Montag, 23. November 2015

Từ Cậu Con Cầu Tự Đến Nghị Quyết 36 Kiểu


– Mừng là lần này không phải thăm anh trong phòng hồi sinh của bịnh viện Sharp Chula Vista. Mới 15 ngày mà anh đã hồng hào, hồi phục nhanh chóng. Mong anh mau khoẻ để làm những gì người không chấp nhận cộng sản cần làm.
– Tôi đã khoẻ nhiều, ăn được chút chút, thấy ngon, tỉnh táo, vẫn nhớ là trước khi nhập viện lần thứ hai, chúng ta đang dở câu chuyện. Rồi mấy tháng nay nằm một chỗ, báo không được đọc thường xuyên, TV lúc có lúc không. Vừa từ phòng hồi sinh ra phòng thường, vào nhà cầu, tình cờ nhặt được nửa tờ báo tiếng Việt loan tin ngài nguyên chủ tịch ban hành pháp trung ương đã đáp cánh an toàn xuống Sài Gòn (mà chắc ngài gọi là thành phố Hồ Chí Minh), được chủ tịch thành phố họ Lê gì đó mời dùng cơm, mời đánh gôn, được ông chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc vô vàn kính mến Phạm Thế Duyệt tiếp đón niềm nở đến độ ngài nguyên thủ tướng nức nở tuyên bố nào là sứ giả của hòa giải hòa hợp dân tộc, nào là sẵn sàng khi tổ quốc cần,… y trang một cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc, đúng hơn một cán bộ của Cục Hải Ngoại. Lang bang suy nghĩ là sao ngài Nguyễn Cao Kỳ thuộc bài đến thế. Rồi lại nhặt được tờ khác, chắc của một đồng hương bỏ lại. Ngay trang đầu, có bài của một cựu sĩ quan không quân tuyên bố không nhận ngài là đàn anh và đặt câu hỏi: Không hiểu ở tuổi sờ thấy nóc tủ rồi, được cái giải rút gì mà thay đổi lập trường 180 độ như thế? Phải chăng là được hứa hẹn sẽ cho một người Trung Hoa, bạn của tân phu nhân Niclole Kim, mở một sòng bài ở Phú Quốc. Ông cựu sĩ quan lại viết thêm là cùng về có anh bạn Trung Hoa này và giấy phép đã để trên bàn giấy của thủ tướng Phan Văn Khải.

Biến cố Ban mê Thuột: 10/3/1975

TRỐN…
Nguyễn Ngọc Vỵ
Lời giới Thiệu: Tác giả là cựu Phó Tỉnh trưởng Hành Chánh tỉnh Darlac vào thời gian cộng sản tấn công Ban Mê Thuột tháng 3 năm 1975. Ông là người làng Bác Trạch, Kiến Xương, Thái Bình. Cha Ông bị đấu tố, sau chết trong tù năm 1955. Năm sau, mẹ chết vì buồn khổ và bệnh, nhưng mãi 25 năm sau ông mới biết. Ông cho biết nội dung bài viết hoàn toàn thực 100% : “Không phải là nhà văn, càng không phải là sử gia, tôi không coi đây là một tài liệu quan trọng hay có tính cách văn chương. Thực tế chỉ là một bài viết ghi lại những gì tôi thực sự biết, nghe, chứng kiến hay đã gánh chịu. Tôi muốn viết để sau này cho con cháu biết chuyện”.
Sau 35 năm ra khỏi nước, giờ đây, ngồi trên đất Hoa Kỳ… ghi lại đôi dòng về biến cố “Ban Mê Thuột” (3/75), khởi sự cho cái nhục ‘thất thủ Miền Nam’, nghĩ tới lời ai đó: “Cao nguyên là miền đất chiến lược, ai chiếm được ‘Cao nguyên’ sẽ… kiểm soát cả Việt Nam”, thấy không sai.

CÁNH HÀNH THIỆN, CÁNH ĐỊCH LỄ

Học các lớp dưới, có bạn nào người Hành Thiện hay không tôi không biết. Năm 1945, thi đỗ trung học đệ nhất cấp (DEPSI), tôi xin vào học lớp Đệ Nhất Chuyên Khoa do thầy Phó Đức Tố (em nhà cách mạng Phó Đức Chính: 1907-1930) ở Pháp về mở ở trường Thành Chung, Nam Định, trong lớp có hai anh em người Hành Thiện tên là Di và Cầm, thường ngồi riêng với nhau không giao dịch với ai khác. Năm sau, lên đệ nhị Chuyên Khoa vẫn thế.
Cuối năm 1946, chiến tranh Việt Minh-Pháp bùng nổ. Dân thành thị phải tản cư về “hậu phương”. Khi cùng cha mẹ anh em tôi ra đến đầu tỉnh thì tôi bị chặn lại cùng với các sinh viên và học sinh Chuyên Khoa. Chúng tôi bị tập trung trong một căn nhà ở phố Hàng Cót, được tiếp tế cơm ăn với đường, không phải làm gì cả nhưng lần đầu trong đời nếm mùi đói rét. Ít lâu sau, có lệnh chúng tôi cứ 2 người một phải về các phủ huyện đảm nhận công tác tuyên truyền. Tôi và một anh sinh viên Canh Nông cao lớn được lệnh về phủ Trực Ninh. Qua Đò Quan sang bên kia sông Đáy, chúng tôi đi trên quốc lộ 21, qua làng Địch Lễ có sinh phần cụ Phan Đình Hòe rồi gần đến Cổ Lễ có lối rẽ vào làng Hành Thiện thì anh sinh viên Canh Nông bảo tôi cứ xuống Trực Ninh trước, anh về thăm vợ rồi xuống sau. Chả bao giờ thấy mặt anh nữa. Xuống Trực Ninh, may gặp Phong, bạn học, không biết chức vụ gì chỉ biết là người toàn quyền “cai trị” phủ Trực Ninh nên cũng dễ chịu. Phủ Trực Ninh có một cái xe tải chở được độ mươi người khách, chiều chiều tôi bảo tài xế chở tôi lên Cổ Lễ là nơi xầm uất lúc đó, lấy cớ là để kiểm soát ban kịch nhưng thực ra để ăn phở và đùa dỡn với ban kịch của Huân Lợn, có cô Thu là diễn viên chính. Gần Tết, có hai người bạn thân (cũng là bạn học với Phong) đến, tôi bảo Phong là tôi cùng với họ về quê xem bố mẹ tôi ra sao. Thực ra lúc đó, ai đi đâu, làm gì, chính quyền không có cách gì kiểm soát. Tôi về quê gặp cái tang đau đớn em út bị chết đuối vào ngày 23 tháng chạp. Tôi về ở cái ấp Bút Phong của bố mẹ tôi ở Hà Nam, buồn quá, xuống Sĩ Lâm Đông, cách Phát Diệm vài cây số, chơi với hai người bạn thân nói trên.