Montag, 23. November 2015

Biến cố Ban mê Thuột: 10/3/1975

TRỐN…
Nguyễn Ngọc Vỵ
Lời giới Thiệu: Tác giả là cựu Phó Tỉnh trưởng Hành Chánh tỉnh Darlac vào thời gian cộng sản tấn công Ban Mê Thuột tháng 3 năm 1975. Ông là người làng Bác Trạch, Kiến Xương, Thái Bình. Cha Ông bị đấu tố, sau chết trong tù năm 1955. Năm sau, mẹ chết vì buồn khổ và bệnh, nhưng mãi 25 năm sau ông mới biết. Ông cho biết nội dung bài viết hoàn toàn thực 100% : “Không phải là nhà văn, càng không phải là sử gia, tôi không coi đây là một tài liệu quan trọng hay có tính cách văn chương. Thực tế chỉ là một bài viết ghi lại những gì tôi thực sự biết, nghe, chứng kiến hay đã gánh chịu. Tôi muốn viết để sau này cho con cháu biết chuyện”.
Sau 35 năm ra khỏi nước, giờ đây, ngồi trên đất Hoa Kỳ… ghi lại đôi dòng về biến cố “Ban Mê Thuột” (3/75), khởi sự cho cái nhục ‘thất thủ Miền Nam’, nghĩ tới lời ai đó: “Cao nguyên là miền đất chiến lược, ai chiếm được ‘Cao nguyên’ sẽ… kiểm soát cả Việt Nam”, thấy không sai.
Không biết ba chữ ‘Buồn muôn thuở’ (BMT) có trực tiếp vận vào người dân xứ Ban Mê Thuột (BMT) hay không mà… giữa lúc mọi người đang vui hưởng cuộc sống thanh bình, yên vui, điển hình là trong thành phố, những nơi thờ phượng, như Nhà thờ, Đền đài, Chùa, Miếu, lúc nào cũng đông đảo tín hữu lui tới cầu nguyện, cúng bái. Chợ búa, trường học, tấp nập người lớn, trẻ con, ngày đêm chen chân buôn bán, làm ăn, học hành hăng say, tích cực, xa xa ngoài buôn, ấp, nương rẫy, những đoàn người xả sức cày sâu, cuốc bẫm, liên tục vun xới, tưới trồng, háo hức trông đợi một mùa mới thành công, gia đình quây quần quanh bữa cơm chiều, bên ngọn đèn ấm cúng, chan hoà hạnh phúc, thì hung tín tràn về: Việt cộng sắp đánh… Ban mê Thuột.
BMT sẽ khốn khổ? Đời BMT vốn chỉ ‘ẩm áo bởi mưa phùn, sương sa’, không lẽ… sẽ ‘ướt đẫm, tơi tả vì cuồng phong, bão tố’? Phải chăng: ‘Hoà bình sẽ đi và chiến tranh sắp… đến’?
Ngày 9 tháng 3 năm 1975 là ngày Chúa nhật, chuông nhà thờ vẫn đổ như mọi Chúa nhật quanh năm, nhưng… không biết có phải vì tâm hồn xao động mà tiếng chuông vang nghe khác hẳn: Chậm rãi, yếu ớt. Không mạnh mẽ như mọi khi.
Thật ra, liên tiếp những ngày trước đó, nhiều tin xấu đã dồn dập lan tràn trong dân chúng, khiến lòng người hoang mang, lo sợ. Hình ảnh sống động của Thị xã Ban mê Thuột, một đơn vị xã hội đầy sức sống, đang vươn lên bằng chính tâm, sức của mình, bỗng một sớm một chiều, tan biến đi một cách nhanh chóng, oan uổng. Tâm trạng người dân lúc ấy, sao mà… nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.
Đã thế, còn như lửa thêm dầu, suốt mấy ngày liền, chứng kiến cảnh người dân tỉnh Quảng Đức, hối hả tìm đường lánh nạn qua Darlac, trên quốc lộ 14, đủ mọi loại xe lớn nhỏ, đặc biệt là những chiếc xe đò già nua, cũ kỹ, trong lòng xe và cả trên mui, chật ních người và đồ đạc, phóng như bay qua cầu 14 vào hướng Thị xã Ban Mê Thuột, với hy vọng thoát khỏi vùng lửa đạn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào như lời xác nhận của Ông Nguyễn thế Chu (1), Phó Tỉnh Trưởng hành chánh (HC) Quảng Đức, liên lạc qua điện thoại. Xe ngừng, từ lòng xe chui ra, những thân hình đi đứng xiêu vẹo, mặt mày hốc hác, đôi mắt láo liên, chứng tỏ những thân xác này đã lao đao, mệt mỏi quá nhiều ngày, cộng với lệnh giới nghiêm từ 7 giờ chiều đến 5 giờ sáng mà Quân trấn Ban Mê Thuột vừa mới ban hành, càng khiến dân chúng tin rằng tình trạng an ninh quả thật đã trở nên nguy hiểm, tồi tệ lắm rồi.
Qua tin tức nội bộ và tin đồn ngoài phố, cộng với những biện pháp đề phòng, giới nghiêm, hạn chế lưu thông một số khu vực và những biểu ngữ căng trên đường phố, kêu gọi dân chúng bình tĩnh và tuân theo hướng dẫn của nhà cầm quyền…, của các cơ quan an ninh như sư đoàn, tiểu khu, kho đạn, phi trường, cảnh sát, các cơ sở hành chánh và quân sự biệt lập, vv…
Có thể nói: Không khí chiến tranh hầu như đã bao trùm toàn thị xã. Cảnh nhà cửa bị thiêu rụi, các công trình kiến trúc bị tàn phá, đổ nát, xác người chết trên đường phố, làm mồi cho thú hoang, nhìn cái gương của tỉnh Phước Long mới xảy ra trước đó hơn 1 tháng, tất cả đang ám ảnh dân chúng ngày đêm, khiến đầu óc căng thẳng, tâm hồn bất an, nhất là lúc màn đêm buông xuống, cửa nhà đóng kín, đưởng phố vắng tanh, mọi sinh hoạt đều ngưng đọng. Trên những con đường quen thuộc, rợp bóng cây xanh tươi, đông người qua lại trước đây, bây giờ, dưới ánh đèn vàng nhoè nhoẹt, cái còn cái tắt, thỉnh thoảng mới thấy một vài chiếc xe của ai đó chạy như ma đuổi, biến nhanh vào bóng đêm. Tại sao bỗng nhiên nên cớ sự này? Nhân danh cái gì mà người ta đang tâm… cướp đi sự sống yên lành của nhau?
Phải nhận rằng tất cả những sự kiện trên đã liên kết với nhau tạo thành một sức ép, mạnh đến ngộp thở, hậu quả là hỗn loạn, vô trật tự đã xảy ra ngay trong lòng Thị xã, như tại bến xe đò liên tỉnh, văn phòng Đại lý hàng không Việt Nam, tại phi trường, vv… Sự sợ hãi khiến con ngưởi trở nên hẹp hòi, ích kỷ. Khi mất bình tĩnh rồi, con người không còn biết trắng đen, phải trái. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tranh giành, trấn áp nhau diễn ra rất oái oăm, kỳ quặc, đôi khi gần như bất nhẫn, thiếu hẳn tình người. Tính tự trọng, lòng nhân, đức bác ái phút chốc… biến mất luôn. Giải thích sự kiện này, người ta đổ thừa cho ‘bản năng sinh tồn’. Họ công khai áp dụng luật rừng, mạnh được, yếu thua. Ỷ quen thân, cậy quyền thế, cái gì có lợi cho bản thân, cho gia đình là nhất định họ làm, phải chiếm đoạt cho được.
Trước thực tại đó, đã có tôi lúc tự hỏi: Lòng người hoảng sợ, đời sống xã hội lâm cảnh xáo trộn mau vậy, có phải vì không ngờ là chiến tranh lại có thể xảy ra giữa lúc cuộc sống sung túc đang tốt lành, yên ổn? Hay bởi lập trường không chấp nhận cộng sản mà người ta vội vàng phản ứng như thế? Hay sự khủng hoảng tinh thần này là kết quả của một xảo thuật tuyên truyền của cộng sản với chủ đích làm rối loạn hậu phương đối phương trước khi tấn công?
Thứ bảy, ngày 8 tháng 3, từ sáng sớm, đại tá tỉnh trưởng Nguyễn trọng Luật (2), cho tôi biết, các trưởng ty sở phải sẵn sàng tham dự buổi họp về an ninh do thiếu tướng Nguyễn văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II kiêm Đại Biểu Chính Phủ vùng II chủ tọa. Được chỉ thị, tôi vội tin cho trung uý Khải, sĩ quan đặc trách NDTV, chuẩn bị tài liệu thuyết trình, đồng thời thông báo cho các anh em trưởng cơ quan HC tham dự. Ngay khi được tin, anh em trưởng ty sở đã mau lẹ có mặt tại toà tỉnh, phần vì đã sẵn trực tại cơ quan, phần khác cũng vì nóng lòng muốn tham dự họp để xem tình hình an ninh chung thế nào, quân ta chuẩn bị ra sao. Nhưng… chờ đến chiều, lại được thông báo hoãn.
Hôm sau, ngày 9/3/75, Đại Tá lại cho biết thiếu tướng tư lệnh Nguyễn văn Phú sẽ đến tỉnh, nhưng khối công chức được miễn họp. Sau khi thông báo cho các trưởng cơ quan tin miễn họp, tôi và Trung Uý Khải, Sĩ quan đặc trách NDTV, đi một vòng qua các Ty, Sở ngoại thuộc, Trung học Tổng hợp, Trung học bán công, xã Lạc Giao (xã tỉnh lỵ) rồi trở về tòa tỉnh, tới phòng trực, phòng hội, có rất đông anh em công chức, cán bộ tập trung nơi đây, tất cả đang quây quần đấu khan với nhau.
Đúng là ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’, đa số anh em trẻ, độc thân, vui tính, tụ lại với nhau một chỗ, nói cười vô tư, xem chừng như tinh thần họ không quá xao động về tình hình an ninh như những vị có gia đình, lớn tuổi. Trong khi đó, nơi cuối hội trường, các ong Khán (Chánh văn phòng), ong Phong (Trưởng ty Nội An), ong Khèn (Trưởng phòng Kinh tế), ong Kế (Trưởng ty Tài chánh), Đại uý Định (Trung tâm trưởng XDNT) (3) đang ngồi thảo luận thời cuộc với nhau một cách khá nghiêm túc, có điều, gương mặt ông nào cũng nặng chĩu bi quan.
Chợt ong Khèn, vị công chức đứng tuổi, rời chỗ ngồi, đến đứng gần, nghiêm nghị nói:
– Ông Phó cũng biết, với những vũ khí chúng ta có (carbine & lựu đạn), tự vệ cũng không nổi, nói chi đến chống cự và tiêu diệt phải không ông? Chúng vào thì anh em xử trí làm sao?
Tôi chưa kịp trả lời thì nghe một lời than khá nghiêm chỉnh, dõng dạc, xin ghi lại nguyên văn: “Không biết ở nơi kia có ai hiểu được hoàn cảnh, tâm trạng của những kẻ vì bổn phận và tinh thần trách nhiệm, giờ này ngồi đây chờ đợi một biến cố dữ nhiều hơn lành! Biết mà bó tay! Số phận đêm nay, ngày mai có thể chết hay tù tội! Họ được cứu hay thân phận họ sẽ lại lâm cảnh đem con bỏ chợ”?
Cay đắng! Thấm thía! Chân thành! Ai là người hiểu được cảm xúc, tâm trạng họ? Họa chăng… ‘con tim’ thì may ra, chứ ‘lý trí’ thì… khó!
Không nghe lời nào thêm, tôi trở về nhà (trong khuôn viên toà tỉnh), sau một ngày dài đầu óc căng thẳng, tắm rửa, ăn uống xong, định nằm nghỉ giây lát, sẽ trở lại văn phòng, không ngờ thiếp đi vì quá mệt. Giấc ngủ đang ngon thì tiếng gọi hoảng loạn của nhà tôi:
– Dậy mau, nó pháo kìa, Chúa tôi!
Nghe la…pháo, choàng dậy, chụp vội khẩu súng chạy ra cửa, vừa chạy vừa hối vợ con nằm xuống sàn nhà tránh pháo!
Chạy lên văn phòng, việc đầu tiên tôi làm là gọi điện thoại cho Đại tá Tỉnh Trưởng, mục đích muốn biết tình hình an ninh thế nào, thứ đến là số anh em cán bộ, công chức ứng trực nơi toà tỉnh phải xử trí thế nào, nếu như…? Với vũ khí khiêm nhượng như vậy chỉ có thể sử dụng để bảo vệ an ninh trong thời bình chứ làm sao chống cự lại lực lượng tấn công. Liên lạc không được, chạy tới phòng viễn thông, gọi máy qua Tiểu khu, cũng không kết quả. Tình hình này dễ gì biết được Đại Tá ở đâu. Đành tự xoay xở theo khả năng, hiểu biết, phương tiện sẵn có của mình. Chạy trở về nhà.
Tháng 3 là thời gian thơm ngát mùi hoa càfe’ quyện với hơi sương thoảng về trong đêm lạnh, thường tạo cho con người cảm giác thanh bình, ấm cúng, nhưng giờ này thì không! Ôm súng (carbine) ngồi trong hố cá nhân, hình ảnh Ban Mê Thuột hệt như một thiếu nữ xinh đẹp đang bị đe doạ, đang bị trọng thương nằm đó, liệu có được ai che chở, cứu vớt chăng? Cú điện thoại mà Đại Tá Vũ thế Quang (4), Tư lệnh phó Sư Đoàn 23, sếp cũ của tôi nhiều năm khi anh là Thị Trưởng Cam Ranh, gọi chiều hôm qua:
– Nè ông phó, nhiều phần trăm chúng làm ăn đêm nay đấy, Quận Đức Lập, Quảng Đức thất thủ rồi, thận trọng nghe, thôi nhá. Bye.
Lời lưu ý này giờ thấy đã linh, còn mình đơn độc.
Thật khó phân biệt nổi là đạn từ hướng nào pháo tới bởi cùng lúc có quá nhiều tiếng nổ, từ phía bản doanh Sư đoàn, từ kho đạn, từ hướng đồi Lasan cũng như phía phi trường trực thăng, L19, lửa cháy rực trời, đặc biệt là kho đạn và phi trường trực thăng, từng khối cầu lửa bùng lên sau mỗi tiếng nổ kinh hồn!
