Sonntag, 15. Februar 2015

Nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ trong phóng sự 1932 – 1945



Cùng với nghệ thuật tiếp cận và phản ánh hiện thực, nghệ thuật miêu tả và khắc họa chân dung nhân vật, nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ cũng là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc ta thường gặp trong các phóng sự Việt Nam 1932 - 1945.
Nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ trong phóng sự 1932 - 1945

Vũ Trọng Phụng qua nét vẽ của Côn Sinh - Ảnh: wikimedia.org


a) Nghệ thuật châm biếm:

Châm biếm là một trong những thủ pháp nghệ thuật dùng lời lẽ sắc sảo, cay độc, thâm thuý để vạch trần thực chất xấu xa của những đối tượng và hiện tượng này hay khác trong xã hội. Thủ pháp nghệ thuật này đã có truyền thống trong văn học và được các tác giả Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Hoàng Đạo... sử dụng khá đắc địa trong các tác phẩm của mình nhằm đả kích thói khoe khoang, nịnh hót và nạn tham những của bọn quan lại triều đình và bọn lý trưởng, lý địch ở chốn hương thôn.

Trong tác phẩm Lọng cụt cán, tác giả đã lấy ý tưởng từ một hiện tượng xã hội đang rộ lên lúc bấy giờ là các bà trưởng giả ở Hà Nội đang quan tâm đến một vấn đề: “Phụ nữ nên dùng giày hay dép để đi lượn?”, tác giả đã đả kích thói nịnh hót, xun xoe cấp trên một cách nhục nhã của bọn quan lại trong triều đình Huế.