Freitag, 28. Februar 2014

Bốn mươi năm sau ĐỌC LẠI TÁC PHẨM MÌNH

Bốn mươi năm sau ĐỌC LẠI TÁC PHẨM MÌNH

Thứ Hai, ngày 06 tháng 9 năm 2010

Trang Châu

Cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến được viết thành một bút ký dài với mục đích tiên khởi là để dự thi Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc do nền Đệ Nhị Cộng Hòa tái lập vào năm 1969. Giải thưởng nầy, được thiết lập dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bị gián đoạn sau cuộc chính biến năm 1963. Tôi còn nhớ mình hăm hở viết, được trang nào là đưa cho người hạ sĩ quan thư ký đánh máy. Lúc ấy tôi đang là Đại Đội Trưởng Đại Đội Chỉ Huy kiêm y sĩ gây mê của bệnh viện Đỗ Vinh của Sư Đoàn Dù. Tôi hăm hở viết vì điều kiện dự thi không bắt buộc phải là một tác phẩm đã xuất bản và nếu hoàn tất trong vòng sáu tháng thì kịp thời hạn chót để nộp tác phẩm dự thi. Tôi hăm hở viết vì trong thời gian đang thụ huấn chuyên môn gây mê tại Tổng Y Viện Cộng Hòa tôi được tin bài bút ký Đường Ra Bến Hải của tôi được chấm giải nhất trong cuộc thi bút ký chiến đấu do báo Tiền Phong của Cục Tâm Lý Chiến tổ chức. Khi đi lãnh giải thưởng 10.000 đồng tôi mới biết chánh chủ khảo cuộc thi nầy là nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh. Tôi nghĩ chính giải thưởng nầy là động cơ thôi thúc tôi hoàn tất cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến.

NGUYỆT SAN TÌNH THƯƠNG 1963-1967Tiếng nói của Sinh viên Y Khoa
Gửi Nghiêm Sỹ Tuấnvà các Bạn Nhóm Tình Thương
DẪN NHẬP: Nhà văn Trần Hoài Thư, người đầu tiên thực hiện kỹ thuật POD/ Print-On-Demand cho sách báo Việt Nam ở hải ngoại, và mới đây Thư Quán Bản Thảo đã hoàn tất bộ sách Văn Miền Nam, dày hơn hai ngàn trang, tập hợp hầu hết các tạp chí văn học trước 1975_ chỉ thiếu báo Tình Thương. Anh THT cho biết như vậy. Rồi cũng thật bất ngờ, khi hai anh Trần Mộng Lâm và Thân Trọng An từ Montréal Canada cho biết “Tập San Y Sĩ sẽ thực hiện một số chủ đề về báo Tình Thương: viết về sự ra đời, vai trò và những thành quả của tờ báo này, cùng với những kỷ niệm một thời xa xưa của chúng ta.” Hy vọng đây sẽ là một số báo đặc biệt với nhiều người viết, liên hệ tới một nguyệt san ra đời cách đây đã 46 năm của những người sinh viên áo trắng, đã tốt nghiệp, rời xa mái trường xưa, trong đó có một số Bạn đã ra đi rất sớm trong chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác về tuổi tác sau này. Được tham dự vào ban Biên tập Tình Thương từ số báo đầu tiên cho tới ngày báo bị đình bản, với tôi đó là những năm tháng không thể nào quên. Với một bút ký ngắn như một sơ thảo, có thể còn thiếu sót nhưng vẫn mong đây là một đóng góp với các bạn trong nhóm Tình Thương cho số báo chủ đề TSYS ấy để cùng “Tìm Lại Khoảng thời Gian Đã Mất.”
VẬY MÀ ĐÃ 46 NĂM RỒI
Thời gian ở trường Y khoa, đó thực sự là những năm xanh của một đời người. Không phải chỉ có học, chúng tôi còn có những bận rộn ngoài chuyên môn y khoa như hoạt động sinh viên và cùng với các bạn trông nom tờ báo Tình Thương. Tờ báo ấy ra đời trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt ngay sau biến động tháng 11 năm 1963. Ý kiến ra báo có lẽ là từ nhiều người, như các anh Trần Xuân Ninh, Phạm Đình Vy, Phạm Văn Lương… Với manchette báo mang tên Tình Thương, ban đầu do Phạm Đình Vy đứng tên Chủ nhiệm, Nguyễn Vĩnh Đức Chủ Bút, Trần Xuân Dũng Tổng Thư ký, Nghiêm Sỹ Tuấn Thư ký và Vũ Thiện Đạm là Thủ quỹ. Với đường lối được ghi dưới tên báo: cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên Y khoa.