Nhờ ánh sáng của chiếc đèn ‘pin’ nhỏ, nhìn rõ đồng hồ chỉ 3 giờ 15 phút. Thời gian chúng (VC)pháo kéo dài ít cũng đã 15 phút. Như vậy là chúng khởi sự pháo Thị xã Ban Mê Thuột đúng vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975.
Sau những đợt pháo lúc dầy lúc thưa, rồi ngưng vào khoảng 6 giờ sáng, tin rằng tình hình này chưa phải là ngưng hẳn, nhảy ra khỏi hố, tôi kêu bác tài chở vợ con và cậu em ra trú tạm nhà người quen ngoài phố, khu đông dân cư, hy vọng an toàn hơn, sợ đợt pháo kế tiếp, toà hành chánh tỉnh sẽ là mục tiêu của chúng.
Đứng dưới chân cột cờ giữa sân toà tỉnh, chứng kiến cảnh anh em cán bộ, công chức, lặng lẽ ra khỏi toà tỉnh sau một đêm dài chịu trận, tất cả nằm ngồi nơi đây mà đầu óc cứ xóay vòng nơi tổ ấm gia đình, sự chết bao trùm khắp nơi mà tất cả đành bó tay đứng, ngồi ngó nhau!
Anh em đi rồi, thấy mình lơ láo! Đã vậy, ngoài đường xuất hiện nhiều toán người đông đảo đang tiến vào hướng trung tâm thị xã. Hoảng hồn, không biết chuyện gì nữa đây? Lúc đó khoảng 6 giờ 25, quan sát kỹ, tất cả đều là đồng bào thiểu số, chắc họ từ những buôn ấp không xa, kẻ đeo gù, người cõng con, giắt chó, âm thầm bước đi vội vã! Phải chăng họ rời buôn ấp đi tìm chỗ an toàn cho bản thân và gia đình. Họ kéo vào đây vì sợ cộng sản hay họ bị cộng sản lùa vào làm bia đỡ đạn? Chẳng hiểu! Luận cách nào đi nữa thì sự kiện này nếu không phải VC đẩy họ vào với mục đích gây rối loạn hậu phương phòng tuyến quốc gia thì ít ra cũng là dịp cho chúng trà trộn, xâm nhập thị xã một cách dễ dàng và an toàn. Nghĩ tới đó, lạnh cả người!
Trong khu vực toà HC tỉnh, giờ phút này, khoảng 6 giờ 30, không còn ai ngoài gia đình ông Phúc, trưởng ban công xa, ngụ ngay phía sau toà tỉnh. Thấy nguy hiểm, tôi khuyên ông nên đem gia đình ra phố hay nhà thờ tránh pháo, rất có thể đây sẽ là mục tiêu kế tiếp của chúng. Nghe chưa hết câu, ông đã chạy vô nhà hối vợ con, vội vã ra đi.
Trở về tư thất, hy vọng có ai gọi, để lại tin nhắn cho mình, nhưng không có. Rất có thể Đại Tá đã gọi tới văn phòng, nhưng mình đâu có ở đó! Đứng cạnh những thùng đồ, đã dán, đã gói, cột chặt chẽ, sẵn sàng di chuyển theo vợ con tôi trong chuyến bay 10 giờ sáng hôm nay, thứ hai, ngày 10/3/75 về Sài Gòn. Lý do tôi cho vợ con về Sài Gòn vì cả tháng trước đây, tôi đã có lệnh thuyên chuyển, tôi ở lại và sẽ rời Ban Mê Thuột ngay sau khi Bộ (Nội vụ) cử người lên thay thế (sau này được biết, tới ngày 9/3/75, Bộ vẫn chưa cử ai. Khi BMT bị tấn công, Bộ hoàn toàn mất liên lạc với Tỉnh thì Ông Lê hữu Phước, phó Thị Cam Ranh, được cử thay thế tôi, nhưng vì tình hình chiến cuộc, cũng không thể đến BMT).
Đúng là mình tính không bằng trời tính, lần này rõ ràng là kẹt! VC tấn công đúng ngay vào ngày vợ con tôi có chuyến bay về Sài Gòn!
Thẫn thờ, ngó ông Kiệm tài xế và chú Hảo cảnh sát viên biệt phái, cả hai yên lặng ngồi theo dõi từng cử chỉ của tôi. Dứt lời thăm hỏi nhau, chợt thấy mình buồn vui lẫn lộn. Buồn vì với tình huống này, liệu tương lai còn có cơ hội sống và làm việc với nhau không, còn vui là với thực tế nguy ngập thế này, sao họ vẫn một lòng sống chết với mình, không tìm cách ra đi mặc dù mình đã cho phép.
Đến nước này, không lẽ ở yên để mặc cho số mệnh, sực nhớ tới câu nói của vị thánh nhân nào đó: “Nếu mỗi ngày bạn đều sống như ngày cuối đời, suy nghĩ, hành động của bạn chắc chắn sẽ khác!”. Nếu hôm nay cũng là ngày cuối của đời tôi, chắc chắn tôi phải có ý tưởng khác hôm qua. Thật đúng, chưa bao giờ tôi cảm nghiệm được rõ thân phận mình bằng lúc này, không sống trong vọng tưởng, tôi biết phải làm gì. Tôi hỏi ông Kiệm lấy chìa khóa xe, mặc dù ông và chú Hảo đều khuyên tôi không nên đi đâu, nguy hiểm lắm. Tôi vẫn quyết định lái xe ra phố, nơi vợ con tá túc tránh pháo xem tình hình thế nào, còn an toàn ở đó hay không. Tới nơi, biết được tất cả bằng yên, trên đường trở về toà Tỉnh, khi xe vừa trờ tới khúc đường trước cổng chính Tiểu khu Darlac, bất hạnh cho tôi, một trái pháo nổ ngay phía trước xe!
Phúc đức! May mắn! Khi tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong hầm truyền tin của Tiểu khu Darlac! Chắc là bà con, đồng bào ai đó nhận ra xe của tôi bị hư, bỏ trên đường phố nên đã tin về Bộ Nội vụ, vì thế, Bộ Nội Vụ đã báo cho Mẹ và anh tôi ở Sài Gòn biết là tôi đã tử nạn trong ngày 10/3/1975 tại Thị xã Ban Mê Thuột. Thánh Lễ Cầu Hồn được tổ chức tại nhà thờ Thăng Long, Phú Thọ (trường đua), nhưng chỉ mấy phút trước khi Thánh Lễ bắt đầu thì lại được tin tôi chưa chết nên Thánh Lễ Cầu Hồn được đổi ra là Thánh Lễ Cần An mà một số các bạn đồng môn HC ở Sài Gòn có tham dự. Báo Chính Luận có đăng “Cáo phó” vụ tôi chết (hụt) này và tôi là người được đọc “Cáo phó” của mình khi trốn được về tới Vũng Tàu cuối tháng 4/75, từ đó đến nay, thỉnh thoảng ngày 10 tháng 3 lại lấy mẩu ‘Cáo phó’ này ra ngắm.
Ở Tiểu khu, khoảng 8:15, tôi đã nói chuyện với Đại Tá Tỉnh Trưởng, qua máy truyền tin, sau khi biết lý do tôi có mặt ở Tiểu khu. An ủi đôi lời, Đại Tá bảo:
– Anh cứ ở đó để tiện liên lạc khi cần.
Yên trí. Nhưng rồi không biết là mình có thể chấp hành lời căn dặn của Đại Tá được bao lâu vì, chỉ thời gian ngắn sau đó, Tiểu khu bị pháo trở lại.
Ngồi ngay giữa lòng Bộ chỉ huy Tiểu khu mà sao vẫn thấy mình lạc lõng, cô đơn! Bất ngờ, Trung tá Vĩnh (5), Chỉ huy Trưởng CSQG Darlac, xuất hiện, sau khi nói chuyện với Đại Tá qua máy truyền tin, ông lại chỗ tôi ngồi, với thái độ nghiêm trọng, hỏi một câu, nặng tình cảm nhưng tôi không muốn nghe tí nào: “Tình hình nguy ngập, khẩn cấp thế này, sao ông lại ở đây?” Đã lo càng bối rối thêm! Sao ông lại ở đây? Hai chúng tôi cùng ra khỏi hầm truyền tin. Trước khi chia tay, Trung Tá Vĩnh quay sang hỏi:
– Ông đi với tôi không?
– Không, tôi không đi đâu, cám ơn ông.
Lý do ông hỏi thế vì về phương diện tình cảm, tôi và ông cùng quê Thái Bình, khá thân, cũng có thể vì ông thấy tôi là người dân sự duy nhất, lạc lõng ở Tiểu khu, lỡ có chuyện lớn thì xoay xở cách nào?
Tôi biết: ‘Chọn là từ bỏ, là mất! Chọn A thì phải bỏ B, không thể có cả 2! Rất khổ tâm! Chọn ở lại không đi là bỏ mất cơ hội thoát khỏi lạc lõng, cô đơn. Tôi không đi là vì tinh thần trách nhiệm, cũng như kinh nghiệm đời đã dạy, bất cứ hoàn cảnh nào, phải trung thành, sống chết với tổ chức của mình.
Trung tá Vĩnh rất ngạc nhiên khi nghe tôi trả lời, không một giây suy nghĩ. Sở dĩ tôi trả lời nhanh như vậy vì sợ ngần ngừ, có thể tôi sẽ đi với ông, bởi lẽ tâm trạng tôi khi ấy quá cô đơn, là một người dân sự, tay không, giữa đám quân nhân vũ khí đầy mình, mai phục dầy đặc nơi giao thông hào, hầm hố, sẵn sàng tác chiến. Sau khi biết ý định của tôi, Trung Tá Vĩnh từ giã, trở về Bộ Chỉ Huy CSQG.
Vừa chia tay với Trung Tá Vĩnh, trở lại phòng truyền tin được một lúc thì Thiếu Tá T… từ ngoài vô, hối tôi chạy theo ông vì ngoài kia người ta chạy rồi! Vội vã chạy theo T, thoát khỏi vòng đai Tiểu khu, băng qua đường, men theo bức tường Biệt Điện Bảo Đại, chạy tới công viên trước Sư đoàn, cả hai đứng lại tìm hướng chạy tiếp. Thiếu Tá T, ôm ngực hỏi:
– Chạy đâu bây giờ?
– Ông muốn chạy?
– Tùy ông, chạy đâu thì chạy chứ không đứng đây lâu được đâu.
– Ông tính bộ binh nó vào chưa hay mới chỉ pháo?
– Tôi nghĩ là chưa, nó vào rồi sao mình đứng đây được.
– Vào Sư đoàn nhá?
– Giờ này nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai cho mình vào!
Tôi quyết định xin vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, vì nghĩ là có quen biết cấp chỉ huy hiện giờ, Chuẩn Tướng Tư Lệnh Lê Trung Tường, nguyên là Tỉnh Trưởng Bình Định khi tôi phục vụ ở đó, tiếc là giờ này Chuẩn Tướng lại ở Pleiku. Nhưng có Tư Lệnh phó Sư Đoàn là Đại Tá Vũ Thế Quang, quen thân là khác, ông nguyên là Thị Trưởng Cam Ranh khi tôi là Phó.
Giờ đây nghĩ lại vẫn còn thấy ớn! Giữa lúc VC pháo tứ tung, chẳng biết địch ở đâu, vậy mà tôi và Thiếu Tá T lại đứng ngay giữa công viên trước cổng chính Sư đoàn mà la lớn đòi cho vào. Không la lớn thì ở trong người ta không nghe, mà la lớn thì lại sợ du kích hay bộ đội ở đâu đó phát hiện cũng nguy, đã thế, chẳng những phải hài rõ ten, chức vụ của mình mà còn phải hài rõ cả tên, cấp bậc của người mình muốn gặp nữa, có thế mới hy vọng họ trình báo cho.
La xong, làm dấu, đứng đợi. Ít phút sau, nghe rõ tiếng Đại Tá Quang, Tư Lệnh phó:
– Phó Vỵ phải không?
– Dạ, Vỵ đây anh.
– Đợi đó nghe.
– Dạ.
Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được mẩu đối thoại ngắn ngủi này. Đời người, có những niềm vui, cười nói đủ diễn tả, riêng trường hợp này, không cười nói được, âm thầm chiêm nghiệm thân phận mình mà thôi. Anh Quang à, Anh có đồng ý là: Không Ơn nào trọng bằng Ơn cứu sống, phải không Anh?
Thời gian mở lối cho chúng tôi vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 mất khoảng 15 phút. Theo hướng dẫn của một sĩ quan, tới cửa hầm, thấy anh Quang đứng chờ ở đó. Mừng, tủi, không nói được gì. Xiết chặt tay anh và theo vào phòng chỉ huy. Mừng hơn nữa là không ngờ chạy vào đây lại gặp được cả anh Luật. Thật là may mắn cho tôi, ngay từ lúc khởi sự bị pháo, nhất là lúc ở Tiểu Khu, anh bảo tôi cứ ở yên đó, nhưng rồi do tình hình chiến sự, phải di dời, luôn thắc mắc là không biết làm cách nào mà gặp được anh, giờ thì yên trí.
Qua một đêm gần như thức trắng, nằm theo dõi hoạt động của phòng truyền tin Sư đoàn, phải nói là nhức đầu vô cùng, không cách nào phân tích và hiểu được tình hình chiến sự nó ra làm sao.
Khoảng mươi phút trước 7 giờ sáng thứ ba, ngày 11 tháng 3/75, Trung Uý Di, tuỳ viên Đại Tá Tỉnh Trưởng, và Thiếu Tá Phúc Quân cụ, cùng tỵ nạn ở Sư Đoàn như tôi, rủ ra khỏi hầm truyền tin quan sát máy bay ta lên không yểm. Đã ngại không muốn đi vì đói và mệt, nhưng anh em nài nỉ quá nên đành nghe theo. Hầm không được sáng, rẽ phải, rẽ trái, khá nhiều thương bệnh binh nằm dài dọc hai bên chân tường, phải thận trọng bước đi từng bước. Có lẽ là cũng gần tới cửa hầm nên đã nghe được tiếng gầm thét của phản lực cơ. Lòng phấn khởi hẳn lên, hăm hở đi nhanh hơn, bỗng nghe một tiếng rít như xé không gian, liền sau đó là một tiếng nổ long trời lở đất!
Đường hầm bỗng tối đen và sặc mùi khói bom cùng bụi đất đỏ khét lẹt! Đám đông hoảng hốt, gào thét, kêu la, xô lấn, dẵm đạp lên nhau, cố tìm lối thoát, rùng mình khi nghe những tiếng thét của một số thương binh nằm dọc hai bên chân tường, tru tréo lên rồi nhỏ dần im bặt. Bản thân tôi, cố gồng mình đứng thẳng, gắng làm theo lời Di ghé sát tai bảo: Ông ráng nắm chặt áo tôi, cố đứng vững, vô phúc mà té xuống là người ta đạp chết đó!
