dada vẫn không thiếu những khoảnh khắc hài hước, tươi sáng, ngộ nghĩnh đến ngớ ngẩn. Ấy vậy mà công chúng vẫn không hiểu, vẫn chán ghét, phản đối Dada. Ấy vậy mà những nghệ sĩ Dadaist vẫn coi đó là một phản ứng tích cực, thậm chí coi trọng nó. Một bằng chứng cho sức sống của Dada là sự hiện đại và gần sát với đương đại một cách đáng ngạc nhiên của gần như bất kỳ một tác phẩm Dada nào.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen