Donnerstag, 22. September 2016

Đại học Văn khoa : Giáo sư Nguyễn Thế Anh và ban Sử Đại học Văn khoa Sàigòn

Giáo sư Nguyễn Thế Anh và ban Sử Đại học Văn khoa Sàigòn

image003
TRẦN ANH TUẤN


Lời nói đầu: Sau bài viết về sử gia Tạ Chí Đại Trường, tôi chia sẻ thêm bài viết về vị thầy học của sử gia họ Tạ và của chúng tôi tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong thập niên 60 của thế kỷ trước. TAT

giáo sư Nguyễn Thế Anh
http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2013/11/131107_ngo_dinh_diem_the_years_after.shtml



Trước năm 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư Nguyễn Thế Anh có công gây dựng nên uy tín Ban Sử trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Số sinh viên ghi danh năm thứ nhất niên khoá 1974-75 lên đến khoảng 4,000 người. Trong vai trò Phó Khoa Trưởng Học Vụ, ông cũng là người chịu trách nhiệm soạn thảo chương trình tiến sĩ văn khoa Việt Nam, vốn bị xoá bỏ từ năm 1919 dưới thời Pháp thuộc. Chương trình này gồm hai cấp. Cấp thứ nhất gọi là “Năm Thứ Nhất Tiến Sĩ Chuyên Khoa.” Sau đó trong cấp thứ hai, ứng viên mới sửa soạn luận án.
Chương trình tiến sĩ chuyên khoa Sử Học bắt đầu trong niên khoá 1972-73 thì xảy ra biến cố, có tính cách lịch sử trong giới đại học VNCH.

Nguyên niên khoá đầu tiên ấy có 7 thí sinh ghi danh, thì 5 người không đậu kỳ thi cuối khoá. Năm thí sinh thi trượt đều là những người có danh vị trong xã hội bấy giờ. Tất cả đều đã có Cao Học. Một, là giáo sư trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn. Một, là Giám Sát Viên thuộc Giám Sát Viện VNCH. Một, là giáo sư đại học Huế. Một, là Phó Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Cần Thơ... Theo tôi nghĩ, điều các thí sinh thi trượt uất ức là vì một trong hai thí sinh trúng tuyển được nhận xét là chỉ có khả năng bình thường. Trong lá thư ngỏ của các thí sinh thi trượt đăng trong các nhật báo Sài Gòn lúc đó, như Sóng Thần chẳng hạn, có một câu mà tôi còn nhớ, nguyên văn: “Chúng tôi có thể dốt, nhưng không thể dốt hơn ông...”

Dienstag, 20. September 2016

Giới Thiệu và Nhận Xét về Tập San Sử Địa của hai miền Nam Bắc

Giới Thiệu và Nhận Xét về Tập San Sử Địa của hai miền Nam Bắc

 NGUYỄN VĂN LỤC


     Giáo Sư Nguyễn Văn Lục
Sự hình thành Tập San Sử Địa ở miền Nam

Sau biến cố chính trị lật đổ tổng thống Ngô Đình Dieêm, nhiều sinh hoạt của giới sinh viên bắt đầu xuất hiện. Các sinh hoạt chính trị, xã hội, văn hóa thời ấy như rộ lên. Thêm nhiều báo chí ra đời. Có khi lên đến hơn 40 tờ. Giới sinh viên lúc đó như nhận thức rõ về vai trò của họ, thấy được sức mạnh của họ và của đám đông. Họ tự tin hơn, nhân cách của từng cá nhân được xác định rõ nét hơn. Nhiều tổ chức chính tri, văn hóa cũng như xã hội của giới sinh viên ra đời mà chính họ là người nắm giữ các vai trò then chốt. Họ biểu tình, xuống đường hoan hô đả đảo như cơm bữa. Mỗi phân khoa đại học đều có báo riêng do sinh viên chủ trương ào ạt ra mắt như các tờ Văn Khoa, Tin Tưởng, Vùng Lên, Hồn Trẻ, Bừng Sáng, Lửa Thiêng... Trong đó không thiếu những tờ lấp ló tinh thần thiên tả.

Có thể nói sinh viên thời đó trưởng thành trong không khí đấu tranh. Họ chấp nhận phiêu lưu, mạo hiểm và sẵn sàng dấn thân. Chẳng hạn cuộc biểu tình của sinh viên nhằm xé bỏ Hiến Chương Vũng Tàu, lật đổ tướng Nguyễn Khánh vào tháng 8-1964.


Nhiều khuôn mặt sinh viên xuất hiện như một thứ lãnh tụ như Phạm Đình Vy, Lê Hữu Bôi (bị cộng sản sát hại dịp Tết Mậu thân ở Huế), Nhuyễn Trọng Nho, Nhuyễn Long, Đoàn Văn Toại v.v... Các phong trào sinh viên như Du Ca, các chương trình như CPS Học Đường Mới, Chương Trình Phát Triển Quận 8, các chương trình nghiên cứu về nhiều phương diện cá biệt như nhóm Speaking English Club, Nhóm Vạn Vật, Nhóm Việt Hán, Nhóm Toán v.v... Của Đại học Sư Phạm lần lượt ra đời. Nhóm Sử Địa do ông Nhuyễn Nhã thành lập xuất hiện trong bối cảnh chính trị xã hội đó. Nghiêm chỉnh và có tầm vóc của một tập san nghiên cứu có chiều sâu.

Nhưng để có thể in thành sách đàng hoàng, theo ông Nhuyễn Nhã là nhờ sự tài trợ chi phí ấn loát của ông giám đốc nhà sách Khai Trí, tức là ông Nhuyễn Văn Trương. Sau 1975, cộng sản chiếm nhà sách Khai Trí, tịch thu các kho sách của ông Trương và đặt tên ông trên một con đường nhỏ. Không có ông khai Trí, Tập San Sử Địa (TSSĐ) khó có cơ hội được xuất bản đều đặn, lâu dài. Ngoài ra, còn có sự chấp thuận và giúp đỡ của Khoa trưởng Đại học Sư Phạm Sài gòn thời đó là giáo sư Trần Văn Tấn. GS Tấn đã cho Tập san Sử Địa mượn một phòng của trường ĐHSP làm văn phòng

Cũng theo lời ông Nguyễn Nhã, lúc khởi đầu, ông có mời giáo sư Tôn Thất Dương Ky làm chủ bút. Ông Tôn Thất Dương Ky đã nhận lời. Nhưng ít lâu sau ông Kỵ bị chính quyền Sài gòn trục xuất ra Bắc. Cuối cùng, ông Nhuyễn Nhã đành kiêm nhiệm chức chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ TSSĐ.

Sự kiện ông Tôn Thất Dương Kỵ được mời làm chủ bút cùng với những tên tuổi khác như Hoàng Xuân Hãn, Sơn Nam, Trương Bá Cần, Đông Tùng, chúng ta có thể nhận thấy xu hướng nghiêng một cách kín đáo về phía cộng sản của nhóm này. Điều này được ông Chủ nhiệm Nguyễn Nhã thừa nhận sau 1975 trong một cuộc phỏng vấn.


     Số Ra Mắt Tập San Sử Địa (1966)
Vào ngày 27-2-1966, Tập San Sử Địa số 1 ra đời. Đây là tam cá nguyệt san, ba tháng ra một kỳ và cho đến 1975, có được 29 số báo trong đó có nhiều số có chủ đề như Chiến thắng Đống Đa, số 1, về Phan Thanh Giản, số 7, Đặc khảo về Quang Trung số 9 và số 10, số đặc biệt về Nguyễn Trung Trực, số 12, 200 năm phong trào Tây Sơn, số 21. Chúng tôi sẽ cho trích đăng một phần tài liệu của những số báo này. Nhất là nhật ký du hành sang Pháp của cụ Phan Thanh Giản với nhiều chi tiết rất thú vị, đồng thời những cảm tình của người Pháp khi cụ Phan Thanh Giản qua đời.

Ngoài ra còn có các số đặc biệt về phong tục Tết VN và các lân bang, số 5, hai số đặc biệt chủ đề về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, tập 19-20, tháng 12- 1970 đặt ra nhiều vấn đề như khẩn hoang(Sơn Nam), Di tích Chiêm Thành (Trần Nhân Tâm),Những người Việt tiền phong trên bước đường Nam Tiến (Lê Hương), Thư tịch về cuộc Nam Tiến (Trần Anh Tuấn), Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long, chặng cuối cùng của cuộc Nam tiến (Nhuyễn Văn Hầu), Lịch sử cuộc Nam tiến của dân tộc VN (Phù Lang Trương Bá Pháy), Vài nét về văn học nghệ thuật VN trên đường Nam tiến (Nhuyễn Văn Xuân). Số chót 29, tháng 3-1975, trước khi miền Nam bị mất, một số báo rất quan trọng cho ngày nay. Đó là đặc khảo về Hoàng Sa và Trườnng Sa với rất nhiều chứng liệu như: Phúc trình về công tác nghiên cứu phốt phát lần cuối cùng của Trần Hữu Châu. Phúc trình về cuộc thám sát hòn Nam Ýt vào năm 1973 của Trịnh Tuấn Anh. Thái Văn Kiểm với những sử liệu Tây Phương về chủ quyền VN về quần đảo Hoàng SaNhững sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của VN của Hãn Nguyên. Hoàng Sa dưới mắt nhà địa chất H. Fontaine (tên tiếng Việt là cha Phòng), Hoàng Sa qua tài liệu của Hội truyền giáo Ba Lê của Nhuyễn Nhã. Các văn kiện chính thức xác nhận chủ quyền VN từ thời Pháp thuộc, Ông bà Trần Đăng Đại. Hoàng Sa qua những nhân chứng của Trần Thế Đức.

Các số chủ đề này không dễ thực hiện, nhiều khi đó là công trình nghiên cứu của cả một đời người, đòi hỏi nhiều nhân lực và thì giờ. Vì thế, ba tháng TSSĐ miền Nam mới ra được một số. Nhưng phần phẩm chất phong phú và trung thực quan trọng cho mỗi số báo, nhóm TSSĐ miền Nam đã giữ được và là một công trình văn hoá xứng đáng để lại cho đời sau. Tập san Sử Địa miền Nam đã có một cố gắng và một nỗ lực không ngưng nghỉ để tồn tại cho đến 1975.