Sự sợ hãi cộng với không khí ngột ngạt trong hầm kéo dài khá lâu, khiến nhiều người cảm thấy tinh thần, thể xác, bắt đầu suy nhược, đầu óc, sức lực, xem ra vô dụng rồi, thấy chết mà không làm gì được! Ranh giơi giữa ‘Hy vọng và Tuyệt vọng’ đã kề sát nhau! Hàng trăm thân xác, đứng chật ních trong căn hầm tối, hình như lúc này chỉ còn biết cầu mong phép lạ. Thậm chí nghe được cả những lời than hầu như tuyệt vọng: Tất cả đứng đây chờ nó vào, nó moi lên giết hay trói giải đi thôi!
Đang khi bất động đứng thở thì nghe được tin chuyền tai nhau: Đã có lối ra! Nghe thì mừng nhưng lại sợ là tin vịt. Và rồi đúng là sự thật vì có tiếng ai đó, la thật lớn nơi cuối đường hầm: ‘Tất cả mọi người hãy bình tĩnh, đã có lối thoát ra khỏi hầm’. Trung úy Di buột miệng: Cám ơn Trời Phật! Mừng muốn chết! Ngôn ngữ mình thật là hay, mừng mà lại muốn chết!
Quả thật là may mắn, nhờ một số quân nhân làm việc lâu ngày tại hầm chỉ huy nên mới biết chỗ nào có thể đập phá làm lối thoát. Trong trường hợp này, câu nói ‘Ánh sáng le lói cuối đường hầm’ quá đúng. Đám đông chen chúc nhau, nhích từng chút, tới khi chính mắt thấy được ánh sáng rọi xuống thì nhiều người la lớn, cười, nói, vô cùng hạnh phúc.
Vì bom nổ (ngay cửa hầm) sập hầm nên hệ thống truyền tin cùng cơ sở bị hư hại nặng, không còn sử dụng được. Do đó, khi tất cả đã ra khỏi hầm, Đại Tá Vũ thế Quang, với tư cách Quân Trấn Trưởng, quyết định di chuyển đến một địa điểm khác, thiết lập bộ chỉ huy (BCH) hành quân mới.
Cuộc rút khỏi Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 ra rừng phía sau bệnh viện không gặp trở ngại nào, nhưng khi tới nơi tạm dừng chân thì tình hình thay đổi. Từ điểm xuất phát này, lực lượng còn lại chia thành hai cánh quân. Một dưới quyền Đại Tá Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23, một do Đại Tá Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu khu Trưởng Darlac chỉ huy, dĩ nhiên là tôi đi theo cánh quân của Đại Tá Tỉnh Trưởng. Diễn tiến của đoạn đường đến điểm hẹn lập BCH mới có rất nhiều chuyện xảy ra. Lý do đưa đến quyết định chia thành 2 cánh quân, có nhiều chi tiết quan trọng, nếu có dịp, tôi xin kể hầu sau. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin kể về cánh quân của Đại Tá Tỉnh Trưởng chỉ huy.
Thật không may, cánh quân chúng tôi di chuyển theo một con suối nhỏ, nước, sình, ngập gối, lội một hồi, đến gần một đồi càfe thì suối cụt. Tất cả được lệnh ẩn núp tại vườn càfe này. Không ngờ, khi anh em tràn lên chiếm các gốc càfe (cây càfe có tàn lớn, dễ núp) thì địch phát giác! Tăng và súng địch phía đồi bên hông bắn xối xả, cây cối gẫy đổ, cành, hoa lá càfe cùng đất đỏ tung toé, mù trời! Chạy một hồi, thấy Đại Tá té cái bịch! Trực giác bảo tôi Đại Tá trúng đạn rồi! Mình còn chạy được là chưa, cố chạy nhanh hơn. Qua đồi, chạy tới khi không còn nghe tiếng súng mới ngừng, ngó quanh, chỉ còn 3 mạng! Một trong 3 là Thiếu Tá Phúc Quân cụ, người cùng tỵ nạn bất đắc dĩ với tôi ở Sư đoàn. Phúc hiền, vui tính, thường đi săn nên thạo đường rừng. Tôi thì chưa bao giờ vào rừng nên rất sợ. Bạn có bao giờ nghĩ rằng trong tình trạng ‘thập tử, nhất sinh’ như vậy, chân chạy mà chỉ sợ lạc chứ không sợ chết?
Sau này kể cho nhà tôi nghe chi tiết này, nàng nghiêm nghị phán: Vậy là không được! Phải phó linh hồn. Không sợ chết là sao? Im lặng mấy giây rồi mới thưa: Chết thì xong rồi, đâu sợ gì nữa, không chết mà lạc trong rừng mới khốn nạn!
Một chuyện nữa cũng xin kể luôn. Đúng là ‘Phúc bất trùng lai’. Lúc đầu, Phúc và tôi, mỗi người núp một bụi, mươi phút sau, tôi bò sang chỗ Phúc nằm, tránh trường hợp Phúc lủi đi đâu mình không biết. Rồi chỉ ít phút sau, có lẽ thấy tôi không còn nằm chỗ cũ, 2 quân nhân kia cũng hoảng bò luôn sang chỗ Phúc, thế là cả 4 cùng nằm chung một bụi. Có lẽ nhờ thế mà tinh thần bớt căng thẳng, cộng thêm phần thể xác quá mệt, nên tất cả ngủ lúc nào không hay. Giật mình vì những tiếng hét kinh hồn bên tai, chưa kịp bò dậy thì mũi súng đã chĩa ngay đầu, chỉ cách gang tay! Lần lượt chui ra khỏi bụi, liền bị những cán binh cộng sản còn quá trẻ, cỡ 16, 17, chưa tới tuổi uống rượu, trói và giải đi. Chúng giải tới một địa điểm đã có nhiều trăm người bị giữ ở đó. Trước khi di chuyển tất cả, chúng trói cứ 10 người 1 dây, ban đêm, lệnh phải đi hàng một, chữ nhất, đi trệch hàng là báng súng chúng ‘zộng’. Cảnh ngộ thế chưa đủ, còn phải nghe những tiếng la “khẩn trương với triển khai”, lạ tai vì lần đầu nghe, lải nhải cả đêm, chịu không nổi! Ròng rã 3 ngày đêm lầm lũi đi trong rừng, không một miếng ăn, nước. Hai lần lội qua suối nhỏ, gục mặt xuống mà uống! Quả thật chưa bao giờ thấy câu nói ’bụng đói, cật rét’ hiện hình nguyên si như vậy. Đã thế, khoảng cách dây trói giữa người đi trước và người đi sau lại ngắn, không đủ dài, nên đạp chân nhau, té lên té xuống cả đêm. Trong khi di chuyển, có tin một số người lợi dụng trời tối, cởi trói cho nhau, lủi vào rừng, nhưng thoát hay không thì không rõ, mỗi lần nghe những loạt đạn nổ, VC bảo có người trốn nhưng đã bị bắt lại hoặc bắn chết tại chỗ!
Tới trại giam vào khoảng nửa đêm, sáng thức dậy, thấy Đại Tá Luật nằm cách chỗ tôi ngồi không xa. Ông vẫn còn ngủ. Khi ông thức, tôi hắng giọng cốt ý cho ông biết tôi cũng có mặt ở đây. Nhận ra nhau nhưng phải đợi tới lúc dẫn đi lấy cơm trưa mới gặp ông, tôi kể ông nghe. Ông cười, vui vẻ, khoe:
– Ông phó xui chứ tôi là dân thiết giáp, bị bắt, chúng lại cho ngồi T54 vào đây, chẳng phải đi bộ bước nào.
– Vậy là anh hên quá! Thế còn vụ anh té lúc VC phát giác, tại sao vậy? Có phải anh bị đạn chúng không?
– Không, vọp bẻ chạy không được, chúng ập tới, nhìn cổ áo và bảng tên trên miệng túi, biết là ai, cho vào T54 ngồi ngay.
– Anh hên hết nói. Còn chuyện khai báo, nó đã hỏi anh chưa?
– Rồi, ngay khi vào đây.
– Khai báo thế nào? Có gì anh cần lưu ý không?
– Ưm! Không đâu, tôi thấy có sao nói vậy là được, riêng cái gì dính tới chính trị thì thận trọng.
Mấy ngày sau, chúng kêu tôi đi làm việc, khi đó tôi mới khai chức vụ của mình. Khi biết chức vụ rồi, chúng đem nhốt tôi cùng chỗ với anh Luật. Quanh chỗ tôi và anh Luật nằm, 4 góc cắm 4 cái cọc, căng giây điện thoại mầu đen chung quanh để phân định ranh giới. Chẳng biết chúng làm thế để làm gì, dễ canh chừng, theo dõi? Riêng anh em quân nhân, công chức nằm chung quanh thì cười mỉa mai bảo: Đại tá và ông ở khu ‘Danh dự! Thực ra nằm riêng như vậy thì rộng rãi hơn chỗ mấy trăm người nằm chen chúc chung quanh nhưng nằm đất rừng về đêm giá lạnh vô cùng. Những đêm trước, nằm chung với anh em, tuy chật chội đâu lưng vào nhau lại ấm, ngủ ngon hơn.
Liên tiếp những ngày sau đó, chúng kêu đi làm việc nhiều lần và những lần sau này, tôi phải viết thành tờ khai. Thật là nhớ đời, đêm hôm ấy, vào lúc 1 giờ sáng, chúng dựng dậy, 2 tên bộ đội, súng cầm tay tư thế sẵn sàng tác chiến, kèm hai bên, dẫn đi, tưởng là chúng dẫn đi luôn khỏi khu trại giam như ông Tỉnh. Tới một lùm cây rậm, trong có một cái bàn làm bằng tre rừng bổ ra, 4 người đã ngồi sẵn, ngay trên mặt đất, họ bảo tôi ngồi đối diện. Một trong 4 người, giọng gay gắt:
– Anh ngoan cố. Khai báo láo lếu, không khai thác được gì hết!
– Tôi…
– Mặt trận đã khoan hồng, cứu anh, đem vào đây là tránh cho anh khỏi bị bom ngụy tàn sát sau khi thất thủ, vậy mà không hiểu, còn man trá, ngoan cố!
Nghe lạnh xương sống! Man trá, ngoan cố! Tội lớn vậy sao? Phải giải thích cách nào cho họ hiểu bây giờ? Hành chánh có gì đâu mà phải giấu giếm, khai man. Trách nhiệm, phần vụ, từ thư ký đến ông Tỉnh, ai sao khai vậy, liệt kê thế là rõ ràng, đầy đủ, sao lại khai thác không được? Khai thác không được, nhất định không phải là tại lời khai mà bởi nhiều nguyên do khác?
Tôi giơ tay xin nói, chúng không cho, mãi sau khi cả 4 tên lần lượt trình bày công tác khai thác, mỗi người phụ trách một lãnh vực như hành chánh, xã hội, chính trị, tôn giáo. Tất cả đều cho là tôi man trá trong lời khai, khiến họ không tìm kiếm được gì, cuối cùng mới cho tôi nói.
– Thưa các anh, khi đặt bút viết tờ khai, tôi đã tự hỏi nhiều lần: Mình phải trình bày cách nào? Liệu cách trình bày của mình có dễ dàng cho người có nhiệm vụ khai thác nó hay không? Suy nghĩ, đắn đo, cuối cùng, tôi quyết định chọn cách khai báo mà tôi đã từng làm trong chế độ trước, đó là lối làm việc khoa học, rõ ràng và quen thuộc, tôi làm theo những gì tôi đã được hướng dẫn, dạy dỗ.
Một điểm nữa không thể quên, chắc chắn không ai rõ bằng các anh, đây là một biến cố quan trọng, quá lớn, chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ, bao nhiêu bom đạn rớt xuống một thị trấn nhỏ bé như vậy, tránh sao khỏi đổ nát, tan hoang! Nếu như một số cơ sở, hồ sơ, khí mãnh bị thất lạc hay bị huỷ hoại đâu có gì lạ. Ngoài ra cũng có thể là do một vài yếu tố khác cũng rất quan trọng mà thông thường con người ta hay vấp phải mỗi khi nghiên cứu hay khai thác một tài liệu, một dự án nào đó, đặc biệt đây lại là một tài liệu liên quan đến một thể chế, cơ cấu tổ chức một chính quyền với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên các cấp, đủ mọi giai tầng, trình độ kiến thức, chưa kể tuổi tác, màu sắc, thời gian, thêm vào đó Darlac còn có nét đặc thù về dân số là Kinh & Thượng. Chính vì những yếu tố này mà nhiệm vụ của mỗi người, mỗi giới khác nhau, vô cùng phức tạp.
Theo tôi, muốn khai thác tài liệu về tổ chức của chính quyền này cho có kết quả, người lãnh trách nhiệm khai thác phải hội đủ tối thiểu mấy yếu tố sau đây: Thứ nhất: Tinh thần làm việc của người được trao nhiệm vụ khai thác. Thứ hai: Kiến thức, khả năng hiểu biết của người lãnh nhiệm vụ khai thác. Thứ ba: Thời gian cần có để khai thác.
Xin cho tôi giải thích:
Yếu tố thứ nhất.’Tinh thần làm việc’. Yếu tố này không thành vấn đề vì những người được trao cho nhiệm vụ khai thác tài liệu của tôi chắc chắn phải là những người có tinh thần làm việc cao, sẵn sàng hy sinh phục vụ, không ngại khó.
Yếu tố thứ hai. Khả năng. Yếu tố này quan trọng. Như tôi đã thưa, tài liệu này liên quan đến tổ chức của một chính quyền hoàn toàn khác với chính quyền các anh. Chế độ miền Nam là một chế độ dân chủ, tự do, hoàn toàn khác với chế độ Xã hội chủ nghĩa miền Bắc, khác về hình thức và cả nội dung. Vì thế, tối thiểu người được trao cho nhiệm vụ khai thác phải có sự hiểu biết về cơ cấu, về tổ chức chính quyền cũng như thể chế đó. Có hiểu biết mới có thể phân tích, tổng hợp, mới có được những nhận xét đứng đắn, khách quan, mới có được những phán đoán vô tư, từ đó mới rút ra được những kết luận chính xác. Có hiểu biết mới thấy được vai trò, nhiệm vụ của từng nhân viên, trực tiếp hay gián tiếp trách nhiệm khi thi hành công vụ. Cùng làm việc ở một địa phương, nhưng không phải nhiệm vụ và trách nhiệm cơ quan nào cũng giống nhau. Trong cùng một cơ quan, Ty, Phòng, nhiệm vụ và trách nhiệm mỗi người cũng khác nhau. Từ đó suy ra, tiền bạc, khí mãnh, nói chung là tài sản của tỉnh, ai là người quản thủ, ai là người trách nhiệm. Mức độ trách nhiệm chắc chắn phải khác nhau. Tôi xin các anh đặc biệt lưu ý yếu tố này để công việc khai thác có kết quả tốt.
Cuối cùng là yếu tố thời gian. Yếu tố này cũng quan trong không kém. Tôi nhớ là mới nạp tờ khai 5, 6 ngày, một tài liệu liên quan đến nhiều lãnh vực, tình trạng cơ sở lại vừa qua sự tàn phá của bom đạn, đổ vỡ, tan nát như thế mà chỉ mấy ngày sau, không hiểu làm việc cách nào mà bây giờ kết luận là tôi… man trá, ngoan cố! Tôi cho là cần phải có thêm thời gian.
Giận quá, tôi nói một hơi như vậy, không rụt rè, không sợ hãi. Đàng nào thì cọp cũng cỡi rồi, xuống đâu được. Cả 4 người ngồi nghe một cách chăm chú. Khi tôi ngừng nói, họ cứ nhìn nhau, không ai nói gì, được thể, tôi nói nữa:
– Thưa các anh, tôi biết tôi phải làm gì. Tôi không man trá, không ngoan cố! Để chứng minh tôi là người thành khẩn, tôi có một đề nghị.
Vừa nghe nói có đề nghị, 2 trong 4 người cùng nói:
– Có đề nghị gì, anh nói đi.
Qua phản ứng của họ, tôi thấy vững tin vào đề nghị của mình, tôi có cảm tưởng đây là cách gỡ bí cho họ? Điều tôi sắp đề nghị với họ chính là điều tôi đã âm thầm mơ ước ngay từ ngày bị bắt (11/3/75). Vợ con, người thân của tôi lưu lạc tại thị xã Ban mê Thuột từ ngày đó, không biết sống chết ra sao, tôi chỉ muốn có cơ hội về lại đó.
– Để chứng tỏ là tôi không ngoan cố, chứng tỏ là tôi đã chân thành khai báo, cũng như để bổ khuyết cho những thiếu sót của người khai thác tài liệu trước đây, nếu có, tôi xin tình nguyện hướng dẫn cán bộ về khai thác tại chỗ tại thị xã BMT. Nếu có điều chi không đúng với lời khai, tôi xin hoàn toản chịu trách nhiệm, chịu tội ngay tại chỗ.
Đúng một tuần lễ sau, 5 giờ sáng ngày 2/4/75, hai tên bộ đội giải tôi đi khoảng 20 phút, gặp một toán 4, 5 người, sau khi họ trao đổi công tác với nhau, 1 trong số họ nhận tôi và bảo vào ngồi trong chiếc xe Jeep dân sự bít bùng. Tôi nghĩ chắc chuyến này là ra Bắc. Xe rời vùng trại giam cỡ 6 giờ sáng, chạy khoảng ba tiếng đồng hồ, bất ngờ, người này quay lại nói với tôi:
– Đề nghị của anh được chấp thuận, tôi sẽ cùng anh làm việc tại chỗ.
Tới thị xã Ban mê Thuột, tôi được dẫn vào một ngôi nhà trong xóm nhà dân ngay phía trước chùa Tỉnh hội Phật Giáo Darlac. Đây là bước đầu cho hy vọng tìm kiếm tin tức vợ con tôi. Mừng lo lẫn lộn, tâm trạng nôn nóng nhưng thực tế bị nhốt ngồi đây, sao có thể gặp ai hay đi đâu được mà tìm! Thấp thỏm, mong chờ, cuối cùng tự an ủi phải kiên nhẫn và cầu nguyện. Tôi cầu nguyện liên tục. Bỗng nghe tiếng tên bộ đội gọi:
– Đồng chí cán bộ (người đưa tôi về lại BMT) bảo anh ra ăn cơm.
Nghi ngờ thính giác của mình, tôi hỏi lại:
– Anh bảo tôi?
– Phải, anh chứ ai.
Theo viên bộ đội ra sân, tưởng là họ dẫn đi ăn ở đâu, không ngờ, anh ta lại dẫn ngay vào căn buồng chỗ cán bộ ở. Nhà này có 5 gian, họ cho tôi ở gian đầu, 3 gian giữa dành cho cán bộ, gian đầu kia có lẽ là ban an ninh ở? Bước vào phòng, theo phép lịch sự, tôi ngừng lại cách xa bàn ăn vài thước, vừa nói được hai tiếng ‘chào anh’ thì anh ta bảo:
– Anh ngồi ăn cơm.
Thật sự bất ngờ, tôi ngần ngừ.
– Xin mời anh
Anh này cũng khá thông minh, biết là tôi ngại, nói ngay:
– Từ hôm nay trở đi, anh và tôi sẽ cùng làm việc với nhau theo đề nghị của anh mà. Vì thế, sẽ cùng ăn và ở đây.
Trong khi ăn, nhờ nói chuyện, tôi biết tên anh ta là Quân, còn được biết thêm anh là người tỉnh Thái Bình, thoát ly theo Cộng sản khi vừa học hết trung học.
Ăn xong, trở về căn buồng được chỉ định, nằm vật ra giường, nhiều muỗi quá, bò dậy thả cái mùng nâu xuống. Nằm một hồi, lại nhớ tới vợ con, không lẽ về tới đây cũng lại nằm tại chỗ. Suy nghĩ thật lâu, dậy ra cửa, làm gì bây giở? Nhờ ai? Ngoài Quân ra? Chắc gì anh ta giúp? Không anh ta thì ai? Nghĩ tới nghĩ lui, chẳng thấy ai khác. Lúc này chỉ có anh ta mới giúp được mình. Câu trả lời rõ như thế mà sao vẫn băn khoăn! Cuối cùng, tôi quyết định nhờ Quân. Mở cửa ra ngoài, tiến lại trước cửa buồng nơi Quân ở, thận trọng, không biết là anh ta có trong đó không, tự nhiên mở cửa vào nơi cán bộ ở cũng nguy hiểm. Nhìn qua khe cửa, may quá, Quân đang nằm võng đọc báo. Mạnh dạn mở cửa bước vào:
– Anh Quân, không biết bây giờ anh có bận gì không?
– Nghỉ thôi chứ anh, Có việc chi vậy?
– Nếu anh không bận, như đã thưa với anh trong lúc ăn cơm, hiện nhà tôi, 6 đứa con và cậu em đang sống quanh quẩn đâu đó trong thị xã này mà không có tin tức gì cả. Tôi muốn kiếm nhưng biết nhờ ai bây giờ, nghĩ mãi, thấy chỉ có anh mới giúp được.Nếu không gì trở ngại, xin anh giúp cho tôi đến một vài nơi quen biết trước đây xem có ai biết vợ con tôi ở đâu không, cám ơn anh trước.
Nói xong, đứng chờ tại chỗ.
Quân ra khỏi võng, nhìn tôi, buông tờ báo xuống giường bên cạnh, không nói gì cả, đi thẳng tới chỗ để chiếc xe jeep ngay đầu ngõ, tìm kiếm gì đó. Tôi nghĩ là anh ta coi lại xăng. Vài phút sau, Quân quay lại phía tôi đứng, vẫy ra xe.
– Tôi đưa anh xuống phố.
Quân lái và tôi ngồi bên phải, chỗ dành cho hành khách. Nhà người quen đầu tiên tôi hướng dẫn Quân đến là nhà ông bà Đồng Thạnh (6), tới nhà anh Nguyễn đình Thuyên (7), kế đó là nhà ông bà Trần hữu Văn (8), chẳng gặp ai quen biết. Đến cả Trung Tâm tình thương, buôn Kotam, hỏi ai cũng đều ngơ ngác, lắc đầu! Một vài người nói có thấy trong mấy ngày đầu cuộc chiến chứ sau này thì không! Thú thật, lòng đã quá nản, gần hai tiếng đồng hồ chạy khắp nơi mà chẳng có được chút tin tức nào đáng khích lệ. Biết rằng không thể kéo dài mãi chuyện tìm kiếm này nên trước khi trở về chỗ nghỉ của Quân, một chút hy vọng cuối cùng trong dịp may duy nhất, làm sao có thể nhờ người ta lần nữa được, tôi nói với anh ta:
– Phiền anh nhiều rồi, vậy trước khi về, anh cho tôi ghé qua nhà bà Tiểng (phu nhân cựu Tỉnh Trưởng Darlac) (9), nếu cũng không có nữa thì thôi anh Quân à.
Quân đồng ý. Trên đường đi tới đó, tôi lại nghĩ không chừng nhà này bị tịch thâu rồi cũng nên. Lại nản! Tới nơi, cổng vẫn mở, xe chạy thẳng vào trong sân, lòng hơi nghi ngại. Chẳng biết còn chủ cũ hay là chủ mới? Sao vắng vẻ thế này? Gõ cửa mãi cũng chẳng thấy động tĩnh gì, định quay ra, chợt nghe tiếng la thật lớn:
– Mẹ ơi, Ba!
Tôi nhận ra là tiếng thằng con đầu của tôi. Đúng thằng Vinh, tôi cũng la:
– Vinh phải không? Ba đây!
Thằng bé mở cửa xông ra ôm chầm lấy tôi, mừng quá, cha con cứ ôm nhau đứng đó, bỗng nghe Quân hỏi:
– Nhớ Bố nhiều không?
Thằng bé nhìn Quân không đáp, sợ. Tôi vội nhắc:
– Chào… ông đi con.
Rồi hỏi tiếp:
– Mẹ và các em đâu? Cậu Khải nữa, có nhà không?
Một đám đông gồm nhà tôi, chị Tiểng chủ nhà, các con chị và các con tôi cùng ùa ra mừng rỡ. Chứng kiến cảnh đoàn tụ hi hữu này, Quân cười nói:
– Trốn mãi bây giờ mới dám ra phải không?
Tất cả cùng cười, riêng chị Tiểng lại thật thà:
– Sợ là đến bắt chúng tôi đấy chứ!
Chị Tiểng mời Quân vào nhà. Sau khi tôi giới thiệu từng người với Quân, chủ khách phân định xong, Quân ngó tôi nói:
– Tôi nghĩ là anh nên đi tắm, lâu không tắm chắc khó chịu lắm.
Cám ơn Quân và nhờ chị Tiểng và nhà tôi tiếp khách, tôi đi tắm.
Khoảng nửa giờ sau, tắm xong, tôi trở ra thấy Quân đang ôm thằng Vinh, con trai lớn của tôi trong lòng, cằm tỳ trên đầu nó, thỉnh thoảng lại đưa tay vuốt tóc thằng bé xem ra rất âu yếm. Trực giác bảo tôi: Anh này vẫn còn tình cảm con người? Mình phải khai thác tí ti mới được.
– Anh Quân à, anh có gia đình chưa?
– Cám ơn anh, tôi cưới vợ và đẻ đứa con đầu lòng được 6 tháng thì vào Nam, nay cháu cũng bằng tuổi thằng cu này.
– Vậy là anh vào Nam 11 năm? Cháu Vinh hơn 11 tuổi rồi đó.
– Gần gần, thiếu mấy tháng.
– Khi ra đi, anh có tính bao giờ thì về không?
– Không, chuyện đó đảng lo, bao giờ cách mạng thành công thì về.
Thường thì gặp trường hợp nghe nói thế, tôi hay đùa một câu: Lỡ cách mạng không thành công thì sao? Nhưng đây thì không, tôi hỏi:
– Lỡ khi ấy anh lại không muốn về thì sao?
– Làm gì có chuyện ấy, đi, ở hay về cũng như mọi chuyện khác, đảng và nhà nước sáng suốt, quyết định hết cho mình.
Tin tưởng kiểu này, hết nói rồi!
Tôi muốn biết thêm:
– Thế lâu nay anh vẫn được tin gia đình chứ?
– Hai năm đầu thì có thư của nhà tôi, sau thì không.
– Lo phục vụ nên cũng bớt nhớ nhà phải không anh?
– Cũng nhớ chứ, nhưng phải chấp nhận.
– Anh có nghĩ khi ngoài quê có chuyện, một mình chị lo nổi không?
– Không sao, đảng hứa là giúp hết mọi chuyện, mình cứ yên tâm phục vụ.
Nói năng thì thế chứ nét mặt, cử chỉ không phải thế. Chắc chắn là Quân vẫn còn nhớ vợ, thương con. Trước khi kết thúc cuộc tra tấn tình cảm này, tôi thử nhắc tới phụ mẫu của Quân xem anh ta biểu lộ cách nào:
– Sức khoẻ hai cụ thân sinh anh thế nào ? Tốt chứ ạ?
– Thầy tôi thì mất ngay sau khi tôi thoát ly được một năm, Mẹ tôi thì trong thư cuối cùng cách đây 7, 8 năm, nhà tôi cho biết, hay yếu đau. Đôi lúc hình dung thấy nhà tôi phải nuôi con dại lại thêm phụng dưỡng Mẹ già, chắc là vất vả lắm!
Chỉ nói được bấy nhiêu, Quân ngưng và gục mặt xuống đầu thằng bé, thở dài! Thế là rõ lắm rồi. Để xua đi giây phút xúc động, nặng nề ấy, tôi nói thật chậm cốt cho anh ta nghe từng lời của tôi:
– Ở hiền thì gặp lành anh Quân à, xa cách ngàn dặm mà anh vẫn nhớ đến Mẹ, vẫn nhớ vợ, thương con, ăn ở hiếu thảo với Cha Mẹ như vậy, thế nào đời anh chẳng gặp lành, gặp may. Hồi trưa anh bảo là quê Thái Bình, thế Huyện nào? Xã nào vậy?
– Đẻ ở Thanh nê. Anh biết xã Thanh Nê ở đâu không? Từ tỉnh lỵ đi Tiền Hải, qua khỏi Quận Kiến Xương độ 3, 4 cây số, nó nằm ngay ngã ba giữa quốc lộ và lối rẽ vào Cao Mại đó.
– Vậy thì cùng Huyện với tôi rồi, tôi ở Bác Trạch, Kiến Xương, anh có biết gì về Bác Trạch không?
Tôi và Quân còn nói nhiều chuyện liên quan đến vùng Bác Trạch, Thanh Nê, Cao Mại thuộc Huyện Kiến Xương, rất nhiều điểm cả hai cùng biết trước kia. Đang vui chuyện thì Quân đứng dậy, cáo lỗi ra về. Dĩ nhiên là tôi phải tự động xách giỏ quần áo đi theo Quân về địa điểm “quản thúc”.
Ra tới cửa, Quân quay lại:
– Anh ở lại nhà với chị và các cháu được đấy, tôi về .
Mới nghe thì mừng, nhưng chợt nghĩ: Cộng sản thường hay chơi cái trò “Quan tha, Nha bắt” lắm. Tôi nói ngay:
– Anh Quân à, anh cho ở nhà thì cám ơn anh nhưng sợ đêm nay lỡ có toán an ninh nào đi tuần tiễu, kiểm soát, họ vào nhà khám xét, tôi không ra trình diện mà họ bắt gặp thì mang tội trốn tránh, mà ra thì có gì chứng minh là được anh cho ở nhà đâu. Họ dẫn đi đường dây nào thì làm sao liên lạc được với anh mà can thiệp. Thôi, tôi đi với anh.
Nghe tôi trình bày, Quân nhìn tôi:
– Có chuyện đó, nhưng chắc không sao đâu. Tôi ở ngay trụ sở, có gì thì Uỷ ban Quân quản Tỉnh cũng phải cho tôi biết, tốt nhất là anh đừng đi đâu, được không? Thôi, cứ vậy đi, tôi về.
Quay vào nhà, tôi phải tường thuật đầy đủ mọi chuyện cho chị Tiểng, nhà tôi cùng các con và các cháu con chị nghe những gì đã xảy ra cho tôi trong thời gian bị bắt. Tiếp đó là được ăn bữa cơm ngon, có canh chua, sau nhiều ngày chỉ có cơm và nước muối, tôi lại phải ngồi yên cho thằng Thành, con trai chị Tiểng, cạo bộ râu xồm ngay, cả buổi tối, mấy đứa nhỏ cứ ngó tôi cười hoài.
Đang say giấc (1:00 sáng), tiếng gọi lạc giọng:
– Chú phó, chú phó ơi! Dậy mau, mau đi! Chết rồi em ơi!
Tôi chưa kịp lên tiếng, lại nghe :
– Chú, VC nó tới kìa, nó đang gõ cửa nhà chị, làm sao bây giở?
– Chị Tiểng hả? Em ra ngay.
– VC nó gõ cửa từ nãy tới giờ.
Thế là đúng! Đã nghĩ rồi sao còn mắc! Tự trách mình ngây thơ! Dầu sao thì cũng phải ra xem thế nào, không thể để chị ấy bị vạ lây được. Ra phòng khách, tiến gần lại cửa, định bụng nếu nó làm dữ nữa thì mở, không thì thôi, đứng một tí, tiếng gõ cửa mạnh hơn, đành vậy. Trước khi mở, vạch tấm màn cửa sổ xem loại người nào. Trời đất! Quân chứ không ai khác, tôi đóng kịch bằng cách lè nhè như người ngái ngủ, vừa mở cửa, vừa hỏi:
– Ai đó? Giờ này còn có chuyện gì vậy?
Cửa mở, Quân nói ngay:
– Tôi mà biết anh ngủ say thế này thì đâu đến làm chi. Đây, giấy chứng nhận ở nhà. Thôi, anh đi ngủ tiếp, tôi về.
Cầm tờ giấy trong tay, dù chưa biết nội dung ra sao, tôi cám ơn và tiễn Quân ra về.
Nội dung tờ chứng nhận như sau:
Chủ Tịch Uỷ Ban Quân Quản Tỉnh Darlac chứng nhận ông Nguyễn ngọc Vỵ, Phó tỉnh Trưởng Hành Chánh, chức vụ cũ của chính quyền ngụy Sài Gòn, được phép cư ngụ tại nhà số… đường… (cây số 3) thị xã Ban mê Thuột. Ký tên: Đỗ văn Quân. Cố vấn UBQQ Tỉnh Darlac.
Không ngờ lại có được bửu bối này, tỉnh người, nghĩ ngay tới trốn.
Nghĩ thế thôi chứ hành động thì chưa, dù có tờ giấy này trong tay. Ngay cả việc tự ý ra khỏi nhà cũng chưa, ngoài việc mỗi sáng ngồi chờ Quân đến đón đi đâu đó với anh ta. Khởi sự, chúng tôi đến toà HC tỉnh, rảo qua gần hết các phòng ốc, quang cảnh thật tiêu điều, bàn ghế gẫy đổ, nhất là những tủ hồ sơ, xiêu vẹo, giấy tờ tung toé đầy nền nhà! Tôi cố ý đưa Quân lên lầu 2, nơi có văn phòng tôi làm việc trước đây, nhưng anh ta lắc đầu, bảo tôi đi một mình. Đứng trước cửa căn phòng quen thuộc, không còn cánh cửa, tần ngần ngó vào trong, ngó quanh một hồi rồi đi xuống, không muốn thấy gì thêm.
Nói chuyện khá lâu, Quân ra dấu rời tòa tỉnh. Trở ra, xe chạy ngang qua tư thất, xót xa ngó vào đó, trước xinh xắn, ấm cúng bao nhiê, bây giờ trống trải, lạnh lẽo bấy nhiêu. Chắc chắn đã có người xông vào lấy hết mười mấy thùng đồ của gia đình tôi đóng sẵn để chuẩn bị đưa về Sài Gòn.
Ra khỏi toà tỉnh, rẽ vào Ty Ngân khố. Địa điểm này tôi nghĩ là cán bộ muốn đến nhất. Rất tiếc, không hiểu lý do nào mà Ty này bị hư hại nặng quá! Một phần trụ sở Ty Ngân khố và vị trí hầm bạc đã trở thành những hố bom, mấy tấm sắt của tủ sắt để bạc, cong queo còn nằm cạnh chân tường.
Không tìm kiếm được gì hơn là quan sát rất lâu sự đổ nát tại chỗ, Quân lẳng lặng ra xe đi nơi khác. Quân hỏi tôi về Sư đoàn, tôi cho Quân biết đó là một vị trí quân sự, tôi không có liên hệ nên hoàn toàn không biết gì về cơ sở này. Quân đồng ý quay về, hôm sau tiếp tục.
Không hiểu vì nguyên nhân nào mà hai ba ngày liền, không thấy Quân đến, linh tính cho thấy có lẽ Quân không còn hứng thú nhiều về công tác khai thác tài liệu nữa, tôi sợ có gì thay đổi ngay lúc này, sẽ kẹt cho ý định trốn tránh của mình. Rất may, tôi sực nhớ tới đồn điền càfe của người Pháp, nếu Quân vào đấy, chắc chắn sẽ có nhiều chuyện lạ. Đúng như ý nghĩ của tôi, tới đồn điền này, Quân đã truy thâu được nhiều triệu bạc thuế. Quân vui ra mặt. Trên đường về, Quân luôn miệng khen đồn điền này lớn, Quân cho biết anh ta phải báo cáo đi nhiều cơ quan khác nhau. Qua điệu bộ và lời nói của Quân, tôi biết anh ta rất hãnh diện với đồng đội, anh ta vui đến độ khoe: Lâu lắm tôi mới có một thành tích lớn thế này.
Hôm ấy, chiều thứ sáu, khi Quân chở tôi về tới nhà, nơi tôi cư trú thì có chuyện khá bất ngờ, một xe bộ đội khác đang đậu ngay trước cửa nhà. Ngỡ ngàng, hồi hộp, chưa rõ chuyện gì thì Quân nhìn tôi bảo:
-Tôi để xe lại cho anh chị và các cháu đi lễ, khỏi phải đi xe bò!
Sững sờ! Thế là thế nào? Cuối tuần rồi, Quân theo dõi tôi? Nếu không, sao biết tôi đi lễ bằng xe bò! Thực ra thì gia đình tôi đi lễ Chúa nhật tuần trước bằng xe máy cày của chị Tiểng (nhà chị có đồn điền càfe), chứ không phải xe bò. Rõ ràng là có người theo dõi! Quân để xe cho tôi dùng chắc tin là tôi không trốn tránh? Hoặc thử xem tôi có hành vi gì khác thường? Hay đúng như anh ta nói?
Thật ra, ngay lúc đó, tôi không hề có ý định dùng chiếc xe này làm việc chi quan trọng, nhất là liên quan đến chuyện ‘trốn’ sau này. Nhưng oái oăm là ngay đêm đó, suy nghĩ về chuyện trốn, đầu óc lại bắt đầu nghĩ khác! Muốn an toàn ra khỏi phạm vi của thị xã này thôi cũng đã khó, phải biết tình hình du kích, bộ đội canh gác ra sao? Để có thể quan sát thì nhất định là phải có xe chạy tới những địa điểm nghi là có vọng gác. Càng suy tính càng thấy gian nan! Đã thế, cái ý tưởng tuần tới Quân không để xe lại cho nữa th bó cẳng sao? Thành ra tôi lại quyết định là sẵn có xe thì phải khai thác tối đa phương tiện thuận lợi này. Hôm sau, chiều thứ bảy, tôi thận trọng lái xe đến những địa điểm cần đến, may mắn, không bị xét hỏi. Chắc có lẽ vì trước xe có gắn huy hiệu UBQQ tỉnh Darlac. Xe bít bùng, họ đâu biết ai lái.
Giờ đây, nghĩ lại, chữ ‘ngờ’ học kỹ lắm, thế mà vẫn gặp nhiều lần. Chuyện bị bắt thì hiển nhiên là bất ngờ rồi, nhưng còn chuyện khi bị nhốt trong rừng, sau khi ông Tỉnh bị giải đi, còn lại mình tôi trong phạm vi 4 cái cọc, chúng đem ra khỏi trại tù lớn, cột vào một gốc cây với đoạn dây dù, dài chừng 4, 5 thước, đơn độc ngồi đó, được chứng kiến nhiều chuyện lạ lắm, có dịp xin kể chi tiết sau. Những chú bộ đội, tuổi đời chỉ hơn con đầu tôi 5, 6 tuổi, canh giữ ngày đêm thì nói chuyện một hồi khai gia phả và quá khứ, xưng em và ngoan ngoãn làm theo những gì tôi muốn, như lấy nước, lấy cơm, hốt lá cây độn chỗ nằm ban đêm. Mấy ngày sau, còn cho nằm ngay dưới võng bộ đội, về đêm thôi, ban ngày thì phải ngồi xa võng. Viên bộ đội lén cho nằm nhưng vẫn sợ cấp chỉ huy biết. Võng lại có tấm nylon che sương, ngừa mưa, thành ra cũng đỡ bị ẩm, ướt.
Còn chuyện trở lại Thị xã BMT cũng phải nói là bất ngờ, dù đó là đề nghị của chính mình, nhưng rất ít hy vọng được. Không trở lại đó thì chắc chắn không thể có cơ hội tìm kiếm được vợ con, cả chuyện quan trọng như trốn tránh về sau, cũng không thể có được.
Chưa hết, thêm một chuyện rất bất ngờ nữa, đó là việc Giáo sư Lê văn Tùng (10), hiệu trưởng Trung học Tổng hợp BMT, vì tình cảm hay nghĩa khí, đến thăm. Sau giây phút ngỡ ngàng, xúc động, lòng ấm hẳn lên, thấy mình bớt cô đơn. Trước đó anh em công chức, cán bộ, bạn hữu biết bao người! Nay Tùng là người duy nhất gặp lại, còn thì tất cả tan đàn, tù tội, trôi dạt tứ phương. Trong hoàn cảnh khá trớ trêu, từ suy tư đến hành động, người ta đã bắt đầu ngập ngừng, đắn đo, vậy mà Tùng đến thăm, tôi cho là một can đảm đối với Tùng và là một an ủi rất lớn đối với tôi. Hơn thế nữa, cũng nhờ Tùng, mới biết được tình hình sinh hoạt của thị xã, cả về an ninh, trật tự nữa, nhất là các chốt kiểm soát lối ra vào thị xã, điều mà tôi đang cần biết. Tùng ở lại khá lâu, kể chuyện học hành của trường. Những tuần lễ đầu, không học hành chi cả, họ giao cho các Thầy Cô và học sinh công tác ‘Dọn dẹp, vệ sinh thành phố’. Riêng chuyện này, Tùng than “vô duyên mà cực!”
Trong phòng khách nhà ông bà Đồng Thạnh, sau khi biết chắc là không có ai ngoài hai anh em, tôi đem chuyện ‘trốn’ nói với Tùng. Thoạt nghe, Tùng hơi ngạc nhiên, nhưng sau, Tùng đồng ý là tôi nên. Thực tình, chuyện ‘trốn’ thì tôi cũng như hầu hết anh em bị bắt, đã toan tính ngay từ lúc bị dẫn giải đi trong rừng. Nhưng tính thì tính vậy thôi, chứ lúc đó, thật khó có cơ hội. Nay thì khác, có chút thuận lợi. Hiện họ đang say men chiến thắng, chủ quan, mải liên hoan ngày đêm nên có chút lơ là về mọi mặt. Tương lai, chắc chắn tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều, sự theo dõi, kiểm soát sẽ gắt gao và chặt chẽ. Vì thế, muốn trốn, phải tính ngay.
Nhưng tính sao đây? Quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Trốn bằng phương tiện nào? Xe riêng thì không có. Còn xe đò? Đâu dám công khai! Băng rừng càng không thể, con cái còn dại. Hay mượn xe ong Đồng Thạnh? Liệu ông ấy cho mình mượn không? Mượn rồi làm sao trả? Đặc biệt là Quốc lộ 21, từ BMT đi Nha Trang, còn xử dụng được không? Cầu cống còn hay sập hết rồi? VC kiểm soát gắt gao không? Đó là những chuyện cần phải biết trước khi thực hiện.
Rất may, đang lúc ‘buồn ngủ thì gặp chiếu manh’. Nguyễn thành Huy (11), Phó Quận Buôn Hô, đồng môn hành chánh, xuất hiện. Huy từ Nha trang trở lên BMT đón người yêu, cho biết rõ tình trạng đường sá, cầu cống, những địa điểm nào trên quốc lộ 21 có VC canh gác, vv… Sau khi anh em bàn tính kỹ, chúng tôi đồng ý đi và nên đi ngay. Trong lúc Huy đi đón bồ thì tôi kêu nhà tôi bảo:
– Mai, em chuẩn bị ngay, tối nay chúng ta đi.
– Lạy Chúa, con cái dại lại đang đau yếu, đi sao nổi. Đi bằng gì?
– Bằng xe, sắp xếp ngay đi, mình có gì đâu mà ngại không kịp phải không?
– Cho ong bà Đồng Thạnh (chúng tôi đang ở trong nhà ông bà) biết chưa?
– Đợi tí.
Chạy xuống lầu dưới, thấy ông Đồng Thạnh đang đứng tựa cửa sắt garage, tôi gọi ông trở vào trong nói chuyện:
– Ông bà đi cùng với chúng tôi không?
– Ông bà đi?
– Vâng.
– Khi nào?
– Ngay tối nay.
– Ông không sợ anh chàng cán bộ kiếm sao?
– Sợ chứ, nhưng phải liều, không còn chọn lựa nào khác. Ông coi
đàng nào cũng tội, thêm tội trốn nữa cũng vậy thôi. Sao? Ông đi không?
– Rồi, tôi đi. Dứt khoát, còn nhà tôi thì nhờ ông đi với tôi, nói giúp một tiếng mới được ông ơi.
Thấy bà Đồng Thạnh đang ngồi gấp quần áo trong phòng, ông dẫn tôi vào hẳn trong, đóng cửa và ra dấu cho tôi nói trước:
– Bà Đồng Thạnh à, tôi vừa nói với ông và bây giờ xin thưa với bà. Chúng tôi cám ơn ông bà rất nhiều, chẳng ngại nguy hiểm, tốn kém trong hoàn cảnh ngặt nghèo thế này, đã cho gia đình tôi tá túc, ơn nghĩa này chỉ biết xin Ơn Trên phù hộ cho ông bà. Chúng tôi không cách nào trả được. Tôi có chuyện này muốn nói với bà, chúng tôi sẽ đi khỏi đây ngay đêm nay. Ông đã đồng ý cùng đi với chúng tôi, còn bà, nếu bà đồng ý thì xin sửa soạn ngay để kịp chút nữa đi rồi.
Tôi vừa dứt lời thì bà kêu toáng lên:
– Chết! Ông bà ơi, đi như vầy thì lấy gì mà sống? Đâu kịp thu dọn gì! Cơ nghiệp thế này mà bỏ đi trong nháy mắt với hai bàn tay trắng sao? Không được đâu!
Cứ thế bà la, chúng tôi phải ráng giải thích, năn nỉ mãi bà mới bớt hoảng hốt. Huy trở lại, hai anh em nói chuyện với nhau một lúc, định bàn thêm với ông Đồng Thạnh vài chuyện nhưng khi hỏi tới thì ông đã biến đâu mất. Mãi gần 8:30 tối mới thấy ông về, khệ nệ bê vào garage một ‘can’ xăng, gật gù:
– Phải đầy mới được.
Quyết định cuối cùng là dùng xe ông Đồng Thạnh. Vì ông không cùng đi nên phải cho thằng cháu ông đi theo, xuống tới Nha Trang thì người cháu đem xe về, đồng thời nó cũng là hướng dẫn viên cho hành trình di tản sau này của gia đình ông. Tổng cộng là 12 người trên chiếc xe jeep dân sự, gồm Huy và bồ, cậu em, người cháu ông Đồng Thạnh, vợ chồng tôi và 6 đứa con. Vì quá chật nên phải trải những tấm vải trải giường cho 6 đứa nhỏ nằm lọt trong lòng xe, người lớn thì ngồi xung quanh. Sau khi kiểm soát lần chót số người cần đi và kéo những tấm plastic cửa xe lại cho kín, tôi nhắc Huy dán cái huy hiệu ‘Uỷ ban Quân quản Darlac’ lấy từ xe Quân để lại cho tôi vào xe đi trốn. Xong công tác này, Huy ngồi vào tay lái, nổ máy. Kẻ ở người đi, nghẹn ngào trao nhau lời giã biệt, tôi ra dấu Huy chuẩn bị.
Đúng 9 giờ tối ngày thứ sáu, sau cái bắt tay ông chủ nhà (Đồng Thạnh) thật chặt, nói lời cám ơn cuối cùng, tôi nhảy lên xe, bánh xe bắt đầu lăn. Xe vừa lùi ra tới mặt đường thì cánh cửa sắt garage nhà ông Đồng Thạnh từ từ khép lại. Cuộc đời mới bắt đầu, xa lạ, mạo hiểm, đầy bất trắc!
Tim óc ai nấy như đông lạnh, nín thở, hồi hộp ngay từ giây phút đầu khởi hành. Hy vọng, chờ đợi. Tâm trạng thật mâu thuẫn. Chờ, nhưng lại sợ bất cứ chuyện gì xảy ra! Liệu qua khỏi không? Thoát được không? Chịu đựng nổi không? May mắn không?
Xe nhắm hướng quận Phước An chạy tới, không nhanh, vì vừa chạy vừa phải dò đường. Chạy qua được 2, 3 vọng gác nơi đầu tỉnh không bị chặn xét là đã thấy may, bấm chí nhau mừng. Không lúc nào người ta tỉnh táo bằng lúc này, chăm chú theo dõi từng bóng người, từng đoạn đường. Vừa qua khỏi lối rẽ vào quận Phước An là tới cây cầu lớn nhưng đã bị phá hủy. Ngừng bên bờ quan sát, suối không sâu nhưng chảy xiết. Thấy mà ngán! Hội ý với Huy, chúng tôi quyết định qua.
Chiếc xe thật khoẻ, nhắm vết xe cũ, Huy nhấn ga hết cỡ. Đúng là ‘nín thở qua suối’. Sang được bờ bên kia nó vẫn phải gầm lên để trèo dốc. Thở phào khi xe ngừng lại trên mặt quốc lộ. Nhà tôi đọc kinh rõ tiếng, cốt cho các con nghe theo.
Như để lấy sức, ngừng giây lát, xe ngoan ngoãn chạy tiếp trong đêm trường tĩnh mịch, chung quanh là một thảm đen ngút mắt dọc hai bên quốc lộ, không một đốm lửa, ngay cả khi chạy ngang qua một vài buôn Thượng cũng hoàn toàn không thấy dấu hiệu nào chứng tỏ là nơi đó có người đang sống.
Tính tới quá nửa đêm, chúng tôi đã qua được 3 con suối lớn, nhỏ, một cách suông sẻ, bằng yên, mừng nhưng vẫn phập phồng, không biết đoạn đường kế tiếp thì sao? Bỗng Huy lưu ý:
– Còn một suối nữa, khá lớn, trước khi tới suối, phải chạy một khúc đường tạm, gồ ghề, vòng vo cả nửa cây số chứ không ngắn đâu, bà con chuẩn bị tinh thần.
Xe chạy chậm, ánh đèn xẹt qua xẹt lại, theo đường mòn quanh co, tung lên, hất xuống, thật khó thấy đường. Mò mẫm mà chạy, không khác đoàn người thám hiểm, đã vậy còn sợ bị người ta chặn bắt. Vất vả quá! Huy lẩm bẩm: Dốc thế này mà thắng không ăn thì lao vào cây là cái chắc, xuống vực cũng không chừng. Lo sợ vậy thôi chứ cuối cùng cũng tới được bờ suối bình an. Bước ra khỏi xe, nhìn giòng suối. Còn ngao ngán hơn suối trước nhiều. Lòng suối rộng, dưới ánh sáng lờ mờ của sao đêm, một giải nước mênh mông, chảy xiết, những làn sóng trắng xóa, dồn dập như đùa dỡn, đuổi nhau thế kia, làm sao qua! Quay lại hỏi Huy:
– Liệu qua được không Huy?
Huy đề nghị:
– Em nghĩ mình phải lội thử xem nông sâu, nước chảy mạnh cỡ nào. Hôm Nha Trang lên, nước cạn và không chảy mạnh thế này.
Tôi và Huy xắn quần lội thử. Trời đất! May có Huy chụp áo kéo lại, Suối không sâu nhưng nhiều đá lớn, lởm chởm, nước lại chảy mạnh. Lội trở vào cũng khó, Huy hỏi tôi:
– Anh tính sao? Qua không?
– Tới đây rồi thì phải qua thôi, có cách nào khác đâu! Chỉ ngại xe làm sao, chứ nước chảy lại không lo, xe mình chở nặng mà.
Tôi bảo nhà tôi đánh thức các con dậy, mỗi người lớn ôm một đứa, vịn thành xe cho chắc, xe có chồm lên, hụp xuống vì đá sỏi gồ ghề cũng đừng để văng ra ngoài, vô phúc mà rớt ra khỏi xe, nước cuốn đi, vô phương cứu .
– Huy vẫn lái chứ?
– Được, để em lái.
– Cầm chặt tay lái nghe, cứ nhắm thẳng mà qua. Nguyên tắc thế thôi, vững tay là được. Dứt khoát vậy nhé Huy. Qua!
Tôi vừa dứt lời là Huy lao xe xuống suối. Hồi hộp vô cùng. Khi bánh xe vừa đụng mặt nước là nó đã chồm lên như ngựa bất kham. Tôi nhắc Huy:
– Nắm chặt tay lái Huy à! Rú hết ga nhưng chớ có nhả, nó mà ngừng giữa giòng là xong, không đề máy lại nổi đâu!
Thật không khác con thú dữ chút nào, máy gầm lên như khùng điên, ngả nghiêng, tung lên, hụp xuống, giận dữ như muốn hất tung những vật nặng (12 người) trên lưng! Nhìn xe rẽ nước lao đi, hệt như cảnh Môi Sen băng qua biển trong phim 10 điều răn.
Lòng sợ nhưng cảnh đẹp, hùng tráng vô cùng.
Bao nhiêu lo sợ tan biến rất nhanh khi chiếc xe vọt lên khỏi dốc, hướng về phía quận Khánh Dương và ngừng ngay trên mặt quốc lộ 21.
Bỗng Huy la:
– Xe chết máy rồi! Huy cũng không biết tại sao. Máy tắt nhưng đèn vẫn sáng. Kìa! Phía trước, chỉ cách chừng trăm thước, một đoàn xe VC đậu dài giữa lộ!
Hoảng hồn, tôi hối Huy tắt đèn. Đèn vừa tắt thì cả chục cái đèn ‘Pin’ từ phía trước rọi về phía xe chúng tôi, luống cuống, chưa biết phải làm gì, bỗng nghe Huy hối tất cả xuống xe và lủi ngay vào rừng. Nhìn nhà tôi bồng thắng út 2 tuổi, mấy đứa nhỏ lếch thếch theo mẹ, tôi buột miệng:
– Ở lại đó, không đi đâu hết, bắt thì bắt, một đống con nít thế này làm sao đi trong rừng! Sớm muộn rồi người ta cũng bắt, chú Huy đề máy lại xem sao, máy nổ thì ta đi.
Huy làm như tôi nói. Phúc đức làm sao, máy nổ liền, Huy lại khen là máy nổ rền, tốt. Chờ cho tất cả vào xe, tôi nhắc Huy bật đèn lên rồi chạy. Tới đây thì tay chân không chịu nghe đầu nữa, thay vì kéo đèn, Huy lại kéo kèn! Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng kèn xe tru lên như xé toạc không gian, Tôi đập vai Huy bảo kéo đèn chứ đừng kéo kèn. Chưa dứt lời thì Huy lại đụng vào kèn xe nữa, sau mới kéo được đèn sáng lên.
Chúa tôi! Đúng là phúc đức ông bà tôi còn, cũng lại những chiếc đèn ‘Pin” lúc nãy, đang vẫy ra dấu cho xe chúng tôi chạy.
– Kìa! Huy, nó cho chạy, nhưng chậm chậm thôi, coi chừng nó nghi.
Xe chạy qua chỗ xe bộ đội, tôi cố giữ vẻ mặt thật nghiêm, không ngó ngang, sợ chúng nhận ra điều chi khác thường thì khốn. Tuy vậy, vẫn run, đêm rừng lạnh thế mà trán vẫn rướm mồ hôi. Chạy được một quãng khá xa, người đầu tiên lên tiếng là nhà tôi:
– Tạ Ơn Chúa, chạy nhanh hơn tí nữa được không chú Huy?
– Chị sợ nó đuổi theo à?
– Lỡ thì sao.
Tiếp theo là bạn gái Huy lẩm bẩm:
– Tụi nó là chúa đa nghi, mà sao lúc cần chạy nhanh anh lại chạy chậm như rùa!
– Chạy thế mà chậm à?
Cái tốc độ tâm lý thì chạy bao nhiêu cũng là chậm còn tốc độ vật lý thì Huy đã nhấn hết ga rồi đó.
– Không thấy có đèn xe nào phía sau đâu Mẹ à!
Thì ra cu Văn, 9 tuổi đầu, cũng đã biết sợ VC đuổi theo nên đã âm thầm nhìn lại phía sau quan sát.
Thằng lớn, Vinh, 12 tuổi, bồi thêm:
– Chạy không xa, nó đuổi theo vẫn kịp mà!
Huy an ủi:
– Các cháu mà cũng biết sợ cơ à? Đừng lo, chúng nó là bộ đội chứ đâu phải cán bộ mà sợ, chúng chỉ biết đánh nhau thôi.
Tuy không góp lời nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Huy, không ngờ Huy cũng khá ‘thông’ tổ chức, đường lối sinh hoạt của cộng sản.
– Có ai biết tại sao họ lại dọn đường cho xe mình chạy như vậy không nào?
Nghe Huy hỏi một câu đúng ý mình đang suy nghĩ, tôi nói ngay:
– Tôi đoán thế này, thử nghe xem có lý không nhé: Như chú Huy nói, bộ đội luôn luôn nể cán bộ, trong tổ chức của cộng sản, ngành cán bộ có uy thế hơn khối quân sự nhiều. Bộ đội chỉ lo đánh nhau thôi còn chuyện cai trị, quản lý thuộc nhiệm vụ khối cán bộ. Vì vậy khi bộ đội thấy xe cộ thì cũng đâu có thắc mắc gì. Hơn nữa, xe chạy vào giữa đêm khuya thì chỉ có xe nhà nước, xe cán bộ chứ không thể là nào xe khác. Đã vậy, chạy tới gần xe bộ đội, lại ngừng và bóp kèn inh ỏi như hối mở đường cho xe chạy, như vậy không phải xe cán bộ thì còn xe ai? Nói trắng ra là nhờ cái tâm trạng bộ đội lép vế hơn cán bộ ta mới hưởng được cái hên như vậy đấy chứ. Chuyện vai vế, hơn thua này đã trở thành một qui luật bất thành văn trong sinh hoạt của đảng cộng sản từ lâu rồi. Một lý do nữa, rất có thể chúng thấy trước xe có huy hiệu UBQQ Tỉnh Darlac nên càng vội mở đường cho mình đi cũng nên.
Từ tối tới giờ, Khải, cậu em không hề nói gì, bất ngờ hỏi:
– Các anh lấy nó ở đâu ra vậy?
– Lấy ở xe cán bộ để lại cho anh.
– Các anh liều thật!
Nhà tôi thì bảo:
– Ai nghĩ sao cũng được nhưng tôi thì cho đây là một phép lạ.
Chẳng ai tài giỏi gì, nhờ cái lính quýnh của chú Huy, kéo kèn thay vì kéo đèn, mà lại hên. Cũng còn do cầu nguyện chứ bộ. Cầu mãi cũng phải được.
Nghe mấy người tâm sự mà quên cả giờ giấc, Huy nhắc:
– Gần tới Quận Khánh Dương rồi bà con…
Được báo trước, ai nấy lại hồi hộp, liệu qua khỏi địa điểm này không? Bị chặn bắt, khám xét gì không? Bỗng nhà tôi than:
– Vừa mới vui được mộ tí, lại có chuyện!
Kìa quận Khánh Dương, kìa phố chợ, đâu còn nữa. Tất cả giờ đây chỉ còn là những đống gạch đổ nát, tan hoang. Cảnh khang trang, sầm uất trước đây mất rồi. Sao tang thương, bể dâu mau thế. Cả một khu vực đầy sức sống mới đó mà bây giờ không còn gì cả. Không thể tưởng tượng được, không một mái nhà nguyên vẹn, tất cả chỉ còn là những bức tường đổ nát, những cột nhà cháy dở dang, xiêu vẹo, tựa như những xác người chết, đứng đó điểm hồn ma qua lại. Rùng mình, lạnh xương sống! Cảnh tượng thật thê thảm, thương tâm. Chiến tranh tàn nhẫn, khủng khiếp quá!
Toàn thể quận lỵ Khánh Dương trước đây phồn thịnh bao nhiêu thì giờ đây hoang vắng, xác xơ bấy nhiêu. Cảnh vật tiêu điều, âm u như một nghĩa địa hoang, đầy âm khí nặng nề. Dân chúng, cơ sở, uy quyền, khí thế đâu rồi? Không còn dấu vết. Từ quốc lộ nhìn vào, đêm khuya, chỉ thấy chập chờn những đàn đom đóm bay lượn, đuổi nhau, hệt như những oan hồn đang cố tìm nhau, hy vọng được an ủi, vỗ về cho bớt cô đơn. Dù ai đó có lạnh lùng, vô tình đến mấy cũng không thể không xao động, buồn lòng trước cảnh đổ nát, hoang tàn này. Câm nín hay oán trách, giận hờn ai đây? Ai đã gây nên cảnh tang thương quá sức tưởng tượng của con người thế này?
– Anh coi kìa, lại có xe nào đậu phía trước phải không?
Nghe nhà tôi hỏi, tôi bảo Huy từ từ ngừng xe, đừng vội đến gần đoàn xe trước mặt. Tất cả mọi người im lặng. Ngừng giây lát, tôi và Huy ra khỏi xe quan sát. Đứng mười mấy phút vẫn chẳng có xe nào chạy qua, buộc lòng phải lại gần chỗ đoàn xe đậu, tới gần, nhận ra toàn là xe dân sự. Chưa kịp hỏi thì một thanh niên đã cho biết:
– Cầu thì sập, đường qua sông bị chiếc xe vận tải lún giữa giòng, kẹt từ chiều tối tới giờ, không xe cộ nào qua được, ông ơi.
Vậy là công cốc. Tới đây rồi tắc nghẽn? Kế hoạch dự tính là nếu trở ngại, liệu không đi được thì phải trở lại BMT trước khi trời sáng. Xui đến thế sao? Than thì than vậy nhưng vẫn phải nghĩ cách qua sông. Bao nhiêu người đến trước, đều thụ động ngồi đó chờ. Nói lả chờ chứ đâu biết chờ cái gì? Chờ ai? Đang lúc bối rối thì Huy chỉ tay về phía xa bên kia sông. Một đoàn xe rọi đèn thật sáng đang đổ dốc. Xe to lắm, xe công binh thì phải. nếu là công binh thì thế nào họ cũng phải giải quyết vụ tắc nghẽn này. Đúng như Huy luận, chỉ khoảng nửa giờ, công binh đã lôi được chiếc xe tải lún giữa giòng (sông không nước) vào bờ, giờ thì họ đang trải những vỉ sắt lót đường cho xe chạy.
Hú vía! Đường trốn kể như đã thông, chắc chắn không có chuyện trở lại BMT. Qua khỏi sông Khánh Dương một đoạn ngắn là xe bắt đầu trèo dốc, chạy trên khúc đường đèo quanh co khá dài, dưới ánh đèn xe, dọc hai bên đường, không biết bao nhiêu xác xe cộ, từ jeep đến Dodge, từ tăng đến pháo của quân đội VN, gẫy đổ, cháy đen, đầu cắm vào sườn núi, cùng với xương sọ người lăn lóc khắp nơi cạnh xác áo quần tả tơi, rơi vãi tứ tung, bê bết máu khô. Mủi lòng hơn, tại một khúc quanh dưới chân đèo, sọ người đâu mà nhiều thế. Cái lành, cái vỡ, trắng xoá, rải rác bên đường và kẹt ở gốc cây, hốc đá. Thảm hơn nữa là mỗi khi xe chạy qua những nơi có nhiều sọ người thì đoàn chuột túa ra chạy trốn, nhiều vô kể. Những sọ người ấy là ai? Giờ đây thân xác họ đã trở thành mồi cho thú hoang, chuột bọ. Chứng kiến cảnh tượng đó, ai cầm lòng nổi. Nhà tôi làm dấu đọc kinh, mấy đứa con sợ hãi, co dúm lại, không biết cảnh tượng này bao giờ mới phai được trong trí các con tôi. Nghiệt ngã! Xót xa!, tang chứng này khác chi những giọt máu tươi… đang rỉ!
Sau này mới biết, nơi đây chính là nơi Lữ đoàn 3 Nhảy dù trú đóng, do Đại Tá Lưỡng chỉ huy, với nhiệm vụ chặn đường tiến quân của cộng sản từ Cao nguyên xuống miền Duyên hải. Tất cả đã tử chiến cho đến khi hết đạn vì không được tiếp tế.
– Bao lâu nữa thì qua khỏi chỗ này chú Huy?
Chắc là buồn lắm nên nhà tôi mới mong nhanh chóng đi khỏi địa điểm tang tóc này.
Huy chưa trả lời thì nhà tôi lại tiếp:
– Tội nghiệp hết sức. Cứ nhìn qua số lượng xác súng đạn, xe cộ, quần áo vương vãi khắp nơi cũng hiểu được là chết biết bao người.
Bấy giờ Huy mới lên tiếng:
– Chút nữa thôi chị, qua đây là tới Dục Mỹ, qua Dục Mỹ là tới Ninh Hoà, tới đó phải ngừng lại nghỉ, đợi tới sáng mới vô phố Nha Trang. Phải nghỉ chờ sáng vì từ bữa máy bay ta bỏ bom cầu Hà Rá, đêm nào dân Nha Trang cũng ra quốc lộ ngủ, sáng mới về. Nếu nay vẫn còn tình trạng như vậy thì mình dễ trà trộn vào phố.
– Phải nghỉ Huy à, cả đêm thức trắng, mệt lắm rồi.
– À, anh tính tới đâu thì xé bỏ cái huy hiệu?
– Chắc ngừng lại xé ngay đi, tới đây là hết địa phận Darlac rồi, quên là chết.
Tới ngã ba Ninh Hoà, Huy lái xe chạy thẳng vào sân vận động, yên trí khán đài sẽ là chỗ nằm nghỉ, rộng rãi lại vắng vẻ, không sợ lộ. Xe vừa ngoẹo vào cổng sân, tới khúc cong hướng phía trái, đèn xe rọi thẳng váo khán đài, Huy la lên:
– Thôi chết, khán đài có bộ đội!
– Thì ‘de’ lại đi…
Trong lúc lùi xe ra cổng, ngó khán đài, bộ đội đang chạy qua chạy lại như tìm nơi bố trí,. Huy trấn an:
– Chắc du kích địa phương chứ không phải bộ đội, chúng không đuổi theo đâu, có khi chúng còn tưởng là xe đi kiểm soát chúng cũng nên, giờ này địch nào lại tới đây bằng xe.
Nghe Huy nói, mọi người yên tâm.
– Chúng ta ra bến xe Lam được không?
Huy hỏi, ai cũng bảo Huy là thổ công Nha Trang, đâu thấy được thì đi.
Tới bến xe Lam Ninh Hoà, lúc đó khoảng 4 giờ sáng. Tại đây có vài bác tài đang ngủ trong xe, thấy ồn ào thì thức dậy, rất vui vẻ chỉ chỗ nằm cho con nít, đàn bà. Có được chỗ nằm thì mừng nhưng không thể ngủ. Muỗi ơi là muỗi, mấy người đặt mình xuống là ngáy nhưng tôi thì không, sàn cement đã cứng lại thêm đàn muỗi vo ve như reo hò chiến thắng. Tuy không ngủ được cũng phải nằm đuổi muỗi cho con. Trằn trọc mãi, gần sáng, nghe mấy bác tài thức dậy sớm nói chuyện với nhau, giọng điệu hơi lạ, bất mãn gì đây? Cuộc sống cũa họ rõ ràng là đang gặp khó khăn, bất công?
– Trước có nghiệp đoàn, phân bổ thứ tự, kẻ trước người sau, bây giờ mạnh ai nấy chạy, thằng nào quen thân cán bộ là muốn chạy lúc nào thì chạy, không cần biết đến ai.
Không nghi ngờ gì nữa, họ đang bất mãn, tôi khều Huy nói nhỏ:
– Huy à, chuẩn bị sáng là đi ngay, chần chừ, không khéo bị vạ lây đấy.
Bên kia đường là dẫy phố thương mại khá sầm uất trước đây, nay coi bộ vắng vẻ, sập sệ, khác xưa nhiều. Tôi và Huy sang kiếm gì ăn sáng và mua cho đám trẻ bánh trái điểm tâm, nhưng chẳng đâu mở cửa, duy có một tiệm cửa hé mở, tôi lách mình vào, ông chủ quán hình như vừa mới thức? Nhìn ông mất cảm tình quá sức, mắt mũi kèm nhèm, hỏi món nào cũng trả lời chưa có. Tuy vậy, cũng nhờ ông giúp cho được bình nước sôi pha sữa cho con.
Thật là nghịch nhĩ khi đang trốn chạy mà lại bảo là khoan khoái, thú vị, nhưng tâm trạng lúc này quả thực nó thế, chưa bao giờ có được giây phút thư giãn, thong dong trên đoạn đường bằng phẳng, quang đãng. Ninh Hoà-Nha Trang trong một buổi sớm mai, khí trời trong lành, mát mẻ, chiêm ngưỡng vầng Thái Dương nhô lên từ phương đông, đẹp lạ lùng. Rất tiếc tôi chẳng phải là một nhà văn hay thi sĩ để mà thi vị hóa những hình ảnh quá đẹp của buổi bình minh, trời xanh, mây trắng, trái là biển cả mênh mông, những tia sáng rực rỡ, phản chiếu, giao thoa chan hoà trên mặt biển tạo thành những hình ảnh lung linh đẹp mắt hệt như những giải lụa đào trải dài vô tận. Thật tuyệt vời. Bên phải là núi đồi trùng điệp, đoạn tỏ, khúc mờ, đầy sương khói, tạo cho người cảm giác lâng lâng, như muốn bay bổng lên cao để ngăn mây, đón gió.
Qua đây, gợi nhớ rất nhiều. Mười mấy năm trước, những buổi chiều cuối tuần di hành của ngày tháng 1962, dấu chân người sinh viên Sĩ Quan hiện dịch khoá III Đồng Đế, từng tạo thành những lối mòn quanh núi đồi Nha Trang, Rù Rì còn đó. Càng không thể quên, những đêm trường cực khổ, ráng tải cement, nước, sắt thép lên đỉnh Hòn Khô, xây cho được bức tượng người lính đứng thế ‘Thao diễn nghỉ’ 10 thước cao, ngạo nghễ, hiên ngang giữa khung trời cao xanh, biển rộng. Đồng Đế, Nha Trang, nơi có nhiều âu lo, cực nhọc nhưng cũng đã tạo cho mình một tinh thần trong sáng, một thể lực rắn chắc, vững vàng, không sợ nguy, không ngại khó. Bằng chứng là trong thời gian phục vụ, một lần đi công tác xã, quận Phù Cát, Bình Định, theo chương trình họp toàn dân tại xã, chính Quận Trưởng là người sẽ chủ tọa buổi sinh hoạt này, nhưng giờ chót, Quận Trưởng bảo ông Phó đi thay. Phần vì đã quá cận giờ, nhất là ông Quận lại lờ đi chuyện cho binh sĩ hộ tống, ông phó cóc cần, bèn kêu 2 thằng ‘tà lọt’ nghĩa quân, cùng nhau cuốc bộ (chân khỏe do kết quả của di hành đấy), băng đồng cho kịp giờ ấn định. Đang khi làm việc tại xã thì súng nổ trên đường đi, sau được biết, Quận trưởng ăn năn, cho đơn vị hộ tống chạy theo, rủi và tội nghiệp, đơn vị này bị phục kích. Hai hy sinh, 5 bị thương nặng, nhẹ.
Trong lúc đầu óc đang đầy ắp hình ảnh của Quân trường mười mấy năm trước, định khoe với bà con thì Huy hắng giọng, lưu ý:
– Có trạm kiểm soát trước mặt, ngay chân đèo Rù Rì, bà con cẩn thận.
– Nó hỏi giấy thì sao?
Có người hỏi nhưng chẳng ai trả lời. Lập tức, tôi nhắc: Nhớ là phải trả lời giống nhau, đại khái thế này: Là dân trong phố, đêm ra quốc lộ ngủ tránh bom. Trước đó có mấy đêm máy bay quốc gia ra oanh kích cầu Hà Ra, sáng trở về nên không đem giấy tờ người và xe. Cứ thế mà nói.
Tới trước trạm kiểm soát, một du kích đứng ngó vào xe, chắng nói gì, chỉ hất hàm. Huy nhô đầu ra:
– Như thường lệ, tối nào chúng tôi cũng ra đây ngủ đêm nên ỷ i không đem giấy tờ chi cả, các anh biết đồng bào mình.
Mới nói tới đó thì nó đã ngoắc cho đi. Có lẽ thấy trong xe nhiều con nít? Thật mừng không nói được. Khi xe đổ dốc, từ từ rẽ trái trên con đường dẫn vào Quân trường Đồng Đế trước kia, nơi có bạn của Huy cư ngụ thì tất cả đều ngầm hiểu là chuyến đi đã trót lọt, hy vọng không có gì trở ngại nữa, chỉ còn việc làm sao có ghe, thuyền đưa về miền Nam là hoàn tất chuyến đi có thể nói là tái lập cuộc đời vậy.
Vào tới nhà người bạn của Huy, sau khi giới thiệu chúng tôi với ông bà chủ nhà, Huy hỏi ngay:
– Huỳnh có nhà không bác?
– Nó ở ngoài Ninh Chữ. Cậu biết không, nó là cảnh sát nên trốn từ ngày VC chiếm Nha Trang đến nay.
– Huỳnh có muốn đi Sài Gòn không bác?
– Có chứ, nó đi nhiều lần mà đều hụt. Cậu tính đi đấy à?
– Dạ, làm sao kêu nó về kịp hả bác?
– Vợ nó phải đi kêu.
– Giờ đến chiều kịp không bác?
– Nếu không trở ngại và ra gặp được ngay chồng nó thì về kịp mà.
Bàn tính xong, mẹ Huỳnh đi nấu cơm, vợ Huỳnh ra Ninh Chữ tìm chồng, Huy thì sang xóm bóng kiếm ghe. Tôi ở tại chỗ, nóng lòng chỉ mong sớm có ghe và ôm con nằm ngủ. Khoảng 10:30, Huy nhắn về là chiều mới có ghe. Mọi người vui mừng, yên trí là sẽ đi khỏi Nha Trang chiều nay. Tôi tiếp tục ngủ bù cho khoẻ.
Đang mơ màng thì nghe tiếng Huy hối:
– Dậy, anh.12 giờ rồi, anh cho các cháu ra xe, đi ngay bây giờ, ghe đang đợi.
Hối con ra xe, đếm đủ 6 đứa, cả cậu em, hỏi tới nhà tôi, không ai biết. Trời ơi! Đi đâu không biết nữa. Tìm đâu bây giờ. Sực nhớ lúc ở bến xe lam Ninh Hoà, Mai có nói là về tới Nha Trang, phải kiếm Cha xưng tội. Vậy là đúng, không đi kiếm, Mai yên trí chiều mới đi, không về ngay thì sao. Đi kiếm thì Việt cộng đi đầy đường kìa. Lớ ngớ chúng túm lấy hỏi giấy thì nạp mạng ư? Sao bây giờ, Trời! Sợ mà vẫn phải đi, tâm trạng nó bất mãn làm sao. Lầm lũi đi tìm vợ, tới nhà thờ không thấy, hỏi bà già ở cuối nhà thờ, bà bảo còn một nhà thờ nữa, ở xóm Ba Làng sát bờ biển kia kìa, nhà thờ này mới có Cha. Vừa đi vừa cầu, xin cho sớm gặp vợ con, không thì… Cầu chưa dứt, mừng quá sức, ngay phía trước mặt, Mai đang lững thững đi về.
Chờ cho Mai đến gần, tôi gầm lên trong họng:
– Đi ngay bây giờ. Tù cả lũ mất thôi. Lang thang thế này, bộ không sợ nó chặn xét hỏi sao? Lẹ lên không thì lỡ hết, tất cả đang đợi.
– Ai biết được, sao bảo chiều mới có ghe thì đi xưng tội, bộ đi biển mà không lo à.
Về tới nhà, mọi người đã sẵn sàng trên xe, tôi kéo nhà tôi vào, cám ơn ông bà chủ rồi trở ra liền. Xe chạy rồi mà bố mẹ Huỳnh cứ mãi trông theo, chắc ông bà lại tiếc cho thằng con, thêm lần nữa hụt đi.
Rời khu Đồng Đế, thẳng đường tới phố Nha Trang. Qua cầu Hà Ra, đường Nguyễn công Trứ, rẽ qua Độc lập, không gặp trở ngại nào. Có lẽ nhờ Huy là dân gốc Nha Trang nên ngóc ngách nào cũng thuộc. Xe từ từ bò vào xóm bóng, vòng vo, tới lui, bất chợt một thanh niên chờ sẵn ở đầu hẻm, ra dấu xe ngừng, Huy xác nhận tên tuổi, người này bám vào thành xe, dẫn chạy một vòng như trong ‘Trận đồ bát quái’. Gặp người thứ hai, ông này được giới thiệu là chủ ghe, ông chẳng nói gì, chỉ ngồi nghe, gật gù mấy cái rồi đếm tiền. Mọi việc diễn ra thật nhanh, 2, 3 phút. Tôi được chỉ lối ra ghe, trước khi đi, tôi dặn Huy:
– Huy ở đây, bám sát ông ta, có chuyện gì còn có tóc mà nắm.
– Dạ, anh chị cho các cháu ra ghe, em đợi tài công.
Phải cẩn thận vậy, vì chuyện thuê mướn ghe có giấy tờ chi đâu, khẩu ước thôi mà. Họ mà trớt thì kiện củ khoai sao. Cõng con theo hướng chỉ tay ra ghe. Bãi cát rộng, nước không sâu, xấp xỉ đầu gối. Nhắm chiếc ghe Huy chỉ, lội ra, tới sát ghe, định bỏ con lên ghe thì người trên ghe trợn mắt la:
– Ơ hay, sao lên ghe tôi?
– Cái gì? Ghe này tôi thuê mà.
– Không phải, ông lộn rồi, hỏi lại chủ đi…
Thật khổ. Lẽ nào mình lộn. Lội trở vào, vừa bực vừa sợ, trốn tránh mà ồn ào thế này, VC nó ra thì chạy đâu. Vừa lên khỏi nước thì Huy chạy ra bảo:
– Sao anh không lên ghe? Vô làm gì vậy?
– Người ta không cho lên, họ bảo ghe đó họ mướn rồi. Chú hỏi chủ xem thế nào?
Huy chạy vô hỏi chủ, trở ra bảo:
– Đúng ghe đó, đi chung, anh cứ bảo không cho anh lên thì chủ không đi nữa.
Lại cõng con trở ra, nói như Huy bảo. Bấy giờ họ mới để cho lên ghe.
Trừ cu Viên, hơn 2 tuổi, nhà tôi bồng, tôi cõng bé Thu, còn lại 4 anh chị nó là Vinh, Văn, Trang, Trâm, đều xắn quần lội theo, lúc đầu mấy đứa còn sợ ướt, sau thấy ai cũng hối đi mau nên lội đại. Nhìn thảm quá!
Đợi cho tất cả yên vị trên ghe, nhìn kỹ mấy người không cho lên ghe lúc nãy, ghét kinh khủng, nhiều khi chỉ vì chuyện nhỏ mà hỏng cả việc lớn. Ít phút sau thì Huy và ông tài công ra. Ông rà soát mọi thứ, rồi nổ máy.
Ghe ghiếc thế này thì chạy được tới đâu? Nản quá sức. Máy nổ bành, bành, bành, chạy trốn VC mà máy như hết hơi, chạy chậm như vịt bơi thế này thì sao thoát? Liệu vượt nổi sóng gió biển cả không? Đã thế, mấy người không cho lên ghe lúc nãy còn la ơi ới. Bà con ở lại, chúng tôi về xứ nghen!
Hoảng hồn, tôi chồm tới chỗ ông tài công hỏi:
– Ông tài, ghe này đi đâu, về xứ là xứ nào? Tuy Hoà hay Qui Nhơn?
– Khổ quá ông ơi, ngồi xuống đi, thủng thẳng nói. Vũng Tàu được không?
Huy cười giải thích:
– Phải nói trại đi như thế để nếu VC nghe được, tưởng là ghe đi trở ra phía bắc, mới không kiểm soát chứ. Nó mà nghi trờ vào miền Nam là nó xét liền.
Quả thật đó là giây phút hoảng hồn nhưng vô cùng thích thú. Sau nhiều tiếng đồng hồ ngồi ôm gối. bụng đói, sóng nước tung toé hầu như áo quần ai cũng ẩm ướt, tất cả hầu như đã thấm mệt. Nhìn đám con co ro run sợ, chắc cũng đói, lương thực lúc này chỉ là mấy gói mì nhúng nước lạnh mà thôi. Thương con vô cùng, nhưng làm gì hơn, phó thác.
Sợ ông tài công lái lâu buồn ngủ, tôi bắt chuyện:
– Buồn ngủ không ông tài?
– Ngủ lái sao được ông.
– Ông tài à, ông đi lần nào chưa hay đây là lần đầu?
– Chuyến thứ 5.
Biết vậy, tự nhiên, thấy vững tâm.
– Đi nhiều như vậy, có chuyến nào gặp trở ngại không ông?
– Ông nói sao? Trở ngại cái gì?
– Như bị họ chặn khám xét hay bắt bớ chẳng hạn.
– Đôi lần thấy có ghe chạy theo, nhưng họ không ra xa, họ chỉ làm gì đó dọc bờ biển thôi.
Ghe chạy ngang hải phận Cam Ranh, tôi nhớ lúc làm việc tại đây, có đội giang thuyền khá mạnh, dư sức chạy ngoài biển, tôi thắc mắc:
– Có bao giờ Giang thuyền Cam Ranh rượt chưa ông tài?
– Chưa .
– Đi biển ông có địa bàn không?
– Tôi không có.
– Không có thì khi trời đất tối om thế này, biết hướng nào mà chạy?
– Chạy được chứ. Cả ngàn cái địa bàn trên trời kia kìa.
– Phục ông quá.
– Đi riết thì quen chứ có chi mà phục.
Mấy người ngồi gần nghe được cười vui vẻ. Lờ mờ dưới ánh sao đêm, trẻ con thì được nằm ngủ yên, người lớn thì ngồi hứng gió, hứng nước biển tạt từng cơn theo sóng lớn nhỏ. Có người quần áo ướt sũng vậy mà cũng thiếp đi được, hẳn vì quá mệt. Tôi cũng gục vào vai Mai, ngủ lúc nào không hay.
Bỗng nghe tiếng nhà tôi nói nhỏ bên tai:
– Anh dậy xem có chuyện gì không mà ghe tròng trành quá.
Sẵn nước biển đầy mặt, tôi kéo vạt áo lau cho tỉnh, quay sang ông tài:
– Có chuyện gì không cơ?
– Ngó kia kìa.
Ngay trước mủi ghe, một đàn cá voi nhiều con lớn nhỏ đang nhào lộn như muốn lao vào ghe, chưa kịp hỏi thêm, ông đã tiếp:
– Phải tránh không được đụng Ông.
– Ông nào?
– Thì Ông đó đó. Đi biển mà gặp Ông là hên, biết không?
– Ông cản không cho ghe đi thẳng chắc là có gì không hay phía trước?
– Chắc chắn mà.
Người đi biển có những niềm tin riêng, mình phải tôn trọng. Biết được nguyên nhân, bà xã yên lòng, tôi ngủ tiếp, đang ngon, lại nghe ông la lớn:
– Sáng rồi, sắp tới nghe bà con.
Sức sống bỗng bùng lên mãnh liệt, tất cả nhao nhao hướng về phía Vũng Tàu. Một lát nữa thôi, tất cả sẽ đặt chân lên vùng đất tự do. Vừa mừng, vừa lo, rồi chuyện gì sẽ đến? Không muốn nghĩ thêm, qua được đoạn đường này, mừng đã. Nhìn đám con ngơ ngác, mặt mày thất sắc, mới có mấy ngày đêm cực khổ mà sao bơ phờ, hốc hác quá đi, tôi nói với các con:
– Tới đây coi như chuyến đi an toàn 99% rồi, các con mừng không nào? Lên bờ, kiếm quần áo ấm, sạch sẽ, kiếm chỗ ăn ngon, được không?
Thật khó mà quên, nghe tôi hỏi, đám con nhìn nhau, không đứa nào nói gì, mãi sau, duy nhất chỉ bé Trâm, con gái thứ hai, 6 tuổi, nhìn thẳng mặt tôi: Cho con ổ bánh mì được không? Tội nghiệp con tôi, loạn lạc, ước vọng lúc này chỉ có thế.
Nhà tôi ẵm bé Viên, nhắc:
– Mấy đứa nhớ gì không? Tới nơi bằng yên thì phải cảm tạ Chúa và Đức Mẹ.
Cu Văn, nhanh miệng:
– Mẹ khỏi lo, chúng con làm dấu, đọc kinh rồi.
Cước chú của Tác Giả: 
(1). Ông Nguyễn thế Chu, Phó Tỉnh Trưởng HC Quảng Đức, và gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Tuy không gặp lại, nhưng có điện thoại với nhau khi ông mới qua Hoa Kỳ. Ông Nguyễn thế Chu đã qua đời. 
(2). Đại Tá Nguyễn trọng Luật, Tỉnh Trưởng Darlac, và gia đình định cư tại Hoa Kỳ, đi diện HO sau khi tù về. Đã gặp lại. 
(3). Ông Nguyễn văn Khán và gia đình, Ông Nguyễn xuân Kế và gia đình, Đại Uý Nguyễn đạt Định và gia đình đều định cự tại Hoa Kỳ. Đã gặp lại. 
(4). Đại Tá Vũ thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23, và gia đình hiện sống tại Hoa Kỳ, đi diện HO sau khi tù về. Đã gặp lại. 
(5). Trung Tá Trần quang Vĩnh, Trưởng Ty CSQG Darlac, và gia đình hiện sống tại Hoa Kỳ. Đã gặp lại. 
(6). Ông Bà Đồng Thạnh ở VN, được tin cả hai ông bà đã qua đời!
(7). Ông Nguyễn đình Thuyên: Đã gặp lại tại Hoa Kỳ.
(8). Ông Trần hữu Văn, Chủ Tịch HĐ Tỉnh Darlac, và gia đình hiện sống tại Hoa Kỳ. Đã gặp lại. 
(9). Trung Tá Nguyễn văn Tiểng, Cựu Tỉnh Trưởng Darlac, và gia đình sống tại Hoa Kỳ, đi diện HO sau khi tù về. Đã gặp lại. Ông Nguyễn văn Tiểng đã qua đời !
(10). GS Lê văn Tùng, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tổng Hợp BMT, và gia đình hiện sống tại Canada. Đã gặp lại tại Hoa Kỳ. 
(11). Huy và bạn gái cùng với gia đình tôi, đi một ghe ra khỏi Việt Nam, sau được tàu Hải quân Mỹ vớt.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen